Nhận định về sự kiện dàn khoan HD891 của Nguyễn Hưng Quốc và Bùi Tín.

Trung Quốc đã thắng ở Biển Ðông
Nguyển Hưng Quốc
14/5/2014
Trên các diễn đàn mạng, trước sự hoài nghi của nhiều người đối với khả năng ứng phó của Việt Nam về vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào khu vực thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, các dư luận viên của Hà Nội đều đưa ra luận điệu giống nhau: Đừng coi thường Việt Nam! Việt Nam đã có sẵn kế sách đối phó với Trung Quốc. Việt Nam sẽ ra tay ở một thời điểm thích hợp nào đó. Và chắc chắn họ sẽ thắng.

Thật ra, một chiến thắng về quân sự trên mặt trận trên biển của Việt Nam đối với Trung Quốc, với giới quan sát quốc tế, là một không tưởng. Nhiều người lập luận: Về quân sự, Việt Nam đứng vào hàng thứ mười mấy trên thế giới. Thì đành vậy. Có điều, khi nói như thế, người ta quên nhìn vào Trung Quốc: Bây giờ họ chỉ thua Mỹ. Khoảng cách giữa Việt Nam và Trung Quốc, do đó, vẫn còn rất xa.

Hơn nữa, ở khía cạnh này, sức mạnh chủ yếu của Việt Nam là ở con người, một yếu tố chỉ phát huy hết tiềm lực của nó trong cái gọi là chiến tranh nhân dân. Nhưng không ai có thể sử dụng chiến tranh nhân dân trên biển được. Đưa cả hàng chục ngàn chiếc tàu đánh cá ra khơi để tham gia vào trận chiến chỉ là một cách tự tử tập thể. Trên biển, chỉ có một yếu tố quan trọng: vũ khí; trong vũ khí, chỉ có hai đặc điểm đáng kể: số lượng và trình độ kỹ thuật. Ở cả hai, Việt Nam đều thua Trung Quốc rất xa. Sự thua kém này có thể bù đắp được với một điều kiện: Việt Nam có thêm nhiều đồng minh giúp đỡ. Nhưng chuyện đồng minh, những nước có thể tham gia chia lửa với Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc hiện nay, gần như là một con số không to tướng.

Trước mắt, trong hơn hai tuần hục hặc, chủ yếu chỉ lấy vòi rồng xịt nước vào nhau, chứ chưa có tiếng súng nào nhắm vào nhau nổ cả, người ta có thể đánh giá: Trung Quốc đã thắng. Thắng đến cả mấy bàn.

Tuy nhiên, trước khi nói đến chuyện thắng hay thua, chúng ta cần phải căn cứ vào mục tiêu của Trung Quốc trong việc gây hấn ấy. Thắng, khi người ta đạt được mục tiêu; và thua, khi người ta không đạt được tất cả hoặc phần lớn các mục tiêu ấy.

Vậy, mục tiêu của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan đến khu vực Biển Đông là gì?

Hầu như mọi người đều đồng ý với nhau, có hai mục tiêu chính: kinh tế và chính trị. Kinh tế chỉ là phụ: Một là, đây chỉ là giai đoạn thăm dò chứ không phải khai thác; hai là, theo sự đánh giá của các chuyên gia quốc tế, triển vọng khai thác được dầu khí ở khu vực này (lô 143) khá thấp. Chính trị mới là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Tầm quan trọng ấy nằm ở hai điểm: Một, nó là một bước mới trong cả tiến trình cưỡng đoạt Biển Đông từ Việt Nam; và hai, nó nhằm trắc nghiệm phản ứng của ba đối tượng chính: Việt Nam, khối ASEAN và Mỹ.

Có thể nói, một cách tóm tắt và rõ ràng, ở cả ba cuộc trắc nghiệm ấy, Trung Quốc đều thành công.

Thứ nhất, về phía Việt Nam, cho đến nay, họ vẫn sử dụng một sách lược mà Trung Quốc cũng như cả thế giới đã biết rõ từ lâu: cứng rắn nhưng tự kiềm chế đến tối đa. Dù Trung Quốc ngang ngược đến mấy, Việt Nam cũng vẫn muốn giải quyết tranh chấp bằng hoà bình, nghĩa là luôn luôn cố gắng tránh việc sử dụng bạo lực để có thể làm bùng nổ một cuộc chiến tranh mà họ nắm chắc phần thua. Sự tránh né ấy khiến cái gọi là “cứng rắn” chỉ còn là một động thái mang tính chất tu từ học. Nói cách khác, người ta tin là Việt Nam sẽ tiếp tục kéo dài cuộc chiến tranh tu từ (rhetoric war) ấy cho đến khi Trung Quốc chấm dứt cuộc thăm dò vào tháng tám tới. Khi Trung Quốc rút giàn khoan HD-981 về sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ, họ sẽ tuyên bố với nhân dân trong nước: Họ đã “chiến thắng”!

Thứ hai, về phía ASEAN, chiến thắng của Trung Quốc càng dễ thấy. Trong cuộc Hội nghị cao cấp của khối vào ngày 11 tháng 5 tại Miến Điện, Nguyễn Tấn Dũng đã đọc một bài diễn văn khá mạnh mẽ, trong đó, lần đầu tiên ông gọi đích danh Trung Quốc, kẻ đang hung hăng đe doạ hoà bình trong khu vực và ông cũng kêu gọi các nước trong Khối cùng nhau bày tỏ sự phản đối đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, kết quả là gì? Trong thông báo chung cuối hội nghị, người ta chỉ đồng ý với nhau ở lời kêu gọi chung chung và đầy khuôn sáo: “Hai bên Trung Quốc và Việt Nam nên kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.” Coi như huề. Họ không phê phán Trung Quốc. Họ cũng không hề bày tỏ là sẽ đứng vào phe nào nếu cuộc xung đột nổ lớn.

Thái độ này, thật ra, cũng chả có gì khó hiểu. Có hai lý do chính. Một là, giữa Việt Nam và một số nước khác trong khối cũng đang tranh chấp với nhau về một số hòn đảo, và vì những tranh chấp ấy, cho đến nay, hầu như họ vẫn từ chối hợp tác với nhau trong cuộc đương đầu với Trung Quốc. Hai là, ngoài một số nước đã bị Trung Quốc mua chuộc (trong đó có nước láng giềng và xưa nay vốn bị xem là đàn em thân tín của Việt Nam: Campuchia), và tất cả các nước đều lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, bởi vậy không ai thấy có lợi gì trong việc liên kết với Việt Nam để chống lại Trung Quốc cả. Nếu có một số nước muốn làm điều đó, thì các nước còn lại sẽ tìm cách phá đám để cuối cùng không đi đến một thông báo chung, như điều đã xảy ra trong cuộc hội nghị tại Campuchia năm ngoái.

Thứ ba, về phía Mỹ, cho đến nay, đó là nước lên án Trung Quốc một cách mạnh mẽ nhất với việc cho hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là “khiêu khích”. Tuy nhiên, chắc chắn là Mỹ sẽ không đi xa hơn việc phê phán gay gắt ấy. Có nhiều lý do. Một là, do những khủng hoảng kinh tế và những khó khăn ở Afghanistan cũng như do tâm lý mệt mỏi của quần chúng Mỹ, chính phủ Mỹ không hề sẵn sàng để dấn thân vào bất cứ một cuộc tranh chấp nào khác nữa. Hai là, một trong những nguyên tắc căn bản làm nên chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama là “lãnh đạo từ đằng sau” (lead from behind), mà điển hình là việc tham gia vào cuộc lật đổ Muammar Gaddafi ở Libya vào năm 2011. Theo nguyên tắc này, có thể nói Mỹ chỉ có thể giúp đỡ Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông với hai điều kiện: Việt Nam phải quyết tâm chống lại Trung Quốc trước và phải có một số đồng minh khác sẵn sàng nhảy vào góp sức với Việt Nam. Ngoài ra, còn có thêm yếu tố này nữa: Mỹ chỉ có thể tham dự nếu họ tin cậy Việt Nam. Không có sự tin cậy ấy, không thể có quan hệ hợp tác chiến lược để tiến hành chiến tranh. Kinh nghiệm ở Syria chứng minh điều đó: Mấy năm qua, các cuộc xung đột ở đó đã giết chết cả trăm ngàn thường dân vô tội và làm cho cả triệu người phải chạy sang các nước láng giềng để tị nạn, Mỹ vẫn án binh bất động. Lý do, ai cũng biết: Mỹ, dù rất ghét nhà độc tài Bashar al-Assad, nhưng vẫn nghi ngờ các thành phần đối kháng, trong đó, có những nhóm vốn bị xem là bài Mỹ và khủng bố. Dưới mắt Mỹ, giới lãnh đạo Việt Nam không phải là khủng bố, nhưng lại là những kẻ bài Mỹ. Không ai đem xương máu dân chúng nước họ để hy sinh cho những kẻ cứ ra rả chửi mình!

Nếu cả ba cuộc trắc nghiệm trên của Trung Quốc đều thành công, chả có gì quá đáng nếu chúng ta nói: cho đến nay, ở thời điểm này lúc chưa có bên nào nổ súng cả, Trung Quốc đã thắng Việt Nam trong cả ba ván.

Với ba chiến thắng ấy, Trung Quốc không cần đánh Việt Nam, họ cũng thắng ở trận cuối cùng: Làm cho mọi người mặc nhiên thừa nhận là Trung Quốc có toàn quyền trên Biển Đông. Khi việc thăm dò chấm dứt, họ có thể mang giàn khoan HD-981 về nước và sau đó, khi cần, họ có thể ung dung trở lại. Chiến tranh, nếu có, cũng chỉ là những trận đánh võ mồm, chủ yếu để lừa dân trong nước.

Chưa bao giờ tôi viết bài nào mà lại có tâm trạng đau đớn và tức tối như lúc viết bài này. Nhưng chúng ta chỉ có thể hy vọng nếu chúng ta can đảm nhìn vào sự thật. Cả  việc bị lừa dối hay tự lừa dối đều chỉ làm tăng thêm và/hoặc kéo dài thảm kịch.


***************************************

Thời cơ và chiến lược

Bùi Tín
26.05.2014

Trên blog VOA, anh Nguyễn Hưng Quốc đưa ra nhận định “Trung Quốc đã thắng ở biển Đông”. Tôi hơi băn khoăn dè dặt về nhận định ấy, nay có đôi lời trao đổi.

Trước hết nhận định này hơi sớm. Sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan cực lớn HD-981 vào vùng biển Việt Nam còn mới, các phản ứng qua lại ở các phía còn đang diễn ra, chưa nên kết luận một cách dứt khoát.

Xét về mặt chiến thuật đây có thể là một thắng lợi, mà thắng lợi có thể là tạm thời. Nhưng xét về mặt chiến lược, chưa thể cho là Trung Quốc đã thắng, trái lại. Chiến lược luôn có vị trị quan trọng, lâu dài hơn là chiến thuật.

Về mặt chiến lược, nên nhớ lời căn dặn tâm huyết của nhà mưu lược Đặng Tiểu Bình trước khi đi xa với nhóm lãnh đạo kế tiếp Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo là “Thao Quang Dưỡng Hối“, 4 chữ cô đọng, được giải thích là kiên trì bốn hiện đại trong bóng tối, chớ vội phô trương thanh thế, hết sức nhũn nhặn mềm dẻo, che dấu mưu đồ bá chủ, chờ đợi khi đã đủ nanh vuốt hãy hành động.
Đã có nhiều bài và cuốn sách ở Bắc Kinh tán rộng lời di chúc này, rằng: cần ẩn mình chờ thời, giấu kín miếng võ hiểm, nằm gai nếm mật, khi cần thì vờ ngu giả dại, để lừa cả thế giới, không bị cản phá, phải nín thở qua sông ít ra là 25, 30 năm (theo g/s Đặng Duật, tạp chí Học tập /Bắc kinh, tháng 10/2012).

Gây sự với Nhật Bản, rồi với Philippines, nay với Việt Nam, Trung Quốc tự phơi bày ra toàn thế giới dã tâm thầm kín, còn gì là lời cam kết “trỗi dậy hòa bình”, “là thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc”. Trung Quốc ngang nhiên chà đạp lên Luật Biển về tôn trọng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, trở thành một nhà nước phạm pháp, bị Philippines kiện ra trước Tòa án Quốc tế La Haye. Việt Nam rất nên khởi kiện khi lẽ phải, pháp luật thuộc về ta.

Với các nước ASEAN mà Trung Quốc cố mua chuộc lôi kéo từng nước một, Philippines đã trở thành đối kháng, Malaysia lạnh nhạt, Indonesia e ngại vì họ có lý khi nghĩ rằng sẽ đến lượt mình bị Trung Quốc vươn lưỡi bò bành trướng đến liếm rồi gặm nhấm.
Singapore còn nhớ tại cuộc họp ASEAN mở rộng tháng 8/2010 ở VN, sau khi ngọai trưởng Hillary Clinton khẳng định:
“Hoa Kỳ coi vùng biển Đông với đường hàng hải quốc tế là vùng quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ và của tất cả các nước. Hoa Kỳ trở lại vùng này trên thế mạnh”, ngoại trưởng TQ Dương Khiết Trì chạm nọc mặt hầm hầm bỏ ra ngoài phòng họp.
Khi trở vào ông ta hướng vào đại diện Singapore nói:
“Các ngươi là nước nhỏ, chúng tôi là nước lớn”
(trên Chuyển Hóa, tháng 8/2010).

Việc huy động gần 100, nay là hơn 120 tàu phòng vệ bờ biển, tàu an ninh, cảnh sát biển, trong đó có 7 tàu chiến, với hàng chục máy bay do thám, trực thăng võ trang hoạt động thị uy quanh giàn khoan HD-981, Trung Quốc sẽ phải trả giá rất đắt về uy tín thể diện quốc gia của mình, khi tự phơi bày bản chất bành trướng, hung hăng hiếu chiến, chà đạp luật pháp quốc tế, chà đạp Luật biển, vi phạm những cam kết quốc tế của chính mình.

Nghị quyết đại hội đảng CS TQ lần thứ 17 và 18 đều nhấn mạnh đến giữ vững sự ổn định trong nội bộ cũng như sự ổn định trong quan hệ quốc tế là điều kiện sống còn để xây dựng đất nước phồn vinh, thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Với các sự kiện như đại án Bạc Hy Lai, rồi đại hồ sơ Chu Vĩnh Khang với hơn 200 tay chân thân tín phần lớn là quan chức cấp cao đảng CS thuộc ngành dầu khí và ngành công an đã bị bắt chờ ngày ra tòa; rồi sự nổi dậy của nhân dân Tây Tạng, Tân Cương, của người theo Pháp Luân Công ngày càng quyết liệt.
Vụ giàn khoan HD-981 tạo thêm bất ổn mới sẽ kéo dài và phức tạp. Các công ty làm ăn với VN, với Philippines, cả với các nước ASEAN khác sẽ gặp khó khăn mất ổn định, thị trường xuất nhập khẩu bị đảo lộn, đầu tư kinh doanh bị rối lọan.

Có thể nói tuy khủng hoảng mới ở biển Đông diễn ra có 2 tuần, TQ xem ra đã thua thiệt về mặt chiến lược không phải là nhỏ. Thể diện quốc gia bị xấu đi, uy tín quốc tế bị giảm sút, niềm tin chiến lược với toàn thế giới bị bào mòn rõ, nội bộ vốn mất ổn định càng mất thêm. Liên minh Hoa Kỳ - Nhật Bản - Nam Triều Tiên - Đài Loan - Thái Lan - Philippines ở châu Á tăng bao vây ngăn chặn cô lập TQ bành trướng. Dầu thăm dò chưa thấy tăm hơi đâu đã tốn phí bao công của, còn bị nhìn nhận là nhân tố gây rối, khó chơi. Hình ảnh người khổng lồ cô đơn bị tai tiếng thêm đậm nét. Đặng Tiểu Bình nếu còn sống chắc sẽ đau buồn lắm.

Tuy cuộc họp ASEAN không lên án đích danh Trung Quốc, nhưng Philippines và Indonesia qua phát ngôn chính thức đã lên án nghiêm khắc Bắc Kinh; Liên Âu cũng lên án công khai Bắc Kinh về chuyện này. Bộ chỉ huy Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đang làm nhiệm vụ ở Thái Bình Dương tỏ ý có quan hệ thân hữu hơn với VN, mong muốn có thêm tàu chiến Mỹ đến thăm hải cảng VN. Soái hạm Hạm đội 7 đậu ngay trước tầu Trung Quốc (tin AP và AFP- 17/5).

Nhà bình luận Brad Glosserman trên báo The National Interest (20/5/2014) cho rằng uy tín TQ đã bị sút giảm nghiêm trọng, TQ bị coi là nhân tố khiêu khích gây bất ổn trong vùng. Nhà bình luận có tín nhiệm quốc tế Bill Hayden nhận định “Bắc kinh đã đi sai một nước cờ”, khi tự phơi bày chất bành trướng bất chấp trật tự và luật pháp, tự dấn thân vào thế bị e ngại, nghi ngờ và ngăn chặn (theo Viet-studies-18/5). G/s Hà Anh Tuấn từ Úc cho rằng Bắc Kinh đã tự mình kết thúc quá sớm cuộc “trỗi dậy hòa bình “, tự phô ra hình ảnh một đế chế thực dân mới lạc lõng giữa thế kỷ XXI, còn nhà báo Ấn độ Vikram Singh nhận xét “lửa TQ gây ra ở biển Đông cuối cùng đã gây ra nạn cháy ở Bắc Kinh” (đều trên Viet-Studies-20/5).

Tổn thất của Bắc Kinh về thể diện, uy tín quốc gia, về mong muốn làm bạn với tất cả các nước, về duy trì sự ổn định trong ngoài nước để thực hiện 4 hiện đại hóa tuy không đo đếm được nhưng có thể nhìn thấy rõ, cứ như tự mình vác đá nện vào chân mình khi đang muốn đi nhanh, như con hổ to xác nhưng nanh vuốt chưa kịp mọc đủ và nhọn đã xông ra gây sự.

Có thể chỉ vì muốn lấy sự kiện đối ngoại che lấp những rối ren nội bộ đảng CS và những xung đột chủng tộc ở trong nước mà tập đoàn Tập Cận Bình đã có quyết định sai lầm về chiến lược, quên phắt lời rỉ tai tâm huyết của nhà mưu sĩ Đặng Tiểu Bình. Họ sẽ phải trả giá khá cao và lâu dài. Thắng về chiến thuật nhưng thất bại về chiến lược thì tổng kết lại là thua.

Cũng giống như con gấu Nga tuy ngoạm được vùng Crimea, nhưng thua thiệt về uy tín quốc tế, mất bạn bè, nội bộ thêm mất ổn định, kinh tế lao đao, cũng là bại về chiến lược.

Huống chi cuộc khủng hoảng biển Đông ở VN chưa thể coi là kết thúc. Hy vọng và cầu mong sự kiện HD-981 rồi sẽ đi đến một 'Happy ending- Kết thúc tốt đẹp'.

Sự cao ngạo khinh miệt “các đồng chí đàn em” đến độ quá đáng của Bắc Kinh làm cho đàn em dù nhẫn nhục vẫn không sao chịu nổi. Con giun xéo mãi cũng quằn. Chả lẽ toàn ban lãnh đạo CS đã mất hẳn gốc dân tộc, mất sạch lương tri, bạc nhược đến tận cùng rồi ư!

Đàn em mềm yếu bị dồn đến tận cùng ô nhục có thể tỉnh ra, đứng thẳng dậy nói: “Không!” với ông anh quá đáng. Không! Không còn 4 tốt, không còn 16 chữ vàng. Xin trả lại đàng ấy.

Từ nay quan hệ giữa 2 nước là không thân cũng không sơ, nên là láng giềng bình đẳng biết sống tử tế với nhau, thế là đủ.

Sự phân hóa trong nhóm lãnh đạo của VN là bình thường, tất yếu, chỉ chưa rõ là phân hóa đến mức nào. Cú hích từ phương Bắc đến quá mạnh, quá phũ phàng chỉ làm cho sự thức tỉnh giật mình của số người còn có lòng yêu nước, còn có lương tri thêm mạnh mẽ, dứt khoát. Rất có thể một bộ phận lãnh đạo được giới trí thức tiền phong tận lực hỗ trợ, được toàn dân cổ vũ sẽ bật dậy nhận trách nhiệm gắn bó với nhân dân đương đầu với cuộc khủng hoảng biển Đông, thực hiện một cuộc bẻ lái chiến lược có tính chất quyết định.

“Đi Với Nhân Dân” là 4 chữ vàng nguyên chất vĩnh cửu của nhóm lãnh đạo tỉnh ngộ ấy.

Đi với nhân dân để xây dựng nền Dân chủ / Pháp quyền tiến bộ, tạo sức chống ngọai xâm.

Đi với nhân dân để tự do kết bạn thân thiết với các nước dân chủ tiến bộ, tạo nên thế ngoại giao và quốc phòng vững chắc trên cơ sở Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Không ai có thể cấm nước ta kết bạn thân thiết, kết liên minh toàn diện với những nước đáng tin cậy vì quyền lợi chung khớp với nhau. Chỉ có dở hơi mới cam kết không liên minh với ai, tự trói tay mình.

Đi với nhân dân để cùng nhân dân và quân đội nhân dân bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, vùng biển đặc quyền của Tổ Quốc bằng mọi biện pháp chính đáng. Một khí thế mới sẽ bật dậy.

Lãnh đạo hãy nối tay với toàn dân cùng xuống đường đòi TQ phải rút ngay giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển VN, đó là hành động của nước lớn biết tự trọng, biết giữ danh dự, thể diện của một cường quốc “trỗi dậy trong hòa bình”, “là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc”, giữ ổn định trong quan hệ quốc tế cũng như ổn định trong nước họ.

Nếu như ước muốn tốt đẹp trên đây không thành, chuyện gì sẽ xảy ra nếu như toàn thể bộ sậu lãnh đạo đảng CS vẫn một mực duy trì cái gông “4 tốt – 16 chữ vàng” tròng vào cổ dân ta, chỉ giả vờ lên án bọn bành trướng để xoa dịu phẫn nộ của nhân dân, còn lệnh cho công an đàn áp tàn bạo công dân yêu nước, thì thế tắc ắt thông, tức nước ắt vỡ bờ, sự phẫn nộ như sấm sét của quần chúng sẽ bùng nổ, quét sạch mọi kẻ bán nước hại dân, dựng nên cơ đồ mới, mở ra kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp, dân chủ, những khát vọng nóng bỏng thiêng liêng của toàn dân Việt Nam.

Đây không phải là kết thúc lý tưởng. Nhưng nếu như phải qua một cuộc nổi dậy quyết liệt của đông đảo quần chúng, từ trí thức, sinh viên, học sinh, đến lao động, nông dân, tầng lớp trung lưu, bà con các tôn giáo, dân tộc…chung sức mà từ bỏ được chế độ độc đảng phi dân chủ, tạo nên kỷ nguyên dân chủ tiến kịp thời đại, thì dù cho có bị căng thẳng, xáo trộn dữ dội một thời gian ngắn cũng là hy sinh chung cần thiết, một cuộc đau đẻ để cho ra đời một nước Việt Nam Dân chủ Tự do Hiện đại khỏe khoắn đầy sinh lực.

Nam Triều Tiên, Đài Loan, Philipines, Indonesia, rồi gần đây Tunisia, Ai Cập, Libya, Miến Điện…làm được như thế, chưa nói đến các nước XHCN cũ như Ba Lan, Đông Đức, Tiệp …đều tiếp nối nhau làm được như thế, tại sao VN lại không làm nổi. Thời cơ chiến lược là lúc này đây.

Như vậy cú hích thô bạo của bành trướng lại vô tình tạo thời cơ cho đất nước Việt Nam tiến một bước nhảy vọt, và giàn khoan HD-981 đi vào lịch sử theo một kiểu cách rất độc đáo vậy.

BÙI TÍN
Bac tam Ben Tre's profile photoChetVi VietCong vaTauCong's profile photoDanToc Việtnam's profile photo


Bac tam Ben Tre
Jun 1, 2014
+
1
2
1
Qua hai bài viết bên trên, tác già Nguyển Hưng Quốc tỏ ra bi quan, tuyệt vọng:
"Nếu chúng ta can đảm nhìn vào sự thật, việc bị lừa dối hay tự lừa dối đều chỉ làm tăng thêm và/hoặc kéo dài thảm kịch...
Chưa bao giờ tôi viết bài nào mà lại có tâm trạng đau đớn và tức tối như lúc viết bài này"

Trái lại, tác giả Bùi Tín vẩn còn hy vọng:
"Thô bạo của bành trướng lại vô tình tạo thời cơ cho đất nước Việt Nam tiến một bước nhảy vọt, và giàn khoan HD-981 đi vào lịch sử theo một kiểu cách rất độc đáo " ... "nếu như phải qua một cuộc nổi dậy quyết liệt của đông đảo quần chúng, từ trí thức, sinh viên, học sinh, đến lao động, nông dân, tầng lớp trung lưu, bà con các tôn giáo, dân tộc…chung sức dẹp bỏ được chế độ độc đảng phi dân chủ, tạo nên kỷ nguyên dân chủ tiến kịp thời đại để cho ra đời một nước Việt Nam Dân chủ Tự do Hiện đại đầy sinh lực."

LỊCH SỬ VIỆT NAM SẼ ĐƯỢC LẬP LẠI
************************************
"Những ai không biết lịch sử sẽ bị thất bại khi lập lại nó" ("Those who don't know history are doomed to repeat it.” ) Edmund Burke đã đúng khi nói lên câu nầy. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi ấy tôi là lính VNCH, đã kết luận rằng "Người Cộng sản Bắc Việt đã THẮNG", Huy Đức sau nầy đã viết quyển "Bên thắng cuộc" cũng tương tự công nhận người Cộng sản miền Bắc đã "thắng".
 Tuy nhiên, sau trên 35 năm đi tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu lịch sử, giờ đây tôi dám khẳng định: TOÀN DÂN HAI MIỀN NAM BẮC VIỆT NAM ĐỀU LÀ NHỮNG NGƯỜÌ CHIẾN BẠI. Người dân miền Nam bị mất nước kể từ năm 1975, nhưng người dân miền Bắc đã bị mất nước từ nam 1950. Dấu mốc thời gian lịch sử là sự thành công của Cộng sản Trung Hoa khi Mao Trạch Đông chiếm trọn Trung hoa lục địa, đưa đến việc Hồ Chí Minh theo Mao. Chuyện bắt đầu kể từ tháng giêng năm 1950 khi Hồ Chí Minh, sau đại hội lần thứ ba, đã bí mật không thông qua ý kiến của Nghị Viện (Quốc hội năm 1946) sang TQ và Liên Xô ký kết bí mật với đệ tam quốc tế nhận vủ khí viện trợ đánh Pháp.
Theo tài liệu lịch sử của Chen Jian "Con đường Trung quốc đi đến chiến tranh Triều Tiên" (China's Road to the Korean War) "có chép như sau:
Ttrước khi cách mạng Trung Quốc thành công, Lưu Thiếu Kỳ có một vài chuyến đi bí mật tới Liên Xô. Tại cuộc hội đàm với Lưu Thiếu Kỳ (7-1949), Stalin đồng ý để Trung Quốc giữ vai trò đầu tàu đối với cách mạng Phương Đông (tức Đông Nam Á, Đông Dương, trong đó có Việt nam (*)
Đầu năm 1950, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc gồm 79 người do Vi Quốc Thanh đứng đầu được cử sang giúp Việt Nam chống Pháp. Các cố vấn Trung Quốc kiên trì quan điểm “nếu không thực hành giảm tô, giảm tức, phát động hơn nữa nhiệt tình của nông dân tham gia chiến đấu thì muốn kiên trì cuộc chiến tranh chống Pháp lâu dài đến thắng lợi cuối cùng là có khó khăn. Hồ Chí Minh đã BÍ MẬT đi sang Bắc Kinh và Moscow KHÔNG THÔNG QUA NGHỊ VIỆN THEO QUY ĐỊNH Ở CHƯƠNG 3 ĐIỀU 23 (tức Quốc Hội nước VNDCCH năm 1946) (*) để ký kết bí mật với Liên Xô và Trung Cộng để xin viện trợ vũ khí đánh Pháp và thuận theo chỉ thị của Stalin làm mọi công tác theo sự điều hành của Mao Trạch Đông. Vì lý do bị áp lực từ phía Trung quốc nên sau đại hội đảng lần thứ 3 năm 1950, Hồ Chí Minh quyết định đi theo con đường cách mạng kiểu Mao Trạch Đông về Cách Mạng Đấu Tranh Giai Cấp, trong đó đề ra Cải Cách Ruộng Đất tại Đại Hội 1 đảng Lao Động Việt nam họp tại Việt Bắc từ ngày 14 đến 23 tháng 11 năm 1953. Đó là nguyên nhân sâu xa khởi nguồn từ Hồ Chí Minh chấp nhận làm nô lệ cho Trung quốc từ năm 1950, 1953 với những màn Đấu tố địa chủ rất dã man theo kiểu Trung quốc tại miền Bắc nước ta.

  Tấm hình trên với những bà mẹ Việt nam ốm yếu, thảm sầu với tấm biểng "Trung quốc hảy ra khỏi Việt nam". Họ yêu nước nhưng các người lảnh đạo đất nước Việt nam ngày nay noi theo gương Hồ Chí Minh tuyệt đối tuân lệnh kẻ thù Trung quốc, không cho phép người dân Việt nam yêu nước, ai yêu nước biểu tình chống giặc Tàu sẽ bị bắt bớ giam cầm. Như vậy toàn dân Việt nam đã mất nước rồi còn gì. Tất cả chúng ta đều là những người thua và Trung quốc là kẻ thắng.

Giàn khoan HD 981 là khởi nguồn cho lịch sử chống giặc ngoại xăm từ phương bắc, kẻ thù tuyền kiếp của dân tộc ta. Lịch sử nước ta lại sẻ được tái diển trở lại với những Trưng Vương, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung vùng lên đánh đuổi kẻ ngoại xâm thêm một lần nữa.
Lịch sử đã chứng minh con đường chống ngoại xâm của dân tộc Lạc Việt rất dài, cam go và gian khổ nhưng kết cuộc cũng giành được chủ quyền và có độc lập.
Xin ơn trên phò hộ chúng ta.    

Chú thích:
* Chen Jian: China's Road to the Korean War: The Making of the Sino-American Confrontation, New York, Columbia University Press, 1994, pp.74-75.) Ít tháng trước khi cách mạng Trung Quốc thành công, Lưu Thiếu Kỳ có một vài chuyến đi bí mật tới Liên Xô. Tại cuộc hội đàm với Lưu Thiếu Kỳ (7-1949), I.V.Stalin nhiệt thành khuyến khích Trung Quốc có một vai trò lớn hơn trong thúc đẩy làn sóng cách mạng ở châu Á và đồng ý để Trung Quốc giữ vai trò đầu tàu đối với cách mạng Phương Đông.

(*) Theo HIẾN PHÁP NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ THÔNG QUA NGÀY 9-11-1946) có quy định Nghị Viện (NV) ở
- Chương 3 điều 22 quy định vai trò của NV
" Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà."
Điều 23 như sau:
"Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc ... biểu quyết, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài
- Chương 4 điều thứ 43 và 44
"Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. "
"Chính Phủ VNDCCH đứng đầu là Hồ Chí Minh"
- Điều thứ 50 lại quy định:
"Chủ tịch nước Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc".

http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=536

Comments

Popular posts from this blog

Tình yêu thơi chinh chiến-Tuyết Thu .