KQVNCH/VNAF

Không Quân thời Nguyễn Xuân Vinh - Phạm Phong Dinh
Ngày 20 Tháng Bảy, 1954 là ngày Quốc Hận thứ nhất của người Việt, khi thực dân Pháp và Cộng Sản Việt Nam đặt bút ký Hiệp Ðịnh Genève, lấy sông Bến Hải và vĩ tuyến 17 ngăn chia đôi bờ Nam-Bắc.
ng Dinh
Cựu Ðại Tá Tư Lệnh Nguyễn Xuân Vinh
Những loại phi cơ của Không Quân Việt Nam trong thời Ðại Tá Tư Lệnh Nguyễn Xuân Vinh
Ngày 20 Tháng Bảy, 1954 là ngày Quốc Hận thứ nhất của người Việt, khi thực dân Pháp và Cộng Sản Việt Nam đặt bút ký Hiệp Ðịnh Genève, lấy sông Bến Hải và vĩ tuyến 17 ngăn chia đôi bờ Nam-Bắc. Trong hiệp định có điều khoản cho phép dân chúng hai miền Nam-Bắc được tự do chọn lựa miền sinh sống, không một áp lực nào thúc bách họ phải ra đi hay một cường lực nào được quyền cầm giữ họ lại. Ngay lập tức, có hai luồng di cư, như hai con nước nóng và lạnh chảy ngược chiều nhau. Mỗi một luồng đều mang theo dòng chảy của nó biết bao là đau đớn quặn thắt của nỗi sinh ly tử biệt.
Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã tuân thủ nghiêm nhặt những điều khoản trong hiệp định, cho phép những người khoái chủ nghĩa xã hội và ánh hào quang Ðiện Biên Phủ giả tạo muốn ra đi tùy ý. Tha hồ cho đảng Lao Ðộng quảng cáo rùm beng thiên đàng Cộng Sản. Thật kỳ diệu, quần chúng miền Nam chọn ở lại với chính thể tự do của Quốc Trưởng Bảo Ðại và Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm. Dĩ nhiên những người trai miền Nam đã trót lỡ dâng hiến đời họ cho thứ ảo vọng và cuồng tín, phải cắn răng từ giã cha mẹ vợ con để thực hiện cái gọi là tập kết ra Bắc. Ðất nước đã hòa bình rồi, dù là thứ hòa bình mỏng manh và tính từng ngày, nhưng không có thứ chính thể nào mà đã nỡ nhẫn tâm chia cắt tình cảm thiêng liêng của con người. Như cái chính thể cực ác cùng hung của Hà Nội.
Luồng di cư xuất phát từ miền Bắc xuôi về miền Nam không có được cái may mắn được ngụy quyền Hà Nội tạo cho điều kiện thuận lợi để tỏ rõ thái độ lựa chọn trong sáng của họ. Con số một triệu đồng bào Bắc vào được đến miền Nam lẽ ra có thể lên đến một khối lượng gấp đôi hay thậm chí gấp năm mười lần, nếu cái chính thể tự xưng là hạnh phúc và tự do cho phép người ta được chọn lựa ra đi. Ở rất nhiều địa phương, theo đồng bào may mắn vượt thoát vào Nam kể lại. Một đoạn đường ngắn từ làng quê xuống điểm hẹn hải vận của quân Ðồng Minh chỉ vỏn vẹn có chừng 15 cây số, mà các cán bộ Việt Cộng hướng dẫn đoàn người khốn khổ đi rồi nghỉ, nghỉ rồi đi, đến những... 1 tháng mới tới nơi. Nhiều đoàn đồng bào khi đến được điểm hẹn, nghẹn ngào tức uất nhìn bến cảng vắng lặng như bãi tha ma. Những con tàu chuyên chở hạnh phúc thật sự đã nhổ neo ra khơi từ lâu lắm rồi. Hải quân Ðồng Minh đâu có biết được khi mà họ ra đi về Nam, họ đã để lại đằng sau hàng triệu trái tim tan nát vì tuyệt vọng. Họ đã ra đi thật sớm, chỉ với một cái túi xách nhỏ trên vai, và đã bị ngáng chận trên khắp các nẻo đường, buộc họ phải ở lại với cái thiên đàng tăm tối và tanh tưởi mùi căm thù.
Trôi theo vận nước ngã nghiêng, hai quân chủng lớn của nước Việt Nam Cộng Hòa là Không Quân và Hải Quân, đã thừa hưởng một di sản hết sức nghèo nàn, hầu như là con số không, từ quân viễn chinh Pháp để lại. Tàu thuyền, phi cơ cũ kỹ và hết sức lỗi thời, cơ phận thay thế không bao giờ có nữa. Quân chủng Lục Quân cũng không khá hơn gì.
Trong thời điểm Quân Lực VNCH chính thức hình thành từ năm 1955, Thủ Tướng Diệm thay thế Quốc Trưởng Bảo Ðại để nắm lấy quyền lãnh đạo quốc gia bằng một cuộc trưng cầu dân ý và trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của nền Ðệ Nhất Cộng Hòa. Sau khi nhiệm chức, Tổng Thống Diệm đã lập tức cải tổ quân đội Việt Nam. Ngay trong năm 1955, toán cố vấn quân sự Hoa Kỳ đầu tiên đã đến Việt Nam để giúp đỡ chương trình canh tân quân đội. Các cố vấn Không Quân Hoa Kỳ đã bắt tay ngay vào một công tác hết sức nhiêu khê, là làm sao chuyển đổi hệ thống kỹ thuật và nhân lực Không Quân Việt Nam kiểu Pháp sang thống nhất với hệ thống Không Quân Hoa Kỳ.
Công việc của Ðại Tá Vinh thật hết sức nặng nề, nhận từ người tiền nhiệm một di sản không lấy gì làm khích lệ với những phi đoàn được trang bị hầu hết là những máy bay Pháp cũ kỹ và lỗi thời, Ðại Tá Vinh bắt tay ngay vào việc soạn thảo kế hoạch canh tân và phát triển không lực Việt Nam Cộng Hòa. Các ứng viên trúng tuyển những khóa học phi công và không phi hành có được nhiều điều thuận lợi hơn những lớp đàn anh trong quân chủng thời Pháp, với sự thiết lập MAAG (Military Assistance Advisory Group) Hoa Kỳ ở Việt Nam từ năm 1955, chương trình huấn luyện không quân ở Mỹ dành cho các học viên ngoại quốc đã đi vào nề nếp, việc tổ chức rất có quy củ, các học viên được hưởng rất nhiều thuận lợi, được huấn luyện trên những loại phi cơ tương đối tiến bộ hơn thời du học Pháp khá nhiều.
Công việc của một người tư lệnh bề bộn là thế, mà Ðại Tá Vinh không hề xao lãng những chương trình học vấn của ông. Ngay cả trong thời gian được thụ huấn ở các quân trường Không Quân Pháp, ông đã lấy được nhiều bằng cấp hay tín chỉ khoa học, Toán ở Pháp. Ðại Tá Vinh đã nêu một tấm gương sáng chói mà không phải bất cứ người chỉ huy cao cấp nào cũng làm được. Ông luôn trau giồi kiến thức với quyết tâm nguyện đóng góp và phục vụ đất nước đến mức cao nhất. Lúc nào ông cũng nhiệt thành trang bị cho thế hệ phi công và chiến sĩ Không Quân lòng tự hào về đất nước và về một quân chủng hùng mạnh nhất nhì Á Châu.
Các chuyên viên Hoa Kỳ nhận xét các sĩ quan trẻ KQVN có thực tài, nhưng tương đối yếu kém về kinh nghiệm tác chiến. Song song với nâng cao trình độ phi công, người Mỹ cũng chú trọng giúp phát triển hệ thống tiếp vận và tiếp liệu của quân chủng. Các phi trường Tân Sơn Nhất, Biên Hòa và Ðà Nẵng được chỉnh trang và canh tân để có thể tiếp nhận các loại máy bay phản lực trong tương lai gần. Trong thời gian KQHK cố gắng giúp đỡ KQVN phát triển, Hà Nội đã gia tăng áp lực lên nền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa với nghị quyết chiến tranh “chiến đấu vũ trang” chống miền Nam.
Trong vòng bốn năm sau Hiệp Ðịnh Genève, những toán phỉ Cộng còn nằm trốn tại miền Nam được lệnh trỗi dậy quấy phá, thực hiện cuộc chiến tranh du kích. Trong bối cảnh Lục Quân VNCH non trẻ, rất cần yểm trợ của pháo binh và không lực, KQHK đã chủ trương thúc bách tiến trình canh tân KQVN. Từ đó KQVN có thể đảm đương một số công tác yểm trợ hỏa lực cho chiến hữu của chính họ. Tuy nhiên, KQVN chỉ có vỏn vẹn có 1 phi đoàn chiến đấu cơ F8 Bearcat để làm kiểng, cơ phận thì phải lấy của chiếc này đắp cho chiếc kia. Cho đến khi trong tháng 8, 1959 có một chiếc F8 đang bay tự nhiên lăn đùng ra rớt xuống đất bể nát tan tành, phi công Việt Nam kể từ đó rất ngại nhận lệnh lái F8.
[IMG] http://hoiquanphidung.com/userupload/img/F8F TSN 1963_1417266366.png[/IMG]
Tổng Thống Diệm quyết định cho tất cả chiếc F8 xếp cánh vĩnh viễn và yêu cầu Hoa Kỳ viện trợ phản lực cơ cho KQVN. Các sĩ quan Không Quân Việt Nam rất háo hức chờ đợi được tiếp nhận những chiếc phản lực cơ F86 Sabre rất nổi tiếng trong chiến tranh Triều Tiên năm 1952. Cũng có nhiều sĩ quan mơ ước người Mỹ sẽ viện trợ cho Không Quân VN loại phản lực cơ A4 Skyhawk, loại oanh tạc cơ đạt gần vận tốc siêu thanh Mach (một Mach là 1,100 cây số/giờ), nhưng điều quan trọng hơn cả là khối lượng bom mang dưới đôi cánh của nó rất lớn
Khu trục cơ T28
Hoa Thịnh Ðốn nghiên cứu nghiêm chỉnh đề nghị của VNCH, thoạt tiên đã có chương trình gởi những chiếc F.86 cho Không Quân Việt Nam. Tuy nhiên phía Hoa Kỳ bị ràng buộc bởi điều khoản trong Hiệp Ðịnh Genève, cấm các bên hữu quan tăng cường vũ khí tấn công và vũ khí tối tân, và sự phản đối của phía Bộ Ngoại Giao (về sau này, khi phía Bắc Việt đã có phản lực cơ Mig 21, Hoa Kỳ đã nghĩ đến việc cung cấp cho Không Quân Việt Nam loại phản lực cơ F 4 Phantom, nhưng lượng định khả năng bảo trì của Việt Nam còn rất nhiều vấn đề, ngay cả chuyên viên bảo trì của Không Lực Mỹ cho F 4 cũng rất thiếu hụt nên chương trình bị hủy bỏ. Dẫu sao, thay vào đó là loại phi cơ F 5 Freedom Fighter được chế tạo dành cho các nước thuộc khối tự do, dễ lái và dễ bảo trì).
Một phi đoàn khu trục cánh quạt T.28 được gửi sang Việt Nam trong năm 1961, có 25 phi công Việt Nam đầu tiên được tuyển chọn để được huấn luyện tại Việt Nam. Các phi công được huấn luyện kỹ thuật bay ban ngày và bay đêm. Mùa Xuân năm 1962, các phi công Không Quân Việt Nam Cộng Hòa tốt nghiệp, sẵn sàng cất cánh chiến đấu trong phi đoàn T.28 thứ nhất. Phi đoàn T.28 thứ hai tiến hành công tác huấn luyện phi công ngay tiếp sau đó. Một số phi công cũng được huấn luyện lái máy bay thám thính RT.28, song song với các phi công được tuyển chọn theo học khóa lái máy bay loại U.17 A.
Chiếc A1 còn đang bay thử nghiệm trong năm 1945, chưa kịp chứng tỏ thành tích và sức công phá, thì thế chiến chấm dứt. A1 dần dần được cải tiến lên thành những chiếc A1E và A1H với hiệu năng to lớn hơn. Yêu cầu xin được trang bị phản lực cơ của Tổng Thống Diệm bị từ chối, một phần là vì ngay chính kỹ thuật phản lực của Hoa Kỳ vẫn hãy còn phôi thai, với những loại phản lực cơ có hình dáng gần giống như phi cơ cánh quạt, cồng kềnh và vận tốc hãy còn thấp. Một Phi Ðội đầu tiên gồm 6 chiếc Skyraider được chuyển giao cho VNCH, thêm 25 chiếc khác hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất trong vòng một năm sau. Tuy nhiên các giới chức KQVN cấp cao có vẻ không mặn mà lắm với chiếc A1 cánh quạt. Nỗi ám ảnh về chiếc cánh quạt F8 hãy còn tươi rói trong đầu. Ðể giải tỏa nỗi ưu tư đó, trung úy phi công Mỹ Moranville quyết định mời các viên chức KQVN đến phi trường Biên Hòa xem anh bay biểu diễn A1.
Khu trục cơ A1 Skyraider
Cho chiếc A1 cất đầu lên và chỉ trong khoảnh khắc, nó đã gần như là bay dốc đứng lên không gian. Sau một vài vòng bay, Moranville chúi mũi chiếc A1 xuống, anh đã bắn xuống mục tiêu 8 khối rocket. Tổng cộng 152 chiếc phi đạn dội trúng mục tiêu, nhiều cột lửa đỏ nổ bùng lên cao, quyện với đất đá và bụi văng lan rộng bốn phía. Buổi biểu diễn rất thành công. A1 được KQVN hân hoan đón nhận. Kể từ thời điểm đó, những chiếc A1 Skyraider đã là những người bạn thân thiết nhất của phi công Việt Nam và cũng là của các chiến sĩ bộ binh. Mỗi lần A1 xung trận, lính Lục Quân cứ yên trí. Những chiếc A1 dưới bàn tay lèo lái tài ba của phi công Việt Nam, đã trút bom và phi đạn rất chính xác vào công sự giặc.
Ngày 26 Tháng Hai, 1962, xảy ra một sự kiện quan trọng mà đã đưa đến hậu quả không tốt cho quân chủng Không Quân. Hai phi công cấp úy là Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử trên đường công tác yểm trợ quân bạn, đã đột ngột quay trở lại giội bom xuống Dinh Ðộc Lập, với mưu toan giết chết Tổng Thống Diệm, ước vọng chấm dứt chế độ gia đình trị của họ Ngô. Thiếu Úy Phạm Phú Quốc bị phòng không của Hải Quân bắn rớt và bị giam cầm, Thiếu Úy Nguyễn Văn Cử may mắn lái chiếc A1 bay thoát và xin tị nạn chính trị bên đất Cambodia. Người phi công thứ ba là anh ruột của Trung Úy Nguyễn Văn Cử đã ra đến phi đạo nhưng sợ hãi đổi ý quay trở lại, cũng đã bị an ninh phi trường bắt ngay trên đường bay. Tổng Thống Diệm lập tức ra lệnh đình chỉ vô hạn định các phi vụ chiến đấu của A1E và A1H. Với lòng nhân từ của một con người quân tử, Tổng Thống Diệm không làm khó dễ gì Trung Úy Phạm Phú Quốc, nhưng Trung Úy Quốc vẫn phải chịu giam trong nhà tù vì cái tội ám sát vị nguyên thủ quốc gia, rồi được quân đội đảo chánh ngày 1 Tháng Mười Một, 1963, phóng thích sau hơn một năm rưỡi giam cầm.
Ðại Tá Nguyễn Xuân Vinh trong thời điểm xảy ra vụ không kích đang công cán tại Ðài Loan, nhận được tin ông đáp máy bay trở về Việt Nam xin ra mắt Tổng Thống Diệm. Dù vụ không kích chỉ là âm mưu cá nhân của ba người phi công, nhưng người tư lệnh vẫn thấy mình có một trách nhiệm gián tiếp. Tổng Thống Diệm cũng đã sáng suốt thấu rõ được sự thật đó, ông không khiển trách gì Ðại Tá Vinh. Dường như vẫn áy náy vì vụ biến động tày trời này, Ðại Tá Vinh tự nguyện xin được rời khỏi Không Quân và xin được sang Hoa Kỳ tiếp tục con đường học vấn. Ðịnh mệnh đã đưa con người phi thường ấy sang Hoa Kỳ, để ông càng chấp đôi cánh đại bàng bay cao hơn nữa, không phải là vùng vẫy trên bầu trời thấp, mà là lên mãi tận vũ trụ bao la.
Với học vấn và kiến thức uyên thâm của ông về khoa học và toán học, với danh hiệu giáo sư ở các đại học lớn Hoa Kỳ và thế giới, Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh đã làm cho thế giới cúi đầu khâm phục tài năng người Việt Nam, qua những công trình đóng góp của ông vào lĩnh vực phi hành không gian, giúp ích rất nhiều cho những chương trình phóng phi thuyền của cơ quan NASA Hoa Kỳ.
Tuy đã từ giã áo lính từ mấy thập niên qua, nhưng tận đáy thâm tâm của ông, Ðại Tá Nguyễn Xuân Vinh bao giờ cũng nhớ rằng ông là một người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hằng chiến đấu cho lý tưởng tự do và độc lập của Tổ Quốc, nên khi Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại bầu ông vào cương vị Chủ Tịch Hội Ðồng Ðại Diện của Tập Thể, Giáo Sư Ðại Tá Vinh đã nhiệt tình đồng ý. Hy vọng rằng dưới sự dìu dắt của ông, Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại có được một vị thế quan trọng trong sinh hoạt đấu tranh chính trị hiện nay và gặt hái được sự nể trọng từ mọi phía.
Trong một thời gian sau chiến sự ngày càng khốc liệt, TT Diệm buộc phải cho phép các chiến đấu cơ tái cất cánh yểm trợ hỏa lực cho bộ binh, nhưng chỉ được phép gắn đại bác 20 ly và không mang bom. A1 có nhiều đặc tính kỹ thuật như bay sà thật thấp, bỏ bom và xạ kích rất chính xác. Tuy là loại phi cơ cánh quạt, nhưng A1 có những tính năng mà những thế hệ phản lực cơ oanh tạc và chiến đấu được trao cho VNCH như F5A, F5E và A37 không có được. Vận tốc tối đa của nó không quá 600 cây số/giờ, nhưng hai cánh chứa đầy xăng giúp nó có thể bay trên trận địa đến 4 tiếng đồng hồ. A1 có thể mang đến 1 tấn bom đạn các loại. Ðặc biệt loại bom cháy Napalm từng gây kinh hoàng cho địch.
Bom Napalm là một loại bom xung sát dùng để dội lên công sự hầm hố địch và dùng chống lại một lực lượng tập trung đông người của Bắc quân. Cấu trúc trong lòng trái bom gồm có một hợp chất xăng trộn với chất dễ cháy trong không khí là chất lân tinh Phosphorous. Cả hai chất này được trộn trong bột nhôm đặc quánh và dẻo như một khối sáp. Khi chạm đất, ngòi kích hỏa nổ trong khối nhôm và làm nổ tung hợp chất xăng - Phosphorous văng ra tứ phía với một tầm sát hại rộng 60 mét đường kính. Napalm sẽ cháy dài cháy dai và bám rất dính lên da thịt.
Trực thăng chuyển quân H34
Phi trường Tân Sơn Nhất từ khi thành lập các Phi Ðoàn A1, phi đạo đã được kéo dài đến 5,800 feet, tương đương hơn 1.7 cây số. Trong thời Pháp, sĩ quan KQVN thường bay theo thói quen, rất ít sử dụng những dụng cụ hướng dẫn không hành, ít hay hầu như không bay đêm. Ðể dần sửa chữa những thiếu sót đó, cố vấn Mỹ đã cho thiết lập các hệ thống hướng dẫn và kiểm soát không lưu trong năm 1961, đồng thời với việc xây dựng những hệ thống theo dõi và Radar tại các phi trường Tân Sơn Nhất, Ðà Nẵng và Pleiku. Liên Ðoàn 1 Vận Tải đầu tiên được thành lập, Trung Tá Nguyễn Cao Kỳ được chỉ định làm liên đoàn trưởng.
Thời gian Ðại Tá Vinh làm tư lệnh Không Quân VNCH, loại máy bay trực thăng chuyển vận tương đối hãy còn lạc hậu với phi đoàn trực thăng H-19 Chicasaw của Không Lực Pháp bàn giao lại. Cuộc chiến tranh thổ phỉ và du kích của Việt Cộng ngày càng phát triển, thì khả năng trực thăng vận các đơn vị phản du kích là Biệt Ðộng Quân đã không thể đáp ứng nổi. MAAG buộc phải tìm một loại trực thăng khác thay thế H-19, nên một phi dội 11 chiếc Sikorsky H34 Choctaw đã được.
Những chiếc H-34 làm thành phần nòng cốt của Phi Ðoàn 219 lừng danh với những công tác đổ quân Biệt Kích vào vùng địch, cũng như những công tác cấp cứu khẩn cấp những phi công Mỹ, Việt bị bắn hạ trong mật khu địch. Những phi công Việt Nam thuộc Phi Ðoàn 219 đã thể hiện những hành động anh hùng phi thường, luôn thách đố với thần chết để cứu được những người lính Biệt Kích bị giặc rượt đuổi, những đồng đội Không Quân Việt Nam và những người bạn Mỹ từ cõi chết trở về. Chiếc H-34 tuy già nua cũ kỹ, hệ thống nhớt luôn rò rỉ, nhưng nó có được cái ưu điểm mà người em của nó về sau này là UH-1 không có được. H-34 nhờ kích thước cánh quạt không dài lắm, nên nó có thể áp sát vào sườn núi hay sườn đồi mà không sợ chém phải đất đá hay cây cối như UH 1. Cuối năm 1961, Quân chủng Không Quân rất bận rộn với việc thành lập Phi Ðoàn 2 Khu Trục Chiến Ðấu và công tác tiếp nhận những chiếc cánh quạt T-28.
Vì chưa đào tạo được phi công khu trục, nên Bộ Tư Lệnh Không Quân VNCH buộc phải cho di chuyển 30 phi công từ Phi Ðoàn 1 Vận Tải sang Hoa Kỳ học lái khu trục. Ðến lượt MAAG đã điều động 30 phi công Mỹ trong chương trình Farm Gate sang lái giùm 30 chiến vận tải cơ C-47 của VNCH. Nhóm 30 phi công này mang một biệt danh rất ngộ nghĩnh, là Dirty Thirty. Có lẽ xuất phát từ sự miễn cưỡng của Không Quân Việt Nam, rồi chính Ðại Tá Nguyễn Cao Kỳ, phi đoàn trưởng Phi Ðoàn 1 Vận Tải cũng yêu cầu MAAG rút nhóm 30 Dirty này về, khi VNCH đã có phi công khu trục mới từ Mỹ về. Tuy vậy, phải mãi đến tháng 12, 1963, nhóm 30 người phi công Mỹ mới được lệnh rút hết về nước. Ðến cuối năm 1962, theo lượng giá của Không Quân Hoa Kỳ và Không Quân Hoàng Gia Úc Ðại Lợi, Không Quân Việt Nam vẫn hãy còn trong giai đoạn chưa trưởng thành, các phi công Việt Nam đã đảm nhận 1/3 số phi vụ trên không phận bên cạnh Không Lực Mỹ. Khả năng bay đêm và bay trong thời tiết xấu của phi công Việt Nam còn rất hạn chế.
Ðại Tá Nguyễn Xuân Vinh đã từ giã các chiến sĩ Không Quân thân thương của ông lên đường du học ỏ hải ngoại, để lại đằng sau một di sản mà ông đã tận tụy gầy dựng trong khoảng thời gian ngắn ngủi năm năm 1957-1962, với một lực lượng Không Lực đang trên đà lớn mạnh. Ông không có được cơ hội chứng kiến thế hệ đàn em của mình hân hoan và hùng dũng xuất kích trên những chiếc phản lực cơ tối tân A.37 và F.5, những chiếc cánh quạt A1, những chiếc vận tải cơ C.130 và những chiếc trực thăng CH.47 Chinook khổng lồ ùn ùn chở quân ra chiến trường, những chiếc UH 1 đập cánh quạt phành phạch thả hàng đoàn những chiến sĩ xuống trận địa, những chiếc Hỏa Long C.119 đêm đêm vần vũ trên sự kinh hoàng của giặc Cộng.
Những người tư lệnh kế tiếp tiếp tục công trình dang dở của Ðại Tá Vinh, tiếp tục xây dựng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa trở thành một Không Lực được đánh giá là hùng mạnh hàng thứ tư thế giới. Ở bất cứ cương vị nào, dù là một người lính bình thường, một hạ sĩ quan bảo trì hay xạ thủ, một phi công, một sĩ quan không phi hành, hay một người tư lệnh, tất cả đều ngẩng cao đầu tự hào họ là chiến sĩ của một Không Lực anh hùng, mà đã cống hiến cho Tổ Quốc những đứa con phi thường: Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Ngọc Loan, Lưu Kim Cương, Nguyễn Du, Phạm Phú Quốc, Phạm Văn Thặng, Trần Thế Vinh, Phan Quang Tuấn,... và Lý Tống.
Những câu chuyện chiến đấu bảo vệ đất nước của những người lính Không Quân đã được trân trọng đưa vào những trang chiến sử chống xâm lăng của Việt Nam với rất nhiều huyền thoại tưởng chừng như không thực, vì đã vượt qua khỏi cái giới hạn mà người ta định nghĩa về hai chữ “phi thường.” Nhưng mà, trong hai mươi năm chiến tranh chống xâm lược từ phương Bắc của khối Cộng Sản quốc tế, mỗi người lính QLVNCH, dù ở quân chủng hay binh chủng nào, dù khoác trên thân màu áo nào, cũng đều đóng góp vào lịch sử Việt Nam những mẩu chuyện huyền thoại của riêng mình. Thế hệ con cháu đời sau mỗi lần giở lại những trang sử bi tráng đó, chắc không khỏi rưng rưng bùi ngùi nhớ lại một mảnh quá khứ đầy bất hạnh mà ông cha của họ đã đổ máu xương chiến đấu anh dũng như thế nào.
Phạm Phong Dinh
Like · ·

Comments

Popular posts from this blog

Madame Ngô Đình Nhu khuê danh Trần Thị Lệ Xuân-Mời qúy vị đọc để cái gì của Ceasar hảy trả lại cho Ceasar.