Tinh Thần Ngô Đình Diệm

Tinh thần Ngô Đình Diệm trong bối cảnh hiện tại của đất nước Việt Nam »

2015-10-19

LS Lê Trọng Quát

Kính thưa quý Vị,
Các chiến hữu thân mến,
Hôm nay, chúng ta làm lễ giổ và tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và các quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã vị quốc vong thân.
Lúc sinh tiền, cố Tổng Thống đã yêu thương vô vàn các chiến sĩ và cán bộ và đã đặc biệt quan tâm đến con cái của các chiến sĩ đã hy sinh, tôi muốn nói các thiếu sinh quân mà cố Tổng Thống luôn luôn ôm ấp trong lòng cho đến những ngày cuối cùng của Người.
Vì vậy, lễ giỗ và tưởng niệm mà chúng ta tham dự hôm nay mang ý nghĩa diễn đạt cái tâm tư thiết tha nhất của cố Tổng Thống muốn chia sẻ với chiến sĩ và cán bộ từ những khổ nhọc của cuộc chiến đấu mổi ngày cho đến sự hy sinh thân mạng cuối cùng.
Trong giờ phút nguy hiểm nhất cho tính mạng, cố Tổng Thống vẫn nhất định tránh cho quân đội một cuộc tương tàn và chúng ta đã biết cái giá tột cùng mà ông phải trả.
Nhưng đó chỉ là một phần, dù là một phần trọng yếu, của tinh thần Ngô Đình Diệm.
Từ khi bước vào cuộc đời chính trị lúc còn tuổi thanh xuân, ông đã biểu lộ một lòng yêu nước son sắc, một tình thương dân dạt dào, một đức thanh liêm tuyệt đối.
Trong thế nước ngặt nghèo trên đe dưới búa, không đòi được thực dân Pháp trao trả căn bản chủ quyền nội trị của dân tộc, năm 1933, mới 32 tuổi, ông đã trao ấn từ quan, coi nhẹ chức vị thượng thư đầu Triều để dấn thân vào cuộc tranh đấu trường kỳ cho độc lập, tự do của đất nước.
Hành động phi thường của ông đã làm cho nhà đại cách mạng Phan Bội Châu đang bị quản thúc tại kinh đô Huế phải thán phục, qua mấy vần thơ :
Ai biết trời Nam hãy có người,
Sịch nghe tưởng ngỡ sấm bên tai.
Lông hồng coi nhẹ vàng muôn lượng,
Ngôi quý xem dường dép nửa đôi.

Phơi tỏ cùng trời gan đỏ chói,
Nhá nhem thây kệ mắt đen thui.
Ví chăng kịp lúc làm vai vế,
Sau ngựa Châu xin quất ngọn roi
Năm 1945, sau khi bắt giử ông một thời gian, Hồ Chí Minh vừa xin lỗi, vừa mời ông tham chính để mong lấy được lòng dân nhưng chí sĩ Ngô Đình Diệm đã cự tuyệt, còn chỉ vào mặt Hồ Chí Minh mà bảo « sao đồng đảng của ông đã giết anh tôi và cháu tôi mà ông còn dám mời tôi cộng tác với ông ». Bào huynh của Ngô chí sĩ là ông Ngô Đình Khôi, nguyên tổng đốc tỉnh Quảng Nam đã có chính sách cứng rắng với cộng sản khi còn tại chức, và con trai là Ngô Đình Huân, đều bị Việt Minh đem tàn sát tại làng Hiền sĩ, quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Hồ Chí Minh vờ xin lỗi vì không kiểm soát được thuộc cấp và trả tự do cho chí sĩ.
Lòng can đảm bất khuất ấy chính là tinh thần Ngô Đình Diệm
Tháng 3, 1945, sau khi Nhật Bản lật đổ chính quyền Pháp ở Đông Dương và tuyên bố giao trả độc lập cho Việt Nam, Hoàng Đế Bảo Đại tìm chí sĩ để mời làm thủ tướng và năm 1948, cựu hoàng Bảo Đại lại triệu chí sĩ để lập chính phủ khi Pháp chấp nhận nguyên tắc công nhận nước Việt Nam độc lập nhưng sự chiếu cố đặc biệt của cựu Hoàng đã không được đáp ứng. Ngô chí sĩ không nhận lời vì vào các thời điểm bấy giờ, hai cường quốc này không thực tâm trao trả độc lập cho nước ta. Chình cựu Hoàng Bảo Đại đã xác nhận thái độ thận trọng này của ông Ngô Đình Diệm mà ông luôn nghĩ tới trong cuốn « Con rồng An Nam » ( Le Dragon d’Annam) của cựu Hoàng xuất bản tại Pháp năm 1979, nhà xuất bản PLON.
Sự sáng suốt và xem thường danh lợi ấy chính là tinh thần Ngô Đình Diệm .
Thế nhưng, đến khi đất nước lâm nguy, lãnh thổ sắp bị phân chia trên bàn hội nghị Genève tháng 7, 1954 , vận mệnh của Tổ Quốc bị đe dọa nghiêm trọng, thời gian sống còn của Miền Nam được mọi giới quan sát trong và ngoài nước lượng định dưới một năm thì chính lúc ấy, Ngô chí sĩ nhận sứ mạng từ cựu Hoàng Bảo Đại về nước chấp chánh để cứu vãn quốc gia.
Ý thức trách nhiệm cao cả ấy chính là tinh thần Ngô Đình Diệm.
Đương đầu với nghịch cảnh, vượt qua các chướng ngại vật, phá tan các âm mưu của phong kiến, thực dân và tay sai của chúng, đón tiếp và định cư một triệu đồng bào Miền Bắc di cư vào Nam, thủ tướng Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ đã ổn định được tình hình bi đát và hổn loạn, tiến tới việc xây dựng
nền Đệ Nhất Cộng Hòa, khai mở một thời kỳ an lạc và thịnh vượng cho đồng bào từ sông Bến Hải đến mủi Cà Mâu như chưa từng có.
Các định chế quốc gia được thiết lập đầy đủ, quân đội được thống nhất và canh tân, giáo dục được phát triển, phẩm cũng như lượng, từ đại học đến trung, tiểu học, mức sống được nâng cao, công chức và đặc biệt là giáo chức, quân nhân, cán bộ đều có một đời sống thoải mái.
An ninh được bảo đảm, giao thông an toàn khắp cả Miền Nam, từ Cao Nguyên đến đồng bằng, duyên hải. Các vùng đất hoang xa xôi hẻo lánh hầu hết được canh tác,trở nên trù phú, phần lớn do sức cần lao và ý chí thăng tiến của đồng bào Miền Bắc di cư quyết tâm làm lại cuộc đời trên miền đất tự do của đất nước và góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế quốc gia.
Tận lực lo cho dân, cho nước, đó là tinh thần Ngô Đình Diệm.
Nhưng việc nội trị, dù lớn lao và trọng yếu, không phải là mối bận tâm duy nhất của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Từ 1959, trước sự lớn mạnh chính trị và thịnh vượng kinh tế của Miền Nam làm nổi bật tình trạng nghèo khổ và đọa đày của dân chúng ở Miền Bắc, cộng sản Bắc Việt đã phải tiến hành gấp cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam mà chúng đã dự trù trong chiến lược khống chế toàn quốc. Không những Trung Cọng, Nga Sô, mà các nước cộng sản chư hầu đều lần lượt hổ trợ CS Bắc Việt. Cuộc chiến trở thành một cuộc đụng đầu của toàn khối Cộng sản Thế Giới với Miền Nam Việt Nam dưới danh hiệu Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia độc lập hoàn toàn trong thực tế cũng như theo công pháp quốc tế.
Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh lạnh lúc bấy giờ giữa hai khối cộng sản và tự do, VNCH đã trở thành một tiền đồn ở vị trí chiến lược xung yếu nhất vì sau lưng CS Bắc Việt là Trung Cọng, hậu cứ vĩ đại của chúng, đồng thời là một lực lượng hung hãn và hùng hậu có khả năng đe dọa nền an ninh của vùng Đông Nam Á Châu. Chính vì vậy mà tháng 9 ,1954, Hoa Kỳ Anh, Pháp và một số quốc gia Á Châu đã thành lập Tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á ( South East Asia Treaty Organization – SEATO).
Sự viện trợ quân sự của Hoa Kỳ trở nên cần thiết và những cố vấn Mỹ đến giúp cho quân đội VNCH về mặt tổ chức, trang bị là một việc tất yếu nhưng không có quân nhân Mỹ tác chiến trên chiến trường Miền Nam. Số cố vấn Mỹ cao nhất lúc bấy giờ chỉ khoảng mười lăm nghìn rải rác ở các đơn vị.
Nhưng Tổng Thống Diệm không muốn Hoa Kỳ gửi quân tác chiến sang Việt Nam vì hai lý do quan trọng :
- nếu quân nhân Mỹ tham chiến trên chiến trường Miền Nam, chắc chắn cộng sản Việt Nam, cộng sản quốc tế, các thành phần tả khuynh trên thế giới vốn chống Mỹ, sẽ khai thác sự cố ấy để xuyên tạc chính nghĩa của cuộc chiến đấu của quân dân VNCH. Hậu quả sẽ vô cùng tai hại cho Miền Nam.
- ngoại trừ trường hợp bất khả kháng ( và trường hợp này không xẩy ra trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa), quân đội quốc gia phải đảm nhận sứ mạng chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, không thể trút gánh nặng ấy cho quân lực nào khác để bị lệ thuộc, chưa kể trường hợp đồng minh có thể thay đổi chính sách, bỏ rơi chúng ta nửa chừng………
Tổng Thống chỉ yêu cầu Hoa Kỳ tăng cường trang bị vũ khí cho các lực lượng chính qui và địa phương quân đang cần phát triển để đáp ứng nhu cầu chiến trường và bảo vệ diện địa.
Cũng như một số nhân vật khác, với tư cách chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng và Trưởng Khối Dân Biểu Liên Minh Xã Hội tại Quốc Hội, tôi được Tổng Thống tham khảo ý kiến. Sau khi tiếp xúc với bộ Tổng Tham Mưu và nhiều giới chức trách nhiệm các Vùng Chiến Thuật và quân trường, và sau khi viếng thăm các nhà lãnh đạo Đại Hàn , Tổng Thống Phác Chánh Hy và Trung Hoa Dân Quốc, Thống Chế Tưởng Giới Thạch,và quan sát tổ chức quân đội của hai quốc gia này, tôi đã đệ trình Tổng Thống bản phúc trình với chủ đề « Tiến tới một nền quốc phòng tự lực, tự túc » .
Vụ đảo chính 1 tháng 11, 1963 đả xóa bỏ tất cả những nỗ lực và ý chí tạo dựng những điều kiện thiết yếu để tiến lần, tiến nhanh tới việc đảm nhận trọng trách bảo vệ đất nước mà không lệ thuộc quá nhiều vào đồng minh của chúng ta.
Sự sáng suốt nhìn xa thấy rộng để bảo vệ hữu hiệu tổ quốc là nòng cốt của Tinh Thần Ngô Đình Diệm.
Chính sách quốc phòng của TT Diệm không hoàn toàn phù hợp với chính sách chỉ đạo chiến tranh của Mỹ đã làm cho chính phủ Mỹ bất bằng vì nhà cầm quyền ở Hoa Thịnh Đốn không quen với sự dị đồng ý kiến của những quốc gia nhận viện trợ của họ. Sự kính phục đặc biệt mà cựu Tổng Thống Eisenhower dành cho Tổng Thống Diệm chỉ mấy năm trước đã được thay thế bằng ý định xen lấn nhiều vào nội tình VNCH nhằm khuất phục hoặc nếu không được thì âm mưu thay thế vị lãnh đạo Miền Nam bởi những kẻ hoàn toàn tuân lệnh Hoa Kỳ. Như chúng ta đã biết,Tổng Thống Kennedy đã công khai tuyên bố ý định thay thế ấy như một sự khuyến khích phản loạn trong nội bộ VNCH, bất chấp nguyên tắc không can thiêp vào nội bộ của quốc gia khác và sự dè dặt cẩn trọng trong mọi cử chỉ của một vị lãnh đạo quốc gia đối với các vị lãnh đạo các nước.
Những sự cố khác như vụ Phật giáo tranh đấu, đàn áp đối lập, tham nhũng v.v…..đã được viện dẫn để chứng minh tính chính đáng của vụ đảo chính 1963 nhưng sự thật lịch sử đã rõ ràng và hầu hết các quan sát viên trong và ngoài nước đã xác định - kể cả những nhân vật lớn của chính Hoa Kỳ như Tổng Thống Nixon, giám đốc Tình Báo trung ương ( CIA ) Mỹ Colby- trách nhiệm hoàn toàn của chính phủ Mỹ đã dàn dựng vụ phản loạn đưa đến vụ thảm sát Tổng Thống Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu và tiếp theo là sự suy sụp không cứu chữa nỗi của Miền Nam Việt Nam.
Không để cho chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước bị xuyên tạc và muốn cho quân lực ta phát triển mạnh để chu toàn nhiệm vụ giữ nước, Tổng Thống Diệm đã phải hy sinh tính mạng của mình, đó là tinh thần Ngô Đình Diệm.
Sau khi đã tàn sát một cách man rợ TT Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, bọn phản loạn vội vàng tìm kiếm tài sản của hai nạn nhân của chúng và thu tóm được 2 390 000 đồng VN và 6 297 đô la Mỹ do chánh văn phòng đặc biệt của TT Diệm giao nộp. Tướng Trần văn Đôn, một thủ lãnh của vụ đảo chánh, ghi rõ trong cuốn « Việt Nam nhân chửng » của ông, trang 242, « số bạc nầy chúng tôi dùng để chi tiêu các việc cần thiết, giúp đỡ anh em binh sĩ.Còn 6297 dollars thì tôi đưa trung tướng Dương văn Minh 6000 dollars, số còn lại tôi giao cho trung tướng Trần Thiện Khiêm khi ông Khiêm đi công tác Đại Hàn vào cuối tháng 12 năm 1963 ». Số tiền kể trên là lương và phụ cấp của Tổng Thống trong suốt chín năm tại chức ( !) và phần còn lại của quỷ mật . Về phần cố vấn Ngô Đình Nhu, chẳng có gì đáng kể nên vì vậy tướng Đôn im lặng.
Tổng Thống Diệm đã sống như một nhà tu, hết sức đạm bạc, hoàn toàn không để ý đến vật chất, làm việc và ăn ngủ luôn trong một căn phòng của Dinh Độc Lập, với một chiếc quạt trần quay nhẹ để chống lại mùa hè nhiệt đới. Thực đơn của ông thực là đơn giản với vài món ăn bình dân mà ông ưa thích từ gia đình ở Huế gửi vào cho ông. Thuốc lá mà ông hút là một thứ thuốc lá đen, rẻ tiền. Vài chi tiết vừa kể chỉ để hình dung một cách cụ thể lối sống gần như khắc khổ của TT Diệm, không giống bất cứ một lãnh tụ quốc gia nào khác trên thế giới từ xưa đến nay.
Ông chỉ biết làm việc, say mê làm việc cho dân, cho nước, như một đam mê tuyệt đối, không vướng bận một chút gì riêng tư cho cá nhân mình.
Đức thanh liêm của ông phát xuất từ đấy, một đức tính mà ông đã nâng lên hàng tuyệt đỉnh
Đó chính là tinh thần Ngô Đình Diệm
* * *
Trước Ngô Đình Diệm, sau Ngô Đình Diệm, trong nước Việt Nam và trên toàn thế giới, người viết sử khách quan không thể tìm thấy một lãnh tụ quốc gia nào hội đủ những đức tính sáng ngời như những đức tính củaTT Ngô Đình Diệm.
Ông đã vĩnh biệt cõi trần nhưng cái di sản tinh thần vĩ đại mà ông đế lại cho hậu thế đang sáng chói như một ngọn hải đăng vào đêm tối mịt mùng của đất nước Việt Nam, nơi mà các người lãnh đạo hiện thời đã và đang hành động hoàn toàn ngược lại với những giá trị, những chuẩn mực mà ông đã tự đặt một cách nghiêm khắc cho chính mình.
- Nhường đất, nhường biển cho Trung Cọng, lãnh đạo Việt Nam xã hội chủ nghĩa ( XHCN) đã phạm một trọng tội đối với quốc gia, dân tộc, mà lịch sử sẽ phán xét.
- Nhượng bộ Trung Cọng trong các lãnh vực kinh tế, thương mãi, khai thác khoáng sản, lâm sản một cách dễ dàng không những gây thiệt hại cho dân ta và tài nguyên của đất nươc mà còn tạo nguy cơ cho an ninh quốc gia trong tương lai.
- Lãnh đạo Việt Nam XHCN đã thần phục Trung Cọng gần như công khai, xem nhẹ chủ quyền của dân tộc, độc lập của quốc gia.
- Dùng bạo lực để trị dân, đặt đảng cộng sản trên Nhà Nước, trên quốc dân như đều 4 hiến pháp VNXHCN qui định, đảng cộng sản VN đã công khai minh thị cướp đoạt quyền dân giữa thời đại văn minh dân chủ này của thế giới.
- Quốc nạn tham nhũng hoành hành từ thượng tằng lãnh đạo đến cán bộ xã thôn đã làm cho guồng máy chính quyền mất hiệu năng, dân tình oán thán và tạo nên một vực thẳm chia cách giữa giai cấp thế lực « tư bản đỏ » tỷ, triệu phú và quảng đại quần chúng nghèo khổ được sắp hạng trong những nước nghèo nhất thế giới.
- Các giá trị tinh thần truyền thống nhân bản, đạo đức của dân tộc đã nhường chổ cho sự tôn vinh đồng tiền thủ đắc bằng mọi cách mà hầu hết là bằng những thủ đoạn gian manh, tham nhũng, sang đoạt tài sản quốc gia, cướp của đồng bào, từ thành thị đến thôn quê.
- Từ một xã hội kiệt quệ do mười năm trắc nghiệm chính sách kinh tế xã hội mác- lê sau khi thôn tính Miền Nam năm 1975, Việt Nam đã biến dạng từ ngày « đổi mới », trở thành một thị trường kinh tế năng động dồi dào vốn liếng từ đầu tư ngoại quốc đổ vào và từ các nguồn viện trợ đa dạng nhưng tiếc thay hệ thống lãnh đạo cộng sản đã khai thác tối đa hiện tượng cứu rỗi ấy để làm giàu một cách bất chính trắng trợn, thách thức toàn dân mà đại đa số, trí thức, nông dân, thợ thuyền lao động, làm việc vất vã, vẫn không đủ ăn, đủ mặc.
Với chế đô xã hội chủ nghĩa hiện thời, Việt Nam đang lún sâu vào một tình trạng băng hoại trầm trọng. Tất cả những giá trị và tiêu chuẩn cần thiết cho sự vươn lên của một dân tộc đã bị đảng cộng sản Việt Nam phá hủy toàn vẹn. Việt Nam XHCN đã trở thành một quốc gia không có tương lai trong lúc những điều kiện khách quan quốc nội và quốc tế đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển toàn diện quốc gia để xây dựng một vận hội mới cho một nước Việt Nam phồn thịnh, canh tân, tự do, dân chủ, hòa bình, một con rồng mới của Á Châu đầu thế kỷ 21.
Ngọn hải đăng Tinh Thần Ngô Đình Diệm-
Chính trong bối cảnh vừa phát họa của Việt Nam ngày nay mà tinh thần Ngô Đình Diệm cần được đăng quang để giải tỏa mây mù đang bao phủ cả non sông nước Việt.
Các minh quân, những anh hùng hào kiệt cả ngàn năm trước còn để lại dấu ấn trong tâm tưởng của dân tộc thì nửa thế kỷ chẳng là bao trên dòng lịch sử để tưởng nhớ đến lãnh tụ quốc gia Ngô Đình Diệm đã vị quốc vong thân sau một cuộc đời thánh thiện, hoàn toàn cống hiến cho đất nước.
Nhưng tưởng nhớ vẫn còn chưa đủ mà cần phải phát huy tinh thần Ngô Đình Diệm trong đồng bào ta, trong nước cũng như ở hải ngoại.
Phát huy rộng rãi tuyệt đối không phải để gây chia rẽ, hận thù giữa đồng bào ta nhưng phát huy rộng rãi để nêu cao những tấm gương tận trung với Tổ Quốc, tận lực với Đồng Bào, liêm khiết đến tột cùng, quên mình để lo việc nước, sẳn sàng hy sinh thân mạng của mình để bảo vệ chính nghĩa quốc gia, chủ quyền của dân tộc.
Đồng bào ở hải ngoại, đồng bào trong nước phải truyền tụng và quảng bá rộng rãi, phải mạnh dạn nói lên cái Tinh Thần Ngô Đình Diệm cho mọi người chung quanh, người lớn tuổi nói với người trẻ tuổi, người dân trong nước nói với những người cầm quyền mọi cấp, để đánh thức lương tri của mổi người trước tình trạng đen tối của xã hội, trước tương lai mịt mù của đất nước chúng ta.
Và nếu cần, đồng bào toàn quốc phải đứng lên, muôn người như một, đòi hỏi đảng cộng sản Việt Nam trả lại quyền dân cho dân, tranh đấu kiên cường cho đến thắng lợi cuối cùng, tiến lên theo gương bất khuất Ngô Đình Diệm.
Một cây nến thắp lên, một triệu cây nến thắp lên, sẽ soi sáng con đường phải đi để cứu nguy đất nước, để đưa đất nươc ra khỏi bóng đêm vô vọng.
Ngô Đình Diệm đã hy sinh cùng các bào đệ của Người.
Non nửa thế kỷ đã trôi qua.
Dù huy hoàng chăng nữa, nền Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng không hồi sinh lại.
Không ai nghĩ khác, kể cả những chiến hữu trung kiên nhất của Người còn tại thế ở trong nước và ngoài nước mà một số hôm nay hân hạnh hiện diện cùng quý vị.
Nhưng cái di sản vĩ đại của Người để lại, cái Tinh Thần của Ngô Đình Diệm vì nước hy sinh, đã quyện vào hồn thiêng của Tổ Quốc để khai thông cho một vận hội mới sáng lạng, thanh bình và an lạc cho đất nước Việt Nam mến yêu của chúng ta.
Trân trọng kính chào quý Vị.
Thân ái cùng các chiến hữu.

LS Lê Trọng Quát

Pháp quốc , Mùa tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm Và Quân,Cán, Chính VNCH

Comments

Popular posts from this blog

Madame Ngô Đình Nhu khuê danh Trần Thị Lệ Xuân-Mời qúy vị đọc để cái gì của Ceasar hảy trả lại cho Ceasar.