Trung Cộng trong góc tường- Ngô Nhân Dụng
Trung Cộng trong góc tường
Ngô Nhân Dụng
Sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế về Biển Đông, chính quyền
Cộng Sản Trung Quốc đã tự đặt họ vào một góc tường, tiến thoái lưỡng nan, đối với
thế giới bên ngoài cũng như đối với dân chúng lục địa.
Đối với dân Trung Hoa, Đảng Cộng Sản biết họ không thể lùi một bước
nào cả, dù chỉ “có vẻ” lùi bước. Hàng chục năm nay họ đã kích thích lòng tự hào
chủng tộc của người dân. Họ dùng tình yêu nước quá khích mê hoặc dân chúng, để
biện minh cho quyền hành tuyệt đối của đảng, thay thế cho chủ nghĩa Cộng Sản ai
cũng biết là lỗi thời. Hiện nay họ cần thứ ma túy đó hơn nữa, để dân chúng quên
tình trạng kinh tế khó khăn khi tốc độ tăng trưởng giảm từ 10% xuống 6%. Đứng
trong góc tường này, Trung Cộng sẽ phải tỏ ra hung hăng, hiếu chiến đến cùng;
nói một lời hòa hoãn sẽ bị coi là phản quốc!
Đối với dư luận quốc tế, Trung Cộng đang lãnh hậu quả khi bác bỏ
phán quyết của Tòa Trọng Tài. Họ đang đứng trong một góc tường, ở hội nghị các
nước Châu Á và Châu Âu tại Ulaanbaatar, thủ đô xứ Mông Cổ (Mongolia) từ ngày Thứ
Sáu, 15 Tháng Bảy. Hầu hết các quốc gia tới dự đều yêu cầu Trung Cộng phải tuân
hành bản án ba ngày trước.
Hội nghị Asem gần 50 nước xưa nay không bàn chuyện Biển Đông.
Nhưng năm nay, trong ngày đầu tiên Ngoại Trưởng Philippines Perfecto Yasay đã
tuyên bố rằng các quốc gia phải tuân hành phán quyết vừa qua của Tòa Trọng Tài,
trong khuôn khổ Asem. Phụ họa với ông Yasay, Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe cũng
“lên lớp” nhấn mạnh tới “Tầm quan trọng của tinh thần thượng tôn pháp luật quốc
tế.” Cả hai người nhắm vào thái độ của chính quyền Trung Quốc, vẫn một mực
không công nhận thẩm quyền của tòa án ở La Haye.
Sau hai ngày chính phủ Philippines giữ im lặng, cuối cùng vì áp lực
của dân chúng, chính họ cũng phải bầy tỏ một thái độ cứng rắn. Trước cảnh dân
chúng Philippines biểu tình hoan hô “thắng lợi hiển hách” ở tòa án quốc tế, Bộ
Trưởng Tư Pháp Jose Calida phải công khai hoan nghênh bản án, “Nó chứng tỏ
không một quốc gia nào có quyền tự coi mình làm chủ tất cả vùng biển. Bản án
không phải chỉ là một thắng lợi lịch sử của Philippines… Nó còn giúp loài người
chúng ta thêm tin tưởng vào một thế giới sống trong luật pháp.” Sau cùng, Tổng
Thống Rodrigo Duterte cũng phải lên tiếng hoan nghênh bản án, hứa sẽ nhờ cựu Tổng
Thống Fidel Ramos qua Bắc Kinh bàn về việc thi hành bản án. Ai cũng có thể đoán
trước, thái độ hòa hoãn đó chỉ “câu giờ,” không đi tới đâu cả. Vì dân chúng
Philippines đang sôi máu chiến thắng.
Bây giờ Trung Cộng chỉ còn dựa vào sự ủng hộ của Nga và những nước
đã bị mua chuộc hoặc cưỡng ép. Hôm Thứ Sáu, Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh nói rằng lập
trường của họ được Thủ Tướng Lào Thongloun tỏ ý ủng hộ khi gặp Thủ Tướng Trung
Quốc Lý Khắc Trường. Nhưng khi được hỏi về việc này, bộ ngoại giao Lào từ chối
không trả lời. Và báo chí nước Lào không hề loan tin ông Thongloun đã nói gì với
ông Lý! Còn ông Hun Sen, thủ tướng Cambodia thì chỉ nói nước đôi, bảo Lý Khắc
Trường rằng ông sẽ giữ một lập trường “công bằng và khách quan” và bảo vệ tình
thân hữu giữa ASEAN với Trung Quốc. Khối ASEAN không đưa ra lập trường nào về bản
án của Tòa Trọng Tài, vì Lào và Cambodia ngăn cản.
Cộng Sản Việt Nam tuy hoan nghênh bản án của Tòa Trọng Tài nhưng vẫn
chưa yêu cầu Trung Cộng phải thi hành quyết định của tòa án. Hôm qua,Tân Hoa Xã
lại loan tin Lý Khắc Trường đã khuyên bảo Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị
Ulaanbaatar rằng cần phải bảo vệ quan hệ song phương và hòa bình trong vùng
“Nam Hải,” tức Biển Đông nước ta. Nhưng báo chí Nhật Bản lại loan tin rằng Nguyễn
Xuân Phúc cũng tỏ ý hoan nghênh ý kiến của thủ tướng Abe. Người ta có cảm tưởng
khi gặp Abe Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với Abe nhưng khi nghe Lý nói thì Phúc lại
gật đầu với Lý!
Qua hội nghị Ulaanbaatar, ai cũng thấy Trung Cộng đang bị đẩy vào
một góc tường trước đại đa số các nước Châu Á và Châu Âu, trừ Lào, Cambodia và
Việt. Trung Cộng đang phải trực tiếp đối đầu với dư luận thế giới.
Tình trạng này sẽ kéo dài trong hàng chục năm tới. Trong các cuộc
hội nghị quốc tế, đi tới đâu Trung Cộng cũng sẽ phải đứng ở một góc chân tường
chống đỡ. Bởi vì ai cũng thấy muốn thế giới hòa bình và thịnh vượng thì các quốc
gia phải tôn trọng luật pháp chung. Những luật lệ về biên giới, về biển, về môi
trường sống, nếu một quốc gia không tôn trọng thì cả thế giới bị đe dọa. Các nước
sẽ nhìn Trung Cộng bằng con mắt nghi ngờ, dè dặt, vì chính quyền này đã bất chấp
một tòa án trọng tài đã hiện diện từ hơn 100 năm. Nền ngoại giao của Cộng Sản
Trung Quốc sẽ phải đối phó với mối nghi ngờ sâu xa của cả nhân loại trong các
thập niên sắp tới.
Mối nghi ngờ đó có hại gì cho Trung Cộng hay không?
Tất cả tùy thuộc vào các bước đi của Bắc Kinh trong thời gian sắp
tới. Nhưng về mặt kinh tế, Trung Cộng đang thấy ngay hậu quả tai hại. Các nhà đầu
tư quốc tế, tiêu biểu là chủ tịch ngân hàng OCBC, một quỹ đầu tư lớn ở
Singapore, đều tỏ ý lo ngại về tình trạng rủi ro gia tăng do thái độ bất chấp
pháp luật quốc tế của Bắc Kinh. Kinh tế Trung Quốc đang bước đi chập chững quá
trình cải tổ cơ cấu. Bắc Kinh đã tiêu 4 ngàn tỷ đồng nguyên để kích thích, liệu
họ có đủ sức chuẩn bị thêm 12 ngàn tỷ để bơm cho kinh tế đứng vững hay không?
Trong khi đó, thái độ chống Tòa Trọng Tài của Trung Cộng sẽ chỉ tạo ra thêm nhiều
bất ổn chính trị.
Tại tổ chức Mậu Dịch Thế Giới WTO, Trung Cộng sắp phải đối đầu với
kỳ hạn vào cuối năm nay, khi WTO xét lại vấn đề “Kinh Tế Trung Quốc đã là kinh
tế thị trường hay chưa?” Trung Cộng vẫn chờ đợi câu trả lời từ năm 2001, khi
gia nhập WTO. Tùy theo câu hỏi này các nước khác có thể lên án Trung Cộng “phá
giá khi xuất cảng” rồi đưa ra các biện pháp trừng phạt về thương mại. Ngày hôm
qua, Thứ Sáu, 15 Tháng Bảy, trước WTO đại diện Mỹ Chris Wilson đã tuyên bố
Trung Quốc chưa đạt tiêu chuẩn! Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ đề cập tới vấn
đề này. Vào tháng Năm vừa qua, Quốc Hội Liên Hiệp Châu Âu đã bỏ phiếu không cho
phép nới lỏng các hàng rào quan thuế đối với hàng hóa Trung Quốc; trong lúc họ
đang cần gia tăng xuất cảng để chống đỡ nền kinh tế suy yếu vì cần cải tổ toàn
diện. Trong các cuộc thảo luận về kinh tế, thương mại sắp tới, Trung Cộng sẽ phải
đối diện với thái độ nghi ngờ và thù nghịch từ tất cả các nước Âu và Mỹ Châu. Mối
nghi ngại đó đang gia tăng vì Trung Cộng không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng
Tài.
Các nước khác sẽ phán xét Trung Cộng qua các hành động xâm lấn ở
Biển Đông trong các năm tới. Mối quan tâm lớn nhất là Bắc Kinh có thể hung hăng
hơn trước, với những hoạt động quân sự, sau khi bị mất mặt về pháp lý. Liệu một
cuộc chiến tranh nhỏ có thể xẩy ra trong vùng Biển Đông hay không?
Trước hết, Trung Cộng sẽ làm gì đối với các hòn đảo đang tranh chấp
với Philippines? Philippines đang chọn thái độ mềm mỏng đối với Trung Cộng, hai
nước có thể nói chuyện với nhau trong mấy năm sắp tới mà không đi tới một kết
quả nào. Trong khi đó, Trung Cộng vẫn tiếp tục các hành động khiêu khích trên
các hòn đảo đã chiếm của Việt Nam và tìm cách xâm lấn thêm đối với Malaysia và
Indonesia. Mỹ sẽ chỉ đứng ngoài chờ đợi trước khi phản ứng, nếu được các nước
trong vùng kêu gọi.
Nếu Trung Cộng tiến hành việc xây dựng căn cứ quân sự trên đảo
Scarborough đã chiếm của Philippines thì chính phủ nước này sẽ làm gì? Vì Mỹ có
hiệp ước an ninh với Philippines, chính phủ Mỹ sẽ phản ứng ra sao?
Một điều chắc chắn là Trung Cộng không thể đối đầu với Mỹ về mặt
quân sự. Cho nên nếu chọn con đường hiếu chiến Bắc Kinh cũng chỉ hành động vừa
phải, để không đẩy Mỹ tới hành động. Mặt khác, chính phủ Mỹ cũng không muốn phải
dự một cuộc chiến tranh ở Đông Nam Á chỉ vì mấy hòn đảo của một nước Phi xa xôi.
Trung Cộng và Mỹ sẽ ngó chừng lẫn nhau trong nhiều năm tới. Điều
duy nhất có thể khiến chính phủ Mỹ hành động cương quyết là khi Trung Cộng lấn
áp Philippines quá đáng khiên dân chúng nước này cảm thấy nhục nhã và chính quyền
của họ phải phản ứng mạnh. Một cuộc chiến trong vùng biển này, dù nhỏ và có giới
hạn, cũng đe dọa an ninh cả con đường biển đang chuyên chở một phần ba số lượng
thương mại quốc tế. Khi đó, chính quyền Mỹ nào, dù Dân Chủ hay Cộng Hòa, cũng
phải công khai thách yêu cầu Trung Cộng rút lui; nếu không hạm đội Mỹ sẽ can
thiệp.
Nếu tình trạng này xẩy ra, Trung Cộng sẽ lâm vào tình trạng giống
như Liên Xô năm 1962, khi Mỹ yêu cầu Krutchev rút các hỏa tiễn Nga ra khỏi
Cuba. Năm đó, nhiều người đã lo Chiến tranh Thứ Ba có thể bùng nổ; cho tới khi
Krutchev chịu thua. Nếu Trung Cộng tiếp tục làm găng với Philippines, không những
Mỹ mà các nước Châu Âu và Nhật Bản, Ấn Độ cũng đều đứng ta bênh vực Philippines.
Chắc chắn Trung Cộng sẽ phải lùi bước.
Tập Cận Bình chắc không muốn đóng vai trò nhục nhã của Krutchev.
Cho nên ông ta sẽ hành động dè dặt đối với Philippines và cả với các nước khác
trong vùng, để chiến tranh không xẩy ra. Mối lo chính yếu của Tập Cận Bình bây
giờ là cải tổ kinh tế trong nước. Nhưng đối với dân Trung Hoa lục địa, Tập Cận
Bình đang dứng trong góc tường. Họ Tập không thể nói bất cứ một lời hòa hoãn
nào, để bảo đảm không lo bị đồng đảng lật đổ, và dân không nổi lên chống đối.
Trong tình trạng “nhùng nhằng” có thể kéo dài hàng chục năm ở Biển
Đông như vậy, một chính quyền Việt Nam lo cho tổ quốc sẽ phải biết lợi dụng cơ
hội, đứng lên đối đầu với Trung Cộng một cách cương quyết, mạnh mẽ hơn. Phải
noi gương thái độ cương quyết của Philippines, chính họ đã tạo cơ hội tốt cho
nước Việt Nam, một cơ hội hiếm hoi không thể bỏ qua!
Trong lịch sử nước ta, suốt 1,000 năm Bắc thuộc, mỗi lúc bên Tàu
có loạn thì tổ tiên chúng ta có cơ hội vùng lên đòi quyền tự trị. Hiện nay,
Trung Cộng bị cả thế giới nghi ngờ, bị cô lập, đó là lúc nước Việt Nam có cơ
vùng dậy đòi lại chủ quyền! Nhưng chỉ khi nào dân Việt Nam giành lại được quyền
bàu cử tự do, thiết lập được những chính quyền của dân, do dân và vì dân thì mới
có những người lãnh đạo dám đứng ra chống Cộng Sản Trung Quốc và bảo vệ đất nước.
Comments
Post a Comment