Obama, Nguyễn Du, Lý Thường Kiệt

Khi nói đến Lý thường Kiệt phải chăng Obama muốn nhắn xéo với các lãnh tụ CSVN, tổ tiên các ông anh hùng, bất khuất như thế mà sao các ông lại quá nhu nhược, đớn hèn. 
...........................................................................................................................................                           
  Obama, Nguyễn Du, Lý Thường Kiệt  
                                                                                                          Ngô Nhân Dụng
 
Sau khi ông Obama tuyên bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh tỏ ý hoan nghênh, nói, “Trung Quốc cũng muốn Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí!” Sau vụ tàn sát ở Thiên An Môn năm 1989, các nước Tây đã ngưng bán bom đạn cho Trung Cộng. 
 
Nhưng các nhà bình luận bên Tàu không nói “ngoại giao” như vậy. Tân Hoa Xã đe rằng không nên kết thân với nhau để “đe dọa và làm thiệt hại quyền lợi chiến lược của một nước thứ ba!” Ai cũng hiểu họ nói nước thứ ba nào. Giáo Sư Nghê Nhạc Hùng, (Ni Lexiong), một chuyên gia về hàng hải Ðại Học Thượng Hải, nói rõ hơn, rằng quyết Washington và Hà Nội đã lập một “liên minh gần như quân sự, nhắm vào Trung Quốc.”
 
Ngày hôm sau, chắc quan chức Trung Cộng còn nổi giận hơn, khi ông Obama nói với dân Hà Nội: “Trong lịch sử, nhiều lần các bạn không được tự quyết định số phận mình.” (Chúng tôi biết: Một ngàn năm không quyết định được số phận mình). Ông ta nhắc: “Người Việt Nam có bài thơ: "Sông núi nước Nam vua Nam ở - Rành rành định phận tại sách trời.” Người Việt Nam nào nghe một ông tổng thống Mỹ nhắc tới câu thơ của Lý Thường Kiệt, thế kỷ thứ 11, mà không muốn đứng dậy, máu sôi lên? Ðến lúc ông Obama nhắc đến “trăm năm,” đến “của tin” thì chắc các cụ bà vẫn thuộc lòng thơ Nguyễn Du có thể rớt nước mắt; các cụ sẽ ngân nga ngâm Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây, của tin gọi một chút này làm ghi!”
 
Ai dạy cho ông tổng thống Mỹ câu “Nam quốc san hà Nam đế cư - Tiệt nhiên định phận tại thiên thư?” Ai cho ông biết bài “Nối vòng tay lớn?” Ai chỉ cho ông dẫn lời Thiền sư Thích Nhất Hạnh? Ai biết mà biết nêu ra hai câu Truyện Kiều? Có sử gia Mỹ nào đã được tham khảo ý kiến khi họ soạn diễn văn? Hay tòa Ðại Sứ Mỹ ở Hà Nội đã đi nghe ngóng các trong cuộc biểu tình, đã hỏi thăm các ông Nguyễn Huệ Chi và Nguyễn Quang A? Hay là Nguyễn Văn Hải, Ðiếu Cầy, mới mách nước khi được Tòa Bạch Ốc mời vào hỏi ý kiến trước khi ông khởi hành?
 
Người Việt ở Mỹ chắc phải lắc đầu: Mình biết cậu Obama này khôn lắm, hùng biện, nói giỏi lắm. Nhưng cũng không ngờ cậu ấy lanh đến thế! Ðặt chân trên đất Thăng Long mà nhắc đến câu “thơ thần” trên sông Như Nguyệt, xác định: Núi sông nước Nam thuộc chủ quyền của người nước Nam! Cậu Obama này đã không “lú” mà lại được rất nhiều “chú khôn” hiến kế!
 
Sau khi nhắc dân tộc Việt ôn lại lời dạy của Lý Thường Kiệt, ông Obama còn giải thích rõ hơn bằng một nguyên tắc, cả thế giới ngày nay đều công nhận: “Nguyên tắc là các nước nhỏ hay lớn đều phải được tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ, nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ!”
Những lời lẽ nhắn nhủ Bắc Kinh này còn “nặng ký” hơn cả lời tuyên bố chấp nhận bán thêm vũ khí. Quyết định bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí chắc chắn đã được chọn nhiều tháng trước khi ông tổng thống Mỹ lên đường, không phải vì Việt Cộng mới trả tự do cho cha Nguyễn Văn Lý. Họ không nói trước, để mọi người hồi hộp chờ đợi, và để khi nói ra giữa Hà Nội thì “ấn tượng” mạnh hơn. Trước hết, là một tín hiệu gửi giới lãnh đạo ở Bắc Kinh.
 
Obama còn ràng buộc việc bán vũ khí sát thương với tình trạng nhân quyền. Lối nói dè chừng này là một trò “mèo vờn chuột,” vờn cả Việt Cộng lẫn Trung Cộng. Bao giờ bán, bán những vũ khí nào, bán số lượng bao nhiêu, sẽ được tính toán tùy theo hành vi của Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc. 
 
Ðối với Việt Cộng: Bỏ lệnh cấm bán vũ khí, nhưng bao giờ bán, bán cái gì, còn tùy anh, anh có chịu nới lỏng gông cùm cho dân Việt được sống làm người hay không?
Ðối với Trung Cộng: Nếu anh bớt hung hăng, Mỹ sẽ chỉ bán mấy thứ vũ khi nhẹ, chỉ phòng thủ. Nếu anh hăm dọa láng giềng trâng tráo quá, sỗ sàng qua, sẽ bán thứ nặng, bán nhiều hơn. Trong trò vờn nhau giữa con ó Mỹ và con rồng Trung Cộng trong vùng Biển Ðông, từ bây giờ Mỹ sẽ có một khí cụ mới để tăng hay giảm nhiệt độ, tùy hành vi của đối thủ. Lâu nay việc Mỹ bán máy bay, hỏa tiễn cho Nhật Bản, Ðài Loan, Nam Hàn và Phi Luật Tân cũng vẫn diễn trò này. Ông Obama còn nói, “Việt Nam mua sắm vũ khí bảo vệ Tổ quốc.” Tại sao lo bảo vệ Tổ quốc trong lúc này, ai cũng biết!
 
Barack Obama đã phóng một tín hiệu mới cho Tập Cận Bình. Ðồng thời, giúp cho các doanh nghiệp Mỹ tuyển mộ thêm hàng chục ngàn công nhân trong mấy năm tới. Một tin mừng trong lúc dân Mỹ sắp đi bầu! Cổ phiếu công ty Boeing đã tăng 0.68% trong ngày công bố sắp bán 100 máy bay 737 cho Vietjet, giá hơn 11 tỷ đô la, cộng thêm các hợp đồng bảo trì, bán phụ tùng thay thế, vân vân, trong tương lai. Công ty Pratt & Whitney của Mỹ cũng bán được 135 đầu máy phản lực để gắn trên những phi cơ Airbus được đặt hàng năm ngoái, thâu hơn ba tỷ nữa. Mỹ bán được máy bay còn Việt Nam sẽ bán được giầy dép, quần áo nhiều hơn, khi thỏa ước TPP được thi hành. 
TPP chính là “của tin gọi một chút này làm ghi” mà ông Obama đem tới. Cả nước Việt Nam đang chờ TPP. Nhất là các thanh niên đang lo không có việc làm. Sau khi TPP được thi hành, năm 2030 kinh tế Việt Nam sẽ gia tăng mỗi năm 10%. Không những giúp Việt Nam phát triển kinh tế, TPP còn là một đòn bẩy để nâng Việt Nam lên thoát khỏi lệ thuộc kinh tế Trung Cộng.
Nhưng TPP cũng sẽ thành một tác nhân có thể chuyển hóa xã hội Việt Nam. Ông Obama nói ở Hà Nội: “TPP sẽ giúp cho xã hội minh bạch, sẽ ngăn bớt tham nhũng, sẽ bảo vệ môi trường,...” Nói đến tham nhũng là điểm đúng tử huyệt của chế độ độc tài đảng trị. Nói tới môi trường làm xúc động tâm can hàng triệu con người đang sống ngất ngư vì cá chết.
 
Người dân Việt Nam đang ngộp thở vì sống 70 năm dưới chế độ sắt máu cũng cảm thấy một luồng gió mát khi một tổng thống Mỹ đi uống bia, ăn bún chả, ngồi trên chiếc ghế đẩu bằng plastic, trò chuyện với một đầu bếp quốc tế Anthony Bourdain; rồi còn đem khoe ở hội trường Mỹ Ðình. Mạng Internet ở Việt Nam tràn ngập những lời bình phẩm: “Thể hiện nhân cách sống, hòa đồng, gần gũi, thân thiện, khiến mọi người thêm yêu mến và cảm phục.” “Một người lãnh đạo tuyệt vời, tài giỏi và giản dị, miệng luôn mỉm cười đầy thân thiện. Tuyệt vời Obama!” Có người còn tính tiền: “Chi phí bữa ăn của hai người chỉ có 6 USD.” Tôi thấy cả nét đẹp của người Việt và sự thân thiện, dễ gần của ngài tổng thống. Nhiều người khen Obama cầm đũa thông thạo.
 
Không biết công an Việt Nam và mật vụ Mỹ đã gặp quý vị chủ quán Bún chả Hương Liên và các thực khách bao nhiêu lâu, trước khi ông tổng thống Mỹ tới ăn. Bao nhiêu người ngồi trong quán lúc đó là do tòa Ðại Sứ Mỹ dàn xếp trước? Nhưng việc dàn cảnh rất tài, trông rất tự nhiên! Ðây là một dịp hiếm hoi khi một quán ăn Việt Nam bán cho thực khách ngoại quốc mà không tự động tăng giá lên gấp ba, gấp năm lần! Nếu đồng bào mình giữ được “nét đẹp” này, tạo thành thói quen, thì chuyến công du của ông Obama mới thật sự thành công! 
 
Ðáp lại thịnh tình đó, ông Obama đã nói chuyện nhân quyền cho dân Việt cùng nghe. Ông khẳng định: “...nhân quyền là những giá trị phổ quát, chung của cả loài người. Các quyền tự do ngôn luận, tự do biểu tình đều ghi trong Hiến Pháp chính nước Việt Nam của quý vị. Tôi tin các nước sẽ thành công hơn khi người dân có có quyền phát biểu, quyền ngôn luận, quyền tiếp nhận thông tin, khi đó kinh tế sẽ phát triển. Khi báo chí, truyền thông có thể soi mói tới những chỗ tối tăm, các quan chức sẽ bị kiểm soát. Lời chỉ trích sẽ khiến chúng ta tiến bộ, ai có ý tưởng mới mẻ có thể chia sẻ. Bầu cử tự do sẽ có những lãnh đạo tốt. Tự do tôn giáo sẽ khiến người ta yêu thương nhau hơn. Ðược tự do lập hội, người dân sẽ giúp giải quyết những vấn đề mà chính phủ không thể làm.”
 
Chắc thanh niên Hà Nội, Sài Gòn, Vinh, Huế, Ðà Nẵng,... đang tán gẫu với nhau trong các quán bún chả, quán cà phê, về những chuyện ông Obama mới nói ở Hà Nội, và sắp nói tại Sài Gòn. Lại thêm việc Ðại Học Fulbright sắp mở trong ba tháng nữa. Chưa bao giờ một đại học tư được cấp giấy phép nhanh kỷ lục như vậy! Ðây là đại học tư, vô vị lợi, độc lập, tự trị, lần đầu tiên trong chế độ Cộng Sản Việt Nam! Rõ ràng là đảng Cộng Sản đang khát nước! Nói tới Nguyễn Du, Lý Thường Kiệt, ông Obama đã khích động niềm tự hào của giới trẻ Việt Nam, tự hào về văn hóa dân tộc, tự hào về lịch sử oai hùng!
 
Nhiều bạn trẻ Việt Nam, ở trong nước cũng như ở ngoài, đang Google coi hai câu thơ Nguyễn Du trích từ đoạn nào trong Truyện Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây, của tin gọi một chút này làm ghi!”! Bà mẹ tôi, sinh trưởng ở Ðáp Cầu, bên dòng sông Như Nguyệt, nếu còn sống chắc cũng muốn xoa đầu một “ông Tây Ðen” biết lẩy Kiều, bà sẽ mắng yêu: “Cái chú nhọ nồi này, ai dạy mà chú lém thế, láu thế?” Nhiều thanh niên Việt Nam chưa nghe hai câu Kiều này bao giờ. Nhiều người còn chưa hề nghe hai câu thơ Lý Thường Kiệt.
 
Cho nên dân Hà Nội đang kể cho nhau nghe một chuyện tiếu lâm cung đình mới. Bà chủ tịch Quốc Hội hỏi ông tổng bí thư đảng Cộng Sản: “Chúng nó nói thằng Obama nhắc đến thơ Lý Thường Kiệt. Anh biết nó là ai không?” “Biết, sao không biết! Ðồng chí Lý Thường Kiệt là bạn chí thân của Hồ chủ tịch. Hồi Bác Hồ đi lính cho Bác Mao, làm hậu cần trong Ðệ Bát Lộ Quân, bác nấu cơm, còn đồng chí Lý Thường Kiệt bổ củi và gánh nước!”
 

Comments

Popular posts from this blog

Madame Ngô Đình Nhu khuê danh Trần Thị Lệ Xuân-Mời qúy vị đọc để cái gì của Ceasar hảy trả lại cho Ceasar.