Dưới cánh Đại Bàng.

Dưới cánh Đại Bàng

 
 
In PDF.
Một ngày thật bất ngờ vì không hẹn trước, hai vợ chồng lữ khách thong thả ngồi chờ trong ngôi nhà người chiến hữu cùng đơn vị ngày trước. Đây là thành phố Stockton, California. Chúng tôi, hai vợ chồng mới tìm đến được ông, chăm chú nhìn qua khung cửa sổ từ khi bước xuống xe. Người lữ khách ngày ấy là một vị chỉ huy chiến trường chưa từng trực diện, chỉ nghe biết qua máy truyền tin và cái thoáng nhìn vội vã khi ẩn khi hiện khi tôi đang được đua ra khỏi vùng chiến cuộc lúc bị thương: Bồng Sơn!
 
Những năm tháng dài tiếp nối đi qua trong cuộc đời với nhiều ấn tượng do những nghiệt ngã thương đau người thua cuộc. Đói, lạnh, cùm chân giữa núi rừng bao la Thanh Hóa và Bình Điền cùng những thách đố của cái thời gian đằng đẳng, làm xóa mờ nhiều ký ức cuộc đời. Quên để nhớ trong cái cảnh vượt gian khổ, tìm tự thắng để trường tồn. Nhưng, ký ức không xóa nhòa hình ảnh cuối cùng của trận chiến, mà vị chỉ huy như một đại bàng tung đôi cánh đồng hiệp lực, tiếp vũ dũng cho đơn vị khi đang ở thế đối đầu. Có thể nào có được buổi gặp mặt trong cảnh ly tan của đất nước từ khi giã từ vũ khí! Nhưng lại có một ngày:

Trích nhật ký......

Thứ Năm, ngày 22 tháng 3 năm 2007.
Gặp gỡ các sĩ quan trong tiểu đoàn 1 Quái Điểu tại Stockton CA, người chỉ huy hành quân ngỡ ngàng không nhận ra mình. Ông ta bắt tay và oang oang cái giọng trầm rất quen, từ rất sâu trong quá khứ, nặng âm sắc quen thuộc miền Trung:
“A! Phạm Huệ đây rồi, hồi mới về đơn vị, xem tướng tá coi được, tôi gởi ra đại đội 3 của Trung úy Lê Châu Khai. Sao lúc nầy già quá! Mới 56 tuổi - Tôi nhớ rõ từ lúc trình diện hành quân cho đến khi nằm trên băng ca, ngực ra máu, ướt đẫm chiếc áo trận”.
Tôi thì thầm cám ơn “cái ngày ấy”.
Ông bảo: Đó là nhiệm vụ - nhiều khi đi lấy xác một chiến sĩ mà phải bỏ năm mạng là chuyện thường.
32 năm sau cuộc chiến, ông vẫn còn phông độ, vẫn còn nhanh nhẹn như là đặc ân trời cho riêng.
Người vợ của ông tâm sự: “Trong gia đình, ông vẫn còn ảnh hưởng phong cách ra lệnh khi dạy dỗ, sai bảo con cái”.
Tôi bênh vực: “Chúng tôi học lãnh đạo chỉ huy, tinh thần quân sự là phải chấp hành. Sự sống và sự chết của đơn vị đều tùy thuộc vào sự tiên liệu của người sĩ quan... Được có người chồng, người cha vốn là tinh hoa của đất nước thời chinh chiến là một vinh dự lớn lao đó”.
Sau cuộc chiến, ông trở về vẹn toàn thân thể, Phú Sĩ, Hồng Hà, đều còn dấu vết cuộc chiến trên cơ thể như sự không vẹn toàn hay viên kẹo đồng còn nằm lì trong ngực để có những cơn đau nhức vào mỗi khi đổi mùa...
Nhân đọc được bài hồi ký Tháng Tư Ra Trường - Hoa Biển, do một cựu thiếu sinh quân ở Cali đọc được và chuyển lại, từ Chicago, ILL. Cựu Th/Tá Bồng Sơn, tiểu đoàn phó TĐ1/TQLC đã tìm về Stockton-California để thăm lại những sĩ quan của một góc chiến trường xưa. Võ Phúc, Ngô Chi, Hữu Huế, những chàng sĩ quan trẻ trung của đơn vị ngày nào đều có mặt. Khi được nhìn lại vị chỉ huy đơn vị tài ba lẫm liệt của mình ngày trước, mọi người đều không khỏi xúc động khi nhìn thấy mái tóc bạc và dáng dấp bình dân của anh với những lời nhắn nhủ:

“Ở thời điểm tổ quốc nguy biến mà các em vẫn hiên ngang ra chiến trường trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, cho dù chỉ vỏn vẹn một tuần lễ, nhưng tinh thần của các em rực sáng như những ánh sao. Đây là những vết son trong quân sử và là niềm tự hào của quân trường nơi các em xuất thân. Hãy nuôi dưỡng tinh thần và ý chí nầy... và lúc nào cũng phải biết nhớ tới những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Họ đã chiến đấu và hy sinh cho đất nước, nhưng đang hứng chịu những bất hạnh và thiệt thòi..."
 
 
Tháng 9 năm 2014..
Đón đường ông trên đường đến dự họp mặt kỷ niệm 50 năm nhập khóa tại Nam Cali, Bồng Sơn cười vang trong máy:

“Chấm đúng điểm đứng rồi, sắp đến nhà hàng. Chỉ có lúc nầy rảnh, giờ khác thì quá bận bịu. Sao khỏe không Hồng Hà?”.
“Báo đại bàng, đông tây nam bắc đều ở vị trí sẵn sàng. Đang đợi lệnh hành quân!”.
Ông tâm sự bằng một giọng nói chậm, rõ như từ trái tim ra:
“Vào những ngày cuối của cuộc chiến, khi chỉ huy mặt trận đông bắc quanh huấn khu Long Thành, anh không có nhìn xa về tình hình chính trị. Khi có những toan tính, tháo chạy của cấp lãnh đạo mà cứ siết chặt, tiến công hơn thế thủ nên hao quân nhiều quá. Anh muốn biết tinh thần, tâm tư của anh em chiến hữu lúc đó ra sao…”

Những trang nhật ký rời...
Như món nợ ân tình cho Huế về nỗi tang thương Mậu Thân 68, những đứa con đất Thần Kinh vốn chất chứa cả trời tâm sự quê hương trong lòng như Lê Sơn, Lê Quang Thông, Trần Đại Đãi, Ngô Chi, Phạm Hữu Huê... đều một lần dấn thân vào binh chủng Thủy Quân Lục Chiến và dù không trọn vẹn trên bước hành trình, nhưng cũng từ trái tim mong được đáp đền chút gì với đất mẹ thân yêu.
Được tham dự vào trận đánh sinh tử cuối cùng, đơn vị với truyền thống bất khuất đã kiên cường chống trả và cầm cự cho đến những giờ phút sau cùng thì tôi ngã xuống. Bộ đồ trận chưa một lần thay, do thế trận quá căng thẳng, với đêm ngày không giảm cường độ, ướt mèm vì máu. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi vừa được tải thương đến bệnh viện SĐ/TQLC Lê Hữu Sanh thì nghe lệnh đầu hàng trên đài phát thanh Sàigòn. Khi thoát ra khỏi căn cứ thì may mắn gặp thằng bạn đời ở đại đội C, lúc đó nghỉ phép ở ngã tư Hàng Xanh. Mới cách mấy ngày mà nay thành một thương binh, đi không nổi mà đứng cũng không được, làm thằng bạn lựng khựng nhìn trân trối. Vết thương ở phổi nên khó thở và rất mệt, nên người bạn Trần Văn Thanh phải kiên nhẫn lắm khi dìu đi tìm bệnh viện thí để băng bó. Biết rõ cơn nhức nhối hành hạ cơ thể trong cảnh cô đơn, lạc lõng không người thân, không đơn vị, với gia tài vỏn vẹn một bộ đồ xanh quân y viện. Người bạn kiên trì từng bước từng bước một, mà hành trình là một vòng Sàigòn từ cầu xa lộ đến nhà thương Bình Dân, qua khu Thị Nghè, nơi có bệnh viện Grall để tìm cách chữa trị và vô trùng vết thương. Viên đạn cách một lóng tay cạnh tim nên không chết liền như các sĩ quan cùng đơn vị Nguyễn N. Thành, VB28, Hoàng Minh Sinh, VB29. Ngô Chi ở BCH tiểu đoàn theo dõi từng phút trên máy PRC25, chờ tin dữ vì biết bạn mình đang chiến đấu với tăng T54 Việt Cộng. Gần bốn mươi năm sau vật đổi sao dời vẫn một câu:

“Nếu như mày chết đi trong trận đó thì tuyệt quá vì tao sẽ có mãi một thần tượng để tôn sùng. Mày ra đi hiên ngang, vào nơi lửa đạn mà chấp nhận bỏ hết và đúng là những người trẻ cuối cùng vào cuộc chiến. Tao chờ tin mày từng giây và mày chết sẽ là bất tử trong tao!!!!!”.

Cố Đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh
nguyên CHT/TĐH/CTCT/ĐL
Ngày 22 tháng 4 năm 1975, Đại tá Chỉ huy trưởng Trường ĐH/CTCT Đà Lạt, ưu ái cho các tân sĩ quan khóa NT4, hai ngày phép thăm thân nhân, trước khi ra đơn vị. Ông thật nhân đức và quá ân tình với những đứa con học trò nên linh hoạt tạo dịp cho các tân sĩ quan một nghĩa cử như món quà tiễn biệt! Về lại Sàigòn trong cơn hấp hối, phố xá vẫn đông người do từ các nơi ngoài Trung chạy loạn và dồn về. Trong dòng người xuôi ngược tất tả đó, Ngô Chi và tôi như bóng với hình lững thững những bước chân lặng lẽ trên hè phố, lòng buồn rười rượi vì mất liên lạc với gia đình và người thân ngoài miền Trung.
Sàigòn những ngày cuối-thành phố vội vã trong sinh hoạt, trên mỗi sắc mặt đều thoáng vẻ ưu tư, bồn chồn lo lắng và đợi chờ một cái gì sẽ đến. Các quán xá, tửu lầu vẫn rộng mở mà đa số dân nhà binh là khách chính. Hai đứa ngang qua khu Brodard sang trọng, cố mở tầm mắt như thu nhận lần cuối hình ảnh hào nhoáng, kiêu kỳ của Sàigòn hoa lệ vào ký ức với một linh tính khó có một lần thứ hai. Bên trong cửa kính quán cà phê thấy những người bạn mình như Nguyễn Văn Lân BCND, Trần Đại Đãi, Lê Quang Thông TQLC mà mới hôm qua hiền lành, đơn sơ nay oai vệ, vũ dũng trong những bộ đồ tác chiến rằn ri hoa biển với những chiếc mũ bê rê màu xanh lục. Họ trầm ngâm bên những tách cà phê, thú vị đưa từng giọt đắng vào người, tận hưởng những dư vị hạnh phúc của nguyên lý có-không, thực-ảo, đến-đi, hạnh phúc-khổ đau của tuổi trẻ hai mươi thời chiến. Bên hông quán thấy nhà thơ Khuê Việt Trường là NT4 Phan Huy Trạm, đứng tựa cửa và đang nỉ non với người yêu như những lời tình tự cuối trước cuộc chia tay kẻ sắp lâm trận.
Cũng dun dủi tình cờ mà cả hai chúng tôi gặp lại người con gái xứ đạo Thanh Bồ, Đà Nẵng, đang tả tơi sau chuyến hành trình trên biển khơi từ ngoài Trung vào vì lánh nạn Cộng Sản, khi thành phố thất thủ ngày 29 tháng 3 năm 1975. Như Lan, gốc Văn Khoa Huế, mến mộ mấy chàng Alpha trong đợt phép thường niên đầu năm 1975 của các SVSQ NT4 và níu kết như có duyên nợ tự thuở nào. Khi chia tay nơi phi trường Đà Nẵng để về lại trường, tôi thấy em đứng đơn côi giữa một rừng quân màu áo hoa dù, nơi bãi tiếp vận cung ứng nhân lực, đạn dược cho chiến trường Thượng Đức. Em chơi vơi ngấn lệ, không cất nổi cánh tay vẫy chào như là lần cuối tiễn người đi khi tiếng động cơ chiếc C130 gầm rú khởi động để sẵn sàng cất cánh lên bầu trời, hướng về Đà Lạt. Tình yêu thời chiến nóng bỏng và vội vàng. Nhưng thơ mộng do ngày mai sẽ đến như thế nào, ai mà biết được. Nay gặp lại Như Lan nơi Sàigòn tất bật, rộn ràng, đầy người chạy loạn, em như con mèo ốm, xác xơ và yếu đuối, giương đôi mắt lo lắng, tìm che chở:

“Anh hãy ra khơi với gia đình em chiều nay bằng chính con tàu Giã của ba em (Tàu đánh cá). Tất cả đã chuẩn bị rồi, mình rời khỏi đây đi anh!”.

Trong phút chốc, hành trình từ những ngày nhập cuộc hiện về. Hai năm sáu tháng với hai trăm lẻ chín người cùng dấn thân cho một chí hướng qua bao mùa thao trường mồ hôi đổ. Những miệt mài tôi luyện trong giảng đường, bên bãi tập quân sự để mong có ngày được phục vụ cho đất nước mình bằng kiến thức, nhiệt tình, bằng lý tưởng. Hai mùa mưa nắng trên đồi núi Đà Lạt, những cây thông già làm chứng nhân kỷ niệm, qua bao lớp người đi mãi mãi, vi vu theo gió tựa như nhắc nhở, như thì thầm giấc mộng chinh nhân các anh đi. Cái tự hào được làm người lính hiện dịch, suốt đời phục vụ lý tưởng quốc gia, đã làm tôi như mê man, đan tâm tránh lối loài hoa nở bên đường để tìm đến chốn lửa đạn. Gia đình đang bặt tin ngoài Huế mà quê hương miền Nam đang ở những giờ phút sinh tử thì làm sao mà dứt bỏ cho đành. Vân vê chiếc bông mai mới toanh trên ve áo, tôi ân cần:

“Như Lan hãy theo gia đình ra khơi đi. Anh không đi và quyết ở lại. Anh yêu con đường anh đi!”.

Giã từ Sàigòn, giã từ đồng môn và bè bạn, giã từ người tình bé bỏng yếu đuối với cánh tay không vẫy được lúc chia tay! Sáng 24 tháng 4 năm 1975, theo đoàn người ra đi, chúng tôi lên đường ra đơn vị. Theo nhu cầu khẩn cấp của cuộc chiến, mỗi chúng tôi đến khu vực hành quân cùng ngày.
Long Thành, vào ngày 28 tháng 4 năm 1975, Cộng quân quyết chọc thủng phòng tuyến Đông Bắc hướng về Sàigòn thì găp sức kháng cự mãnh liệt của quân ta. Các sĩ quan khóa 28, 29 Võ Bị và khóa 4 CTCT/HD vừa mãn khóa tham chiến rất đông trong đơn vị Thủy Quân Lục Chiến tại chiến trường nầy.
Trận chiến lai rai kéo dài cho đến chiều ngày 28/4/1975 rồi thình lình bùng nổ dữ dội tại ngã ba Huấn khu Long Thành. Các chiến sĩ cọp biển đã chiến đấu rất kiên cường trong một thế trận cam go nhưng cô đơn vì không được yểm trợ. Đại đội 2 của Trung úy Thánh trải quân hình dọc, đối diện trường Thiết Giáp Long Thành, nối tay với đại đội 3 của Trung úy Lê Châu Khai thành hình cánh cung, bao quanh rừng cao su, nằm chếch phía phải, từ vọng gác lối chính dẫn vào trường bộ binh.
Khoảng 6 giờ chiều thì hai bên thấy nhau. Xe tăng hai phía tác xạ qua lại nhịp nhàng, y lời qua tiếng lại. Tiếng súng trường M16 nổ ran như pháo chuột bên cạnh những tiếng gầm rú vang trời của tăng M48 và T54 đang bắn trả lẫn nhau. Sự bố trí lực lượng thế thủ của ta trước sự tiến quân của địch chính xác gần như trăm phần trăm. Sau khi tải thương một trung đội trưởng bạn bị pháo găm vào bọng đái khi đang đứng chỉ huy một cách gan lì thì chỉ giây lát sau, tiếp đến ĐĐTrưởng bị thương khi đang điều động qua máy vô tuyến ở ngay trong hố. Một mảnh đạn pháo chém vào lưng, máu tuôn nhiều làm anh chỉ biết nhìn lo lắng cho đơn vị, tuyệt đối không nói được một lời nào cho đến khi tải thương đi. Đơn vị chỉ còn mình tôi là sĩ quan và chuyện gì đến thì phải đến. Cũng may thay, tần số liên lạc rất rõ, Bồng Sơn dẫn dắt “vô cùng kiên nhẫn” từng lời, cả bằng bạch văn vì chưa đủ thời gian làm quen ngụy âm. Ông khuyến khích giữ con cái, cố gắng đừng bị bể tuyến và giữ chặt “tuyệt đối” hai con cua sắt. Trong khói súng tôi cười liều, vẫy tay chào anh Chuẩn úy kỵ binh trẻ măng đang đứng chỉ huy trên xe, như lời dặn dò ngầm. Chiếc M48 hùng hục thụt lui, thụt tới quay súng tác xạ như nhảy đầm. Phe ta, mặc cho tăng hai bên quần thảo, mỗi chiến sĩ yên vị dưới hố trong khi Bồng Sơn tiếp nhắc đốc thúc con cái và mở hết chốt an toàn trên súng M72. Pháo tháp trên tăng của ta, mỗi lần vuốt một cái là một cây cao su ngã đẹp nên xạ trường rất quang đãng. Lúc nầy cái miệng đắng nghét, nuốt nước bọt muốn trợt cổ mà bộ áo quần cứ tự ướt rồi tự khô và cũng quên hẳn là mình chưa ăn từ lúc nào đến giờ mà không biết đói. Đến giờ nầy, trời bắt đầu tối. Tôi nghe tiếng gầm rú như thét và làn khói đen xịt mịt mù, chiếc M48 súng hướng nòng đại bác về phía địch nhưng lại phóng ngược ra đằng sau, xa khỏi vòng đai. Tôi cùng người lính giương súng M72 đòi bắn thì xe hãm đà và ngoan ngoãn trở lại vị trí. Trên sắc mặt anh em đang tái đi bỗng dần lấy lại tinh thần.
Nơi đây, chiến trường xưa, Rừng cao su ngã ba Thái Lan, Long Thành...4/1975
Một ngày thật dài như không muốn qua đi, với trận chiến đầu đời của một sĩ quan non nớt, chưa một kinh nghiệm chiến trường. Khi lửa, đạn, thuốc súng bao quanh và đồng đội ngã xuống thì đôi chân bỗng nhẹ hều nhưng đầu óc lại nặng trĩu những suy tư lo lắng. Rít vào vài hơi thuốc, thờ ra, nhìn khói thuốc bay, tan lẫn trong sương mai, để tiếp nhận việc gì sẽ đến. Ai từng qua thời chinh chiến ở cảnh tử sinh với làn ranh mỏng manh, sẽ thấy nét thực ảo quanh mình để rồi sau đó trân quý vô vàn những gì có được. Mãi mê chỉ huy và quyết đến được một hồi chung cuộc thì tôi ngã xuống. Giữa tuyến lửa, khi xe tăng địch gầm rú, lính thu mình cố thủ trong thế trận chín mất một còn, lúc ấy trong đầu tôi chỉ còn một ý nghĩ: Thôi rồi - Phú dâng!
Nhưng đại bàng bay đến, tha về. Trong cơn đau quằn quại, thấy một chiến hữu áo trận, nón sắt, súng dài - một hình ảnh bình thường như các chiến binh khác, nhưng đây ông chen vào lửa đạn, đem thân vào chốn hiểm nguy nhất mà ông có quyền từ chối vì áp lực địch, vì đêm đen, vì lạnh... gáy... Trên con đường lộ nằm giữa rừng cao su dẫn vào cổng trường Bộ Binh có năm mươi hai chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại nơi đây khi đơn vị rút về phía Long Bình vào sáng 29 tháng 4 năm 1975. Một chiến sĩ sống sót lúc nằm lại đã an táng tập thể những anh hùng vô danh nầy cạnh những gốc cây cao su, mà nay 2014, những ngôi nhà tập thể lại xây dựng lên bên trên. Ba mươi sáu năm vật đổi sao dời, những đồng đội sống sót quá xót xa thương khóc bạn, nhiều người trở về chiến trường xưa tìm dấu tích…

“Bồng Sơn, TĐPhó TĐ1 bổ sung thêm một vài chi tiết: địch không chỉ tấn công ĐĐ2 mà tấn công toàn tuyến phòng thủ của cánh B/TĐ1 gồm ĐĐ1, ĐĐ3 và ĐĐ2 phòng thủ hàng ngang. Thiệt hại của ĐĐ3 rất nặng, ĐĐTrưởng ĐĐ3 bị thương và một số thương binh và tử sĩ được tải thương ra khỏi trận điạ. ĐĐ3 chỉ còn 1 sĩ quan Khoá 4 ĐH/CTCT, Thiếu úy Phạm Hữu Huê được chỉ định nắm ĐĐ3. BCH/Cánh A đóng tại dốc 47 nhưng BCH/Cánh B đóng ngay tại ngã 3 Thái Lan, chạng vạng tối 29, bị chiến xa địch tiến dọc theo QL15, bắn nát BCH/Cánh B, Bồng Sơn may mắn thoát chết vì đã lên trám tuyến của ĐĐ3 khi Th/úy Huê bị bắn thủng ngực đang thoi thóp chờ chết. 2 cận vệ của Bồng Sơn tan xác vì chưa theo kịp Bồng Sơn thì đã bị đại bác 100mm trên T54 bắn chết. Bù lại chiếc T54 này bị ĐĐ1 cuả Tr/úy Bình bắn cháy. Để rõ hơn xin tìm đọc hồi ký Tháng Tư Ra Trường của Th/úy Huê - người may mắn sống sót khi Bồng Sơn đã kịp thời tải thương - trong Đặc San Ức Trai của Hội AH/CSVSQ/ĐH/CTCT/ĐL, để hiểu thêm những khốc liệt của trận đánh cuối cùng của TĐ1 Quái Điểu TQLC nói riêng và QL/VNCH nói chung. Lăng kính để nhìn một trận đánh, thể hiện dưới nhiều góc độ, tùy thuộc vào vị trí, cấp bậc và chức vụ. Nhưng tựu chung, sự chiến đấu kiên cường của các Quái Điểu đã thể hiện lòng can đảm và tinh thần bất khuất cùng sự hy sinh vô bờ bến của quân nhân các cấp trong QL/ VNCH.”
Th/Tá Bồng Sơn, TĐPhó TĐ1 Quái Điểu TQLC, người trực tiếp chỉ huy trận đánh cuối cùng này (Trích DĐ Mũ Xanh).
Khi chiếc xe tải thương từ tuyến đầu lủi vào bộ chỉ huy TĐ 1/TQLC giữa tiếng pháo đạn tơi bời, Thiếu úy Ngô Chi nhìn thấy tôi trên chiếc băng ca bê bết máu, mếu máo nói:

“Huế ơi, tao nhìn thấy mầy rồi. Mầy về tới đây là tao mừng quá! Mới mấy ngày từ lúc mầy ra đại đội, tao trông tin mầy lắm. Qua máy truyền tin, tao biết đơn vị mầy đang đụng nặng”.

Vết thương ở ngực, cạnh trái tim làm tôi khó thở, y tá chiến trường đã băng bó, nhưng máu vẫn còn ra nhiều quá, lại thêm khi tải thương, pháo và đạn AT3 chống tăng nổ dồn dập trên đường đi khiến hai người lính dìu vai hãi quá, hất té ngã nhào nhiều lần. Đau đớn, tôi chỉ biết nhìn lờ mờ, nhưng cảm nhận được những gì Ngô Chi kể lể:

“Mầy vậy là sống, nếu như mai nầy được chuyển về bệnh viện Lê Hữu Sanh. hãy cố tìm liên lạc em tao là Ngô Từ, đơn vị Quân Tiếp Vụ SĐ7 và cho nó biết đã gặp tao ở giờ nầy như thế nầy và mạ tao sẽ biết tin con. Sắp tới đây chưa biết sống chết như thế nào”.

Ngô Chi đặt băng ca tôi vào một góc hầm và trở về nhiệm vụ. Tôi hướng mắt phía trên, vòm trời lóe sáng từng chặp, đạn lân tinh nổ dòn và rực sáng như những vòng hoa lộng lẫy song song với những tiếng nổ kinh hoàng của đủ loại đạn pháo, cối, đại bác của hai phe đang kịch chiến. Tôi cố sức để nhắm mắt, cố ru ngủ quên bớt đau nhưng không được vì vết thương hành dữ quá.
Thấp thoáng trong hơi mờ thuốc súng, tôi thấy một người con gái đẹp khác thường. Với sắc áo rằn ri, mới thoạt nhìn trông rất oai dũng, nhưng nét thùy mị thanh tao sau những bước chân dịu dàng đầy nữ tính, với mái tóc dài buông xõa vẫn hiện rõ dáng dấp anh thư đầy quyến rũ. Ngô Chi cho biết đây là người yêu của Thiếu úy Võ Phúc, đại đội trưởng chỉ huy và cô đang là sinh viên văn khoa Sàigòn. Dẫu biết đất nước đang hồi dầu dôi lửa bỏng và thấy cảnh chiến trường cao độ, muốn san sẻ hiểm nguy và dâng hiến hạnh phúc tình yêu cho người thương ở những lúc bom đạn vô tình và sự sống chết cận kề, cô xâm mình ra đơn vị, mặc chung một màu áo trận, nằm giao thông hào và cũng cầm một cây súng M16 hướng về phía địch như bao chiến sĩ cọp biển khác. Tình yêu như nhiệm mầu, thách đố thương đau và hiểm nguy ở những khoảnh khắc nầy ví tựa biển rộng sông dài. Võ Phúc là con trai cả vị Tiểu đoàn trưởng TĐ4 Kình Ngư TQLC. Khi rời trường Thủ Đức khóa 1/72, anh theo gót chân cha gia nhập gia đình cọp biển.
Là lính chiến, nhưng phong cách lịch lãm phong trần nên anh có cuộc tình tuyệt vời đến lạ lùng. Anh em binh sĩ ở phòng tuyến, mỗi lần thấy cô đi ngang qua, nét hấp dẫn và sự tươi cười đã cho anh em niềm vui lâng lâng thú vị khó tả, quên cả nỗi sợ. Khi cô đi xa họ quay trở lại vùng chiến tuyến trước mặt, lòng tươi vui cho dù mệnh hệ nào đến đi nữa. Đêm đến, bên ngoài căn hấm “hạnh phúc” của họ, lính tráng tay cầm súng, miệng hát vang những câu ca tình yêu như lời chúc tụng yêu thương giữa những tiếng nổ đang rền vang giữa đêm đen. Đôi uyên ương không chết trong trận đánh cuối cùng nầy, nhưng sau đó khi vào tù, anh bị mất một con mắt vì bị thương ở giờ phút cuối trước khi miền Nam sụp đổ, không được chữa trị. Và người yêu anh đã đi xa, từ khi anh vào “trại cải tạo” của quân thù. Họ để lại cho nhau kỷ niệm một tình yêu tuyệt vời như cuộc đời có một thời để yêu và một thời để chết.
Cuối năm 1991, mười sáu năm sau ngày đất nước ly tan, bạn bè và những người xưa cũ gặp nhau trên xứ tự do. Cùng điểm đến nhưng khác biệt riêng rẽ vào mỗi hành trình. Đến bây giờ vẫn thấy rằng những năm tháng nơi trường Mẹ đã dày hun đúc chí trai, để biết đặt tình yêu tổ quốc lên trên bản thân và gia đình. Những người ở lại, những đồng ngũ không bỏ anh em, bè bạn và đã trung thành với cuộc chiến như một sứ mệnh phải nối tiếp và hoàn thành. Bốn, năm, sáu năm hay hơn nữa cho mỗi Sinh Viên Sĩ Quan về bản án vô hình tù tội mà giặc thù áp đặt cho người cán bộ nồng cốt của QL/VNCH, rồi cũng chỉ là sương gió khi chí khí và nỗi căm hờn giặc thù vẫn còn. Nơi đây, Hoa Kỳ, người xưa của 1975 theo năm tháng, cũng nhạt nhòa theo bước thời gian, vẫn một mực thầm kín, niềm nuối tiếc đã chưa cho nhau được những gì mình có... Người nay mới tới thì hành trang như từ đất sang trời, từ địa ngục đến thiên đàng, mà những đọa đày đầy thù hận do tù đày, kinh tế mới, do rập rình, cô lập của từng lời nói, cử chỉ, từ đời cha đến đời con, mà nay lại trở thành những vun xới tươi tốt cho trái tim thêm đậm đà nhân bản.
Có những trưa hè bên trong cánh rừng Như Xuân, Thanh Hóa, khi tiếng vượn rừng thôi hú, nhường cho tiếng chim ca giữa ngàn cây trong một không gian có đà tiến hóa chạy lùi, những chàng trai Alpha đen của một thuở hào hoa lịch lãm, đang đói meo nằm nghỉ trưa trên tấm vạt giường bằng cây rừng, trong căn nhà vách thưng, mái nứa của nhà tù “cải tạo” Như Xuân, Sông Mực. Đôi lần khi lên rừng khai hoang, đốn cây, được gặp các đại bàng vẫn đầy tràn tư cách đàn anh như Phạm Cang, Lê Quang Liễn... Nhìn những đứa em như Lập, Cầu, Vĩnh Tháp K28, Huê, Chi NT4, đang trầm trồ khen bộ râu quai nón đẹp oai từ bẩm sinh, MX Phạm Văn Tiền, nói trong thổn thức:

“Mấy anh có ăn có chịu, tội mấy em mới ra trường vội mà chịu đòn nặng quá”.

Tuy sống như thời đồ đá, nhưng thỉnh thoảng lại nghe được tiếng đàn ghi ta cổ điển réo rắt của VB25 Phan Văn Phát, cựu phi công A37. Âm thanh ngút ngàn, thánh thót của một kỹ thuật Tây ban cầm siêu đẳng, như đẩy lùi lại vào quá khứ, nơi một dĩ vãng có đủ tình yêu tuổi trẻ và những dấu ấn cuộc đời. Tù nhân có những phút giây quên đi thực tại, được thú vị với nỗi hạnh phúc vô hình. Đầu gối tay lim dim mộng mơ trong căn lán một ngày chủ nhật không lao động ở giữa khu rừng già Như Xuân, Thanh Hóa, khi nghe độc tấu với ngọn đàn réo rắt hết mức chịu đựng bản Romeo&Juliette... “Những mối duyên đầu, thường gây khổ đau, lòng khóc thầm... Vì phút chia ly chợt đến như mây sầu đông. Giây phút ban đầu, ngày ta gặp nhau, mắt môi thầm trao, những câu ân tình, biết bao là âu yếm...” thì bạn đời Ngô Chi hỏi:

“Mi có tiếc không? Hồi đó sao không theo em Như Lan xuống thuyền sang Mỹ?”.



Bích TĐ3, Huê TĐ1, Đức TĐ4 gặp nhau từ sau 30/4/75 vì quả đất nầy... tròn
Phải đợi xong một hơi thuốc lào mới trả lời được.
Cơn phê sau một hơi ém dài làm tôi lảo đảo, quay cuồng quên cả thực tại. Thú hạnh phúc “đắm say” một bi ba số tám ai chưa một lần thì chưa biết tới. Khi nhịp tim đập lại bình thường, tai hết ù và nước mắt bớt nhễ nhãi, nỗi xúc động của ngày tháng cũ lại về:

“Ai cũng có một tình yêu tổ quốc, một tình yêu dân tộc và dĩ nhiên ai cũng có một cuộc đời đáng sống. Cái quý hóa là quân trường Mẹ đã tôi luyện để chuyển hóa mình biết yêu và đặt tình yêu đất nước lên trên, trên cả những cuộc tình của những chàng trai thế hệ... Thật khó phai mờ hình ảnh sáng ngày 24 tháng 4 năm 1975, đúng giờ chia tay khi đoàn quân xa TQLC nổ máy chở tân sĩ quan lên đường tại cổng TĐ50/CTCT, Thiếu úy Nguyễn Ngọc Vịnh (TĐ1) dứt nhẹ tay người tình đang bịn rịn quyến luyến níu kéo và vụt chạy về phía những người bạn mình đang ở trên xe ra đơn vị dù biết cuộc chiến ở giờ thứ 25. Trên những chiếc GMC của SĐ/TQLC, có những người trai theo tiếng gọi của tình yêu tổ quốc đang trên đường ra đơn vị.

Mx Hoa Biển
*********************************************
__._,_.___

Comments

Popular posts from this blog

Madame Ngô Đình Nhu khuê danh Trần Thị Lệ Xuân-Mời qúy vị đọc để cái gì của Ceasar hảy trả lại cho Ceasar.