Ôn cố tri tân.

Những bí mật sau hơn 40 năm



Lúc đầu họ nói với tôi về ông Diệm. Ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau và sử dụng một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa để hạ sát ông ta. Bây giờ chúng ta không có sự ổn định chính trị [ở miền Nam Việt Nam] từ lúc đó.”

Trên đây là lời tuyên bố của cựu Tổng Thống Lyndon B. Johnson được ghi lại trong một cuốn băng dài 30 tiếng đồng hồ do thư viện Johson Library ở Austin, Texas, công bố ngày 28 tháng 2, 2003. Những đoạn băng này cho thấy khi chiến tranh Việt Nam đang ở vào thời kỳ gay go nhất, Tổng Thống Lyndon B. Johnson đã gặp khó khăn vì sự chống đối của Quốc Hội. Ông bị dằn vặt về sự thất bại trong việc lãnh đạo chiến tranh Việt Nam. Ông nói: “Tôi không thể rút ra, tôi không thể chính là kiến trúc sư của sự đầu hàng” (“I can’t get out, I just can’t be the architect of surrender”).

Tài liệu này được công bố sau 40 năm kể từ khi Hoa Kỳ thuê một số tướng lãnh Việt Nam đảo chánh và giết ông Ngô Đình Diệm, khởi đầu cho việc đưa quân vào miền Nam Việt Nam.


Những tiết lộ mới

Tài liệu vừa được công bố trên cho biết, vào ngày 1 tháng 2, 1966, Tổng Thống Johnson đã gọi điện thoại cho Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthay than phiền về việc chính quyền Kennedy (lúc đó ông Johnson là Phó Tổng Thống) và liên minh cánh tả của ông ta ở Thượng Viện đã ủng hộ việc ông ta đi vào cuộc chiến Việt Nam, nhưng lại không ủng hộ ông trong việc tiếp tục cuộc chiến đó. Ông nhắc lại chuyện chính quyền Kennedy tổ chức giết ông Diệm để có thể tham chiến ở Việt Nam:
“Ngài nhớ, lúc đầu họ nói với tôi về Diệm. Ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau và sử dụng một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyễn rủa để hạ sát ông ta. Bây giờ chúng ta không có sự ổn định chính trị [ở miền Nam Việt Nam] từ lúc đó.”

(“They started on me with Diem. He was corrupt and he ought to be killed. So we killed him. We all got together and got a goddam bunch of thugs and assassinated him. Now, we’ve really had no political stability [in South Vietnam] since then.”)

Ít phút sau, trong một cuộc nói chuyện với Tướng Maxwell D. Taylor đang là Đại Sứ Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam, Tổng Thống Johnson lại nhắc lại điều đó. Ông nói với Tướng Taylor: “Họ khởi đầu và nói: ‘Chúng ta phải giết Diệm, bởi vì ông ta không tốt. Chúng ta hãy, chúng ta hãy lật đổ ông ta. Và chúng ta đã làm.” (“They started out and said, ‘We got to kill Diem, because he’s no damn good. Let’s, let’s knock him off. And we did.”)

Tướng Taylor đồng ý: “Phải, sự việc đã khởi đầu tất cả như thế. Đúng là sự việc đã khởi đầu như thế.” (Yeah, that’s where it all started. That’s exactly where it started!”)

Tổng Thống Johnson giận dữ trả lời: “Và lúc đó tôi đã van nài họ, ‘Xin vui lòng đừng làm điều đó.’ Nhưng sự việc vẫn được khởi sự. Và họ đã lật đổ ông ta.” (“And I just pled with them at the time, 'Please, don't do it.' But that's where it started. And they knocked him off.”)

Trong một bài dưới nhan đề “What's Hidden in the LBJ Tapes. Johnson thought JFK was responsible for the murder of Ngo Dinh Diem” đăng trên tuần san Weekly Standard ngày 29 tháng 9, 2003, James Osen đã trình bày và phân tích đoạn băng này với kết luận rằng Tổng Thống Kennedy phải chịu trách nhiệm về cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tác giả đã nhắc lại chuyện một nhân viên CIA là Everette Howard Hunt đã làm các điện văn giả để giúp Tổng Thống Nixon chứng minh Tổng Thống Kennedy dính líu đến việc hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Người ta nhớ lại hôm 19 tháng 6, 1972, hai ngày sau khi vụ Watergate bùng nổ, một nhân viên của Safemasters Company và một nhân viên của Sở Mật Vụ (Secret Service) đã đột nhập vào phòng 522 của Tòa Bạch Ốc, nơi chứa những tài liệu của một người tên là Everette Howard Hunt, một nhân viên CIA có nhiệm vụ giúp Tổng Thống Nixon. Tại đây các nhân viên điều tra đã khám phá ra hàng trăm điện văn (cables) ghi lại các biến cố đưa đến cuộc đảo chánh vào tháng 11 năm 1963 ở Nam Việt Nam với kết quả là Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu bị hạ sát. Các nhân viên điều tra cũng khám phá ra hai điện văn giả của ông Diệm do Everette Howard Hunt làm với ẩn ý nói rằng chính quyền của Tổng Thống Kennedy và chính ông ta đã can dự vào việc giết hai nhân vật này.

Khi các văn kiện giả này được bạch hóa vào năm 1973, nhiều người nghĩ rằng những điện văn giả đó chứng tỏ Nixon và các tay chân bộ hạ của ông ta không phải chỉ muốn thắng cử và che lấp tội lỗi của họ, mà còn muốn viết lại lịch sử chiến tranh Việt Nam để làm thay đổi những suy nghĩ của người Mỹ về cuộc chiến này.

Everette Howard Hunt sinh năm 1918, đã làm việc cho CIA từ 1949 đến 1970. Trước đó, ông ta bị coi là một nghi can quan trọng trong vụ giết Tổng Thống Kennedy vào ngày 22 tháng 11, 1963, nhưng không bị truy tố vì “không đủ yếu tố buộc tội.” Trong vụ đặt máy nghe lén nơi họp của Đảng Dân Chủ, ông đã bị phạt 8 năm tù.

James Osen cho rằng Tổng Thống Nixon đã phải cho làm giả một tài liệu có sẵn trong Tòa Bạch Ốc mà ông không biết.
Qua những lời phát biểu của Tổng Thống Johnson nói trên, chúng tôi thấy có hai vấn đề được đặt ra:
Vấn đề thứ nhất là trách nhiệm của chính quyền Kennedy trong vụ đảo chánh và hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Vấn đề thứ hai là trách nhiệm của “bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” trong việc hạ sát một cách dã man Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu. Chúng tôi xin trình bày qua hai vấn đề này.

 

Nhận diện các thủ phạm chính

Không phải đến ngày 28 tháng 2, 2003, khi Johson Library công bố cuốn băng nói trên, chúng ta mới có thể xác quyết chính phủ Hoa Kỳ đã đứng ra tổ chức cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11, 1963 và ra lệnh giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Những văn kiện trao đổi giữa Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1963 cũng đủ để chứng minh điều đó.

Cuốn hồi ký của ông Robert S. McNamara, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, xuất bản năm 1995 cũng đã xác định rất rõ Roger Hilsman Jr., Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Viễn Đông Vụ, Averell W. Harriman, Thứ Trưởng Ngoại Giao, và Michael V. Forrestal, một thành viên tham mưu (staffer) của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, là “kiến trúc sư” của cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Roger Hilsman là một nhân viên cao cấp của Bộ Ngoại Giao và cố vấn về chính sách Việt Nam. Năm 1961, ông được Tổng Thống Kennedy bổ nhiệm Giám Đốc Văn Phòng Tình Báo và Nghiên Cứu của Bộ Ngoại Giao. Ông được coi như “kiến trúc sư chính về chính sách Việt Nam của Hoa Kỳ” (principal architect of U.S. Vietnam policy). Tháng 1 năm 1962 ông trình bày “Một quan niệm chiến lược cho nam Việt Nam” (“A Strategic Concept for South Vietnam”), coi việc xây dựng nông thôn Việt Nam như một chìa khóa đưa đến chiến thắng. Vào tháng 2 năm 1964, sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, đã có một sự bất đồng giữa Tổng Thống Johnson và Ngoại Trưởng Rusk về chính sách Việt Nam do Hilsman là tác giả, nên Hilsman phải từ chức. Năm 1967, Hilsman đã viết cuốn “To Move a Nation” ca tụng chính sách Việt Nam của Tổng Thống Kennedy và đả kích sự leo thang chiến tranh của Tổng Tống Johnson.

Nhưng có lẽ tác giả cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu là Averell W. Harriman. Ông sinh năm 1891, làm Đại Sứ Toàn Quyền của Hoa Kỳ từ 1960 đến 1961, sau đó làm Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao về các vấn đề Viễn Đông từ 1962 đến 1963 và Thứ Trưởng Ngoại Giao về các vấn đề chính trị từ 1963 đến 1964. Ông được coi là “kiến trúc sư của chính sách Chiến Tranh Lạnh” của Hoa Kỳ. Trong thời gian làm Phụ Tá Bộ Trưởng Ngoại Giao về các vấn đề Viễn Đông, Averell W. Harriman đưa ra chủ trương trung lập hóa Lào để bảo vệ miền nam Việt Nam. Chủ trương này đã bị ông Ngô Đình Nhu cựu lực phản đối.

Câu chuyện đã xảy ra như sau:

Vào tháng 1 năm 1961, CIA đưa James W. “Bill” Lair, một chuyên viên bán quân sự của Hoa Kỳ đến gặp lãnh tụ của Hmong Trắng là Vang Pao để thương lượng về vấn đề võ trang và huấn luyện cho người Hmong chống lại Cộng Sản Lào. Lúc đầu hai bên thỏa thuận Hoa Kỳ sẽ huấn luyện cho 1,000 quân Hmong ở biên giới Thái-Lào và cung cấp vũ khí cho họ. Sau đó việc huấn luyện và trang bị cứ gia tăng dần, đến mùa hè năm 1961, CIA đã huấn luyện và cung cấp vũ khí cho khoảng 9,000 quân Hmong chiến đấu. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 1962, với sự yểm trợ của bộ đội Việt Cộng, Pathet Lào đã chiếm được thủ phủ Nam Tha ở bắc Lào. Trước thất bại này, Averell W. Harriman đưa ra chủ trương trung lập hóa Lào để ngăn chận Cộng Sản Việt Nam mượn đất Lào xâm nhập vào miền nam Việt Nam. Cả Hawks trong chính quyền Kennedy lẫn Ngô Đình Nhu đều cho rằng giải pháp này không thực tế, nhưng Tổng Thống Kennedy vẫn theo ý kiến của Averell W. Harriman. Ông ra lệnh cho khoảng 3,000 nhân viên quân sự Mỹ rút qua Thái và sau đó mở hội nghị với với Khrushchev bàn về một giải pháp trung lập cho Lào. Ngày 23 tháng 7, 1962 Tuyên Ngôn Trung Lập Lào được công bố. Khoảng 666 cố vấn quân sự của Hoa Kỳ còn lại rút ra khỏi Lào.

Giải pháp của Averell W. Harriman đã thất bại rất thê thảm. Theo báo cáo của CIA, sau khi tuyên bố trung lập, khoảng 7,000 bộ đội Việt Cộng chẳng những không chịu rút khỏi Lào mà còn bành trướng thêm. Trong năm 1963, chính quyền Kennedy lại cho phép CIA huấn luyện và trang bị cho khoảng 20,000 quân Hmong để chống lại quân bắc Việt lẫn Pathet Lào. Chính phủ Ngô Đình Diệm đã phê phán Harriman nặng lời. Có lẽ chính những lời phê phán này đã khiến Harriman quyết tâm tìm cách loại bỏ chính phủ Ngô Đình Diệm.

Averell W. Harriman đã viếng thăm Việt Nam và báo động rằng chính phủ Ngô Đình Diệm tham nhũng và bất ổn. Khi vụ Phật Giáo xảy ra, chính Harriman đã thúc đẩy chính phủ Kennedy làm áp lực buộc chính phủ Ngô Đình Diệm phải nhượng bộ Phật Giáo. Phải chăng câu “Ngài nhớ, họ nói với tôi lúc đầu về Diệm. Ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết,” mà Tổng Thống Johnson đã nhắc lại là lời của Harriman?

Michael V. Forrestal (1927-1989) là Trưởng Ủy Ban Phối Hợp Việt Nam (Vietnam Coordinating Committee) thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia từ 1962 đến 1965. Ông là người được Averell W. Harriman nâng đỡ. Ông đã cùng với Roger Hilsman, Giám Đốc Tình Báo của Bộ Ngoại Giao, đến thăm Việt Nam để duyệt xét tình hình tại chỗ. Trong một bản phúc trình chung, cả hai đã tỏ ra nghi ngờ về khả năng đứng vũng của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Bản phúc trình nói đến sự ngày càng lớn mạnh của Việt Cộng và gợi ý rằng cuộc chiến này sẽ kéo dài hơn và tốn kém hơn như đã dự trù. Bản phúc trình đồng ý trên nguyên tắc về sự hình thành các ấp chiến lược do ông Ngô Đình Nhu chủ xướng, nhưng lại tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của kế hoạch này. Trong phần phụ đính mật, hai tác giả đã đề nghị chính phủ Kennedy làm áp lực buộc chính phủ Ngô Đình Diệm phải thực hiện cãi cách và giải tỏa “cơ cấu chính trị độc đoán” (authoritarian political structure).

Nói cách khác, Michael V. Forrstal và Roger Hilsmans đã cố tình làm cho các nhà lãnh đạo nước Mỹ tin rằng miền nam Việt Nam không thể đứng vững nếu Hoa Kỳ không can thiệp trực tiếp bằng quân sự, và muốn can thiệp trực tiếp bằng quân sự, phải thay thế chính phủ Ngô Đình Diệm. Chính bản phúc trình này đã dọn đường cho việc tiến tới lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm và đưa quân Mỹ vào miền nam Việt Nam.

Sau khi các biến cố Phật Giáo xảy ra tại Việt Nam, Roger Hilsman và Averell W. Harriman, với sự phối hợp của Michael V. Forrestal, đã soạn thảo công điện mang tên DEPTEL 243 chỉ thị cho Đại Sứ Henry Cabot Lodge thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Đây là loại công điện tối mật cần hành động lập tức (operation immediate). Đô Đốc Harry Felt, Tư Lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, cũng đã góp ý kiến. Điều khó khăn là phải làm thế nào để qua mặt được Tổng Thống Kennedy. Kế hoạch qua mặt này đã được ông Robert S. McNamara, mô tả rõ trong cuốn hồi ký của ông và sẽ được trình bày ở sau.

Công điện đã được đánh đi khẩn cấp vào tối Thứ Bảy 24 tháng 8, 1963. Công điện ghi rõ: “Chính phủ Mỹ không thể chấp nhận tình trạng quyền hành nằm trong tay của Nhu. Phải cho Diệm cơ may loại trừ Nhu cùng phe nhóm và thay thế bằng những nhân vật chính trị và quân sự khá nhất sẵn có. Mặc dầu những cố gắng của ông, nếu Diệm vẫn cứng đầu và từ chối, chúng ta phải đối phó với sự thể rằng không thể giữ lại ngay chính Diệm nữa.”

Để yểm trợ cho chủ trương này, các ký giả Davis Halberstans của New York Times, Neil Sheehen của UPI và Malcolm Browne của AP đã viết những bài tố cáo chính quyền Ngô Đình Diệm chuyên chế và tham nhũng với nhận định rằng không thể thắng trận ở Việt Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm.

Vì công diện này không được Bộ Trưởng Ngoại Giao, Bộ Trưởng Quốc Phòng và Giám Đốc cơ quan tình báo CIA xem xét trước nên đã có những sự tố cáo lẫn nhau giữa các cơ quan này về việc làm nói trên. Nhưng rồi bức công điện đó cũng không hề được thu hồi.

Nhận được công điện trên, sáng Thứ Hai 26 tháng 8, 1963, Đại Sứ Henry Cabot Lodge triệu tập ngay cuộc họp gồm tất cả các ngành của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam để lập kế hoạch lật đổ Tổng Thống Diệm. Đại Sứ Henry Cobot Lodge không chỉ quyết định phải giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu, mà còn quyết định phải giết cả ông Ngô Đình Cẩn và Đại Tá Lê Quang Tung. Trong công điện ngày 5 tháng 10, 1963 gởi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Đại Sứ Cabot Lodge đã dành một đoạn để đề cập đến những người bị coi là nguy hiểm nhất ở miền nam. Dương Văn Minh cho ông biết có 3 người nguy hiểm nhất là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Dương Văn Hiếu. Nhưng Lucien Conein lưu ý rằng Lê Quang Tung đáng sợ hơn. Với nhận định như thế, ngoài Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Lodge thấy rắng cần phải giết thêm ba người nữa là ông Ngô Đình Nhu, ông Ngô Đình Cẩn và Đại Tá Lê Quang Tung. Thiếu tá Lê Quang Triệu tuy không có tên trong sổ đen, nhưng đem mạng tới nạp nên đã bị giết luôn! Riêng cái chết của Đại Tá Hải Quân Hồ Tấn Quyền vào sáng 1 tháng 11,1963 có lẽ do quyết định của các tướng lãnh Việt Nam.
 

Trách nhiệm của Tổng Thống Kennedy

Trong Chương III của cuốn hồi ký, dưới tiêu đề “Mùa Thu Định Mệnh Năm 1963” (24.8 đến 22.11.1963), ông Robert S. McNamara đã trình bày khá rõ ràng về quyết định của Hoa Thịnh Đốn lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Ông viết:

“Khi báo cáo về tình trạng xáo trộn tới tấp gởi về Hoa Thịnh Đốn vào ngày 24 tháng 8, các nhân viên có nhiệm vụ ứng trực nhận thấy rằng cơ hội để có hành động chống lại ông Diệm đã đến. Trong đêm đó Hoa Kỳ đã đề ra một kế hoạch đảo chánh, một hành động trong số những hành động quan trọng nhất của hai trào Tổng Thống Kennedy và Johnson.”

“Người khởi xướng hành động này là Roger Hilsman Jr., nhân vật kế nhiệm Averell Harriman, giữ chức Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Viễn Đông Vụ. Hilsman là một người thông minh, hay tự ái và thích nói nhiều, tốt nghiệp trường võ bị West Point, từng có kinh nghiệm về du kích chiến trong thời Đệ Nhị Thế Chiến và khá am tường về tình hình. Ông này cho rằng cuộc chiến không thể thắng được nếu còn ông Diệm, vì thế phải tìm cách gạt ông ta ra.”

“Chính Roger Hilsman đã thảo bức điện tín gởi cho Đại Sứ Henry Cabot Lodge ra lệnh đảo chánh. Bức điện này được ông Averell Harriman vừa được cử giữ chức Thứ Trưởng Ngoại Giao chấp thuận ngay. Ông Michael Forrestal, một thành viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, đã gởi ngay cho Tổng Thống Kennedy đang ở Hyamis Port với câu “Đã được Ball của Bộ Quốc Phòng chấp thuận... Đề nghị cho tôi biết nếu Tổng Thống muốn... hoãn hành động.” Ông George Ball gọi cho Tổng Thống trình bày nội vụ và được Tổng Thống trả lời rằng ông đồng ý nếu các cố vấn của ông cũng đồng ý như vậy. Sau đó ông George Ball gọi ngay cho Ngoại Trưởng Dean Rusk tại New York báo tin Tổng Thống đã chấp thuận.”

Qua đoạn ngắn nói trên, chúng ta thấy rằng quyết định lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm đã được Hoa Kỳ dự tính từ lâu và vụ Phật Giáo là một cơ hội được tạo ra để chính phủ Hoa Kỳ thực hiện dự tính đó. Roger Harriman đã nói rõ: “Cuộc chiến không thể thắng được nếu còn ông Diệm, vì thế phải tìm cách gạt ông ta ra.”

Sau khi bức điện tín ra lệnh đảo chánh gởi đến Sài Gòn, ông McNamara coi đó là một sự qua mặt Tổng Thống. Theo ông, lúc đó chỉ có Thứ Trưởng Harriman, Phụ Tá Hilsman ở Bộ Ngoại Giao và Mike V. Forrestal ở Tòa Bạch Ốc là những người nhất tâm làm đảo chánh mà thôi. Trong cuộc họp ngày 27 tháng 8, 1963, khi nghe đọc xong bản tường trình của ông William E. Colby về tình hình Việt Nam, Tổng Thống Kennedy tỏ ý muốn hoãn lại cuộc đảo chánh vì thấy chưa cần, nhưng Hilsman đòi làm ngay. Tổng Thống ra lệnh đánh điện cho ông Lodge và tướng Harking hỏi nên tiến hành đảo chánh hay nên lui. Tổng Thống đang lưỡng lự trong việc lật đổ ông Diệm thì tại Sài Gòn, ông Lodge xúc tiến một cách nhanh chóng việc thực hiện đảo chánh.

Cũng trong cuốn hồi ký dẫn trên, ông McNamara cho biết những gì đã xảy ra tại Tòa Bạch Ốc sau khi nghe tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị giết. Ông viết:

“Chín giờ ba mươi sáng 2 tháng 11, chúng tôi gặp nhau lại để tiếp tục cuộc họp hôm qua. Khi buổi họp bắt đầu, chưa ai rõ số phận ông Diệm và ông Nhu ra sao. Đến nửa chừng thì từ Phòng Tình Hình, Mike Forrestal tông cửa chạy vào. Văn phòng CIA tại Sài Gòn báo cáo rằng họ được các nhân vật trao đổi công tác của Sài Gòn cho biết hai anh em ông đã tự vẫn “trên đường từ thành phố đến Bộ Tổng Tham Mưu.”

“Khi Tổng Thống Kennedy đọc mẫu tin này, mặt ông tái xanh như tàu lá. Tôi chưa hề thấy ông xúc động mạnh đến như thế bao giờ.” Forrestal thuật lại rằng cái chết của hai người “đã làm cho ông rúng động một cách sâu xa, gây bàng hoàng trong tâm trí và đánh mạnh vào tiềm thức tín ngưỡng... làm lung lay lòng tin tưởng... về những gì ông đã khuyến cáo liên quan đến nam Việt Nam.” Arthur Schlesiger Jr. ghi nhận rằng “Tổng Thống buồn thảm và bối rối cùng cực,” tinh thần suy sụp chưa từng thấy từ sau vụ thất bại ở Vịnh Con Heo.”

Trong bài “Chúng ta đã lầm lẫn, lầm lẫn khủng khiếp” đăng trên tờ Newsweek số ra ngày 17 tháng 4, 1995, ông McNamara đã phê bình Ngoại Trưởng Dean Rusk và Tổng Thống Kennedy như sau:

“Ngoại Trưởng Dean Rusk, một người quên mình nhất, một cá nhân tận tụy phục vụ Hoa Kỳ, đã hoàn toàn thiếu sót trong việc quản trị Bộ Ngoại Giao và giám sát Đại Sứ Henry Cabot Lodge Jr., và cũng đã không tận tình tham dự các buổi họp của Tổng Thống. Và Tổng Thống Kennedy, người mà tôi quy trách ít nhất, người đã phải lo toan nhiều vấn đề khác nữa, đã thiếu sót trong việc kết hợp một chính phủ Hoa Kỳ chia rẽ. Khi phải chạm trán với những lựa chọn khó khăn, ông không quyết định trong một thời gian quá lâu.”

Sự tiết lộ của ông McNamara về việc Bộ Trưởng Dean Rusk hoàn toàn thiếu sót trong việc quản trị Bộ Ngoại Giao và giám sát các hành động của Đại Sứ Henry Cabot Lodge khiến nhiều người suy đoán rằng ông Lodge đã tự ý ra lệnh giết ông Diệm và ông Nhu, đặt Hoa Thịnh Đốn trong một tình trạng đã rồi. Nhưng nay Tổng Thống Johnson lại cho biết việc hạ sát ông Diệm đã được chính quyền Kennedy quyết định trước. Tuy nhiên, ông không nói rõ chính Tổng Thống Kennedy đã ra lệnh giết ông Diệm. Ông chỉ nói: “Họ khởi đầu và nói: ‘Chúng ta phải giết Diệm, bởi vì ông ta không tốt. Chúng ta hãy, chúng ta hãy lật đổ ông ta. Và chúng ta đã làm’.” Họ là ai? Có Tổng Thống Kennedy trong đó không? Ông McNamara đã mô tả tình trạng khủng hoảng của Tổng Thống Kennedy khi nghe tin ông Diệm bị giết và cho rằng Tổng Thống Kennedy đã bị 3 tên Roger Hilsman Jr., Averell W. Harriman và Michael V. Forrestal đánh lừa.

Ký giả Evan Thomas cho rằng “Kennedy chỉ ủng hộ việc lật đổ ông Diệm chứ không hề ra lệnh giết và có lẽ cũng không tiên đoán được sự việc xảy ra như vậy.” Nhưng trong cuốn “The dark side of Camelot,” Seymour M. Hersch cho biết trong cuộc phỏng vấn năm 1998, Lucien Conein, người chỉ đạo trực tiếp cuộc đảo chánh, có nói rằng Kennedy “phải biết trước” (must have known) chuyện đó. Mặc dầu Lucien Conein không chứng minh được sự suy đoán của ông ta, một số người căn cứ vào câu nói này để cho rằng Kennedy biết trước chuyện ông Diệm phải bị giết.

Dầu sao, cho đến nay, chưa có tài liệu nào cho thấy chính Tổng Thống Kennedy đã ra lệnh giết ông Diệm. Trái lại, chiều Thứ Bảy 2 tháng 11, 1963, lúc 6 giờ, Tổng Thống Kennedy cùng vợ và các con dùng trực thăng bay về ngôi nhà mới của ông ở Rattlesnake Mountain. Trong buổi cơm tối, bà Mary Gimbel, một người bạn của Tổng Thống, đã nói với ông về ông Diệm và ông Nhu:

- Họ đúng là những nhà độc tài.

Tổng Thống trả lời:
- Không, họ ở trong một tình trạng khó khăn. Họ đã làm điều tốt đẹp nhất mà họ có thể làm cho quê hương họ.


Lữ Giang

Comments

Popular posts from this blog

Madame Ngô Đình Nhu khuê danh Trần Thị Lệ Xuân-Mời qúy vị đọc để cái gì của Ceasar hảy trả lại cho Ceasar.