Vụ án ông Ngô Đình Cẩn.

Ai ra lệnh giết ông Ngô Đình Cẩn  

Ai giết ông Ngô Đình Cẩn: Yêu cầu Tướng Khánh trả lời trước lịch sử

VietCatholic News (14 Apr 2009 23:51)

Hiện nay Đại Tướng Nguyễn Khánh, một nhân chứng lịch sử còn lại, vẫn đang khoẻ mạnh và tinh thần minh mẫn, nên chúng tôi viết bài này với ước mong Đại Tướng trả lời trước công luận về một quyết định lịch sử rất quan trọng và chính quyết định này đã đưa Miền Nam vào những cơn khủng hoảng liên tục, và sau đó chấm dứt sự nghiệp của Tướng Khánh, đó là:

Ai đã ra lệnh cho Bộ Tư Pháp soạn thảo và ban hành một đạo luật man rợ, bất chấp các nguyên tắc căn bản của luật pháp, để giết ông Ngô Đình Cẩn và một số người liên hệ đến chế độ Ngô Đình Diệm?

Trước đây, chúng tôi đã có lần hỏi Đại Tướng ai đã ra lệnh nói trên, Đại Tướng trả lời rằng chuyện đó do bên Bộ Tư Pháp làm, ông không hay biết gì hết! Tôi làm trong chính quyền lâu năm, tôi biết rõ không bao giờ một cơ quan cấp bộ tự ý làm một chuyện quan trọng như vậy mà không có lệnh của cấp lãnh đạo quốc gia.

DIỄN BIẾN LỊCH SỬ

Sau cuộc “chỉnh lý” ngày 30.1.1964, ngày 31.1.1964, Tướng Nguyễn Khánh lên làm Chủ Tịch Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Đội và theo chỉ thị của CIA, loại tất cả các tướng lãnh thân Pháp đã được Mỹ dùng làm công cụ đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.

Cuộc “chỉnh lý” nói trên, thường được gọi là “Pentagon Coup”, do Tướng Khiêm, một nhân viên CIA (agent) thứ thiệt, chủ động dưới sự chỉ đạo của CIA, còn Tướng Khánh chỉ “ăn có”. Do đó, tài liệu để lại cho thấy, theo sự chỉ đạo của Toà Đại Sứ Mỹ, Tướng Khánh sẽ làm Quốc Trưởng bù nhìn, còn Tướng Trần Khiêm làm Thủ Tướng nắm thực quyền. Nhưng Tướng Khánh không muốn làm Quốc Trưởng bù nhìn, nên ông quyết định đẩy Tướng Khiêm ra ngoại quốc rồi ông vừa nắm chức Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, vừa nắm chức Thủ Tướng.

Ngày 7.2.1964, Tướng Khánh ban hành Hiến Ước Lâm Thời số 2, cử Tướng Dương Văn Minh lên làm Quốc Trưởng bù nhìn và Tướng Khánh làm Thủ Tướng. Ngày 8.2.1964 Tướng Khánh công bố thành phần chính phủ.

Theo quy chế lúc đó, tất cả tổ chức chính phủ, kể cả quốc trưởng, đều nằm dưới quyền của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng do Tướng Khánh làm Chủ Tịch. Do đó, người lãnh đạo tối cao của Miền Nam lúc đó, sau Đại Sứ Mỹ là Tướng Nguyễn Khánh. Vậy phải có lệnh của Tướng Khánh, Bộ Tư Pháp mới soạn ra đạo luật nói trên.

TIẾN TRÌNH CỦA LUẬT MAN RỢ

Trước khi nói chuyện tiếp với Tướng Nguyễn Khánh, chúng tôi xin trình bày qua tiến trình hình thành Sắc Luật số Sắc Luật số 4/64 ngày 28.2.1964 thiết lập Tòa Án Cách Mạng và nội dung của sắc luật này.

Sau khi đảo chánh thành công, Tướng Dương Văn Minh không quan tâm gì đến việc giải quyết những vấn đề của quốc gia mà chỉ lo vơ vét. Sau khi “chỉnh lý”, không biết tự mình hay theo lệnh của ai, Tướng Nguyễn Khánh đã cho xúc tiến một cách khẩn cấp thủ tục thanh toán ông Ngô Đình Cẩn và một số nhân vật liên hệ đến chế độ cũ chưa thể giết được trong cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963. Nhưng việc giết ông Cẩn và những người liên hệ gặp khó khăn, vì các luật pháp hiện hành lúc đó không cho phép làm như vậy. Do đó, công việc trước tiên là phải hình thành một đạo luật mới, quy định một cách nào đó để có thể đưa ông Cẩn và những người liên hệ ra xét xử và tuyên án tử hình. Đây là một công việc rất phức tạp.

1.- Đưa Giám Đốc Nha Quân Pháp về làm Bộ Trưởng Tư Pháp

Công việc trước tiên là đưa Đại Tá Nguyễn Văn Mầu, Giám Đốc Nha Quân Pháp, lên làm Bộ Trưởng Tư Pháp.

Tại Việt Nam, Bộ Trưởng Tư Pháp thường được chọn trong các thẩm phán cao cấp hay các luật sư lão thành vì hai lý do: Lý do thứ nhất là người ở chức vụ này phải được mọi người kính nể, nhất là giới luật gia. Lý do thứ hai là người đó phải rất am tường về luật pháp và ngành tư pháp. Trường hợp của Đại Tá Nguyễn Văn Mầu là một biệt lệ. Ông ta chỉ chuyên về quân pháp nên không thể nắm vững tình trạng luật pháp rất phức tạp của Việt Nam thời đó được. Cấp bậc của ông ta lại thấp nên bị coi thường. Nhưng Tướng Khánh đã quyết định chọn ông ta vì chỉ có ông ta mới chịu thi hành lệnh của Tướng Khánh, dù trái với các nguyên tắc căn bản của luật pháp. Một thẩm phán cao cấp hay một luật sư lão thành không bao giờ chịu làm như vậy.

2.- Vượt lên trên nguyên tắc căn bản của luật pháp

Theo bộ Hoàng Việt Hình Luật áp dụng tại Trung Phần hay Hình Luật Canh Cải áp dụng tại Nam Phần, nếu truy tố “dư đảng Cần Lao” về các tội như bắt người trái phép, đả thương, tống tiền, kinh tài bất hợp pháp... thì không thể tuyên án tử hình được. Vì vậy, Bộ Tư Pháp được lệnh phải soạn thảo và cho ban hành một văn kiện như thế nào để có thể xử tử hình ông Cẩn và những người liên hệ. Một nhóm luật gia đã được bí mật giao cho phụ trách công tác này.

Dự thảo luật đã đưa ra một số tội phạm mà họ cho rằng ông Ngô Đình Cẩn và “dư đảng Cần Lao” đã vi phạm và ấn định những tội này có thể bị tử hình. Một sự quy định như thế dĩ nhiên là hoàn toàn trái với nguyên tắc bất hồi tố của hình luật (principle of non-retroactive of criminal law), tức hình luật không áp dụng cho những trường hợp xẩy ra trước ngày luật ban hành. Đây là một một nguyên tắc căn bản của hình luật được hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận và áp dụng, kể cả Hoàng Việt Hình Luật và Hình Luật Canh Cải của Việt Nam thời bấy giờ. Nguyên tắc này cũng đã được ghi vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị.

Điều 11, đoạn 2, của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền quy định như sau:

“Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế hiện hành, mà cũng không bị tuyên phạt một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp.”

Điều 15 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị quy định:

“Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay quốc tế áp dụng trong thời gian khi tội phạm xẩy ra. Cũng sẽ không bị tuyên một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian sự phạm pháp xẩy ra. Tuy nhiên, người vi phạm được hưởng sự khoan hồng hơn nếu luật mới ban hành sau ngày phạm pháp ấn định hình phạt nhẹ hơn.”

Mặc dầu có nhiều tranh luận, dự thảo Sắc Luật số 4/64 thiết lập Tòa Án Cách Mạng cũng đã được Tướng Nguyễn Khánh ký và ban hành ngày 28.2.1964. Sắc Luật này đã đưa ra những quy định hoàn toàn trái với nguyên tắc căn bản của hình luật như đã nói trên.

Điều 1 của Sắc Luật quy định:

“Nay thiết lập một toà án Cách mạng có thẩm quyền xét xử trên toàn quốc những tội ác gây ra trong khoảng thời gian từ 26 tháng mười năm 1955 đến 1 tháng mười một năm 1963 bởi những bọn mật vụ, đại kinh tài, viên chức chính quyền cao cấp cùng nhân vật quan trọng dưới thời Ngô Đình Diệm.”

Điều 2 quy định Toà Án Cách Mạng sẽ mở phiên xử đầu tiên trong tháng ba năm 1964, và hoạt động trong thời gian 3 tháng.

Điều 3 quy định 12 tội sẽ bị truy tố trước Toà Án Cách Mạng: gian nhân hiệp đảng; cố sát với trường hợp gia trọng; giết người bằng thuốc độc; tra tấn và phạm trọng tội; cố ý đả thương với mọi trường hợp gia trọng; hiếp dâm với mọi trường hợp gia trọng; bắt giam trái phép; cướp với trường hợp gia trọng; sách thủ tiền tài; đốt hủy sổ bộ, chứng thư, chứng khoán, thương phiếu; hối lộ và hối mại quyền thế, và lũng đoạn kinh tế quốc gia.

Điều 4 định nghĩa lại các yếu tố tội phạm, phần lớn khác với định nghĩa của các điều luật đã áp dụng trước đó:

(1) Gian dâm hiệp đảng: những tổ chức khủng bố bí mật hay công khai;

(2) Đầu độc giết người: tội bắt giam người trong hầm có hơi độc, hay có chất độc hay thiếu không khí, để gây thiệt mạng;

(3) Mưu sát: Tội giết người đối lập về chính trị, việc tra tấn cho đến chết;

(4) Bắt giam trái phép: việc lưu đày một người mà không có án toà và ngoại trừ trường hợp dự liệu bởi Dụ số 6 ngày 11 tháng giêng năm 1956;

(5) Cướp: các việc tịch thu bất hợp pháp;

(6) Lũng đoạn kinh tế quốc gia: việc mang đi hay cho mang ra khỏi xứ, bất cứ bằng cách nào, các giá khoán động sản, giấy bạc Việt Nam, vàng, bạc, ngoại tệ, trái khoán, và bằng khoán; tổ chức kinh tài bất hợp pháp; sang đoạt công nho.

Điều 5 cấm toà án cách mạng không được quyền giảm khinh, cũng như không được phạt án treo.

Điều 15 quy định rằng Toà Án Cách Mạng tuyên án liền sau phiên họp nghị án, không đình hoản. Những án khuyết tịch coi như đương tịch.

Điều 16 cấm các bị cáo không được kháng cáo hoặc thượng tố.

Hầu hết những quy định trên là những quy định mới, không được dự liệu trong các luật lệ đã có từ trước và đã được đem áp dụng để truy tố và xét xử ông Ngô Đình Cẩn và “dư đảng Cần Lao” nên hoàn toàn trái với nguyên tắc bất hồi tố của hình luật. Điều này cho thấy những người đứng đàng sau vụ án đã có quyết tâm giết ông Ngô Đình Cẩn và một số người liên hệ đến chế độ cũ bằng mọi giá.

Sau vụ này, trong các sách giáo khoa ở trường luật, các giáo sư thường nêu lên Sắc Luật số 4/64 ngày 28.2.1964 như một văn kiện điển hình vi phạm nguyên tắc bất hồi tố của hình luật đã được đưa ra thi hành và các luật gia đã coi đó là một thứ luật man rợ, một vết dơ trong nền tư pháp Việt Nam Cộng Hoà. Ngay trong vụ án Saddam Hussein được Toà Án Đặc Biệt Iraq (Iraqi Special Tribunal) xét xử, trong bản án phúc thẩm ngày 26.12.2006, Toà Phúc Thẩm Iraq xác nhận nguyên tắc bất hồi tố của hình luật vẫn được tôn trọng. Nói cách khác, luật pháp của Iraq áp dụng cho tập đoàn Saddam Hussein còn văn minh và công bằng hơn luật pháp do Tướng Nguyễn Khánh đưa ra lúc đó.

Chúng tôi đã phỏng vấn nhiều thẩm phán và luật sư lão thành thời đó xem nhóm luật gia nào đã được giao cho soạn thảo Sắc Luật số 4/64 ngày 28.2.1964 và ai đã chỉ thị cho họ làm như vậy, nhưng không một tin tức nào được tiết lộ.

Tiếp theo, ngày 28.2.1964, Tướng Khánh ký Sắc Lệnh số 120-TP cử các tay chân bộ hạ của ông, sẵn sàng thi hành lệnh ông, vào thành phần xử án để thi hành quyết định của mình, đó là Đại Tá Trần Văn Chương, Đại Tá Nguyễn Văn Chuân, Đại Tá Đặng Văn Quang, Trung Tá Dương Hiếu Nghĩa (ghi lầm là Nguyễn Văn Nghĩa), v.v.

LỆNH GIẾT PHÁT XUẤT TỪ ĐÂU?

Trong cuốn “Việt Nam nhân chứng”, Tướng Trần Văn Đôn cho biết như sau:

“Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng đã quyết định đưa ông Cẩn đi ra ngoại quốc rồi. Ông Cẩn lại không có tội gì rõ rệt đến nổi sinh mạng ông bị đe doạ. Hai anh của ông ta chết, máu đổ thêm nữa có ích lợi gì?...” (tr. 248).

Thế thì tại sao có lệnh phải làm một đạo luật man rợ để giết ông Cẩn?

Một số người cho rằng áp lực đòi nợ máu của nhóm Phật Giáo đấu tranh, nhất là hai Thượng Tọa Thiện MinhTrí Quang, là động lực chính khiến Tướng Khánh phải ra tay, vì Tướng Khánh vốn bị nhóm này tố cáo là “Cần Lao tái xuất giang hồ” , nên phải có hành động như thế để chứng minh ông ta không phải là Cần Lao.

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng sự thúc đẩy hay khuyến cáo của một số viên chức Hoa Kỳ, nhất là Đại Sứ Cabot Lodge, là lý do chính khiến Tướng Khánh phải ra tay: Nếu ông Cẩn còn sống, các nhóm ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm có thể làm đảo chánh và đưa ông Cẩn lên.

Trong công điện khẩn mang số 930 gởi cho Bộ Ngoại Giao ngày 5.11.1963 (sau khi ông Diệm vừa mới bị giết), ông Lodge nói ông Cẩn sẽ “được xét xử theo luật pháp” và “chính phủ Hoa Kỳ có thể trở thành người biện hộ cho tội ác, nếu toan tính làm việc xét xử ở đây bị trở ngại vì ông Cẩn là khuôn mặt đáng phải chịu sự oán ghét mà ông ta đang phải nhận” . Điều này cho thấy ông Lodge đã quyết định giết ông Cẩn. Nhiều người tin rằng ông Lodge đã mượn tay Tướng Khánh để thực hiện âm mưu của mình.

Thời đó, không có lệnh của Toà Đại Sứ Mỹ, Tướng Khánh không bao giờ dám đưa ra một quyết định quan trọng như vậy, dù bị áp lực của nhóm Phật Giáo đấu tranh đòi nợ máu. Trong công điện gởi về Washington ngày 30.4.1964, Đại Sứ Lodge kể lại rằng Tướng Khánh đã nói với ông:

“Chúng tôi người Việt Nam muốn người Mỹ chịu trách nhiệm với chúng tôi chứ không phải chỉ là những cố vấn”.

(We Vietnamese want the Americans to be responsible with us and not merely be advisers).

GIẤU ĐẦU LÒI ĐUÔI

Năm 2005, khi bị chất vấn về vụ giết ông Cẩn, Tướng Nguyễn Khánh nói rằng quyền tha hay giết ông Cẩn là quyền của Tướng Dương Văn Minh, vì lúc đó Tướng Minh là Quốc Trưởng. Riêng ông đã giúp ông Cẩn bằng cách đưa Đại Tá Đặng Văn Quang, con đỡ đầu của ông Cẩn, vào làm phụ thẩm Quân Nhân tại Tòa Án Cách Mạng xét xử ông Cẩn. Nhưng Tướng Khánh đã nói láo.

Đại Tá Đặng Văn Quang sinh tại Ba Xuyên là người công giáo đạo gốc, đi lính Pháp với cấp cập hạ sĩ từ 1947 – 1949, sau đó đi học khoá 1 sĩ quan Đập Đá ở Huế cùng với Nguyễn Văn Thiệu.

Trong thời gian ở Huế, Đặng Văn Quang còn là Trung Tá, có người tình là cô Đỗ Thị Năm, người Nam, không có đạo. Cô Năm đã xin theo đạo để hợp thức hoá tình trạng hôn nhân theo luật đạo Công Giáo. Trung Tá Quang đã nhờ bà Ngô Đình Thị Hiệp, em ông Diệm, vợ ông Tạ Văn Ấm và mẹ Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, đỡ đầu cho cô Năm khi chịu phép rửa tội và lấy tên thánh là Elisabeth, có lẽ để được ông Cẩn tin cậy và giúp đỡ! Như vậy không hề có chuyện ông Cẩn đỡ đầu cho Đại Tá Đặng Văn Quang như Đại Tướng Khánh đã nói. Ông Cẩn cũng không bao giờ đỡ đầu rửa tội cho bất cứ ai.

Về chuyện đổ tội cho Tướng Dương Văn Minh, chúng tôi đã nói với Tướng Khánh rằng lúc đó Tướng Minh chỉ là quốc trưởng bù nhìn, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng do Tướng Khánh làm Chủ Tịch mới có quyền đưa ra quyết định tối hậu. Nhưng ông vẫn đổ tội cho Tướng Minh.

Đại Tướng Khánh có biết ông Cẩn đã nhìn các sĩ quan được Đại Tướng cử làm phụ thẩm quân nhân tại Toà Án Cách Mạnh như thế nào không? Luật Sư Võ Văn Quan người biện hộ cho ông Cẩn, cho biết, khi nhìn mấy tên phụ thẩm quân nhân ngồi xét xử, ông Cẩn đã nói với Luật sư Quan:

“Luật sư biết không, lúc mấy tên đó tới lui tại nhà tôi, khúm núm xưng “con”, xin xỏ, cầu cạnh. Bây giờ bọn nó tiếp tay để ngồi phiên xử này xử tôi, mặc dầu họ có thể từ chối. Đúng là một lũ phản phúc...”

Luật sư quan cho biết thêm, lúc ở phiên toà, ông Cẩn ngồi dựa vào ghế, nhìn thẳng vào các phụ thầm quân nhân. Một vài phụ thẩm quân nhân, khi nhìn xuống, chạm phải mắt ông Cẩn, liền quay về hướng khác.

Còn Tướng Nguyễn Khánh thì sao? Đại Úy Nguyễn Văn Minh, người phụ trách về an ninh của ông Cẩn lúc đó có kể lại năm 1956, sau khi nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh ở Huế, Tướng Khánh đến xin được vào chào ông Cẩn, nhưng không hiểu tại sao ông Cẩn không tiếp. Đại Tá Khánh liền áp dụng chiến thuật “lỳ”. Từ hôm sau, mỗi buổi sáng, đầu giờ làm việc, Tướng Khánh đều mặc quân phục chỉnh tề, tự mình lái xe đến đậu ngay trước nhà ông Cẩn. Sau khi yêu cầu nhân viên gác cổng vào trình xin cho ông được gặp, ông trở ra ngồi trên xe đợi hàng tiếng đồng hồ. Không được gặp, hôm sau Tướng Khánh lại lái xe đến và làm như thế, liên tiếp trong ba bốn sáng. Cuối cùng, ông đã được ông Cẩn tiếp.

Luật Sư Võ Văn Quan Luật sư Quan đã kết luận bài biện hộ cho ông Cẩn như sau:

“Trong cuộc cách mạng năm 1789 của Pháp, quốc hội gọi là Convention National, bầu trong thời kỳ La Terreur (Khủng Bố) gồm đa số là những người do tên độc tài khát máu Robespierre dùng áp lực để đưa vào. Trước khi đem vua Louis XVI ra xét xử tại Quốc Hội, Robespierre đã tuyên bố là phải cho án tử hình. Trong phiên tòa đặc biệt đó, nhiều người của Convention National đã cật vấn hằn học, mạt sát thậm tệ vua Louis XVI, cho biết trước rằng họ sẽ bỏ phiếu tuyên án tử hình. Khi đứng lên biện hộ cho vua Louis XVI, Luật sư Sège đã can trường nói thẳng với họ: “Je viens ici chercher des juges, mais je ne trouve que des bourreaux.” (Tôi đến đây tìm những vị thẩm phán quan, nhưng tôi chỉ gặp những tên đao phủ thủ).

Trong lịch sử tư pháp Việt Nam, chúng tôi chưa thấy có luật sư nào dám xúc phạm các quan tòa như vậy. Nhưng vì những điều Luật Sư Quan nói là sự thật nên các “phán quan” chỉ ngồi chịu trận chứ không có phản ứng nào.

Trong vụ án Đặng Sỹ, Đại Tướng Khánh cũng đã quyết định tuyên án tử hình. Nhưng khi bị áp lực của Khối Công Dân Công Giáo, Đại Tướng đã phải thay đổi quyết định của mình.

Sáng 7.6.1964 một cuộc biểu tình lớn với khoảng 100.000 người tham dự đã được tổ chức tại công trường Lam Sơn, trước trụ sở Quốc Hội ở Saigon. Đoàn biểu tình đứng kéo dài trên đường Lê Lợi đến chợ Bến Thành. Trong cuộc biểu tình này người ta thấy có các biểu ngữ: “Lột mặt nạ bọn lợi dụng Cách Mạng để đàn áp Công Giáo”, “Mỵ dân là phải bội Dân Chủ”, “Ủng hộ cuộc đấu tranh của Công Giáo miền Trung” ,... Thỉnh thoảng có một vài biểu ngữ “Cabot Lodge cút đi” được đưa lên rồi hạ xuống.

Trước áp lực của khối Công Giáo, chiều 7.6.1964, Tướng Nguyễn Kháng đã cho Chuẩn Tướng Albert Nguyễn Cao, đại diện cho Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, đến thông báo cho Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, Linh mục Trần Tử Nhãn ở Dòng Cứu Thế và gia đình Đặng Sĩ biết Đặng Sỹ sẽ không bị tuyên án tử hình và đừng quan tâm đến bản án tòa sẽ tuyên trong ngày mai. Tòa chỉ tuyên án để thỏa mãn những đòi hỏi của Phật Giáo mà thôi. Trong một thời gian ngắn, khi tình hình lắng du, Đặng Sỹ sẽ được trả tự do.

Điều này một lần nữa xác định Tướng Khánh là người nắm quyền quyết định về kết quả của các vụ án do Toà Án Cách Mạng xét xử.

Thiếu Tá Đặng Sỹ cho biết, sau khi tuyên án, ông Chánh Thẩm Lê Văn Thụ đã đi ngang qua chỗ ông đang đứng và nói:
“Anh Sỹ, anh đừng buồn chúng tôi. Chắc anh đã hiểu!” Nói cách khác, ông Chánh Thẩm Lê Văn Thụ muốn nói với Thiếu Tá Đặng Sỹ rằng không phải ông muốn tuyên án như vậy, nhưng đó là lnh. Một chánh thẩm của vụ án mà thanh minh như vậy, đâu còn là công lý nữa?

XIN TRẢ LỜI DỨT KHOÁT

Bây giờ chúng tôi đã thu thập đầy đủ những văn kiện liên quan đến ba vụ án quan trọng của thời đó là vụ án Phan Quan Đông, vụ án Ngô Đình Cẩn và vụ án Đặng Sỹ, trong đó có bản cáo trạng, lời khai của các nhân chứng, các chứng tích được xuất trình, bài cãi của các luật sư và bản án. Chúng tôi cũng đã tìm được các báo cáo của Đại Sứ Cabot Lodge cho Washington trong thời gian vụ án Ngô Đình Cẩn xẩy ra. Chúng tôi mong rằng Đại Tướng sẽ làm sáng tỏ lịch sử.

Đại Tướng Dương Văn Minh đã không thể chối cãi việc ông đã ra lệnh giết Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Đại Tá Lê Quang Tung, Thiếu Tá Lê Quang Triệu, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu.

Các tài sử liệu chúng tôi đã đưa ra nói trên cũng cho thấy Đại Tướng Nguyễn Khánh là người đã quyết định số phận của Phan Quang Đông, Ngô Đình Cẩn và Thiếu Tá Đặng Sỹ. Tướng Khánh cũng không thể chối cãi được. Khi chúng tôi trình bày hồ sơ của từng vụ án, Tướng Khánh sẽ thấy rõ hơn.

Dư luận thắc mắc là trong các vụ án nói trên, Tướng Khánh đã tự ý hành động hay đã làm theo lệnh của Đại Sứ Cabot Lodge hoặc áp lực của nhóm Phật Giáo đòi nợ máu? Nếu Tướng Khánh tự ý làm, xin cho biết lý do.

Chúng tôi muốn tạo cơ hội cho Đại Tướng trả lời một cách thẳng thắn trước lịch sử thay vì
chối quanh hay đánh bùn sang ao. Chúng tôi cũng xin nói rõ, với các tài liệu còn lưu lại, Đại Tướng không thể chối quanh hay đánh bùn sang ao được.

Nếu Đại Tướng không thể giải thích được, những sự kiện được chúng tôi dẫn chứng nói trên sẽ đi vào lịch sử và Đại Tướng sẽ phải lãnh nhận sự lên án của các thế hệ tiếp theo như Tướng Dương Văn Minh.

(Cali ngày 12.4.2009)
Lữ Giang
 

Comments

Popular posts from this blog

Madame Ngô Đình Nhu khuê danh Trần Thị Lệ Xuân-Mời qúy vị đọc để cái gì của Ceasar hảy trả lại cho Ceasar.