Sự vô cảm, net đặc thù của con người xhcn và đất nước chxhcnVN.
Sự vô cảm của người Việt Nam _Thạch Đạt Lang .
Vô cảm đứng xem người bị tai nạn. Nguồn: báo ANTĐ
|
Sáng ngày đó, sau khi chạy hơn một tiếng đồng hồ, tôi quay về nhà. Lúc băng ngang qua đường Berlinerstrasse trong khu phố chính, tôi giật đầu xe lên để nhẩy vào lề dành cho xe đạp, không để ý, tôi vấp phải một hòn đá, lạng quạng chống chân nhưng vẫn té xuống đường.
Lúc đó vào khoảng 10 giờ, là trung tâm thành phố nhưng vào ngày nghỉ nên đường xá vắng vẻ, chỉ có ít người đi bộ trên lề, thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe hơi qua lại.
Khi tôi té, chiếc xe đạp đè lên chân trái thì một người lái chiếc xe Toyota Aygo, thấy tôi té nên đã dừng ngay lại, bật đèn tai nạn, bước xuống xe, một người đàn ông đi bộ khác khoảng 50 tuổi, thấy tôi loay hoay vì vướng chân vào sườn xe, chưa đứng lên được cũng chạy vội lại, đỡ chiếc xe đạp, giúp tôi đứng lên.
Người lái chiếc Toyota là một cô gái khoảng 25-30 tuổi, vừa bước lại gần vừa lên tiếng:
– Morgen! Sind Sie verletzt? (Chào buổi sáng! Ông có bị thương không?)
Tôi đứng dây, mỉm cười bắt tay người đàn ông, cám ơn rồi quay sang cô gái:
– Nein! Danke! Ich bin OK! (Không! Cám ơn! Tôi không sao hết!)
Nói xong, tôi gật đầu chào, leo lên xe chạy tiếp về nhà. Cô gái chạy chiếc Toyota lúc qua mặt tôi còn bóp kèn nhẹ một tiếng như một lời chào, chúc bình yên. Tôi cũng vẫy tay, đáp lễ.
Về đến nhà, thái độ quan tâm đến tôi của hai người đi đường khi tôi bị té, khiến tôi suy nghĩ, nhớ lại những gì thấy ở Việt Nam trong lần về cuối cùng cách đây 8 năm, năm 2008.
Trong lần về cuối cùng đó (nói là cuối cùng vì tôi đã tự nhủ sẽ không bao giờ trở lại quê hương nữa khi chế độ cộng sản còn tồn tại) tôi đã thấy mấy chuyện không thể nào quên được.
Chuyện thứ nhất là trong một cuối tuần, tôi ra Vũng Tàu chơi. Trong lúc ngồi ăn sáng với một người bạn tại một tiệm bún bò Huế thì nghe một tiếng động thật lớn của 2 vật va chạm mạnh vào nhau.
Quán ăn lộ thiên, bàn kê bên ngoài sân trống, che mưa nắng bằng những cái dù. Nhìn ra đường, tôi còn kịp thấy một chiếc xe đò nhỏ lao vút đi, nằm trên đường là một chiếc xe gắn máy với một thanh niên và một cô gái. Biết là đụng xe, tôi buông đũa, xô ghế đứng dậy, định đi ra xem có thể giúp đỡ gì cho nạn nhân không, nhưng bạn tôi cũng đã nhìn thấy tai nạn, nắm tay tôi, ngăn lại:
– Đừng ra! Ăn tiếp đi! Đụng xe thôi, có gì đâu?
Thái độ người bạn khiến tôi ngạc nhiên. Tôi đưa mắt dò hỏi, bạn nhìn tôi, buông tay ra lắc đầu:
– Mày ở nước ngoài về, nên tránh dính dáng càng nhiều càng tốt bất cứ chuyện gì xẩy ra ở đây, bởi nó chỉ sẽ gây phiền phức, rắc rối, bực mình cho mày thôi.
Cùng lúc đó tôi nghe những tiếng la lớn:
– Đụng xe! Đụng xe bỏ chạy luôn rồi!
Tôi không nói gì thêm, nhưng không ăn tiếp mà quay nhìn ra đường. Lúc đó đã có mấy người chạy đến, đỡ cô gái và anh thanh niên vào trong lề đường. Cô gái có lẽ bất tỉnh nên nằm yên khi họ đặt cô nằm xuống, người thanh niên còn tỉnh táo nói gì đó một một người đàn ông mặc quần Jeans xanh, áo Pullover từ một chiếc xe Honda do một người khác lái bước xuống.
Người này thò tay vào trong túi quần của anh rút ra một chiếc điện thoại cầm tay, nhìn vài giây rồi nhìn nạn nhân hỏi lớn:
– Số mấy? Gọi đi đâu? Gọi ai?
Tôi không nghe nạn nhân nói gì, chỉ thấy bất ngờ người đàn ông cầm điện thoại của anh nhẩy lên sau lưng người lái chiếc Honda máy vẫn nổ rồi cả hai rồ ga chạy đi.
Mấy người đang vây quanh nạn nhân kêu lớn:
– Ê! Ê! Chận lại! Chận lại! Cướp điện thoại! Cướp điện thoại!
Mặc kệ những tiếng la, một số người khác nhìn theo chiếc Honda, không ai phản ứng gì, chiếc xe biến mất ở một ngã tư gần đó.
Tôi ngẩn ngơ theo dõi sự việc, bạn tôi thản nhiên như không có chuyện gì xẩy ra, chỉ tô bún bò:
– Ăn hết đi rồi tụi mình zdọt! Chuyện đó ở đây rất thường xẩy ra.
Tôi quay lại ăn nốt tô bún trong lúc đầu óc suy nghĩ về chuyện vừa nhìn thấy.
Chuyện thứ hai xẩy ra vào một buổi sáng sớm, lúc tôi đang tập thể dục trên ban công lầu 2 nhà người em họ thì nghe tiếng ồn ào, la hét ở dưới đường.
Đi ra ngoài lan can nhìn xuống dưới, thấy một người đàn ông khoảng ngoài 30, mặc quần đùi, cởi trần, vừa đấm đá túi bụi vào một người đàn bà cũng trạc tuổi 30, vừa chửi thề bằng những tiếng tục tĩu. Người đàn bà vừa khóc, vừa dùng tay ôm lấy đầu để tránh những cú đấm vào mặt.
Gả đàn ông chỉ ngừng lại khi người phụ nữ té xuống đất và một đứa bé trai khoảng 7-8 tuổi chạy lại ôm lấy chị ta. Hơn chục người, cả đàn ông lẫn đàn bà đủ mọi lứa tuổi đứng nhìn mà không ai lên tiếng hoặc có thái độ gì để ngăn cản chuyện hành hung đó.
Cậu em họ tôi ở trong nhà, chắc cũng nghe ồn ào nên bước ra nhìn xuống rồi chép miệng:
– Lại vợ chồng thằng Tư cá độ.
Thấy tôi đưa mắt nhìn như muốn hỏi, cậu em nói tiếp:
– Hai vợ chồng này cứ vài ngày là có chuyện. Thằng chồng mê cờ bạc, cá độ nên có tên là Tư cá độ, vợ hắn buôn bán thịt, cá ngoài chợ Phú Nhuận. Hễ thua bạc là về bắt vợ đưa tiền đi gỡ, không đưa thì nó đánh đập, khảo của.
Tôi hỏi:
– Không ai can thiệp, giúp đỡ gì cô vợ hay khuyên nhủ anh chồng sao?
Cậu em tôi lắc đầu:
– Giúp đỡ gì? Một vài lần đầu hàng xóm cũng có can thiệp, kêu công an phường xuống, nhưng em thằng Tư là phó công an phường nên mọi chuyện đều chìm xuồng, hàng xóm sau đó ai cũng tránh không dây vào nữa. Đã có người giúp cô vợ thưa lên quận nhưng bị thằng Tư hăm dọa nên rồi cũng né. Công an bây giờ chúng nó không can thiệp vào những chuyện bạo hành gia đình đâu, thưa gửi mất công.
Chuyện thứ ba. Một buổi trưa, cô em dâu tôi vì bận việc ở chỗ làm, không thể về kịp đón con gái học lớp 7 ở một trường trung học phổ thông (tôi không nhớ tên) như thường lệ, cô gọi điện thoại cho tôi, nhờ đi đón. Từ nhà tôi phải đi bộ ra đường Hai Bà Trưng đón xe buýt đến trường.
Đến nơi thì vừa có chuông tan học, tôi đứng ngoài cổng trường chờ như đa số các phụ huynh khác. Trên đường nhiều người đậu xe chờ, gắn máy có, xe hơi có. Chỉ độ 3 phút thì cháu ra tới nơi. Tôi vừa cúi xuống đỡ cái cặp nặng những sách vở của cháu thì nghe tiếng ồn ào, la hét lẫn tiếng chửi thề. Nhìn lên tôi thấy bên trong cổng trường, 4-5 nữ sinh chừng 14-15 tuổi đang đấm đá một nữ sinh khác, chung quanh có 3-4 nam sinh đang hò hét cổ võ.
Cháu nữ sinh té nằm dưới đất, tóc tai tung xỏa, cặp sách văng tứ tung, hai tay ôm đầu những vẫn bị mấy nữ sinh khác tiếp tục đấm, đá vào người. Những người lớn tuổi, phụ huynh chờ đón con em chung quanh khá dông nhưng không ai có phản ứng gì, chỉ thản nhiên quan sát. Nhớ lại lời cảnh cáo của người bạn nói ở Vũng Tàu, tôi cũng chỉ yên lặng, đứng nhìn.
Phải mấy phút sau mới có 2-3 người đàn ông ở trong chạy ra can thiệp, đẩy mấy nữ sinh đang đánh cháu nằm dưới đất ra xa. Rồi cả đám tan hàng, cháu nữ sinh nằm dưới đất không thấy bị ai đánh nữa, lặng lẽ ngồi dậy, nước mắt chẩy quanh, tóc tai rũ rượi, mặt mày bầm tím, lẳng lặng lượm lại sách vở, đứng lên, vừa đi vừa khóc. Không thấy ai đi theo an ủi, vỗ về.
Đám đông ngoài cổng trường cũng tan dần, một vài người phụ huynh quanh tôi lắc đầu, thở dài nhưng không ai nói gì. Tôi dắt cháu gái lên xe buýt về nhà, không biết chuyện gì xẩy ra sau đó, nhưng qua hôm sau, cháu gái tôi kể lại nguyên nhân cháu nữ sinh bị đánh là vì đã xích mích với cháu trưởng lớp là đoàn viên trong chi bộ đoàn TNCS của trường, nên đám đoàn viên bênh, xúm vào đánh hội đồng.
Lý do nào mọi người vô cảm với những chuyện xẩy ra như vậy? Dường như không ai cảm thấy có trách nhiệm, bổn phận can thiệp vào những chuyện vi phạm pháp luật, những bạo hành trong đời sống hàng ngày, ngay cả với những sự việc có liên quan đến bản thân mình.
Chuyện Đỗ Thị Minh Hạnh, Trương Minh Đức bị côn an lẫn côn đồ hành hung khi đang tìm cách giải thích, giúp đỡ công nhân hiểu biết về quyền lợi của mình, các công nhân cũng không ra tay can thiệp, che chở cho Minh Hạnh, Minh Đức. Tại sao?
Nếu lúc côn an, côn đồ tấn công, bắt giữ, đánh đập Minh Hạnh, Minh Đức, các công nhân đang có mặt xúm vào can thiệp, bênh vực cho Hạnh và Đức thì côn an và côn đồ chắc chắn sẽ chùn tay.
Sự việc cho thấy người dân dưới chế độ cộng sản VN đã trở nên vô cảm một cách lạ lùng. Không chỉ vô cảm với hàng xóm, láng giềng, với bạn bè trong trường lớp, với đồng bào chung quanh mà còn vô cảm với xã hội, với đất nước, dân tộc. Tại sao?
Khi chế độ cai trị không có luật pháp nghiêm minh, rõ ràng, xã hội không có kỷ cương, vì sợ hãi, vì an nguy bản thân, vì sợ liên lụy gia đình, mọi người vì sinh tồn phải tự tìm cách bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, người thân…
Sợ hãi bắt nguồn từ sự cai trị kềm kẹp, dã man, gian ác, nham hiểm của chế độ cộng sản. Chế độ theo dõi, soi mói, kiểm soát con người trong mọi hành động, suy nghĩ, lời nói, đi lại, sinh hoạt, kiềm chế tất cả mọi chống đối, phản kháng ngay từ trong trứng nước…
Hơn 70 năm du nhập chế độ cộng sản vào Việt Nam, ông Hồ Chí Minh, đảng CSVN đã thành công trong việc hủy diệt sức đối kháng của hầu hết người dân. Mọi ý thức, tư duy, suy nghĩ độc lập, khác biệt với đường lối, nhận thức theo định hướng của chế độ đều bị dập tắt, triệt tiêu ngay từ lúc nẩy mầm.
Xã hội cộng sản tạo nên một lối sống vị kỷ, không còn nhân tính. Ngay giữa những đồng chí, đảng viên cao cấp với nhau, người cộng sản cũng không ngần ngại đầu độc, bịt miệng nhau như trường hợp Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Bá Thanh… Còn trong xã hội, người dân tìm cách đầu độc lẫn nhau, bơm hoặc nhúng thực phẩm vào hóa chất để thủ lợi, mặc cho người tiêu thụ sống chết, ngộ độc ra sao, không cần biết.
Chuyện kẹt xe, chuyện tai nạn giao thông với số thương vong kỷ lục, chuyện ngộ độc thực phẩm, trẻ em chích ngừa bị chết hàng loạt, việc đường phố ngập lụt khủng khiếp sau những con mưa lớn, đất đai cày cấy, nuôi trồng thủy sản bị ngập mặn, cướp giật xẩy ra trên đường phố trước mắt mọi người ban ngày… đều đã trở nên bình thường không còn là mối bận tâm của mọi người.
Từ tổng bí thư đảng CS đến thủ tướng chính phủ, đại biểu quốc hội… không ai còn có trách nhiệm, suy nghĩ, tìm cách thức, phương pháp đối phó các tình trạng trên.
Cán bộ chính quyền từ hạ tầng cơ sở đến trung ương, công an, tướng lãnh quân đội… chỉ lo cấu kết với lũ tư bản đỏ, vẽ ra những công trình, dự án đồ sộ, to lớn để moi ruột, tham nhũng, vơ vét, làm giầu cho nhanh, rồi tẩu tán tài sản ra nước ngoài, phòng khi có biến thì chạy thoát thân.
Tình trạng này kéo dài, đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục cai trị đất nước 10-15 năm nữa thì sự diệt vong của dân tộc Việt Nam trong tương lai chắc là điều khó tránh khỏi.
Thạch Đạt Lang
Comments
Post a Comment