Xin cảm ơn Âm thoại viên Binh Nhất Trà Văn Sáu.

Quảng Trị ơi...."Tau chào mi".
Cái quê hương tôi thời bom đạn. Diễn tả ư...Không sao nói hết. Con người khi thịnh vượng, thanh bình. Rất dễ quên đi những ngày máu lửa, khổ cực. Bên lề của cuộc chiến đẫm máu, thê lương là những hình ảnh mơ mộng của những người thanh niên trẻ . " Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung ". Không có mơ mộng, không có hy vọng, cái tuổi trẻ "ngày ấy" làm sao sống được. Khi hàng ngày, hàng giờ, từng lớp một ngã xuống. Chiến tranh mà, nó khốn nạn và ác nghiệt vô cùng.
Trót sinh ra vào buổi chiến chinh
Đêm gác giặc, trên chiến hào phơi xác bạn.
Hai câu thơ này của tôi, nó cũng na ná như một bài thơ nào đó. Nghe tiểu thuyết, kịch tính cho sôi nổi bài văn. Nhưng không....Nó là sự thật. Cuộc chiến nó mỗi ngày thêm khốc liệt. Pháo nổ, đạn bay. Sau một ngày hay vài ngày giao tranh đẫm máu. Tản thương không được. Xác bạn, gói chặt vào tấm nhựa Poncho, khiêng để trên chiến hào. Người còn sống, còn chỗ mà núp khi Pháo địch giăng đầy. Gác địch, chờ địch bên chiến hào là một hình ảnh không thể nào không có trong đời lính. Làm đời lính càng nhiều ( chưa chết ) thì " vừa gác địch, mà cũng vừa gác xác bạn " là chuyện dài bất tận.
Những ca gác trong một đêm dài, tay lăm lăm cò súng, mắt cố nhìn " cho xuyên thủng bóng đêm ". Có sợ không? Sợ chứ. Chết ai mà không sợ. Con người, có thịt, có da, Cha sinh, Mẹ đẻ, đâu ai muốn chết. Nhưng chết nhiều quá, thì có run không ? Không run. Vì run thì chẳng được gì. Mà có thể còn chết nhanh hơn nữa. Vì thấy địch , mà run quá , thì mình sẽ chết trước. Sự chai đá nó lớn dần theo tuổi Lính. Với tôi, cách duy nhất là " mơ mộng ". Nghĩ về một chuyện nào đó ấm áp, dịu dàng mà tôi rất cần. Mơ một lời nói yêu thương từ Mẹ, một lời an ủi từ Cha. Mà suốt đời người trai trẻ tôi không có. Rồi mỉm cười trong đêm thanh vắng, nghĩ về cô hàng cafe ở Sài Gòn, sao mà Cô ấy có một nụ cười duyên dáng đến thế. Hẹn Cô nhé " tôi sẽ về " để nhìn Cô cười thêm một lần nữa.
Đơn vị tôi ...Ngày ấy, đóng quân cách xa ngôi Thánh Đường La Vang chưa đầy 300 mét, Sau một cuộc hành quân dài trong dãy Núi Trường Sơn. Anh em trong Tiểu Đội, ban ngày đi chơi. Tôi thì ở nhà "gác súng ". Tôi hay đứng ven con đường đất đỏ nhầy nhụa vì mưa nhiều. Nhìn về Thánh Đường. Vì nơi đó tôi thấy nó ấm áp lắm trong cái lạnh và mưa phùn của Thành Phố Quảng Trị. Có hôm, anh em về sớm. Chiều chưa ngã bóng. Tôi thả bộ đến trước Thánh Đường. Hai bên Tượng nhiều Tượng. Tôi chả biết là Tượng gì. Trông Uy nghi nhưng điềm đạm. Tôi quì xuống , một trong những bức Tượng này:
- Xin Chúa cho con được chết. Chỉ một viên thôi nhé. Đừng mất tay, cụt chân. Đời con sẽ khổ thêm nhiều.
Là lực lượng Tổng Trừ Bị. Tôi theo đoàn quân quanh năm tác chiến. Chiến trường nào nặng nhất là có chúng tôi. Ngày đi " thì đông, ngày về mất bạn ". Cuộc đời cứ thế. Tôi không sợ mấy vì chiến trường. Nhưng tôi không thắng được tâm hồn của mình. Bơ vơ, lạc lõng. Tôi không chịu được. Mỗi chuyến tiếp tế đạn dược, lương thực. Anh em reo hò, có thư, có quà. Lúc những lúc , tôi lặng người đau khổ. Trời đất bao la. Tôi không phải là Tề Thiên Đại Thánh do Đá sinh ra. Sao mà bất hạnh thế.Trần gian này không phải là nơi cần thiết để có một con người như tôi. Tôi muốn chết. Để quên đi những ray rứt của riêng mình.
Trời tối hẳn. Tôi lững thững trở về đơn vị. Anh Tiểu Đội Trưởng thấy tôi chạy ra la hét.
-ĐM. Mày đi đâu nãy giờ. Ba lô, súng đạn trình diện Bồng Sơn ngay bây giờ.
Tôi lặng lẽ đi trình diện thượng cấp nhận phạt. Tôi vẫn còn nghĩ tinh nghịch trong đầu. BCH Đại Đội đóng quân, có 2 Cô chủ nhà xinh lắm, lên đó lén nhìn cho bớt sầu đời. Tôi đứng vào vị trí. BS từ trong nhà đi ra, săn tay áo. Tôi nghĩ bụng " Bữa nay, no đòn rồi ". Không biết sao, ông chỉ la mắng vài câu rồi cho tôi về. Hú hồn , mất vía. Cái ông này, thấy ông từ xa, tôi đã quẹo hướng khác. Phải đứng trước mặt ông trình diện thì " đời không khá được ". Tôi cứ né ông hoài mà số phận cũng không thoát khỏi. Mấy tháng sau, hàng ngày, hàng giờ tôi phải đứng cạnh ông, sau lưng ông theo thời gian của cuộc chiến. Hình như, hôm có lệnh di chuyển đóng quân sát Thánh Đường La Vang. Ông tiếc xa 2 cô gái trẻ dễ thương này. Bước đi mà ngoái đầu "nhìn lần cuối ". Tôi đoán thế.
Dưỡng quân 2 tuần. Chúng tôi lại vào Rừng Trường Sơn. Vùng 1 đang vào mùa mưa và lạnh. Dân sống trong Nam như tôi, chưa bao giờ thấy mưa mà đáng sợ như vậy. Những cơn mưa phùn rỉ rả, nó ray rứt như cuộc đời tôi vậy. Ám ảnh cái ướt, cái lầy lội của rừng Trường Sơn là những cái kinh hoàng của người Lính. Cộng thêm cái lạnh kỳ lạ mà tôi chưa từng hứng chịu bao giờ. Hễ đi, di chuyển dừng lại vài phút là lạnh. Có thể diễn tả thế này. Người Lính quân trang, vũ khí, đạn dược đeo trên người cũng khoảng 30 kg ( 66 pounds ). Thế mà chỉ cần sau 10 phút. Tay cầm thìa múc muổng gạo sấy, bàn tay cầm thìa run run như bà lão cuối đời. Không biết, tại tôi sức khỏe không tốt hay sao. Nhưng nhìn quanh, thì cũng có vài anh như thế. Chuyến này, tôi bị sốt rét nặng. Chân không vững, sốt cao, người thì run bần bật. Bồng Sơn cho tôi tản thương bằng trực thăng về Quân Y Viện Quảng Trị.
Bấy giờ, quân số cũng không đầy đủ lắm. Nhiều anh khác cũng bệnh. Nhưng không biết sao Bồng Sơn cho tôi tản thương. Ông tôi nghiệp " thằng Lính Sữa ". Hay ông có cảm tình với tôi, một thư sinh bỏ áo nhà trường, trói Gà không chặt. Thực sự, tôi đã kiệt sức. Nửa mê, nửa tỉnh. Chiếc trực thăng tải thương của phi công Mỹ. Bay về đến Quảng Trị họ đẩy tôi xuống bãi đáp rồi bay đi tiếp cứu đâu đó. Tôi nằm chờ xe cứu thương mà thấy thời gian dài đăng đẵng. Về đến Quân Y Viện Quảng Trị, Bác Sĩ chích thuốc, rồi Y Tá cho tôi một ly sữa " Ông Thọ " thật nóng. Tôi tỉnh dần với cái ấm của căn phòng bệnh nhân. Tôi lại có dịp mơ nhớ Sài Gòn, nhớ những thằng bạn học. Nhìn quanh, thương binh đầy khắp. Tôi cũng nhớ những người bạn Lính. Các anh ra sao trong dãy núi Trường Sơn, trùng trùng, điệp điệp đó. Mong các anh bình an trở ra. Ôi Trường Sơn máu đổ.
Ai ơi còn nhớ Trường Sơn
Rừng thiêng nước độc, chứa chan xác người
Dẫu cho có nói ngàn lời
Bạn tôi còn đó, đời đời khó quên
Bây giờ nếu có linh thiêng
Bình an vĩnh viễn, thiêng liêng phận mình
Thương nhau, nếu nhớ chút tình
Kiếp sau gặp lại, vẫn tình như xưa.
Được gần một tuần lễ, có chút hồi phục. Chung quanh tôi, các bệnh binh của Sư Đoàn 1, thân nhân đến chăm sóc ở lại. Tôi lại lần nữa tủi thân, tối tối hay lang thang quanh bệnh viện. Quảng Trị, thành phố sau 8 giờ tối không còn bóng người. Thỉnh thoảng vài chiếc quân xa di chuyển, ngoài ra, dân không ai ra đường. Muốn có bát Mì, bát Bún ư. Mơ đi. Dân ở đây không có thói quen ăn đường, ăn tối. Trước cửa bệnh viện chỉ có 1 sạp duy nhất bán bánh và sữa, mấy lon sữa đặc Ông Thọ. Ai sang lắm thì mua 1 bát mì gói có vài lát cà chua là sang trọng lắm rồi. Tôi được chuyển về Bệnh Viện Lê Hữu Sanh ở Thủ Đức chữa bệnh sau 10 ngày ở Quảng Trị. Có phép, tôi lần về Sài Gòn để uống cafe và lén nhìn cô hàng duyên dáng như những lúc tôi mơ ở tuyến đầu. Tôi cũng có lần định về thăm nhà. Nhưng đến đầu ngõ, tôi lại dừng chân. " sự hiện diện của tôi sẽ làm cả nhà khó chịu ". Tôi lại đi.
Cuối cùng, tôi lại xin trở ra đơn vị. Mấy anh khác thì khai bệnh lung tung hy vọng bác sĩ cho níu kéo vài ngày. Tôi thì thấy "đủ rồi ". Nên đi tiếp. Trình diện Bồng Sơn, hôm đó ông đeo cái kiếng Rayban. Không nhìn thấy con mắt hung dữ của ông với giọng to từng tiếng một.
- Tôi cho ông tải thương, chứ đâu cho ông về Sài Gòn.
Lần này, tôi không sợ. Vì tôi thấy ông cười " nửa nụ ". Thành phố Quảng Trị, tôi chia tay từ đó. Nghèo, ướt vào mùa mưa, đất nứt nẻ vào mùa nắng. Dân chịu đựng cái khắc nghiệt của trời đất đã quen. Họ vẫn ở đó và vẫn sống theo tiếng bom rơi, đạn rít. Miền Trung, số phận luôn luôn nghiệt ngã với phận đời. Buồn và cũng thương lắm. Tôi không có dịp trở lại . Nhưng trong trái Tim, tôi luôn nhớ và thương Quảng Trị. Nhớ ngôi Thánh Đường mà tôi không biết các bức Tượng đó tên gì. Chắc Chúa sẽ tha thứ vì tôi là người ngoại Đạo. Nhưng hình như Ngài lúc nào cũng theo bước chân tôi. Một linh hồn, một con người cần giúp đỡ.
Little Sài Gòn . Aug 2016
TB: Bài viết này cũng riêng kính tặng Bồng Sơn. Một cấp chỉ huy, một người Lính duy nhất của đơn vị còn sống, mà tôi gặp lại ở Mỹ. Cảm ơn anh đã không chấp nhất "thằng Lính cà chớn này ".

Comments

Popular posts from this blog

Madame Ngô Đình Nhu khuê danh Trần Thị Lệ Xuân-Mời qúy vị đọc để cái gì của Ceasar hảy trả lại cho Ceasar.