Vài đánh giá nhầm trong cách mạng tháng 8
Vài đánh giá nhầm trong cách mạng tháng 8
Nguyễn Đình Cống
Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng (CM) tháng 8, ngoài những điều nhiều
người đã biết cũng nên nhìn vào vài đánh giá và tuyên truyền nhầm, để hiểu thêm
lịch sử.
Xin bắt đầu từ tháng 5- 1941, khi Đảng Cộng sản thành lập Mặt trận
Việt Minh (VM) với mục tiêu: “Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng
phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, cùng nhau đánh đuổi Nhật –
Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Tuyên bố công khai là thế, mục tiêu trước mắt là như vậy, rất tốt
đẹp, rất rõ ràng, nhưng xét ra việc thực tế đã làm được, mục tiêu chính và lâu
dài không hoàn toàn đúng như thế.
Đêm 9 tháng 3-1945 Nhật đảo chính Pháp. Trên đất VN không còn người
Pháp cai trị. Ngày 11-3 vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập, xóa bỏ mọi hiệp
ước đã ký với Pháp. Tháng 4-1945 giải tán triều đình phong kiến với các Thượng
thư, lập Chính phủ do Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu và các Bộ trưởng. Ngày 15-8 Nhật đầu hàng Đồng
minh. Ngày 17-8 Chính quyền Hà nội tổ chức mit tinh, treo cờ Quẻ Ly để chào
mừng nước Việt Nam độc lập. Cuộc mit tinh này đã bị người của VM cướp đoạt, hạ
cờ Quẻ Ly xuống, giương cờ đỏ sao vàng lên và kêu gọi đi theo VM. Từ
trước ngày 17-8 thủ tướngTrần Trọng Kim, Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn đã 5 lần tiếp
xúc, hội đàm với đại diện của VM tại Hà nội (Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Khang) với
đề nghị mời người của VM tham gia Chính phủ hoặc hợp tác lập Chính phủ liên
hiệp để chuẩn bị đón tiếp quân Đồng minh, nhường quyền kiểm soát phần lớn đất
nước cho VM một cách hòa bình. Nhưng cả 5 lần đều bị đại diện VM từ chối với
tuyên bố là VM đủ lực lượng để cướp toàn bộ chính quyền mà không cần sự hợp tác
nào hết, chỉ có đấu tranh một mất một còn. Để tỏ rõ thiện chí không dùng bạo
lực, chính phủ ông Kim và Bảo Đại không thành lập quân đội, không có Bộ Quốc
phòng.
Ngày 19-8 VM cướp chính
quyền ở Hà nội. Sau đó việc cướp chính quyền lan rộng ra toàn quốc. Việc cướp
này diễn ra dễ dàng, nhanh chóng vì không gặp phải sự chống đối. Ngày 25-8 vua
Bảo Đại thoái vị.
Về việc tuyên bố độc lập của Bảo Đại và sự hoạt động của Chính phủ
Trần Trọng Kim hiện có 2 luồng nhận định rất khác nhau. Theo tuyên truyền của
VM thì chính phủ của ông Kim chỉ là một lũ bù nhìn, tay sai cho Nhật, là bọn
Việt gian bán nước. Ngược lại, theo nghiên cứu và công bố của một số sử gia độc lập thì Tuyên bố Việt
Nam độc lập của Bảo Đại và Chính phủ Trần Trọng Kim có đủ cơ sở và giá trị pháp
lý, Chính phủ bao gồm nhiều nhân sĩ trí thức yêu nước, có trình độ cao, có tinh
thần dân tộc mạnh và đã làm được nhiều điều có ích lợi cho dân tộc. Nếu như VM
không kiên quyết tiêu diệt mà hợp tác với họ thì vận mệnh đất nước có lẽ đã
khác nhiều. Việc này như thế nào xin để lịch sử phán xét.
Câu chuyện vào CM tháng 8 VM đã đánh Pháp, đã đuổi Nhật để giành độc
lập mà trên 70 năm qua nhiều người Việt vẫn tin và khẳng định như vậy thì thực
tế lịch sử đã chỉ ra rõ ràng là không đúng. Trong thời gian diễn ra CM tháng 8 VM không hề đánh một đơn vị
Pháp nào, không hề đuổi một đơn vị Nhật nào. VM quả thực đã lợi dụng được thời
cơ và điều kiện rất thuận lợi để cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim
khi Pháp đã bị Nhật loại bỏ, Nhật đã đầu hàng, chính quyền hợp pháp không có
quân đội, không chống lại. Hơn
nữa khi CM sắp nổ ra, tổng chỉ huy quân Nhật tại VN có đề nghị với Bảo Đại và
Trần Trọng Kim, rằng nếu phía VN yêu cầu thì quân đội Nhật sẽ giúp bảo vệ chính
quyền và đánh tan VM. Nhưng các ông Bảo Đại và Trần Trọng Kim đã không đồng ý,
cho rằng như thế là huynh đệ tương tàn, là làm đổ máu của người Việt một cách
không cần thiết. Ông Kim còn đòi Nhật thả nhiều thanh niên VM bị Nhật bắt giam
trước đó. Nhật đã thả họ. Trong tuyên ngôn thoái vị, Bảo Đại nêu cao tình đoàn
kết dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. VM cho
rằng đây là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, có ý nghĩa lịch sử trọng đại sau
gần một thế kỷ đất nước bị đô hộ. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu lại chỉ ra rằng
trước đó mấy tháng nước VN đã độc lập, đã thoát khỏi ách cai trị của thực dân
Pháp. Mặc dầu lúc đó trên lãnh thổ còn có quân Nhật, nhưng Nhật không đặt chế
độ cai trị, Nhật không xem VN là thuộc địa, VN có chính phủ riêng, Bảo Đại đã
tuyên bố Việt Nam độc lập. Nếu cứ khăng khăng cho rằng Bảo Đại và Trần Trọng
Kim bị lệ thuộc vào Nhật thì sau khi Nhật đầu hàng họ cũng đã thoát khỏi sự lệ
thuộc đó và độc lập của VN được bảo đảm. Như vậy thì CM tháng 8 đã không đánh Pháp, không đuổi Nhật,
càng không giành độc lập cho đất nước. Từ tháng 4-1945, và đặc biệt từ sau
15-8, nước VN đã hoàn toàn độc lập. CM tháng 8 chỉ làm một việc duy nhất là
cướp chính quyền để thay đổi chế độ và bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh
là tuyên ngôn lần thứ hai, sau tuyên ngôn của Bảo Đại.
Đảng Cộng sản đang trên đà thắng lợi thì ngày 01 tháng 11-1945
tuyên bố tự giải tán. Một số người cho rằng đây là một nước cờ khá cao của
Đảng, nhằm bảo toàn lực lượng trước sự phá hoại, khủng bố của các thế lực thù
địch. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu không chấp nhận lời giải thích ấy, cho rằng đó
là một sự dối trá, một nước cờ quá thấp, định dùng nó để đánh lừa chính phủ Mỹ
nhưng đã không qua mắt được tình báo của họ. Nguyên do là Hồ Chí Minh biết Mỹ ủng hộ việc giải phóng thuộc
địa, đặc biệt là thuộc địa của Pháp. VM đã từng xem Mỹ là bạn, đã nhận nhiều
viện trợ của họ. Hồ Chí Minh cũng rất biết Mỹ không ưa gì cộng sản, vậy muốn
nhận được sự ủng hộ chân thành và tận tình của Mỹ thì phải xa rời cộng sản.
Nhưng rồi mưu mô dối trá tự giải tán của CSVN đã không lừa được Mỹ, cho nên
Tổng thống Mỹ không trả lời những bức thư của Hồ Chí Minh liên tiếp gửi đến. Mỹ
ủng hộ Pháp trở lại VN với mong muốn dùng Pháp ngăn chặn làn sóng cộng sản. Thế rồi CS VN mắc mưu Mao Trạch Đông biến Mỹ từ bạn thành
thù.
Khi vận động thành lập VM, Đảng CS kêu gọi liên hiệp các tầng lớp
nhân dân yêu nước, các đảng phái cùng đánh đuổi Nhật Pháp, giành độc lập. Tham
gia vào VM có các đảng như: VN Quốc dân đảng, đảng Cách mệnh VN, đảng Đại Việt,
đảng Hưng Việt, đảng Việt Cách. Khi VM cướp được chính quyền thì ban đầu cũng có
nhường cho các đảng một số ghế trong Quốc hội, nhưng về sau các đảng khác đều
bị gắn nhãn việt gian, phản động, bị tiêu diệt công khai hoặc ngấm ngầm. Ngay
Đảng Dân chủ, đại diện cho doanh nhân, và Đảng Xã hội, đại diện cho trí thức
được hoạt động một thời gian rồi cũng bị giải tán. Không những thế, sau này
trong kháng chiến chống Pháp, trong cải cách ruộng đất, trong nhiều phong trào
khác, nhiều người yêu nước đã bị hãm hại chỉ vì họ là địa chủ, tư sản hoặc có
vài ý kiến bất đồng. Làm như vậy phải chăng để CS thực hiện mục đích chính là
độc chiếm vai trò thống trị.
Một số người lập luận rằng nếu không có đảng CS lãnh đạo làm CM
tháng 8 thì đất nước VN không có được như ngày nay. Đó là một kiểu ngụy biện. Và ngày nay của VN như thế nào, có đáng mơ
ước và tự hào không? Nếu năm 1945 những người theo Đảng làm CM tháng 8 biết
được tương lai của VN sau 70 năm sẽ như bây giờ, rất nhiều giá trị bị đảo
ngược, nếu họ biết Tổng bí
thư Đảng CSVN Nguyễn Văn Linh nói: “Biết đi với Trung quốc thì mất nước, nhưng
mất nước còn hơn mất Đảng” thì liệu có bao nhiêu người hăng hái theo
Đảng, hy sinh cho Đảng? Hà Sĩ Phu bình luận câu nói của ông Linh là rất dại,
rất ngu, rất phản động. Thực
ra rất đau xót và nhục nhã cho dân tộc vì con đường đi với Trung quốc đó đang
được một số người có chức quyền ra sức thực hiện chỉ vì lợi ích nhóm của ĐCS,
còn một số khá đông khác thuộc nhân dân thì vì sợ đủ mọi thứ mà chịu yên lặng,
chịu hèn yếu chấp nhận sự hủy hoại, sự diệt chủng do Trung cộng gây ra cho dân
Việt một cách từ thâm trầm đến ào ạt.
Nhân kỷ niệm lần thứ 71 CM tháng 8, viết ra vài sự thật đã từng ít
được quan tâm hoặc bị nhầm để đóng góp vào việc hiểu thêm lịch sử.
N.Đ.C.
Comments
Post a Comment