hcminh cầu viện Tàu cộng
HỒ CHÍ MINH CẦU VIỆN NĂM 1950
Trần
Gia Phụng
Sau khi Hồ Chí Minh (HCM) cùng Mặt trận
Việt Minh (VM) do đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) lãnh đạo, cướp chính quyền và
thành lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ngày 2-9-1945, Pháp trở
lui Việt Nam. Hồ Chí Minh liền thương thuyết và ký hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) tại Hà Nội, đồng ý
cho quân đội Pháp vào Bắc Kỳ. Sau đó, HCM ký Tạm ước tại Paris (14-9-1946) để cho
Pháp tái tục các hoạt động kinh tế, tài chính, giao thông, văn hóa trên toàn
quốc Việt Nam. Quân Pháp đến Hà Nội càng ngày càng đông, và áp lực nhà
cầm quyền VM phải để cho Pháp kiểm soát an ninh Hà Nội.
Nếu để cho Pháp kiểm soát an ninh Hà Nội,
thì HCM, lãnh đạo CS ĐD và VM sẽ nằm
trong tay Pháp. Vì vậy, để thoát khỏi Hà Nội, Trung ương đảng CSĐD họp
trong hai ngày 18 và 19-12-1946, tại Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định phát động
chiến tranh chống Pháp trên toàn quốc. (Lê Mậu Hãn chủ biên, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III,
Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, 2001, tr. 48. Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Hà
Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004, tt. 503-504.)
Lực lượng VM bất ngờ tấn công Pháp tối
19-12-1946. Hồ Chí Minh và các lãnh tụ CS có lý do chính đáng rút đi mật
khu mà tránh bị mang tiếng trốn chạy. Từ đó, VM thua chạy dài cho đến năm
1949. Trong năm nầy, hai sự kiện chính trị quan trọng xảy ra. Thứ
nhứt chính phủ Quốc Gia Việt Nam được thành lập do Cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc
trưởng sau Hiệp định Élysée ngày
8-3-1949. Thứ hai, đảng Cộng Sản Trung Hoa (Trung Cộng) thành công và
chiếm lục địa Trung Hoa. Chính phủ Quốc Dân Đảng Trung Hoa di tản ra Đài
Loan (Taiwan). Mao Trạch Đông (MTĐ) tuyên bố thành lập chính phủ Cộng Hòa
Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH), định đô ở Bắc Kinh, ngày 1-10-1949.
1.-
HỒ CHÍ MINH QUA BẮC KINH
Sau khi CHNDTH được thành lập, Hồ Chí Minh
gởi hai đại diện là Lý Bích Sơn và Nguyễn Đức Thủy đến Bắc Kinh xin viện trợ
cuối năm 1949. Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi), xử lý công việc bộ Chính trị
đảng CSTH, cử La Quý Ba (Luo Guibo), ủy viên trung ương đảng CSTH, làm đại diện
đảng CSTH bên cạnh đảng CSĐD. (Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975,
The University of North Carolina Press, 2000, tt. 13, 15.) Tháng
01-1950, La Quý Ba qua Việt Nam làm cố vấn. (La Quý Ba, “Mẫu mực sáng
ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản”, trong Hồi ký của những người trong cuộc, ghi
chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp,
một nhóm tác giả, Bắc Kinh: Nxb Lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc, 2002, Trần
Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch, Dương Danh Dy hiệu đính, Montreal: Tạp chí Truyền Thông số 32 và 33, Hạ-Thu 2009,
tr. 19.)
Theo sự thỏa thuận giữa hai bên, chính phủ
VNDCCH thừa nhận chính phủ CHNDTH ngày 15-1-1950. Ngay sau đó, CHNDTH
thừa nhận trở lại chính phủ VNDCCH ngày 18-1-1950. Gần nửa tháng sau,
Liên Xô thừa nhận chính phủ VNDCCH ngày 30-1-1950. Các nước cộng sản khác
ở Đông Âu tiếp tục thừa nhận VNDCCH sau Liên Xô.
Cũng ngày 30-1-1950, HCM bí mật đến Bắc
Kinh cầu viện. Theo tài liệu của CSVN, tại Bắc Kinh, HCM “đã hội đàm với Mao Trạch Đông và các nhà
lãnh đạo nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Mao Trạch Đông hứa sẽ tích cực
chi viện cho cuộc kháng chiến của Việt Nam...”(Lê Mậu Hãn chủ biên, sđd. tt. 68-69.)
Tài liệu của một người tự xưng đã “từng
viết tiểu sử Hồ Chí Minh”, cũng xác nhận khi HCM đến Bắc Kinh thì MTĐ đang ở
Bắc Kinh. Tài liệu nầy còn hé lộ thêm rằng HCM “kiểm thảo, trình bày các cái ta chủ trương
và làm, Lưu Thiếu Kỳ nhận xét...chính sách tiêu thổ kháng chiến toàn bàn của
Việt Nam là không cần thiết và lãng phí...” (Trần Đĩnh, Đèn cù, California: Người Việt Books,
2014, tr. 49.)
Theo tác giả nầy, “báo cáo coi như kiểm điểm”; mà lại
kiểm điểm tất cả “các cái ta chủ trương”,
ít nhất kể từ khi VM thưc hiện tiêu thổ kháng chiến tức từ năm 1946 đến năm
1949. Câu hỏi đặt ra là tại sao HCM phải kiểm thảo? Vai vế của một
nước nhỏ trong Đệ tam Quốc tế CS, hay vai vế một chư hầu? Một tay sai?
Hơn nữa, tuy MTĐ có mặt ở Bắc Kinh, nhưng tại sao cuộc kiểm thảo của HCM do Lưu
Thiếu Kỳ nhận xét (tức phê bình). Tại sao không phải là MTĐ nhận xét, mà
lại là Lưu Thiếu Kỳ?
Theo các tài liệu trên đây của CSVN, HCM
đến Bắc Kinh gặp MTĐ. Tuy nhiên, các tài liệu khác, kể cả tài liệu Trung
Cộng, thì MTĐ không có ở Bắc Kinh khi HCM đến Bắc Kinh, mà MTĐ đã qua Moscow.
Trước hết, theo Qiang Zhai, giáo sư đại
học North Carolina, một người gốc Trung Hoa, ngay khi hai đại diện của HCM là
Lý Bích Sơn và Nguyễn Đức Thủy đến Bắc Kinh cuối năm 1949, thì MTĐ đã qua
Moscow. “Mao công bố thành lập
CHNDTH ngày 1-10-1949. Không lâu sau đó, Hồ Chí Minh gởi hai đại diện, Lý
Bích Sơn và Nguyễn Đức Thủy, đi Bắc Kinh tìm kiếm hậu thuẫn trong cuộc chiến
đấu chống Pháp. Vào lúc đó, Mao đã ở Moscow thương thuyết một hiệp định
liên minh. Trong thời gian Mao vắng mặt khỏi Bắc Kinh (giữa 16-12-1949 và
17-2-1950), Lưu Thiếu Kỳ, quyền chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng CSTH, phụ trách
công việc hàng ngày của đảng.” (Qiang Zhai, sđd. tr. 13)
Theo La Quý Ba, cố vấn Trung Cộng bên cạnh
HCM, trong bài “Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản” (Truyền Thông, bài đã dẫn, báo đã dẫn, tr. 20), thì
lúc đó MTĐ và Chu Ân Lai đang ở Moscow để thương thuyết với Stalin.
Tài liệu về tiểu sử MTĐ, quyển The Unknown Story MAO thì MTĐ bắt đầu
đi qua Moscow bằng tàu hỏa ngày 6-12-1949, tham dự lễ sinh nhật thứ 70 của
Stalin ngày 21-12-1949. (Jung Chang, The
Unknown Story MAO, New York: 2005, tr. 350.)
Trong hồi ký của mình, Nikita Khrushchev
cũng viết rằng Mao đến Moscow tham dự sinh nhật thứ 70 của Stalin ngày
21-12-1949. (Khrushchev Remembers The
Last Testament, Translated and Edited by Strobe Talbott, Boston-Toronto:
Little, Brown and Co., 1974, tr. 239.)
Theo các tài liêu trên đây, kể cả tài liệu
của Khrushchev, rõ ràng MTĐ có mặt ở Moscow tham dự sinh nhật thứ 70 của
Stalin, thì không thể có chuyện MTĐ có mặt ở Bắc Kinh gặp HCM vào tháng 1-1950
theo như các tài liệu CSVN. Chuyện nầy giải thích vì sao sách Đèn cù viết rằng Lưu Thiếu Kỳ, xử lý
thường vụ đảng CSTH, nhận xét về báo cáo của HCM, chứ không phải MTĐ.
Lý do đơn giản giải thích việc các tài
liệu CSVN viết rằng HCM đã gặp MTĐ ở Bắc Kinh là vì HCM thường sử dụng hình
tượng các nhân vật quan trọng để lòe đám cộng sản tay chân chung quanh HCM, như
đã có lần vào năm 1945, HCM xin một tấm ảnh của đại tướng Hoa Kỳ là Claire
Chennault, rồi treo ở trụ sở chiến khu Tân Trào cho mọi người thấy, nhằm chứng
tỏ rằng Hoa Kỳ ủng hộ HCM và mặt trận VM. Các nhà viết sử đảng CS chỉ
viết theo tuyên truyền hoặc lời kể của cấp trên mà thôi.
2.-
HỒ CHÍ MINH CẦU VIỆN
Sau Bắc Kinh, HCM đến Moscow tối 6-2-1950.
Bộ chính trị đảng CSLX mở tiệc chào mừng HCM, nhưng Joseph Stalin không tham dự.
Stalin chỉ tiếp HCM tại văn phòng làm việc, với sự có mặt của của Malenkow,
Molotow, Bulganin, và đại sứ Trung Cộng tại Liên Xô, Vương Gia Tường. Stalin
nói với HCM: “Đảng Cộng Sản Liên Xô và
nhân dân Liên Xô hoàn toàn nên viện trợ cho cuộc đấu tranh chống Pháp của các
đồng chí. Song, chúng tôi đã trao đổi với các đồng chí Trung Quốc, công
việc viện trợ chiến tranh chống Pháp của Việt Nam chủ yếu do Trung Quốc phụ
trách thích hợp hơn...” (Trương Quảng Hoa, “Quyết sách trọng đại Trung Quốc
viện trợ Việt Nam chống Pháp”, đăng trong sách Hồi ký những người trong cuộc..., tạp
chí Truyền Thông, báo đã dẫn, tr.
45.)
Quyết định của Stalin giao cho Trung Cộng
phụ trách viện trợ CSVN có thể bắt nguồn từ hai lý do: Thứ nhứt Stalin và
Liên Xô chưa có quyền lợi gì ở Đông Nam Á nên không muốn can thiệp vào Việt
Nam, trong khi đó Liên Xô bận lo củng cố vùng Đông Âu mới chiếm được sau năm
1945. Thứ hai MTĐ qua Moscow trước HCM. Khi HCM đến Bắc Kinh xin
viện trợ, Lưu Thiếu Kỳ (xử lý thưòng vụ ở Bắc Kinh) thông báo mục đích chuyến
đi của HCM cho MTĐ. Mao Trạch Đông thảo luận trước với Stalin, và hai bên
đồng ý để chuyện Việt Nam cho Trung Cộng phụ trách. Phải chăng vì Stalin
giao Việt Nam cho Trung Cộng viện trợ, mới có sự hiện diện của viên đại sứ
Trung Cộng khi Stalin tiếp kiến HCM?
Ngày 14-2-1950, Joseph Stalin và MTĐ ký “Hiệp ước hữu nghị, liên minh và hỗ tương
Trung-Xô” (Sino-Soviet Treaty of
Friendship, Alliance and mutual Assistance) gồm 6 điều khoản và giá trị
trong 30 năm. Ngày 16-2, trong buổi tiệc khoản đãi MTĐ trước khi phái
đoàn Trung Cộng về nước, nhân lúc Stalin vui chuyện, HCM xin Stalin ký một hiệp
ước với VNDCCH như đã ký với CHNDTH. Vì HCM bí mật qua Liên Xô, Stalin
hỏi lại HCM: “Thế người ta hỏi đồng chí
từ đâu ra? Chúng tôi giải thích như thế nào?”. Hồ Chí Minh nói:
“Điều đó rất dễ, đồng chí cho máy bay chở tôi lượn một vòng trên trời, sau đó
cho người ra sân bay đón tôi, đưa một tin trên báo, không được sao?” Stalin
cười lớn nói: “Đó quả là sức tưởng tượng đặc biệt của người phương Đông các
anh.” Rất nhiều người dự tiệc cũng đều cười vang.” (Trương Quảng Hoa,
bđd., sđd. tr. 46.)
Ngày 17-2-1950 (mồng 1 Tết canh dần), MTĐ
cùng Châu Ân Lai rời Moscow, trở về Bắc Kinh bằng tàu hỏa. Hồ Chí Minh
cũng tháp tùng theo đoàn tàu nầy. Khi về đến biên giới Liên Xô - Trung
Cộng, tuyệt vọng về phía Liên Xô, HCM tìm đến toa tàu của MTĐ và dùng tiếng Tàu
cầu viện MTĐ.
Hồ Chí Minh nói: “Stalin không chuẩn bị viện trợ trực tiếp
cho chúng tôi, cũng không ký hiệp ước với chúng tôi, cuộc chiến tranh chống
Pháp của Việt Nam từ nay về sau chỉ có thể dựa vào viện trợ của Trung Quốc.”
Mao Trạch Đông trả lời: “Chúng ta là đảng anh em, lại là láng giềng!
Về vật tư quân sự, cố gắng hết sức viện trợ cho các đồng chí là điều phải làm;
tất nhiên đó là ý kiến cá nhân tôi, còn phải do Trung ương quyết định.”
(Trương Quảng Hoa, bđd., sđd. tr.
47.)
Tại Bắc Kinh, một hiệp ước phòng thủ hỗ
tương giữa VNDCCH và CHNDTH được ký kết, theo đó hai bên hợp tác để tiễu trừ
thổ phỉ. (Bernard Fall, Le
Viet-Minh, Paris: Max Leclerc et Compagnie, 1960, tr. 119.) Thổ phỉ ở
đây ám chỉ biệt kích Pháp và nhất là tàn quân Quốc Dân Đảng Trung Hoa, đã vượt
qua biên giới Việt Hoa trốn tránh sau khi Tưỏng Giới Thạch thất bại. Có
thể MTĐ quan tâm đến tình hình biên giới Việt Hoa, cũng có thể MTĐ mượn lý do
tiễu trừ thổ phỉ, ký hiệp ước với VM, nhằm tránh sự phản đối về ngoại giao của
Pháp và Quốc Gia Việt Nam.
Trước khi rời Bắc Kinh ngày 11-3-1950 trở
về nước, HCM chỉ định Hoàng Văn Hoan làm đại diện đảng CSĐD và nhà nước VNDCCH
ở Bắc Kinh. (Ngày HCM rời Bắc Kinh, theo bài thơ “Ly Bắc”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, xuất bản
lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tr. 19.)
3.-
KẾT QUẢ CẦU VIỆN
Sau chuyến cầu viện Moscow thất bại, HCM
chỉ có thể trông cậy vào Trung Cộng. Tháng 4-1950, HCM gởi đến Bắc Kinh
danh mục xin viện trợ, đồng thời đề nghị Trung Cộng lập một trường võ bị ở
Trung Cộng, gởi cố vấn quân sự sang Việt Nam và xin giúp thêm quân nhu, quân
cụ, súng ống. (Qiang Zhai, sđd.
tr. 18.) Từ đó, Trung Cộng viện trợ và đáp ứng tối đa cho nhu cầu của VM,
mà theo Lưu Thiếu Kỳ, VM sẽ trả lại sau, một khi VM có thể sản xuất hàng hóa.
(Qiang Zhai, sđd. tr. 19.) Phải
chăng HCM đã hứa trả lại viện trợ với Lưu Thiếu Kỳ trong khi cầu viện đầu năm
1950?
Ngoài ra, Trung Cộng còn bổ nhiệm cố vấn
quân sự từ cấp tiểu đoàn cho quân đội VM. Trong thời gian nầy, VM gởi
22,000 quân sang Trung Cộng huấn luyện và trang bị. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập B, Houston:
Nxb. Văn Hóa: 1997, tr. 164.) Lãnh thổ Trung Cộng trở thành hậu cứ bất khả xâm
phạm cho du kích VM trốn tránh, dưỡng quân và huấn luyện. Quân đội Pháp
không vượt biên giới để truy kích VM vì sợ gây hấn với Trung Cộng.
Ngày 27-6-1950, trong cuộc tiếp kiến phái
bộ cố vấn quân sự Trung Cộng sẽ được gởi sang giúp CSVN, MTĐ giao cho phái bộ
nầy hai nhiệm vụ chính: 1) Giúp VM thành lập quân đội chủ lực. 2) Giúp quân đội
VM thiết lập kế hoạch hành quân, và cùng tham chiến với VM. Cuối tháng
7-1950, Bộ Tư lệnh Cố vấn Quân sự Trung Cộng chính thức được hình thành, lúc
đầu gồm 281 người (trong đó có 79 cố vấn và 202 tùy viên), do tướng Vi Quốc
Thanh (Wei Guoqing) làm tư lệnh, với hai phụ tá là Mai Gia Sinh (Mei Jiasheng)
và Đặng Dật Phàm (Deng Yifan). (Chính Đạo, sđd. tt. 177, 186, 267.)
Sau chuyến đi cầu viện của HCM vào đầu năm
1950, từ tháng 4 đến tháng 9-1950, CHNDTH gởi qua viện trợ cho VM như sau:
14,000 súng lục và súng trường, 1,700 súng liên thanh và súng không giựt, 150
súng cối, 60 đại pháo, 300 ba-dô-ka (bazooka), cùng với trang thiết bị quân sự,
thuốc men, dụng cụ truyền tin, áo quần và 2,800 tấn thực phẩm. (Qiang
Zhai, sđd. tr. 20.)
Nhờ sự cố vấn, viện trợ của Trung Cộng, VM
bắt đầu phản công từ năm 1950. Tháng 9-1950, VM thu được thắng lợi đầu
tiên tại Đông Khê do tướng Trần Canh (Trung Cộng) cố vấn. Sau đó, Trung
Cộng càng ngày càng tăng cường giúp đỡ, kể cả trực tiếp chỉ huy chiến trường,
nên cuối cùng VM cộng sản thành công năm 1954.
KẾT
LUẬN
Sau khi cướp được chính quyền, hội nghị
Trung ương đảng CSĐD tại Hà Nội ngày 11-9-1945 đưa ra nguyên tắc căn bản là
đảng CSĐD nắm độc quyền điều khiển mặt trận VM, và một mình thực hiện cách mạng.
(Philippe Devillers, Histoire du
Viet-Nam de 1940 à 1952, Paris: Éditions du Seuil, 1952, tr. 143.) Đảng
CSĐD nắm độc quyền mặt trận VM. Mặt trận VM đang nắm chính quyền, cai trị
đất nước. Như thế có nghĩa là đảng CSĐD độc quyền cai trị đất nước.
Việt
Minh CS sẵn sàng thỏa hiệp với Pháp để duy trì quyền lực. Tuy nhiên, khi
bị Pháp đe dọa, không còn cách nào thỏa hiệp với Pháp được nữa, và bị Pháp truy
bức đến cùng, Trung ương đảng CSĐD quyết định tấn công Pháp vào tối 19-12-1946,
để rút lui khỏi Hà Nội trong danh dự.
Điều đáng nhấn mạnh là đảng CSĐD mở cuộc
chiến tranh chống Pháp năm 1946 không phải vì tổ quốc lâm nguy mà vì VM và đảng
CSĐD lâm nguy, không phải vì bảo vệ nền độc lập dân tộc, mà vì bảo vệ sự sống
còn của đảng CSĐD. Đây
là cuộc chiến giữa VM và đảng CSĐD với Pháp, lợi dụng chiêu bài chống Pháp
giành độc lập, đổ gánh nặng chiến tranh lên vai dân tộc Việt Nam. Khi cai
trị thì nắm độc quyền. Khi nguy biến thì bắt dân chúng Việt Nam gánh chịu.
Hồ Chí Minh và VMCS lại cầu viện Trung
Cộng để chống Pháp. Thật là ngu xuẩn khi HCM và đảng CSĐD nhờ một tên
cướp đuổi một tên trộm. Tên trộm bỏ chạy thì tên cướp chiếm nhà. Hậu
quả đó di căn cho đến ngày nay. Muốn chấm dứt di căn nầy, thì phải cắt bỏ
khối ung thư CS trong cơ thể Việt Nam. Đó là con đường duy nhất để thoát
khỏi hiểm họa Trung Cộng.
TRẦN
GIA PHỤNG
(Toronto,
23-7-2015)
Comments
Post a Comment