Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm.


Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm
Suy Tôn Ngô Tổng Thống - Ngọc Bích &Thanh Nam, hợp ca - hoà âm QuốcToản
Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam - Hùng Lân, hợp ca - hoà âm QuốcToản
=========================================
  CHÂN DUNG TỔNG THỐNG VNCH NGÔ ĐÌNH DIỆM  
Thông qua việc giải trình một số ý tưởng của Tổng thống
Người viết: Đa Nguyên
Tôi hy vọng mọi người sẽ nhận ra được phần nào tâm tư, tình cảm, hay nói nôm na là con người thật của Tổng thống NGÔ ĐÌNH DIỆM sau khi đọc những mẩu chuyện nầy. Tuy nhiên, dựng lại những chuyện nầy chỉ có thể trung thực về nội dung. Về hình thức, không thể đạt được 100/100, vì nhiều lý do như thời gian câu chuyện xảy ra đã quá lâu, trí nhớ có hạn v.v...
Vài người đồng liêu (từng là sĩ quan tuỳ viên của TT Ngô đình Diệm) bảo tôi: "Anh không viết thì ai viết, vì anh là người trong thời cuộc đó".
Vậy tôi sẽ viết ra những gì còn nhớ được:

Chuyện # 1 - CUỘC TIẾP KIẾN BA NHÀ TRÍ THỨC SÀI GÒN.
Hôm đó, bác sĩ Trần kim Tuyến, giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị Phủ Tổng thống, đưa 3 nhà trí thức chống chính quyền vào văn phòng làm việc (bấy giờ quen gọi là cabinet) của Tổng thống. Một trong 3 người đó là giáo sư Trần bích Lan.
Theo y phục họ mặc, không ai nghĩ họ đang bị chính quyền câu lưu. Họ không bị còng tay, cũng không có cảnh sát áp giải. Cùng đi với họ lại là bác sĩ Tuyến. Họ giao tiếp với nhau và với bác sĩ Tuyến rất tự nhiên, như là bạn bè.
Khi mọi người đã an vị, bác sĩ Tuyến vào gặp riêng Tổng thống chừng vài phút. Tổng thống rời khỏi phòng đi đến cabinet và cuộc nói chuyện bắt đầu. Tháp tùng với Tổng Thống, tôi đã ghi nhận được cuộc nói chuyện rất ấn tượng đó. Vì lý do thời gian đã quá lâu và vì tuổi tác, nay đã quá già, nên chỉ nhớ các điểm chính như sau:
Tổng thống nói trước:
- Chào quý vị.
- Chào Tổng thống. (Một trong ba người nói "chào Cụ").
- Tiếp quý vị trong tình thế nầy, thật là không phải. Tôi muốn nói ngay là chính quyền mong muốn quý vị nói riêng, giới trí thức nói chung là "vốn quý của đất nước", hãy ra tay giúp nước vào lúc nầy hơn lúc nào hết. Có gì xin hãy nói cho tôi biết.
- Dạ, chúng tôi hiểu. Chúng tôi đã không chọn Miền Bắc.
Gs. Trần bích Lan nói tới đó thì tự nhiên khựng lại. Tổng thống liền nói tiếp:
- Ông giáo sư cứ nói thẳng ra. Tôi hiểu tình hình Miền Bắc. Còn Miền Nam chúng ta cũng chỉ mới bắt đầu nên còn phải làm nhiều việc, vì còn nhiều cái xấu, cái chưa được.
- Thưa Tổng thống, tại sao Cảnh sát & Công an đối xử với dân hách dịch độc đoán, có khác gì cái thời thực dân đã qua. Họ bắt bớ bừa bãi... điển hình là trường hợp của chúng tôi.
- Tôi hiểu và mong các ông cũng hiểu rằng mình kế thừa di sản thực dân và phong kiến. Tất cả đều còn đó; mình phải giải quyết. Tuy nhiên, cần phải có thời gian và sự tiếp tay của mọi người, đặc biệt là giới trí thức. Nói rõ hơn, như chính quý vị đây, chúng tôi đang cần quý vị!
Ba vị khách tỏ ra thông cảm. Họ đã nói chuyện với Tổng thống rất tự nhiên. Họ nói về thời sự Miền Bắc. Đôi khi, cả chuyện riêng tư, gia đình. Rồi họ đã ra về thoải mái cùng với bác sĩ Tuyến.
Điều tôi ghi nhận được là Tổng thống đã nói với họ rằng "trí thức là vốn quí của đất nước". Không như chế độ Miền Bắc coi giới trí thức là một trong bốn đối tượng phải bị triệt hạ qua khẩu hiệu "Trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ."

Chuyện # 2 - CÔNG ĐIỆN #5159
Như mọi người đều biết, Công điện số 5159 ngày 6-5-1963 là ngòi nổ của biến cố Phật giáo năm 1963.
Nội dung bức công điện nhằm chấn chỉnh thể thức treo quốc kỳ và giáo kỳ tại các nhà thờ, chùa chiền, thánh thất... Việc ban hành văn bản này cũng chỉ là công việc điều hành thông thường của chính quyền mà thôi.
Thế nhưng, công điện nầy được coi như một hành vi kỳ thị Phật giáo của Chính quyền Tổng thống Ngô đình Diệm, dẫu cho nội dung nói tới nhiều tôn giáo.
- Có nhiều lý do:
Lý do thứ nhất: Thời điểm ban hành công điện là không thích hợp, vì rất gần kề ngày Đại lễ Phật Đản. Nhóm Phật giáo chống chính quyền đã chụp ngay cơ hội, tuyên truyền rằng "chính quyền Công giáo Ngô đình Diệm", do kỳ thị Phật giáo, đã cố ý ban hành công điện nói trên nhắm vào lễ Phật Đản. Thâm ý là cấm treo cờ Phật giáo trong lễ Phật Đản. 
Lý do thứ hai: Nghe đâu... (1) dân chúng Thành phố Huế vừa mới chứng kiến lễ Ngân khánh (hay Kim khánh) của  Đức Tổng Giám mục Ngô đình Thục (anh ruột của Tổng Thống) tưng bừng rực rỡ với cờ Công giáo trên một số đường trong thành phố. Vì vậy, phía Phật giáo đấu tranh khai thác, đưa ra như một bằng cớ để so sánh và đã gây ra sự bất mãn cao độ trong quần chúng Phật giáo.

(1) Chi tiết này mong sao có sự xác minh công tâm; vì có dư luận phản bác, nói rằng không có lễ này tại Huế vào thời điểm đó.

Lý do thứ ba:  Về phía Tổng thống Ngô đình Diệm, cụ rất coi trọng lá cờ quốc gia; coi trọng đến "quá mức tưởng tượng" của chúng tôi (các SQTV/TT). Thế cho nên, khi bị bức xúc do thấy quốc kỳ không được tôn trọng đúng cách thì đã có phản ứng, mà không chú ý đến yếu tố thời gian (Thời điểm sắp Đại lễ Phật Đản).

Do đó, khi biết cuộc đấu tranh của Phật giáo xảy ra vì Công điện số 5159, chúng tôi đã nhận ra ngay nguyên do có Công điện đó. Nguyên do đó phát xuất từ một cuộc kinh lý của Tổng thống không lâu trước ngày công điện được phát hành.
Đến nay, khi viết bài nầy, thì chuyện xảy ra đã quá lâu, nhưng người trong cuộc là chính chúng tôi, nên có thể kể lại như sau:
Thời gian đó, tôi là Sĩ quan tuỳ viên của Tổng thống và Thiếu tá Huỳnh văn Lạc (sau nầy thăng cấp Chuẩn tướng và là Tư lệnh Sư đoàn 9 BB VNCH) bấy giờ là đại đội trưởng Đại đội Cận vệ Phủ Tổng thống, nguyên cũng là một cựu SQTV/TT. Anh Lạc hiện cư trú tại San Jose, California-USA .Chuyện được ông tướng nhắc lại cho tôi rất rành mạch qua một bức thư (tôi còn lưu giữ). Đoạn nói về vấn đề liên quan đến bức công điện rất mạch lạc, như sau:
"Chuyến đi thăm của Cụ, thì cùng với Anh, tôi có thể rành mạch xác nhận chi tiết. Vì xe của cận vệ (trên xe có tôi) theo sát xe của Cụ. Khi rời xưởng dệt Vinatexco do Đài Loan đầu tư độ khoảng hai ba cây số trên đường trở về dinh, Tổng thống bất thần bảo dừng xe. Xuống xe, Cụ đi thẳng vào sân có bóng mát và lá rụng của một ngôi chùa. Nơi đó, một vị sư đứng tuổi đang quét dọn. Cụ nhẹ nhàng hỏi chuyện và quan sát cảnh trí ngôi chùa...
Rời chùa, trước khi bước vào xe, Cụ cho gọi ông bí thư Trần Sử và bảo về trình lại ông đổng lý cho phổ biến văn thư chỉ thị phải tôn trọng lá quốc kỳ và đặt lá quốc kỳ ở vị trí trên hết.
Số là Cụ đã thấy trên cột cờ giữa sân chùa, cùng một dãy, cờ Phật giáo tuy không còn mới nhưng sạch màu, không rách nát và ở vị trí trên quốc kỳ, còn quốc kỳ thì ở bên dưới lại bạc màu và rách tả tơi...
Rất tiếc, như anh đã nhận xét, văn thư đã phổ biến quá muộn, cận ngày lễ Phật Đản, gây bức xúc, hiểu lầm, mồi lửa nổ bùng cho cuộc tranh đấu..."
Thiết tưởng, tướng Huỳnh văn Lạc, niên trưởng của tôi, nay tuổi 90 mà còn minh mẩn, nhớ hết các chi tiết như đã kể trên, ...thì tôi không còn gì để nói thêm.
Chúng tôi chỉ muốn nói ra sự thật để chứng minh rằng Tổng thống Ngô đình Diệm không hề có ý kỳ thị Phật giáo khi chỉ thị cho ban hành Công điện số 5159. Nó xẩy ra vì sự bất cẩn, rất vô ý, một nhược điểm mà ai cũng có thể vấp phải. Thật đáng tiếc! 
Chuyện # 3 - NHỮNG NGÀY ĐẦY LẠC QUAN, ĐẦY HY VỌNG... ĐÃ BỊ BÓP CHẾT TỨC TƯỞI!
Khi cuộc khủng hoảng Phật giáo (1963) vượt ra khỏi biên giới quốc gia, đến tận Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Ngô đình Diệm được nhà bác học Bửu Hội từ Pháp về giúp đỡ giải quyết vấn đề. Tổng thống đã rất trân trọng hành vi cao quý của vị giáo sư nầy. Được biết, giáo sư Bửu Hội là nhà bác học Việt nam nổi tiếng thế giới, ông cũng là con nhà Phật. Ông là người có uy tín lớn; cần thiết trong tình thế nầy của đất nước và chế độ. Đó là sự hỗ trợ quý báu và là niềm phấn khởi to lớn cho Tổng thống. Nhưng niềm vui lớn hơn cho Tổng thống là khi được biết LHQ muốn gởi một phái đoàn đến VN (VNCH) để điều tra vụ việc "VNCH vi phạm nhân quyền, kỳ thị và đàn áp Phật giáo". Tại sao như vây?
Thông thường thì một người bị tố cáo phạm tội tất nhiên phải lo sợ bị xét xử, bị ra toà án. Thế mà ở đây, trái với sự thông thường đó, Tổng thống Ngô đình Diệm lại rất lạc quan và hy vọng. - Do bởi Tổng thống tin tưởng ở công lý. Cụ cho rằng thời cơ đã đến để mọi sự thật được sáng tỏ, sẽ có công bằng cho mọi phía. Tổng thống rất hoan nghênh ý LHQ muốn đến điều tra. Tuy nhiên, vì lý do quốc thể, VNCH là nước có chủ quyền nên Tổng Thống đã chủ động "mời" LHQ gởi phái đoàn đến tìm hiểu sự thật. Tổng thống đã không để cho LHQ chủ động làm chuyện nầy. Rồi, "thật vàng sợ gì lửa", Tổng thống đã cam kết để cho Phái đoàn LHQ muốn đi đâu thì đi, muốn tiếp xúc với ai thì tiếp xúc hoàn toàn tuỳ ý của họ.
Thế rồi, phái đoàn LHQ đã đến và đã tiến hành cuộc điều tra. Mọi sự đều công khai; mọi sự đều vô tư khách quan giữa thanh thiên bạch nhật. Có thể hình dung ra rằng cả thế giới đang theo dõi, giám sát. Mọi sự đang tiến hành rất tốt và rất có lợi cho phía chính quyền của Tổng thống Ngô đình Diệm thì cuộc đảo chánh 01-11-1963 nổ ra, lật đổ chính quyền, giết chết Tổng thống!
Thế là hết! Tại sao lại như vậy???
Câu trả lời nằm trong bản công bố của phái bộ Liên Hiệp Quốc ngày 13-12-1963, rằng, "thực chất không có vấn đề tôn giáo mà vì lý do chính trị". Mưu ma chước quỷ thì vô lường vì người ta đã quyết định rồi, là "The Ngo must go" (Nhà Ngô phải ra đi!).  Đó, như một mệnh lệnh cho nhóm tay sai thi hành.
Muốn rõ chi tiết, xin đọc bài "LHQ và vụ khủng hoảng Phật giáo 1963" của Tác giả Nguyễn văn Lục và  bài "Phúc trình LHQ về vấn đề VN, phần 2- phái bộ LHQ" của Giáo sư Tôn thất Thiện.)
Được biết GS Tôn thất Thiện là một tín đồ Phật giáo, một nhân vật lớn, có địa vị lớn trong xã hội thời bấy giờ và cả sau nầy. Ông định cư ở Canada.

Chuyện # 4 - VỤ "TỰ THIÊU" CỦA HOÀ THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC.
Xin lưu ý: các chi tiết được kể sau đây xảy ra trong bối cảnh của năm 1963.
m đó khoảng gần giữa trưa, Đại tá Nguyễn văn Y, tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia xin trình việc khẩn cấp. Tổng thống ngừng lại mọi việc đang làm để nghe. Đại tá Y báo cáo vụ tự thiêu vừa mới xẩy ra của Hoà thượng Thích quảng Đức tại ngã tư đường Phan đình Phùng & Lê văn Duyệt. Nghe xong, Tổng thống hỏi liền mấy câu: Tại sao Cảnh sát không can thiệp ngay để cứu Thầy Quảng Đức (?); Họ xuất phát từ đâu và tại sao không biết để ngăn chận nó từ trước? Xem ra, không phải cá nhân ông thầy tự làm mà là được tổ chức dàn dựng? Có người Mỹ trong số các phóng viên ngoại quốc không? Có chụp được hình ảnh không? v., v...
Đại tá Y trả lời sau mỗi câu hỏi đó.
Cuối cùng, Tổng thống đã chỉ thị (đại ý) rằng: Tình hình nghiêm trọng càng nghiêm trọng hơn. Âm mưu lật đỗ chính quyền ngày càng rõ nét. Nhưng không phải nơi Phật giáo. Cái gọi là vụ Phật giáo là do họ cố ý dựng lên như nay đã rõ. Vậy phải cảnh giác cao độ. Phải coi chừng; có thể sẽ có thêm nhiều vụ thế nầy nữa... Cùng với các nổ lực khác của chính quyền, Cảnh sát phải hết sức ngăn chặn. Đừng để có thêm những cái chết oan uổng như thế nữa. Tội nghiệp cho người ta!     
Tôi đã ghi nhận mấy lời cuối cùng đó của Tổng thống. Khó mà quên được!
Ngày nay, đọc qua nhiều tư liệu mới thấy được sự thật; tuy có lập luận trái ngược, nhưng cũng cho ta thấy đâu là chân lý. 
Quả thật, Tổng thống Ngô đình Diệm đã không nhầm!
Chuyện nầy cũng cho thấy cái tâm của Tông thống VNCH NGÔ ĐÌNH 
DIỆM.

Chuyện # 5 - VỤ ÁN ÔNG NHẤT LINH NGUYỄN TƯỜNG TAM.
Nhà văn và chính khách Nhất Linh Nguyễn tường Tam dính líu đến cuộc đảo chánh 11-11-1960. Ông bị "mời" đến cơ quan chức năng hai ngày liền. Ông đã được thả theo lệnh của Tổng thống Ngô đình Diệm.
Đến năm 1963, chính quyền lại có trát đòi ông ra toà.
Theo dư luận, chính quyền muốn dằn mặt giới đối lập khi (1963) tình hình quá rối ren với nhiều tin tức có âm mưu đảo chánh, nên đã làm như thế.
Điều tôi biết là, chiều ngày hôm trước, Tổng thống đã phái ông Võ văn Hải, chánh văn phòng Tổng thống, đến gặp ông Nguyễn tường Tam hoặc con của ông, để nhắn cho họ biết rằng: Tổng thống sẽ không để cho ông phải bị án. Lý do: Ông là người Quốc gia, chống CS; là chính khách có danh tiếng, có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Ngoài ra, ông như là một đồng chí của Tổng thống. Tổng thống rất vị nể ông. Tuy nhiên, ông đã đáp lại tấm chân tình của Tổng thống Ngô đình Diệm bằng cách tự vẫn. Ông để lại bức thư như sau: "Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử cả... Bắt bớ, xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất vào tay Cộng Sản..."
Nhận được tin đó, Tổng thống rất buồn. Tổng thống chỉ nói, "Ông biết việc ông làm!"
Sau nầy, đọc "Bóng đêm lịch sử, trang 188-191 năm 2008" của cựu đại tá Lê nguyên Phu, viết rằng: Ông NL NTT đã yêu cầu Đại tá Lê văn Khoa, Ủy viên Chính phủ, "giúp tôi tránh khỏi đối chất với bọn đàn em thuộc hạ của tôi". Ý muốn ám chỉ nhóm Trương bảo Sơn, từng rủa sả ông NL NTT là "Phản bội anh em, thiếu tư cách lãnh đạo", rằng ông đã  không nhận trách nhiệm khi mà họ chỉ làm theo lệnh của ông (treo biểu ngữ chống chính quyền...).
Đến đây, xin độc giả hãy tự đánh giá các nhân vật này. Riêng tôi, tôi nhớ hồi đó ông Lê nguyên Phu lui tới trình việc lên Tổng thống rất nhiều lần về vụ nầy. Có lẽ ông đã trình cho Tổng Thống biết hết mọi sự như đã viết trong phần trên.

Chuyện # 6 - QUỐC KỲ và CỜ TÔN GIÁO
Đây là chuyện dài. Chữ dài ở đây là muốn nói nó xẩy ra rất nhiều lần. Tôi ghi nhận được một số. Ngoài chuyện đã viết ở trên, 
còn có các chuyện sau đây:
1. Lần đầu, chuyện quốc kỳ và cờ tôn giáo đã xẩy ra tại Trung Tâm Nhân Vị, tỉnh Vĩnh Long, như sau:
Nhân dịp lể khai giảng khoá học, Trung tâm Nhân vị của Giáo phận Vĩnh Long, do Đức cha Ngô đình Thục cai quản, đã treo cờ và căng biểu ngữ rất tưng bừng. Thấy thế, Tổng thống Ngô đình Diệm lấy làm khó chịu. Cụ đi thẳng đến toà giám mục để gặp Đức giám mục. Dẫu rất kính trọng người anh cả nầy, Tổng thống đã phàn nàn rằng tại sao không thấy treo quốc kỳ mà thấy toàn cờ quốc gia Vatican (?). Theo Tổng thống, cờ đó cũng không phải cờ tôn giáo (Công giáo). Mà dẫu cho là vậy đi nữa thì đây là đất nước Việt Nam, phải treo quốc kỳ Việt Nam!
2. Một lần khác, trên đường trở vể từ cuộc thị sát khu phức hợp 
Vườn Phượng Hoàng" vùng Hạnh Thông Tây, Gia định, Tổng thống ra lệnh cho dừng xe dọc đường. Rồi cụ chỉ tay bảo tôi mời một người đàn ông đang chống cuốc nhìn đoàn xe. Qua y phục màu nâu, tôi nhận ra ông là một vị sư. Sau lưng ông là một ngôi chùa nhỏ. Tôi đã mời và ông đi ra gặp Tổng thống.
Nhà sư đến trước mặt Tổng Thống, bỏ nón xuống và nói:
- Chào Tổng thống.
- Chào thầy. Thầy đang làm gì đó?
- Dạ, đang vun gốc mấy cây vạn thọ. Đại lễ Phật Đản sắp tới rồi.
- Thầy có tính làm chi thêm nữa không?
- Dạ có chứ. Treo đèn, treo cờ. Thay cái cờ đó cho mới cho đẹp nữa.
- Tốt lắm! ... Thôi, tôi kiếu thầy.
- Chào Tổng thống.
Đại khái là như vậy, nhưng tôi nhận ra, chỉ vì lá quốc kỳ bạc màu kia khiến xảy ra chuyện nầy. Tổng thống Ngô đình Diệm là thế đó! Quốc kỳ là trên hết!
Tôi đã cố gắng dựng lại cho sinh động cuộc đàm thoại ngắn ngủi đó nhưng cũng chỉ làm được đến mức đó mà thôi.
3- Cũng chuyện quốc kỳ (hay liên quan đến quốc kỳ).
Chuyện khó quên đối với tôi là buổi trình diện trước Tổng thống ngày 08-09-1959. Tổng thống đã rất hài lòng về buổi lễ thượng quốc kỳ vào ngày hôm trước (07-09-1959) - ngày Thứ Hai đầu tuần. Trong buổi lễ long trọng nầy, tôi là tổng chỉ huy.
Cụ nói lời khen ngợi dành cho tôi và các đơn vị tham dự. Tiếp đến là về lý lịch của tôi và rồi cụ hỏi:
- Khi chào cờ, có suy nghĩ chi không?
- Dạ bẩm, lễ chào cờ là việc rất quan trọng. Lễ chào cờ tại đây càng quan trọng hơn, vì Phủ Tổng thống là cơ quan đầu não của quốc gia, của chế độ.
Tổng thống nhìn tôi và dường như chưa phải đó là câu trả lời đúng ý muốn của cụ nên có ý chờ tôi nói thêm. Thấy vậy, tôi liền trình tiếp:
- Còn lá quốc kỳ là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc, phải được tôn trọng đặc biệt. Với chúng con, là quân nhân VNCH, chúng con chiến đấu và phục vụ dưới lá cờ này.
Đến đó, tôi nhận thấy Tổng thống như tươi vui hẳn lên. Rồi Tổng thống nhìn vào tờ giấy để sẳn trên bàn, xong lại quay nhìn tôi và hỏi một câu khiến tôi bất ngờ:
- Có muốn làm sĩ quan tuỳ viên cho Tổng thống không?
Vì sợ mếch lòng Tổng thống nên tôi đã thưa vâng.
Thế là từ đó, Tổng thống đã cho tôi làm SQTV/TT cho đến ngày cuối cùng cuộc đời của Cụ. Trên 4 năm (1959-1963).

Sau chuyện đó, tôi tự kiểm điểm bản thân: Tôi không hề là bà con hay quen biết với Tổng thống, cũng không có ai thân thiết tiến cử cho mình. Vì thế, tôi đoan chắc rằng chính Tổng thống đã đích thân chọn tôi.
Tôi cũng nghĩ, SQTV/TT là người mang súng và kề cận bên Tổng thống trong tình thế thời bấy giờ là rất nguy hiểm, nhưng Tổng thống đã chọn tôi; Tổng thống đã tin và dùng tôi. Tình cảm đó, tôi ghi nhận suốt đời. Đó cũng chính là động cơ khiến tôi viết ra bài này. 
Chuyện # 7 - TT NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ CUỘC ĐẢO CHÁNH ngày 11-11-1960
Cuộc binh biến đã bắt đầu vào khoảng 5 giờ sáng ngày 11-11-1960.
- Mục tiêu: Phủ Tổng thống (Dinh Độc Lập), Sài gòn.
- Mục đích:  Lật đổ Tổng thống Ngô đình Diệm.
- Lý do: Bất đồng chính kiến.
- Tham gia đảo chánh: Quân sự có chừng 2 đến 3 tiểu đoàn Nhảy Dù và Liên đoàn Biệt động quân QĐVNCH. Dân sự có một số chính khách có tiếng và trí thức (học vị cao) Saigon.
- Lãnh đạo: Trung tá Vương văn Đông. Về sau có Đại tá Nguyễn chánh Thi được đưa ra làm thủ lãnh. Có dư luận nói ĐT. Thi bị cưỡng bức phải theo sau khi buộc phải đọc một văn bản về lý do làm đảo chánh.
- Kết quả cuộc đảo chánh: Thất bại.
Tuy cuộc đảo chánh bị thất bại, tổn thất nhân sự và vật chất không đáng kể. Nhưng hệ quả về mặt tinh thần và chính trị mà nó gây ra là rất nghiêm trọng. Những điều tôi được nghe, được thấy là:
- Uy tín của chính quyền đối với quần chúng bị sứt mẻ.
- Tổng thống lo ngại rằng cuộc đảo chánh nầy có thể thành tiền lệ cho một cuộc đảo chánh khác.
- Nó tạo ra sự nghi ngờ trong bang giao với đồng minh Hoa Kỳ.
Nhưng quan trọng hơn hết là:
- Tổng thống bị tổn thương tinh thần và tình cảm. Đau buồn nhất là có những nhà trí thức và chính trị gia đã từng ủng hộ, hợp tác với Tổng thống mà nay ở trong thành phần chống đối (đối lập). Tổng thống không tin một Nguyễn chánh Thi phản bội. Chỉ một ngày sau cuộc đảo chánh, đã có báo cáo về trường hợp đại tá Thi như sau: Nhóm đảo chánh, sau khi đâm chết thiếu tá Ngô xuân Soạn vì từ chối hợp tác, đã kéo đến gặp Đại tá Thi rồi cưỡng bách Ông. Về trường hợp các vị bên dân sự, Tổng thống đặc biệt chú trọng đến các ông Trần văn Hương và Nguyễn tường Tam. Trong nhiều buổi nói chuyện với ông Ngô đình Nhu, Tổng thống có ý phiền trách các nhà làm chính trị tạ
i sao họ lại không biết rằng đất nước chúng ta (VNCH) đang ở vào thời kỳ khó khăn, đang cần có sự đoàn kết cao. Vì nay CSBV đã tái đấu tranh võ trang, gia tăng cường độ cả về quân sự và chính trị. Mặt khác, do cần có viện trợ mà chúng ta bị áp lực từ nước cấp viện với những yêu sách khó thoả thuận vì chạm đến vấn đề chủ quyền quốc gia. Việc nầy có thể họ không hiểu hết nhưng chính quyền cũng không thể nói ra hết được.
Đã có một lần, khi đọc danh sách những người bị tạm giữ, Tổng thống nói lớn: "Thả họ ra!" . Tuy nhiên, theo lập luận của giới chức năng, không thể làm khác với pháp luật. Qua việc nầy, tôi nhận thấy không phải Tổng thống muốn làm gì cũng được!
Riêng ông Ngô đình Nhu thì cho rằng, họ (các nhà trí thức và chính khách đối lập đó) không phải là "người của tình thế ". Ông nói ít nhưng ý nghĩa thì rất... sâu sắc!

Chuyện # 8
- ĐẠI SỨ HOA KỲ FREDERIC E. NOLTING.
                   (Nhiệm kỳ 10-05-1961 đến 15-08-1963)
Trái với các ĐSHK trước và sau nhiệm kỳ nầy, Đại sứ Frederic E. Nolting là người được ưa chuộng nhất. Ông là người am hiểu người VN, am hiểu lịch sử và văn hoá VN. Vậy cho nên, có thể nói ông là người đồng hành tốt nhất với Tổng thống Ngô đình Diệm. Ông tiêu biểu cho quan hệ bang giao giữa hai nước đồng minh HK và VNCH. Đồng minh thì bình đẳng trong giao tiếp, không ai lệ thuộc ai; cùng hợp tác để thành đạt một mục tiêu chung.
Trong nhiệm kỳ của ông, một đề xuất đã được chuyển đến Tổng thống không phải tại Phủ TT nhưng là trong một cuộc kinh lý của Tổng thống mà ông ĐS được mời tham dự. Chuyện xẩy ra như sau: Tổng thống và ông Đại sứ, một người rất cao và một người rất thấp, đang đi nhanh về phía trước, đột nhiên họ đứng hẳn lại. Tổng thống nhìn ông Đại sứ và nói:"....chuyện đó tôi cần có thời gian để xem xét."
Nghe đến đó, tôi không hiểu Tổng thống nói chuyện gì, nhưng nhìn Tổng thống, tôi đoán chắc là có vấn đề nghiêm trọng. Nhất là câu cuối cùng, nghe rất rõ: "VN không muốn là nước thuộc địa". Cuộc kinh lý vẫn tiếp diễn nhưng Tổng thống như chỉ miễn cưỡng vui vẻ cho đến khi kết thúc.
Về tới dinh, Tổng thống liền gọi ông cố vấn Ngô đình Nhu. Hai ông đàm đạo rất lâu. Tôi chỉ biết đến đó vì tôi xuống phiên. Hôm sau, bạn đồng liêu (SQTV/ TT) thuật lại rằng, hai ông bàn về chuyện HK muốn sử dụng một số yếu điểm chiến lược (địa điểm trọng yếu về chiến lược) và đưa quân đội Mỹ đến giúp VNCH.

Chuyện # 9 - CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG NĂM 1961
Nhiệm kỳ 1961-1966.
Thời gian: 03-04-1961.
Ứng cử: 3 liên danh.
- Liên danh # 1: Ngô đình Diệm & Nguyễn ngọc Thơ; đương kim tổng thống và phó tổng thống.         
- Liên danh # 2: Nguyễn đình Quát, chủ đồn điền cao su và Nguyễn thành Phương, Giáo hội Cao Đài.
- Liên danh # 3: Hồ nhựt Tân và Nguyễn thế Truyền, chính khách.
- Công bố kết quả: Ngày 09-04-1961.
- Đắc cử: Liên danh #1 (với số phiếu áp đảo).
Kết quả cuộc bầu cử không có gì ngạc nhiên.
Lý do: Liên danh #1 có nhiều lợi thế: Là những người đang cầm quyền.
Ông Nguyễn ngọc Thơ là nhân sĩ Miền Nam.
Sự nghiệp chính trị vượt trội của Tổng thống Ngô đình Diệm.   
Điều quan trọng hơn hết, theo tôi nhận định, là Tổng thống muốn biết mức độ tín nhiệm đối với nhà lãnh đạo sau biến cố đảo chánh của năm trước. Kết quả cuộc đầu phiếu sẽ nói lên điều đó. Và quả thật, kết quả cuộc đầu phiếu đã đem lại sinh khí rất tốt lành. Chế độ lại vững vàng.
Ngoài ra, có thể xem đây như một biện pháp cải tổ nhân sự mà dân chúng mong muốn.

Chuyện # 10
- VIỄN KIẾN TRỞ THÀNH SỰ THẬT. 
Tổng thống tiếp kiến Giáo sư Bửu Hội trong bối cảnh VNCH gặp nhiều khó khăn về cả hai mặt đối nội và đối ngoại.
Đối nội là vấn đề Phật giáo (1963). Đối ngoại là áp lực của Hoa kỳ, nước cấp viện cho VNCH. Theo Tổng thống, tuy nói là hai nhưng hai cũng chỉ là một vì cái nầy là yếu tố phụ cho cái kia; cái nầy được dùng làm cái cớ cho cái kia. Đại ý, Tổng thống đã tâm sự với ông GS (viết theo ý, không phải nguyên văn):
- Trong tình thế bây giờ, mình nên nghĩ đến cái chung giữa chúng ta, ấy là tất cả chúng ta là người VN, là người quốc gia VN, là người VNCH, không chấp nhận Cộng Sản. Tất nhiên giữa chúng ta có nhiều sự khác biệt về tôn giáo, địa phương, giai tầng xã hội vv... kể cả khác nhau về quan điểm chính trị.
Thế cho nên, nếu chúng ta không coi cái chung là trên hết thì rồi đất nước nầy sẽ lâm nguy và rồi rơi vào tay Cộng Sản. Đến đó thì rồi ai cũng mất hết!"
Căn cứ trên những điều mắt thấy tai nghe, cùng với biết bao lời dạy dỗ của Cụ cho tôi lúc nầy lúc khác (không phải chỉ với 10 câu chuyện nêu trên mà thôi) trong hơn 4 năm dài làm việc ở bên cạnh Tổng thống, tôi khẳng định:
Với Tổng thống Ngô Đình Diệm:
- Tổ quốc (Đất Nước VN) là trên hết. Biểu tượng của tổ quốc là lá quốc kỳ, phải được tôn trọng. Nó phản ánh cho quan điểm và lập trường chính trị, cho lòng ái quốc của người công dân.
- Dân tộc (Chủ nghĩa Dân tộc) là yếu tố sống còn của Việt Nam ta.
Trái ngược với Cộng sản chủ nghĩa; thứ chủ nghĩa nầy sẽ làm huỷ hoại hết mọi di sản VN do ông cha để lại... kể cả lịch sử oai hùng của dân tộc ta.
- Chủ quyền quốc gia thì bất khả nhượng. Mất chủ quyền đồng nghĩa với mất chính nghĩa trong cuộc chiến ý thức hệ nầy. Mất chủ quyền thì rồi sẽ bị lệ thuộc, sẽ còn là con cờ hay tệ hơn, thành "con cờ thí "của người ta mà thôi.
- Người dân hiểu sai, hiểu lầm không phải chỉ là lỗi của họ mà thôi, mà là của cả chính quyền - Triệt diệt chủ nghĩa, chủ tương và chính sách, chứ không triệt diệt con người. Con người có thể thay đổi qua "phương sách chiêu hồi".
Với người trí thức đối lập chân chính thì còn phải nhẹ tay hơn vì họ là vốn quý của quốc gia. Điển hình là cách xử sự trong trường hợp các ông Nhất Linh Nguyễn tường Tam và ông Trần văn Hương.
- Tổng thống là quốc trưởng, là người lãnh đạo toàn dân, là người của toàn dân. Toàn dân thì có nhiều thành phần, nhiều tôn giáo. Tổng thống không phải của riêng một tôn giáo nào cả.
- Theo Tổng thống Ngô đình Diệm, tôn giáo là nền móng của VNCH, là chế độ duy linh; trái với chế độ CS vô thần ở Miền Bắc VN. Vậy nói Tổng thống VNCH chống tôn giáo (Phật giáo) là không đúng.
- Chia rẽ vì bất kỳ lý do gì, nhất là tôn giáo, sẽ là tai hoạ làm cho mất tất cả -kể cả tôn giáo, nếu nước nầy mất vào tay CS. Tổng thống đã nói rất rõ trong cuộc tiếp kiến Giáo sư Bửu Hội như đã được thuật lại ở trên (Chuyện #10).
Tổng hợp tất cả những điều nêu trên có thể cho ta thấy được chân dung của Tổng Thống VNCH Ngô đình Diệm. 
=========================== 
MỘT SỐ CHUYỆN RIÊNG TƯ 
Thiển nghĩ, những lời dạy bảo hay la mắng, phiền trách, an ủi động viên, hoặc tâm sự cũng phản ánh con người thật của một cá nhân. Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng vậy.
Nghĩ như vậy, nên tôi viết thêm phần này, không ngoài mục đích là mong muốn quý độc giả thấy được chân dung của tổng thống như chúng tôi đã thấy.
Theo kinh nghiệm bản thân, tôi sớm nhận thức được rằng, trong giao tiếp xã hội, con người sống gần gũi với nhau lâu dài mà giữ được hoà khí là điều khó. Tôi cũng biết, muốn khắc phục được điều đó thì phải nhẫn (nhẫn nhịn). Bởi lý do đó, sau khi đã lỡ nói "vâng" (chấp nhận làm sĩ quan tuỳ viên cho tổng thống), tôi rất lo ngại. Vì trong  quan hệ này, người phải nhẫn là ai, tôi tất đã biết. Đã trót lỡ nên đành phải cố gắng, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn.
Có mấy việc đã xảy ra đúng như dự kiến đó:
1-Vụ đầu tiên xảy ra chỉ sau hai tuần lễ trong chức vụ sĩ quan tùy viên tổng thống của tôi.
Hôm đó, tổng thống đang tiếp hai vị bộ trưởng. Một vị bộ trưởng thứ ba vừa đến, nhưng hết ghế ngồi. Tổng thống nhìn tôi và đưa tay chỉ vào chồng ghế dọc bức tường, bảo tôi lấy một cái cho ông bộ trưởng ngồi. Tôi đáp "dạ" nhưng trong lòng rất bất mãn. Thay vì đi lấy ghế, tôi quay bỏ đi ra ngoài với ý định sẽ kêu một phục dịch viên (người bồi) vào lấy ghế cho vị bộ trưởng. Tôi tự chống chế rằng hành động như vậy, cũng coi như đã thi hành lệnh cấp trên rồi (tức là không chống lệnh). Lý do: Tôi là sĩ quan. Tôi có danh dự. Tôi không làm cái việc nhục nhã đó. Trường Võ Bị Đà Lạt đã đào tạo tôi thành con người như vậy. Ở đó, chúng tôi có tôn chỉ "TỔ QUỐC, DANH DỰ, TRÁCH NHIỆM" như đã đươc ghi trên cái nón mà chúng tôi đội trên đầu của mình.
Vừa ra khỏi phòng, tôi nghe liên tiếp hai tiếng chuông tổng thống gọi gấp nên tôi vội trở lại. Tổng thống nhìn tôi, có vẻ hơi giận, nhưng không nói gì. Tôi cũng thấy vị bộ trưởng tự đi lấy ghế. Tôi đứng đó chờ lệnh, nhưng thấy tổng thống nói chuyện tiếp với họ nên tôi đi ra. Lòng tôi rất lo lắng!
Tôi lo lắng không phải vì sợ mất việc, nhưng vì nhiều lý do khác, như tổng thống sẽ có ấn tượng xấu về mình kể từ vụ này, hoặc nếu vì vụ này mà bị thuyên chuyển khỏi đây thì sẽ khó yên thân với thiên hạ ở nơi khác, thói đời là thế.vv... Nhưng trước hết, chính cái uy của tổng thống cũng đủ khiến cho mình sợ. Thế rồi trong khi chờ đợi bị gọi vào để bị khiển trách, tôi đã bày tỏ nỗi âu lo đó với Trung Tá Cao Văn Viên, tham mưu trưởng Biệt Bộ Phủ Tổng Thống (về sau ông lên đến cấp đại tướng).
Sau đó, cái gì phải đến thì rồi cũng đến. Khi kết thúc buổi làm việc, vào khoảng 1 giờ trưa, tổng thống gọi tôi vào, nhìn tôi với vẻ mặt hiền từ. Câu đầu tiên là, "Không sao!" Rồi người ôn tồn dạy cho tôi hiểu rằng, ở đây mọi người làm việc như người nhà với nhau, được việc là chính, bất câu hình thức, phải coi các sĩ quan tùy viên khác làm, để biết cách mà làm, từ từ rồi sẽ quen   việc...
Điều tôi lo ngại đã không xảy ra. Tổng thống đã không giận tôi. Lời dạy dỗ của người rất mộc mạc, đơn sơ, đã cho tôi sự bình tâm tỉnh trí từ phút đầu.
Tưởng đến đó là hết, nhưng không phải vậy. Tổng thống nói tiếp, đề cập đến những điều mà tôi đã giải bày với Trung Tá Cao Văn Viên. Về những điều này, người nói rằng ngày nay, không phải như xưa kia. Ngày xưa đi lính là vì sinh kế (vì lương tiền), nay thì khác, gia nhập quân đội là để bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc, bảo vệ độc lập và tự do... là những nhiệm vụ cao cả. Do đó, người lính ngày nay được tôn trọng, không như ngày xưa.
Đến lúc đó, tôi phỏng đoán, có thể Trung Tá Viên đã trình lên tổng thống những điều tôi nói với ông. Và thế là quá tốt cho tôi rồi!
Ngừng một lúc, tổng thống nói tiếp về vấn đề phục vụ, rằng mình làm việc trực tiếp với một người, nhưng là làm việc cho một mục đích. Ví dụ, sĩ quan tùy viên làm việc cho tổng thống là để giúp tổng thống làm việc cho nước, cho dân. Tổng thống làm việc cho dân thì trong đó có mình. Như vậy, mục đich cuối cùng là mỗi người đều phục vụ đất nước theo trình độ và khả năng của mình. "Hiểu như rứa thì tổng thống cũng đang làm bồi cho dân đó thôi," người nói.
Nghe đến đó, tôi cảm thấy sợ. Tôi cũng thấy ra được sự câu chấp nông cạn của mình. Đồng thời thấy ra được cái tinh thần cao cả của tổng thống. Người đang ở trước mặt tôi. Người làm việc cật lực không màng đến giờ giấc. Người làm việc không ít hơn 12 tiếng đòng hồ mỗi ngày. Chỉ nội một việc nhỏ nhặt đơn sơ như phải luôn luôn mặc y phục chỉnh tề, suốt cả ngày và ngày nào cũng vậy, tôi nghĩ, cũng đã là một cực hình rồi. Đôi khi tôi phải tự nhắc để đừng quên rằng tổng thống là quốc trưởng, ngày xưa gọi là vua, uy quyền trên cả nước. Nhưng tổng thống không có gì  cho riêng tư cho mình hết, không vợ con, không nhà cửa, không của cải... Nói như vậy vì chúng tôi biết cả tiền lương của tổng thống cũng đem cho các cơ quan từ thiện mà chính sĩ quan tùy viên tổng thống (chúng tôi) trao tận tay cho các nơi này.
2-Vụ thứ hai xảy ra vào khoảng năm 1963. Lâu ngày nên khó nhớ rõ ngày tháng, chỉ nhớ nội dung.
Ngày đó, tổng thống đi kinh lý vùng cao nguyên Trung Phần. Một phái bộ Nhật, do Đại Tướng Kubota cầm đầu, cùng đi, nhưng trên một chiếc máy bay trực thăng khác. Tôi được biết chuyến công tác này là rất quan trọng. Đây là sự hợp tác Nhật-Việt trong một công trình có tính chiến lược. Tôi là sĩ quan tùy viên tháp tùng tổng thống.
Sau khi đã bay bao vùng (fly over) cả khu vực gồm nhiều tỉnh như Bình Long, Phước Long, Bình Thuận...tổng thống trở về dinh tỉnh trưởng Phước Long (trở về trước) để chuẩn bị cho buổi họp chung với phái bộ Nhật. Đến luc đó tôi mới phát  hiện ra một thiếu sót lớn làm tôi lo lắng vô cùng: Tôi quên đem theo bản đồ!
Tôi đang tìm cách giải quyết thì tổng thống xuất hiện và như thấy sắc mặt khác thường của tôi, người hỏi: "Có chuyện gì?"
Tôi trình bày sự thật. Nghe xong, tổng thống nổi giận lôi đình, nhưng như cố kềm hãm, bảo tôi đi qua một phòng khác. Đến đó, với hai tay nắm chặt đầu thành ghế, người nhìn tôi và quát: "Đi đi! Đi về Sài Gòn lấy bản đồ!"
Tôi chưa bao giờ trải qua cảnh này. Tôi quá sợ, nhưng đột nhiên cảm thấy tỉnh táo, không còn sợ nữa. Tôi sực nhớ ra rằng ông tỉnh trưởng Phước Long cũng có một bản đồ như thế, tôi liền trình cho tổng thống biết. Lạ lùng thay, người như đã bình thường trở lại ngay cả trước khi nghe tôi trình. Người nhìn tôi và nói nhẹ nhàng: "Thôi được!" Nói xong, người trở ra phòng họp.
Buổi họp được tiến hành sau đó, như chương trình đã định.
Trưa hôm đó, sau khi cơm nước xong, tổng thống tản bộ ra một góc đồi. Tôi đi theo ra đó. Người ngồi xuống một chiếc ghế do một phục dịch viên kê sẵn. Người nhìn ra xa rồi hỏi tôi: "Có biết tại sao ông Kubota cứ bay mãi hơn nửa giờ sau mới về không? Có nhớ vụ người Nhật xây đập Đa Nhim không? Có nghe nói người Nhật từng chôn vàng trong vùng cao nguyên này không?" Trước những câu hỏi đó, tôi chỉ có một câu trả lời: "Dạ bẩm, vụ Đa Nhim con có nghe thoáng qua, rằng xây dựng công trình thuỷ điện đó, họ làm một công việc, mà với hai mục đích: Vừa để bồi thường chiến tranh vừa để tìm kho vàng họ chôn dấu trước kia, thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Tổng thống hơi mỉm cười nhưng không nói gì thêm nữa.
Trên đường trở về Sài Gòn, tôi cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái vì thấy tổng thống rất vui vẻ. Tuy nhiên, tôi cũng thắc mắc tại sao ông cụ có thái độ khoan hoà như vậy, trái ngược với hồi trưa (?) Phải chăng người có ý muốn ban cho tôi sự bình tâm sau những sóng gió hồi trưa (?).
Hai câu chuyện riêng tư nêu trên phản ánh khá trung thực tâm tư tình cảm, hay nói cách khác, chính là con người thật, hình ảnh thật của Tổng Thống Ngô đình Diệm.
 ĐA NGUYÊN

Comments

Popular posts from this blog

Madame Ngô Đình Nhu khuê danh Trần Thị Lệ Xuân-Mời qúy vị đọc để cái gì của Ceasar hảy trả lại cho Ceasar.