Tổng Thống TRẦN VĂN HƯƠNG.

Tổng Thống TRẦN VĂN HƯƠNG
Không nhớ rõ là ngày nào, vào khoảng trước tết năm 1973 độ vài tháng, tôi đã được vinh dự gặp Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Cho đến bây giờ khi nhớ lại, tôi vẫn còn thích thú, vì không ngờ được ông tiếp lâu như vậy. Hơn nữa, ông đã giải thích rõ ràng những điều tôi thắc mắc, như một thầy giáo chỉ vẽ cho người học trò của ông vậy.
Tôi và Trung Tá Thạch, chánh võ phòng của ông là bạn – chúng tôi thân nhau, tuy ít khi gặp nhau sau ngày đảo chánh 1-11-63. Khi tôi làm tư lệnh phó kiêm tham mưu trưởng Lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng Thống, anh Thạch là đại đội trưởng của lữ đoàn.
Một hôm, anh đến thăm tôi tại tổng cục Chiến tranh chính trị, và cho một món quà mà tôi nghĩ là vô giá, vì lòng quý mến của anh với tôi. Đó là một tượng Phật chạm trổ rất sắc sảo, trên một cái nanh heo rừng lớn, dài đến hơn một tấc. Tượng được chạm trên đầu lớn của nanh heo. Đầu nhỏ nhọn hoắt, đã lên nước vàng đậm. Tượng đựng trong túi bằng da mầu đỏ. Anh nói với tôi:
– Tượng này quý lắm, và là của cụ Phó Tổng Thống cho tôi. Nhưng tôi là người Công giáo, không đeo được.
Vậy tôi xin biếu để đại tá đeo. Người ta nói ai giữ tượng này và chịu khó cầu nguyện, sẽ gặp nhiều may mắn.
Tôi cảm động vô cùng, và cám ơn anh hết lòng.
Khi hàn huyên, tôi được nghe anh kể về cụ Hương. Anh quý mến cụ nhiều, và khen cụ hết lời, như: cụ thương anh em ở gần; sự trong sạch cũng như tính cương quyết của cụ trong việc bài trừ tham nhũng, không nể nang bất cứ ai, kể cả các giới chức cao cấp v.v…
Tôi hỏi anh Thạch:
– Thế Phó Tổng Thống có biết trước đây anh ở lữ đoàn lo an ninh cho Tổng Thống Diệm không?
– Sao lại không biết, tôi thấy cụ không bao giờ tỏ vẻ bất mãn với Tổng Thống Diệm cả. Mỗi lần đề cập đến Tổng Thống Diệm cụ vẫn gọi là cụ Diệm, chứ không bao giờ chê trách gì. Để có dịp, tôi sẽ sắp xếp cho đại tá gặp Ông Cụ, tôi tin là khi gặp, đại tá sẽ có cảm tình và quý mến cụ ngay, vì sự nhiệt tình yêu nước của cụ.
Tôi được may mắn ở gần Tổng Thống Ngô Đình Diệm, gặp Quốc Trưởng Dương Văn Minh, gặp Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, gặp đại tướng Lê Văn Tỵ cùng nhiều vị bộ trưởng và nhiều tướng lãnh. Tôi thường nghĩ các vị làm lớn giữ vận mệnh quốc gia, thế nào cũng có gì hơn người, nên muốn tìm hiểu xem họ có những gì đặc biệt. Nhất là về những đức tính của họ.
Cụ Hương đã từng làm đô trưởng Sài Gòn thời Tổng Thống Diệm, rồi có lúc đối lập với Tổng Thống Diệm, trong nhóm Caravelle. Sau này, vào đầu tháng 11-1964, trong lúc đất nước rối ren, cụ nhận chức Thủ Tướng, lãnh đạo đất nước một cách cương quyết, và được tiếng là rất trong sạch. Có thể nói, cụ đã bị lật đổ chỉ vì không chịu chiều theo đòi hỏi của các nhóm tranh đấu nhân danh Phật giáo. Cụ đã phải lên tiếng thẳng trên đài phát thanh và báo chí, nghiêm khắc chỉ trích những hành động gây xáo trộn của các nhà tu hành, làm đất nước rối ren thêm.
Tôi rất mừng khi nghe anh Thạch nói sẽ thu xếp để tôi được gặp cụ trong một dịp nào đó.
Ngày ấy, mỗi dịp Tết, tổng cục Chiến tranh chính trị đều lo tặng quà cho binh sĩ ngoài tiền tuyến, nên đã phát động Cây mùa xuân chiến sĩ mà tôi là phụ tá của trung tướng tổng cục trưởng, đặc trách lo việc này.
Chiến dịch này được nhân dân hưởng ứng nồng nhiệt; kết quả ngoài sự dự trù của Tổng cục, quỹ lên đến mấy trăm triệu và phong trào hậu phương yểm trợ tiền tuyến lên cao, anh em chiến sĩ cũng lên tinh thần.
Có một cuốn sổ vàng để ghi lời phát biểu của Tổng Thống và các vị ân nhân. Tôi nhớ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bao giờ cũng ghi trang đầu, kêu gọi mọi người ủng hộ cây mùa xuân, và tặng 1 triệu đồng. Các thương gia, hội đoàn cũng tham gia đông lắm. Bao giờ tôi cũng để sẵn nhiều trang đầu, để khi các vị cao cấp muốn ký sổ vàng thì ghi ở những trang ấy.
Một hôm anh Thạch gọi tôi, nói Phó Tổng Thống Trần Văn Hương muốn ghi sổ vàng tặng anh em chiến sĩ tiền tuyến. Tôi xin ngày giờ hẹn để đến gặp. Anh Thạch sắp xếp để tôi gặp cụ lúc 7 giờ tối, sau khi cụ dùng cơm, để tôi có thể hầu chuyện cụ lâu một chút.
Cụ tiếp tôi ngay tại bàn ăn ở tư dinh. Cụ ngồi đầu bàn, tôi ngồi ghế bên phải cụ, và được mời uống trà.
Khi tôi được anh Thạch giới thiệu, cụ đứng dậy bắt tay tôi rất niềm nở, và gọi tôi là ông đại tá. Tôi thưa với cụ là cụ Phó Tổng Thống. Nhưng sau ít phút, cụ thân mật gọi tôi là anh. Tôi thưa cụ và xưng cháu.
Mặc dầu thấy tôi mang cuốn sổ vàng, nhưng cụ chưa ghi vội. Cụ hỏi thăm tôi rất nhiều về quân đội – nhất là về trại gia binh, việc ăn uống của binh sĩ – có một câu hỏi làm tôi ngạc nhiên là cụ so sánh mức sống ăn uống của anh em ở 4 vùng chiến thuật. Cụ nói anh em ở Sàigòn và vùng 4 vùng 3 giá sinh hoạt rẻ nhưng ở vùng 1 và vùng 2 chắc khó khăn hơn. Ngoài ra, cụ cũng nói đến việc nên cho anh em ở các đồn bót được tăng gia sản xuất như nuôi gà, heo, đào ao thả cá để ăn uống tốt hơn.
Tôi chợt nhớ có lần Tổng Thống Diệm đã đề cập đến việc cho các đơn vị tăng gia sản xuất, nhưng chưa thấy thi hành.
Cụ Hương còn hỏi tôi về những vụ đấu thầu trong quân đội nữa. Tôi thưa là về vụ này, tôi không rõ lắm. Cụ cũng nhắc tôi là tiền quyên góp về cây mùa xuân, nên cho anh em ngoài tiền tuyến nhiều hơn v.v…
Sau cùng có một câu cụ hỏi làm tôi khó trả lời:
– Anh có bạn bè trong quân đội nhiều và cũng tiếp xúc với nhân dân nữa, anh thấy họ phàn nàn hay phê bình gì về tôi cứ cho tôi rõ.
Tôi dè dặt trả lời:
– Thưa cụ, cụ đã cho phép thì cháu xin được nói ý nghĩ của cháu và nhiều anh em bè bạn cũng bàn bạc như vậy
– Riêng về cụ, ai cũng trọng đức tính thanh liêm và lòng can đảm của cụ. Cháu cũng thấy anh em nói về việc cụ đã thẳng tay bài trừ tệ nạn tham nhũng mà không kể gì đến những người cao cấp, nên anh em quý mến cụ lắm.
Nghe vậy, tôi thấy cụ không vui lắm, và nói một cách hết sức chậm rãi, đượm buồn:
– Tôi chỉ mới bắt một vài vụ để dằn lại những sự vi phạm sau này, chứ kể ra còn nhiều lắm. Người cộng tác thì ít quá và muốn cho công bằng thì phải xét kỹ nên không thể nào làm cho nhanh được. Việc gì cũng do người làm với mình trình lên chứ tôi lo sao cho hết. Thật ra, số người lo việc này chả có là bao nên càng ngày càng khó.
Thấy cụ có vẻ cởi mở, tôi bạo dạn hỏi thêm:
– Thưa cụ, cháu có mấy điều thắc mắc, xin cụ cho phép cháu được hỏi thêm ít điều.
– Anh cứ hỏi.
– Thưa cụ, nghe anh em nói, cụ ghét Bắc kỳ nên ít dùng người Bắc.
– Làm gì có chuyện này. Tôi là người học thức và là thầy giáo nữa. Tôi phải làm gương cho học trò noi theo. Cái điều sơ đẳng ai cũng biết, là người Việt Nam mình từ Bắc đến Nam cũng là dòng người Việt cả. Nhiều người Nam này đều có ông cha xuất xứ từ miền Bắc, như vậy chúng ta như gà một mẹ. Sao lại nói là tôi ghét người Bắc được. Có một điều là tôi sinh trưởng trong Nam này nên ít có bạn người Bắc. Tôi tìm người cộng tác hay mời những người tôi biết để làm việc chung, nên người ta hiểu lầm tôi.
Thấy tôi dám hỏi, cụ khuyến khích thêm.
– Anh có gì cần hỏi cứ nói đi.
– Dạ thưa cụ, cháu xin phép được hỏi thêm: cụ nghĩ sao về Tổng Thống Diệm?
Ông gật gù suy nghĩ và trả lời:
– Tôi lúc nào cũng trọng cụ Diệm và biết cụ là người yêu nước thương dân. Tôi cũng từng cộng tác với cụ, nhưng rất tiếc tôi có những điều không đồng ý với cụ, nhất là với ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Sau này, khi đảo chánh xảy ra cho đến bây giờ, tôi vẫn tiếc thương về cái chết của cụ Diệm.
Rồi ông hỏi lại tôi:
– Nghe anh Thạch nói anh hết lòng trung thành với cụ Diệm trong lúc đảo chánh, như vậy là phải.
– Cháu xin phép được hỏi thêm cụ một điều nữa. Cháu nghe nói khi làm Thủ Tướng, cụ cũng gặp những điều khó khăn với phía Phật giáo tranh đấu, nên cụ giận phải tuyên bố với báo chí và truyền thanh, cháu nghĩ cụ cũng là Phật giáo, đúng ra họ phải ủng hộ cụ chứ.
– Người học thức và là kẻ sĩ thì thấy gì đúng là phải làm, họ lợi dụng quá và quên cả việc tu hành mà chỉ muốn xen vào việc cai trị. Tôi quen nhiều vị lãnh đạo Phật giáo và họ chỉ muốn tu hành trong phạm vi tôn giáo mà thôi, nhưng lại có nhiều người lợi dụng quá đáng. (Cụ nói dài về việc này, nhưng tôi không nhớ hết và tóm tắt điều tôi hiểu là như vậy).
Thấy cụ hắt hơi, lấy khăn ra lau mũi và tôi xem đồng hồ đã thấy cụ tiếp tôi gần 2 tiếng rồi, sợ cụ mệt nên tôi thưa:
– Cháu được hầu chuyện cụ lâu như thế này, thật là điều vinh hạnh nhất trong đời cháu, bây giờ cháu mới rõ những điều khó khăn của các vị lãnh đạo. Cháu xin cám ơn cụ và cháu xin phép để cụ nghỉ.
Sau đó, tôi trình cuốn sổ vàng, cụ hỏi:
– Tổng Thống Thiệu tặng bao nhiêu?
– Dạ, Tổng Thống tặng một triệu đồng.
– Tôi cũng tặng một triệu.
– Cháu xin cụ ghi cho mấy dòng để nói lên lòng thương mến của cụ với anh em chiến sĩ.
Cụ đã viết vào sổ những lời rất chân tình và cảm động. Tôi không còn nhớ rõ, nhưng đại ý cụ hiểu là đời sống anh em rất cực khổ và gian lao và cụ lúc nào cũng nhớ đến.
– Cháu xin phép cụ để được đọc những lời cụ viết trên đài phát thanh. Cháu sẽ nhớ mãi trong đời cháu là đã được cái vinh dự hầu chuyện cụ.
Cụ đứng dậy bắt tay tôi và chậm rãi đi vào.
Anh Thạch nói với tôi:
– Thật là đặc biệt. Ít khi tôi thấy cụ tiếp ai lâu và vui vẻ như vậy.

Comments

Popular posts from this blog

Tình yêu thơi chinh chiến-Tuyết Thu .