NHỮNG GÌ TÔI BIẾT VỀ VỤ MƯU SÁT T.T. NGÔ ĐÌNH DIỆM-Nguyễn Hữu Duệ.

NHỮNG GÌ TÔI BIẾT
VỀ VỤ MƯU SÁT T.T. NGÔ ĐÌNH DIỆM
Tình cờ tôi gặp một người bạn ở Houston đến thăm tôi ở San Diego. Anh hỏi tôi về vụ mưu sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963 (lúc gần ngày đảo chánh 1/11/63). Anh kể với tôi ngày anh ở Việt Nam, anh có đọc một bài báo nói về chuyện này trong đó có kể đến tên tôi và hình như bài báo do chính người chủ mưu việc mưu sát viết ra.
Tôi thấy cũng là cơ hội để viết bài này cho độc giả biết một cách rõ ràng để khỏi có những lời đồn đại không đúng.
Mong rằng người chủ mưu vụ mưu sát này hiện có mặt tại Hoa Kỳ trong diện H.O được đọc bài này và nếu được liên lạc với anh thì tôi mừng lắm, vì chính tôi là người ra lệnh bắt anh nhưng chỉ là bổn phận mà vẫn giữ được tình anh em trong đơn vị và giữa hai sĩ quan với nhau. Sau này anh em ở Phủ Tổng Thống ai cũng khen tôi là khéo cư xử để sự việc được giữ bí mật và không ồn ào.
Sự việc xảy ra như sau:
Khi Phật giáo phản đối chính phủ về sự kỳ thị tôn giáo; và nhất là sau khi Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu, thì không biết bao nhiêu lời đồn đại thất thiệt xảy ra, chính mẹ tôi cũng có lần hỏi tôi:
– Mấy bà bạn mẹ hay đi chùa kể cho mẹ nghe là các vị tu hành bị thủ tiêu và đem thả xuống sông trôi về cầu Bình Lợi nhiều lắm.
– Làm gì có chuyện này mẹ, Tổng Thống là Tổng Thống của toàn dân chứ đâu là Tổng Thống của người Công giáo, sao mẹ tin những lời đồn đại vô lý như vậy.
– Ừ thì mẹ nghe nói thì cũng hỏi lại con, chứ mẹ cũng chả tin như vậy. Mẹ vẫn còn ơn cụ Diệm đưa cả triệu người Bắc mình vào đây. Trong đó có cả gia đình họ hàng nhà ta mà mình có phải là có đạo đâu.
– Mẹ đừng tin, con ở cạnh Tổng Thống, người lo an ninh cho ông mà con là đạo Phật mà.
Ngoài ra còn rất nhiều tin đồn quái dị nữa là ông Ngô Đình Nhu bây giờ át quyền Tổng Thống và sắp sửa đảo chính để lật đổ Tổng Thống nữa – hình của Tổng Thống treo ở Tòa Đô Chính Sài Gòn cũng được thay thế bằng hình của ông Nhu rồi, tượng Hai Bà Trưng ở bến Bạch Đằng là hình ảnh của hai mẹ con bà Nhu v.v…
Vì không có gia đình nên tôi ở ngay trong thành Cộng Hòa, vì vậy sáng dậy sau khi ăn sáng xong là tôi đến ngay văn phòng. Sáng hôm đó vừa vào văn phòng là tôi gặp ngay Thiếu Úy Kiệt ở đại đội Truyền Tin. Anh lo lắng kể với tôi là thân phụ của anh là một tu sĩ Phật bị cảnh sát Gia Định mời đến thẩm vấn, anh lo rằng ông cụ sẽ bị cảnh sát làm khó dễ nên nhờ tôi lo hộ.
Tôi hứa với anh là tôi sẽ trình ngay cho Trung Tá Tư Lệnh để gọi ngay cho Đại Tá Nguyễn Văn Y tổng giám đốc Cảnh Sát Công An can thiệp và nếu cần tôi sẽ đích thân đến Ty Cảnh Sát Gia Định lo cho anh nếu sáng nay Trung Tá Tư Lệnh bận việc gì không đến văn phòng.
Tôi bảo anh cứ về và để lại tên của ông cụ và địa chỉ nhà.
Khi Trung Tá Tư Lệnh đến, tôi gặp ông ngay và trình sự việc. Ông vội gọi dây nói ngay cho Đại Tá Y – Đại Tá Y rất thân với Trung Tá Khôi (hình như hai người học cùng một khóa ở trường võ bị Đà Lạt – Khóa 3)
Sau khi gặp Đại Tá Y rồi, Trung Tá Tư Lệnh nói với tôi là Đại Tá Y hứa là cụ thân sinh ra Thiếu Úy Kiệt không bị giữ như Thiếu Úy Kiệt lo và chắc Ty Cảnh Sát Gia Định chỉ mời cụ đến chỉ là để hỏi hoặc nhờ cụ giúp cho việc liên lạc và giải thích cho quý vị tu sĩ Phật giáo trong tỉnh mà thôi.
Tôi cho Thiếu Úy Kiệt rõ sự việc và anh rất vui mừng kể cả các sĩ quan trong đơn vị cũng nhiều người rõ sự việc.
Trong số này có Chuẩn Úy Thành (tôi không nhớ họ của anh) là sĩ quan nghi lễ của Phủ Tổng Thống.
Chuẩn Úy Thành thuộc quân số của 1 đại đội của lữ đoàn được biệt phái lên phủ để làm sĩ quan nghi lễ hàng ngày.
Chức vụ này chả có gì quan trọng, anh chỉ việc mặc quân phục trắng và đón tiếp quan khách đến gặp Tổng Thống hoặc ông Cố Vấn mời ngồi ở phòng khách uống nước hút thuốc đợi sĩ quan tùy viên mời vào gặp Tổng Thống khi Tổng Thống mời.
Không biết anh được tổ chức nào xui bẩy hay tự ý anh nghĩ đến việc mưu sát Tổng Thống và ông Cố Vấn. Vì khi bị phát giác ra là mấy ngày sau thì cuộc đảo chính xảy ra nên tôi không rõ chi tiết.
Khi nghe cụ thân sinh ra Thiếu Úy Kiệt bị mời thì anh nghĩ Thiếu Úy Kiệt cũng oán trách chế độ, nên tìm Thiếu Úy Kiệt rủ cùng làm. Anh đâu biết Thiếu Úy Kiệt là người rất trung thành và thương mến Tổng Thống, vì vậy Thiếu Úy Kiệt gặp tôi ngay và cho tôi biết sự việc.
Lúc Thiếu Úy Kiệt báo cáo với tôi thì Trung Tá Tư Lệnh không có ở văn phòng nên tôi tự quyết định ngay là gọi trưởng Phòng An Ninh của lữ đoàn lên ngay dinh để cô lập Thiếu Úy Thành, cử ngay một sĩ quan khác làm sĩ quan nghi lễ thay anh Thành, và dặn Đại Úy Ngân là trưởng Phòng An Ninh phải giữ thật bí mật. Rất may là sau đó, Trung Tá Khôi đã về và tôi vội vào trình ông. Ông khen là tôi đã làm đúng và chúng tôi bàn nhau là làm sao giữ được bí mật để khỏi lộ tin này ra ngoài sợ thiên hạ lại xuyên tạc và đồn đại sai sự thật, ngoài ra anh em ở lữ đoàn cũng xôn xao nữa.
Tôi trình rõ cho Trung Tá Khôi là anh Thành kể cho Thiếu Úy Kiệt là đầu tiên anh định dùng súng lục, nhưng sau anh đổi ý là dùng lựu đạn để lúc mọi người nhốn nháo, lộn xộn thì anh sẽ chạy trốn được.
Ngoài ra tôi cũng đề nghị với Trung Tá Tư Lệnh là không nên giao Chuẩn Úy Thành cho an ninh mà nhờ Đại Tá Tung- Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt khai thác một cách bí mật chứ giao cho Nha An Ninh thì sẽ bị lộ bí mật ngay.
Tôi đề nghị là sẽ đưa Chuẩn Úy Thành sang Lực Lượng Đặc Biệt với nhiệm vụ là sĩ quan liên lạc giữa lữ đoàn và Lực Lượng Đặc Biệt và đưa Chuẩn Úy Thành đi không cần hộ tống, chỉ có Đại Úy Ngân trưởng Phòng An Ninh và một hạ sĩ quan đưa đi mà thôi. Trung Tá đồng ý.
Tôi cũng hỏi Trung Tá Khôi là có nên trình sự việc này cho Tổng Thống rõ hay không.
Ông nói là chắc phải trình vì ông muốn tất cả tin tức quan trọng phải trình ông rõ, nhưng việc này trình miệng mà thôi, không phải làm phiếu trình.
Rồi ông quyết định, tôi lo việc Chuẩn Úy Thành và ông lo việc trình Tổng Thống. Sau khi ông đã liên lạc với Đại Tá Tung- Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt.
Sau đó, tôi gọi đại đội trưởng của Chuẩn Úy Thành tập họp các sĩ quan kể cả Chuẩn Úy Thành để tôi lên gặp ở Bộ Chỉ Huy đại đội. Đại đội này đang giữ an ninh ở dinh Gia Long.
Tôi và Đại Úy Ngân lên gặp anh em sĩ quan và tôi cho họ biết là bên Lực Lượng Đặc Biệt xin lữ đoàn đề cử một sĩ quan để làm liên lạc giữa hai bên. Yêu cầu đại úy đại đội trưởng cử cho tôi một sĩ quan lo nhiệm vụ này, ngay sau đó, Đại Úy Ngân đề nghị tôi cho Chuẩn Úy Thành lo việc này vì Phòng An Ninh đã sưu tra và thấy Thành lo được và Đại Úy Ngân là người có bổn phận hướng dẫn công việc cho Chuẩn Úy Thành.
Tôi đồng ý và giao Chuẩn Úy Thành đặt dưới quyền của Phòng An Ninh kể từ giờ này.
Đại Úy Ngân có nhiệm vụ đưa Chuẩn Úy Thành sang bộ tư lệnh Lực Lượng Đặc Biệt. Sau đó Đại Úy Ngân về báo cáo lại với tôi là đưa Chuẩn Úy Thành sang bên Lực Lượng Đặc Biệt rồi và anh cũng dặn phải đối xử tử tế với anh Thành cũng như mua cho Thành một tút thuốc lá như lời tôi dặn.
Trung Tá Khôi sau khi trình Tổng Thống cũng kể lại với tôi là sau khi nghe trình; Tổng Thống rất buồn ngồi thừ ra và phàn nàn với Trung Tá là ông ngạc nhiên là những người ở gần ông mà còn không hiểu ông huống chi là những người dân ở xa ông, chẳng qua là thiếu học tập và thiếu thông tin.
Tôi hỏi lại: Trung Tá thấy cụ có nóng giận hay ra lệnh trừng phạt Chuẩn Úy Thành thế nào không ? Cụ bảo chỉ cần cho anh em học tập nhiều để hiểu rõ Tổng Thống hơn và không chỉ thị gì về việc phạt Thành vì tôi đã trình Tổng Thống rõ là đã nhờ Đại Tá Tung lo việc thẩm vấn để rõ tại sao đương sự lại có ý nghĩ như vậy.
Chính tôi nghe xong tôi cũng muốn chảy nước mắt vì tôi nghĩ chắc khi trình Tổng Thống sự việc thì ông sẽ nổi giận và khiển trách Trung Tá Tư Lệnh và Chuẩn Úy Thành sẽ bị một hình phạt nặng nề.
Trái lại ông chỉ buồn là anh em ở gần ông còn không hiểu ông thì dân chúng ở xa ông sao không bị những lời đồn đại xuyên tạc mà oán ông.
Từ ngày Tổng Thống chấp chánh theo tôi biết có mấy vụ định mưu sát ông.
1) Ngày ông lên khánh thành hội chợ Ban Mê Thuột thì bị một người bắn bằng súng tiểu liên (tên người này là Hà Minh Trí thì phải, tôi không nhớ rõ) nhưng rất may là Tổng Thống không bị trúng đạn và sau đó ông vẫn bình tĩnh lên đọc diễn văn và đi xem hội chợ như chương trình đã định, không có một cử chỉ nào bối rối.
Ngày đó việc giữ an ninh cho Tổng Thống rất sơ sài không chặt chẽ và tỷ mỷ như sau này. Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng ngày đó là tư lệnh sư đoàn 4 dã chiến (Sư đoàn 7 sau này) kể với tôi và ông khen Tổng Thống là can đảm và bình tĩnh vì chính Đại Tá Xứng có mặt tại chỗ.
Tôi cũng nhớ đến Tổng Thống Pac Chung Hi là tổng thống Nam Hàn sau này cũng có cử chỉ phi thường như vậy mặc dầu viên đạn của kẻ ám sát bắn trúng vợ ông mà ông vẫn bình tĩnh đọc diễn văn làm đúng những điều như chương trình đã ấn định.
Tôi cũng nhớ đến thái độ của tướng Nguyễn Khánh khi bị sinh viên biểu tình phản đối thì bối rối đến nỗi hô đả đảo cả chính mình.
2) Lần mưu sát thứ hai là lần ông bị các phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử thả bom và bắn súng từ phi cơ xuống dinh Độc Lập nơi ông và gia đình ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu ở.
3) Lần thứ ba là do Chuẩn Úy Thành định mưu sát mà chưa thi hành.
Đó là những điều tôi biết có thể có thêm mà tôi không biết.
Điều mà tôi kính trọng và thương ông là những người mưu sát mặc dầu đã bị bắt mà ông vẫn không hành hạ hoặc giết bỏ họ mà ngược lại ông vẫn đôi khi hỏi thăm họ nữa.
Sau này tôi đọc những bài viết mà những người ghét ông hay đối lập với ông nói ông đã cho thủ tiêu những người đối lập hoặc hành hạ họ mà không đưa ra một chứng cớ nào cụ thể nên tôi không thể nào tin được vì chính những người cầm súng bắn ông hay những người tham gia đảo chánh ông vẫn còn sống khỏe mạnh sau này khi được tha ra thì lý do nào mà ông lại thủ tiêu người đối lập một cách ám muội như vậy.
Thử hỏi những người định mưu sát ông mà gặp Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Stalin, Kim Nhật Thành, Hussen v.v…thì liệu họ còn sống và ngay cả gia đình họ nữa có được tự do như thời Ngô Đình Diệm không ? Vì vậy riêng tôi và theo tôi biết khi ở gần ông tôi vẫn thấy ông là một người lãnh đạo nhân từ và kẻ cả. Mong rằng mọi người hiểu ông hơn và đừng nghe những lời xuyên tạc không có chứng cớ mà hiểu lầm ông.

Comments

Post a Comment

Popular posts from this blog

Tình yêu thơi chinh chiến-Tuyết Thu .