Người Mẹ phi thường.
Người Mẹ phi thường
Ngày hôm nay Đinh Việt vẫn còn xúc động khi
nhớ lại cảnh tượng xảy ra cách đây hàng chục năm: tại một hải cảng ở Malaysia
mẹ ông dùng chiếc rìu tưởng chừng như lớn hơn cả người bà để đục những cái lỗ ở
mạn thuyền để bà cùng năm con không phải bị đuổi trở lại ra biển.
Chuyện ấy vào năm 1978 lúc Việt lên
mười. Cha ông là người tù chính trị đang bị giam cầm ở quê hương từng bị chiến
tranh tàn phá, khi mẹ ông, bà Nguyễn Thu Nga, cố trốn thoát khỏi Việt Nam bằng
đường biển cùng với Việt và các con khác. Họ chen chúc cùng với 80 người tỵ nạn
khác trên chiếc thuyền rò rỉ dài độ 4 mét rưỡi. Trong cuộc phỏng vấn qua điện
thoại từ nhà bà ở Garden Grove mẹ ông Việt hồi tưởng “ Sau ba ngày, thuyền bị
hỏng. Sau bảy ngày không còn lương thực hay nước uống.”
Sau 12 ngày, bà gần như mất tất cả hy
vọng. Nhưng họ tình cờ gặp các ngư dân người Thái. Những người này cho họ lương
thực và dầu, giúp họ sửa lại thuyền và chỉ họ hướng đất liền. Họ đến Malaysia
thì bị tàu tuần cảnh sở tại chào đón bằng những tràng súng. Người Malaysia
không muốn dính dáng gì đến họ. Họ đành bơi vào bờ và thuyền họ được vào cảng,
nhưng bà Nga hiểu rõ rằng sáng mai cảnh sát cảng sẽ buộc họ phải ra đi, cho nên
khuya hôm ấy bà một thân một mình cầm rìu rón rén trở lại thuyền. Bà nói, “Tôi
cứ chém hoài chém mãi để thuyền bị lủng lổ khắp nơi,” bà kể. Bà làm thế để chắc
chắn không một viên chức Malaysia nào có thể ra lệnh cho các con bà trở lại
biển cả. Mối liên hệ cuối cùng của gia đình với Việt Nam chìm mất dạng vào biền
Đông.
Sau sáu tháng tỵ nạn ở Malaysia, gia
đình Việt cuối cùng đến được bang Oregon vào dịp lễ Tạ Ơn năm 1978. Họ kiếm
được chút tiền công ít ỏi từ công việc hái dâu và gởi tiền cho cha và người anh
đang lẩn trốn ở Việt Nam. Sau khi núi lửa St. Helen phun vào 1980, do hoa màu bị
thiệt hại nên gia đình Việt phải dọn đến Fullerton, bang California.
Ở Quận Cam, Việt cùng với mẹ làm việc
ở một tiệm may và sau giờ học còn làm thêm ở các tiệm bán thức ăn nhanh. Sự bền
chí của gia đình đã mang lại kết quả khi người cha cuối cùng cũng đến được Mỹ
vào 1983. Còn Việt nhờ học giỏi và cần cù cuối cùng nhận được học bổng vào đại
học Harvard. Cha mẹ muốn Việt trở thành bác sĩ. Nhưng chính trị là niềm say mê
của ông, niềm say mê ấy do chính mẹ nuôi dưỡng.
“Con tôi ghét cộng sản vì tôi dạy cho
cháu hiểu rằng chính cộng sản đến nhà bắt cha cháu đi và giam trong tù.” Bà Nga
nó. “Từ thuở nhỏ tôi đã khắc sâu điều này trong tâm khảm cháu.”
Việt tốt nghiệp Á khoa cao học luật ở
Harvard rồi làm thư ký cho Thẩm phán Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ Sandra Day
O’Connor, người mà đã nhận xét về ông như sau: “Ông là người thư ký luật tuyệt
vời. Tôi rất cảm phục trước hoàn cảnh xuất thân của ông và chuyện ông đến Mỹ mà
trên người chẳng có gì cả ngoại trừ bộ áo quần, nhưng ông đã rất bền chí.”
Cha mẹ ông ngồi gần ông trong cuộc
điều trần bổ nhiệm ông vào chức vụ Phụ Tá Bộ Trưởng Tư Pháp ở Thượng Viện Hoa
Kỳ vào năm 2001. Tại cuộc điều trần này ông bày tỏ sự cảm phục trước gương can
đảm của mẹ và “muôn vàn gian khổ mà cha mẹ tôi cũng như bao nhiêu người khác đã
trải qua để tìm thấy được miền đất hứa của tự do và cơ hội.” Ông được Thượng
Viện chấp thuận bổ nhiệm với tổng số phiếu thuận là 96 và 1 phiếu chống duy
nhất của thượng nghị sĩ Hillary Clinton.
Hôm ấy nhiều người ắt hẳn rất xúc
động khi nghe ông kể lại hình ảnh không bao giờ phai mờ trong tâm tưởng ông về
người mẹ dùng hết sức lực vung rìu chém không ngừng nghỉ vào chiếc thuyền nhỏ
dưới bóng màn đêm. Hành động xuất phát từ tình mẹ ấy đã đưa người con đến bến
bờ tự do, đến giảng đường đại học danh tiếng, đến trung tâm quyền lực chính trị
Hoa Kỳ. Câu chuyện của ông là minh chứng cho giấc mơ Mỹ được dệt nên từ tài
năng, quyết tâm và kiên trì.
Ông Đinh Việt là cựu Phụ
Tá Bộ
Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ từ 2001 đến 2003. Hiện nay ông là giáo sư luật ở Đại học
Georgetown, Hoa Kỳ.
Tài liệu tham khảo:
1. Katie Biber, Viet Dinh: An
American Story, The Harvard Law Record, 16/4/2003
2. Eric Lichtblau, At Home in War on
Terror, The Los Angeles Times. 19/9/2002
Comments
Post a Comment