Hoa Kỳ chính thức bác bỏ đường lưỡi bò của Taù cộng.
Hoa Kỳ chính thức bác bỏ đường lưỡi bò của Tàu cộng.
Đường 9 đoạn là yêu sách phi lý của Trung Quốc - Ảnh: chụp từ báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ
Báo cáo dài 26 trang, được công bố ngày 5.12 do Cục Đại dương và Các
vấn đề môi trường và khoa học quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành
đã chỉ ra sự phi lý trong yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.
Báo cáo này được đưa ra ngay trước thời hạn 15.12 mà Toà trọng tài
quốc tế yêu cầu Trung Quốc đưa ra tài liệu pháp lý về vụ kiện của
Philippines đối với những tuyên bố chủ quyền phi lý và phi pháp của
Trung Quốc tại biển Đông.
Năm 2009, Trung Quốc gửi lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ “đường 9
đoạn”, tuyên bố chủ quyền phi pháp ở biển Đông. Theo yêu sách này, Trung
Quốc chiếm khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13 km2 diện tích đất
trên biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn
Scaborough.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc
đưa ra nằm gần với đường bờ biển của các quốc gia tiếp giáp biển Đông,
trong đó đoạn số 1 (theo báo cáo) chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 hải lý và
cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 36 hải lý. Các đoạn 3,4,5 lần lượt cách
Indonesia, Malaysia, Philippines 75, 24 và 35 hải lý.
Báo cáo cũng chỉ ra nhiều điểm không hợp lý trong tấm bản đồ của
Trung Quốc. Các đoạn ở tấm bản đồ năm 2009 đều gần bờ biển các nước láng
giềng hơn trong tấm bản đồ năm 1947, tấm bản đồ được cho là lần đầu
tiên có “đường lưỡi bò”. Báo cáo dẫn chứng ở đoạn thứ 2 nằm gần bờ biển
Việt Nam hơn 45 hải lý so với đoạn gần nhất trên bản đồ năm 1947 trong
khi đoạn 1 gần hơn 15 hải lý.
Tàu hải cảnh và giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hoạt động phi pháp trong vùng biển Việt Nam tháng 5.2014 - Ảnh: Độc Lập |
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Trung Quốc vẫn chưa làm rõ
những đòi hỏi về biển liên quan đến “đường 9 đoạn” theo cách thức phù
hợp với luật pháp quốc tế. Báo cáo cho rằng, các luật lệ, tuyên bố và
hành động chính thức của Trung Quốc đều thể hiện sự mâu thuẫn đối với
bản chất và phạm vi của các yêu sách mà nước này đưa ra. Bộ Ngoại giao
Mỹ đưa ra 3 cách diễn giải khác nhau mà Mỹ cho rằng Bắc Kinh muốn thể
hiện.
Theo cách diễn giải thứ nhất, “đường 9 đoạn” là khu vực mà Trung Quốc
đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo và vùng biển liên quan được xác lập
dựa trên các đảo này theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về luật
biển (UNCLOS). Báo cáo cho rằng nếu đường 9 đoạn thể hiện điều đó thì
các đảo và vùng biển trong phạm vi đường 9 đoạn này phải phù hợp với các
quy định của UNCLOS về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa được xác lập dựa trên bờ biển và các cấu trúc địa lý
theo đúng định nghĩa về “đảo” trong điều 121 của công ước này
Thế nhưng, theo Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn còn có tranh chấp ở các đảo và
vùng biển liên quan đến các đảo ở biển Đông. Mặt khác, kể cả nếu Trung
Quốc có chủ quyền đối với các đảo tại biển Đông thì ranh giới của bất kỳ
vùng biển nào được xác lập dựa trên các đảo này theo điều 121 của
UNCLOS cũng đều phải được phân định giữa các nước liên quan.
Ở cách diễn giải thứ hai, “đường 9 đoạn” là các đường ranh giới quốc
gia của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng những đoạn mà Trung Quốc
đưa ra đều không có cơ sở pháp lý phù hợp với luật biển. Theo luật quốc
tế, các ranh giới biển được xác lập dựa trên thỏa thuận giữa các quốc
gia láng giềng và do vậy, một quốc gia không thể đơn phương xác lập ranh
giới biển với một quốc gia khác.
Thêm vào đó, một đường ranh giới quốc gia như vậy không phù hợp với
thực tiễn giữa các nước và luật pháp quốc tế. Bởi lẽ, vị trí của ranh
giới biển được xác định dựa trên đường bờ biển đối diện, dài và liên tục
chứ không phải dựa trên các hòn đảo rất nhỏ và biệt lập như tại biển
Đông.
Tàu công trình hiện đại của Trung Quốc tại Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa - Ảnh: Mai Thanh Hải |
Ngoài ra, ở các đoạn 2,3 và 8 trên bản đồ phi pháp năm 2009 của Trung
Quốc không chỉ nằm khá gần bờ biển của các nước khác mà tất cả hoặc một
phần của những đoạn này đều nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ bất kỳ
cấu trúc địa lý nào mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.
Ở cách diễn giải cuối cùng, “đường 9 đoạn” là ranh giới của cái gọi
là “các đòi hỏi biển lịch sử” của Trung Quốc. Theo báo cáo, nếu đường 9
đoạn định thể hiện khu vực mà Trung Quốc đòi hỏi cái gọi là “vùng nước
lịch sử” hay “quyền lịch sử” thì những yêu sách này cũng không nằm trong
mục “đòi hỏi lịch sử” được quy định trong điều 10 và 15 của UNCLOS.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chí
pháp lý đối với yêu sách về “vùng nước lịch sử”, bao gồm thực thi chủ
quyền một cách công khai, được biết đến rộng rãi, liên tục và hiệu quả
tại biển Đông và được các nước khác công nhận việc thực thi này.
Với những phân tích trong 26 trang báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận
rằng yêu sách hiện nay của Trung Quốc về đường 9 đoạn là phi pháp,
không phù hợp với luật quốc tế về biển.
Ngọc Mai
Comments
Post a Comment