Vai trò Thiết Giáp và Thiết Quân Vận trong chiến trường QT 1972
Bồng Sơn ngày ấy thời chinh chiến-1972.
Thuỷ Quân Lục Chiến dựng cờ trên cổ thành Đinh Công Tráng-QT
Khi theo dõi chương trình Người Chiến Sĩ QLVNCH của đài truyền hình SBTN-W.D.C do cựu Th/Tá Trần Quang Duật Tiểu Đoàn Phó TĐ16/TQLC phụ trách, nói về cuộc chiến tái chiếm lại Cổ Thành Đinh Công Tráng mà chúng ta thường nói và viết là Cổ Thành Quảng Trị, cấp bậc chức vụ cuối cùng là Th/ Tá Tiểu Đoàn Phó TĐ1 Quái Điểu ám danh đàm thoại Bồng Sơn, “một địa danh thuộc tỉnh Bình Định miền Trung VN”, một Chiến Sĩ TQLC của QLVNCH đã hiện diện và trực chiến với Cộng quân ngay từ ngày đầu của cuộc tấn công vào mùa Phục Sinh năm 1972 cho đến ngày cuối cùng khi có lệnh rút bỏ miền Trung 29 tháng 4 năm1975
Khi nghe xong chương trình đó, tôi rất thích thú và hãnh diện vì mình là TQLC, một đơn vị được chỉ định làm nỗ lực chính trong chiến dịch tái chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị, niềm vui và sự hãnh diện đang dâng trào thì cùng một lúc những kỷ niệm vui buồn cũng kéo về, xoáy mạnh tâm hồn và trí óc làm cho tôi cảm thấy ngột ngạt khó thở, một cảm giác không được thoải mái bám chặt, đeo đẳng, buộc trí óc phải quay về với ngày đầu của cuộc chiến.
Khi toàn bộ các căn cứ ở phía Bắc, Tây Bắc và Tây của thị xã Đông Hà và thành phố QT bị Cộng Quân tràn ngập. Ái Tử là một căn cứ lớn của quân đội Mỹ bàn giao lại cho SĐ3/QLVNCH, phía Đông sát cận QLộ 1, phía Nam tiếp giáp hướng Bắc cầu Thạch Hãn, phía Tây hướng về rặng Trường Sơn còn phía Bắc là hướng Nam của thị xã Đông Hà. BCH/LĐ258, BCH/TĐ1/TQLCVN đặt ở trong căn cứ khi BTL/SĐ3BB di chuyển về Cổ Thành Đinh Công Tráng. “Trong cương vị của một ĐĐT, tôi chỉ biết sự phối trí quân ở mức độ đó thôi, còn ở mức cao hơn, tôi thật sự không nắm vững, vả lại phạm vi bài viết này không cho phép tôi dài dòng, mà chỉ tóm gọn làm sao để nói lên sự can trường và sự hy sinh vô bờ bến của QLVNCH, điển hình là những đơn vị đã trực tiếp tham gia vào trận chiến bảo vệ vùng địa đầu giới tuyến”, sau khi tên Trung Tá Đính của SĐ3BB đầu hàng bọn cộng sản Bắc Việt tại căn cứ Carroll phía Bắc thuộc thị xã Đông Hà và sau đó tái chiếm lại thành phố Quảng Trị, thành phố vùng địa đầu giới tuyến, một thành phố bị tàn phá thảm khốc nhất trong những thành phố bị tàn phá vì chiến tranh của miền Nam thân yêu. Đơn vị mà tôi
muốn đề cập đến là lực lượng Thiết Giáp Binh, những Chi Đoàn Chiến Xa M48 và Thiết Quân Vận M113 đã tăng phái cho SĐTQLC ngay từ ngày đầu của cuộc chiến, đã cùng với những chiến sĩ TQLC chung lưng đấu cật chận đứng thế tiến công như chẻ tre của Cộng quân, khi chúng tung ra mũi tấn công chính diện “face attack” vượt sông Bến Hải trực chỉ phía Nam tấn công thẳng vào các căn cứ C1, C2, Carroll, Fuller, Cồn Thiên, tiến thẳng về thị xã Đông Hà, để uy hiếp thành phố Quảng Trị, mũi cạnh sườn “flank attack” phát xuất từ biên giới Lào Việt từ phía Tây tràn qua Alưới, Ashau Valley, Khe Sanh, Lao Bảo để khống chế Quốc Lộ 9, làm con đường tiếp vận lương thực và khí cụ từ Lào sang, đồng thời tấn công dữ dội các căn cứ Hỏa Lực như là Sarge, Holcomb, Ann, Bá Hô và Bastogne uy hiếp thành phố Quảng Trị và Cố Đô Huế. Với ý đồ tiến xuống vùng đồng bằng, cắt đứt Quốc Lộ 1 huyết mạch, chia cắt và cô lập Vùng 1 chiến thuật, hầu tách Quảng Trị và Cố Đô Huế ra khỏi vùng lãnh thổ Quân Đoàn 1 để đầu và đuôi không thể tiếp cứu lẫn nhau. SĐTQLC và SĐ1BB cùng các LĐ/BĐQ, ĐPQ buộc phải di tản chiến thuật, lui về tử thủ các căn cứ tại đồng bằng, tái trang bị để phản công chận bước tiến của địch. Trong khi TĐ1/TQLC phòng thủ phía Tây căn cứ Ái Tử, cùng với Chi Đoàn M113 của Thiết Đoàn 11 Kỵ Binh, trong một lần hoạt động bên ngoài phía Tây căn cứ, ĐĐ1 do tôi chỉ huy được tăng phái 2 Chi Đội M113 gồm 6 chiếc, do Th/Úy Sơn chỉ huy, tiến ra khỏi căn cứ, dàn đội hình hàng ngang lục soát mục tiêu, ĐĐ4 do Đ/Úy Việt chỉ huy tiến ra sau và ép về bên trái, khi ĐĐ4 đã dàn hàng ngang xong, chúng tôi bắt đầu tiến, khoảng được 500m thì tao ngộ chiến với địch ngay, hỏa lực địch rất mạnh gồm cả DKZ 82mm không giật “recoilless”, pháo binh 130mm cùng các loại hỏa tiễn 122mm,107mm cùng với SA7, AT3 và súng cối 120mm. Tôi cho lực lượng bộ binh “Infantry” ngừng lại bố trí, đồng thời lệnh cho Th/Úy Sơn điều động Thiết Quân Vận M113 dàn hàng ngang, xử dụng hỏa lực khối yểm trợ cho bộ binh chuẩn bị tấn công nới rộng vùng kiểm soát, đồng thời gọi Pháo Binh phản pháo bắn vào vị trí đầu não của chúng, Th/Úy Sơn ngồi bên cạnh tôi, luôn luôn nhắc nhở con cái tác xạ cẩn thận tránh gây thiệt hại cho đơn vị bạn, tôi đứng lên dùng ống nhòm quan sát điều chỉnh pháo binh bắn cắm chỉ thật chính xác vào mục tiêu và lệnh cho M113 tiến lên ngang hàng với bộ binh để chuẩn bị chuyển xạ pháo binh rồi dùng lực lượng bộ binh cùng với thiết quân vận tấn công, đẩy lùi địch quân ra xa, nới rộng vòng đai phòng thủ căn cứ “vì bọn CS áp dụng chiến thuật Nắm Lấy Thắt Lưng Địch mới đánh, hòng vô hiệu hóa yếu tố ưu thế hỏa lực Phi Pháo của ta nên chúng liều chết bám sát lực lượng ta như đỉa”. Nhưng không may cho tôi khi chiếc M113 mà tôi đặt BCH cùng với BCH của Th/Uý Sơn tiến lên tuyến đầu thì bị qủa DKZ trực xạ của địch bắn trúng ngay vào khẩu ĐL50, chiến hữu xạ thủ bị tan xác phần trên, bụng và hai chân còn lại trong xe,Th/Úy Sơn ngồì kế bên thịt da nát tan, hiệu thính viên của tôi và toán Tiền Sát Pháo Binh đều bị thương và rơi xuống đất, phần tôi thì vẫn đứng như trời trồng, cái nón sắt bay mất tiêu, mặt mày dính đầy máu thịt của những chiến hữu mũ nồi Đen ,màu của Binh Chủng Thiết Giáp và máu của chính tôi nữa, đứng bất động được một chút thì tôi ngã nhào xuống xe, cho đến lúc Đ/Úy Việt và Tr/Úy Trọng chạy đến, tôi chỉ kịp nói “Việt coi luôn ĐĐ1, Tr/Úy Trọng tuyệt đối tuân lệnh điều động của Đ/Úy Việt” rồi ngất đi. Khi tỉnh lại tôi thấy đang nằm trong bệnh viện Quảng Trị, cảm thấy thèm điếu thuốc, rờ vào túi áo giáp tìm bao thuốc nhưng áo giáp đã được các cô Y Tá cởi ra đang mắc ở chiếc ghế, không ngồi dậy được buộc lòng phải nhờ cô Y Tá lấy giùm. Tôi chợt nghe tiếng la nho nhỏ:
Trời ơi, cái gì vậy nè? Nhìn kỷ lại thì đó là một miếng thịt không biết là của chiến hữu xạ thủ ĐL50mm hay là của Th/Úy Sơn Chi Đội Trưởng Thiết Quân Vận M113 của Thiết Đoàn 11 Kỵ Binh văng vào túi áo giáp của tôi.
Lần này thì lại có cơ hội cùng hành quân với Chi Đoàn 1/20 Chiến Xa M48, khi tôi có lệnh rút bỏ căn cứ Phượng Hoàng để về phòng thủ Ái Tử thì đơn vị bị thiết giáp địch truy đuổi, khoảng 15 chiếc T54 và T59 dàn hàng ngang, dương cờ đỏ sao vàng nghênh ngang chạy trên những ngọn đồi trọc, dốc lài lài, lúc ẩn lúc hiện truy đuổi chúng tôi từ hướng Tây xuyên thẳng về Đông trong khi đó đơn vị tôi đang cố gắng rút thật nhanh để tránh thiệt hại, tôi dùng hỏa lực pháo binh và các tổ chống chiến xa như là lực lượng cầm chân chúng và chờ đợi thiết giáp tăng viện. Tiểu Đoàn gởi tăng viện đến cho tôi 4 M48 do Trung Úy Tôn Thất Đàn chỉ huy. Khi M48 đến, tôi chỉ rõ mục tiêu cho Tr/Úy Đàn với một yêu cầu duy nhất là phải rang được nhiều cua, Rang có nghĩa là bắn cháy, Cua có nghĩa là xe tank” và ngược lại Trung Úy Đàn yêu cầu bảo đảm an ninh cạnh sườn được an toàn, sau khi tìm được vị trí thích hợp, Tr/Úy Đàn báo cho biết thiết giáp sẵn sàng tác xạ để chúng tôi khỏi bị giật mình, theo lệnh của Tr/Úy Đàn 4 M48 khai hỏa cùng lúc, thật là thần kỳ và vô cùng may mắn 4 viên đại bác 90mm của M48 vừa ra khỏi nòng thì cũng vừa đúng lúc 4 T54 và T59 của bọn CSBV bùng cháy như những ngọn đuốc, khói đen bốc cao cùng với những tiếng nổ long trời lở đất vang lên từ những đạn dược dự trữ chất chứa trong xe, chận đứng ngay sự ngông nghênh của thiết giáp địch, chúng khựng lại ngay và quay đầu rút lui. Toàn thể binh sĩ TQLC đồng loạt đứng dậy reo hò vang trời và hoan hô lực lượng Thiết Giáp Binh, Chi Đoàn 1/20 Chiến Xa.
Trong khi lực lượng TD1/TQLC và Thiết Đoàn 20 CX đang nỗ lực trấn giử căn cứ Ái Tữ thì tại BTL/SĐ3BB qua tác giả Vương Hồng Anh đã mô tả tình hình tại BTL/SĐ3BB như sau:
Ðêm Dài Nhất Ở Cầu Ga Quảng Trị
Sau khi Bắc Việt tung 45,000 quân vượt sông Bến Hải đồng loạt tấn công vào cụm phòng tuyến phía Tây và Tây Bắc Quảng Trị ngày 30 tháng 3 năm 1972, chiến trường Quảng Trị đã trở thành điểm nóng của các giao tranh ác liệt giữa lực lượng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Bắc quân. Chiều ngày 2 tháng 4 năm 1972, căn cứ Tân Lâm thất thủ. Tối cùng ngày, quân trú phòng căn cứ Mai Lộc triệt thoái. Trong ba ngày 9, 10 và 11 tháng 4 năm 1972, quân Bắc Việt tấn công cường tập vào căn cứ Phượng Hoàng nhưng đã bị Thủy Quân Lục Chiến đánh bật trở ra. Từ ngày 12 đến ngày 25 tháng 4 năm 1972, Bắc quân mở nhiều trận tấn công vào tuyến phòng ngự của Trung Đoàn 2 Bộ Binh (BB), Trung Đoàn 57 Bộ Binh, Liên Đoàn 4 và 5 Biệt Động Quân (BDQ), Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh, Lữ Đoàn 147 và 258 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC).
Ngày 26 tháng 4 năm 1972, Bắc quân tấn công vào các vị trí phòng thủ của Thủy Quân Lục Chiến. Đêm 27 tháng 4, Bắc quân pháo kích trúng vào kho đạn Ái Tử. Ngày 28 tháng 4 năm 1972, áp lực nặng trên tuyến phòng thủ của Biệt Động Quân ở Đông Hà khiến đơn vị này phải lui quân về bố phòng tại Ái Tử.
Đêm 28 tháng 4, Bắc Việt điều động chiến xa và bộ binh tiến về khu vực cầu Ga tỉnh Quảng Trị, đây là đêm dài nhất của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh trong nỗ lực điều động các đơn vị bảo vệ hai chiếc cầu kế nhau bắt ngang sông Thạch Hãn: đó là cầu Sắt (cư dân địa phương còn gọi là cầu Ga, vì gần nhà Ga dành cho xe lửa, và chiến xa có thể di chuyển qua được) và cầu Ván đi ngang Quốc Lộ 1. Trước khi cầu Ván chưa xây vào năm 1969, cầu Sắt được sử dụng chung tất cả các phương tiện.
Theo tài liệu của cố Trung Tá Nguyễn Thượng Thọ (nhà văn Lê Huy Linh Vũ), người có mặt tại trung tâm hành quân của Sư Đoàn 3 Bộ Binh trong đêm trận chiến xảy ra, và đối chiếu với tài liệu của Ủy Ban Quân Sử Hoa Kỳ cùng lời kể của một số sĩ quan tham mưu Sư Đoàn 3, diễn tiến về trận chiến tại khu vực cầu Ga Quảng Trị được ghi nhận như sau.
Tối 28 tháng 4 năm 1972, một đại đội tiền đồn phát giác một toán quân địch có chiến xa yểm trợ tại một điểm ở cách xa 2,000 mét hướng Tây Bắc cầu Ga Quảng Trị. Trung tâm phối hợp hỏa lực của Bộ Chỉ Huy Pháo Binh Sư Đoàn 3 Bộ Binh đã điều động các pháo đội hỏa tập chận địch. Hàng loạt đạn đại bác rơi xuống mục tiêu. Trong đợt đầu, có hơn 100 quả đạn được bắn đi. Tiếng tiền sát viên báo về: “Địch vẫn còn tiến chỉ còn cách phòng tuyến ta 1,500 mét”
Loạt hỏa tập thứ hai vào khoảng 200 quả 105 và 155 ly và các sĩ quan ở trung tâm đều tin rằng loạt hỏa tập này sẽ chận đứng đoàn chiến xa Bắc quân. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, tiếng tiền sát viên lại vang lên trong máy truyền tin: “Địch tiếp tục tiến đều, dẫn dầu là đoàn chiến xa.” Chiến xa địch đã bắt đầu dàn hàng ngang và đang tiến về phía đầu cầu, chỉ còn cách xa cầu khoảng 1,000 mét nữa mà thôi.
Để chận địch, Đại Tá Ngô Văn Chung (Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 3 Bộ Binh) ra lệnh cho sĩ quan phụ trách không yểm xin Không Quân VNCH yểm trợ. Nhưng trung tâm không yểm ở Đà Nẵng báo cho biết là tất cả các phi cơ đều xuất trận, chỉ còn lại một chiếc A-37 nên không thể cất cánh được. Cuối cùng sĩ quan không yểm phải chạy sang bunker bên cạnh tìm cố vấn Mỹ nhờ chuyển lời của Đại Tá Chung xin các phi vụ B-52 và không quân chiến thuật yểm trợ. Trong khi đó thì sĩ quan tiền sát viên lại tiếp tục gọi về báo cáo: “Địch còn cách cầu 500 mét.” Trong khi chờ đợi sự yểm trợ của Không Quân Hoa Kỳ, các pháo đội Sư Đoàn 3 Bộ Binh cho tác xạ liên hồi để chận địch.
Sĩ quan liên lạc không yểm trở lại với cố vấn trưởng sư đoàn và một cố vấn phụ trách không trợ. Vị sĩ quan này báo với Đại Tá Chung là cố vấn Mỹ yêu cầu xác định tọa độ. Lời yêu cầu này đã gián tiếp cho biết là Cố vấn Mỹ nghi ngờ Sư Đoàn 3 Bộ Binh cho lầm tọa độ vì mục tiêu yêu cầu cho B-52 quá gần, sát ngay bờ sông Thạch Hãn. Cố vấn Mỹ sợ B-52 ném nhầm trúng quân bạn. Ngay lúc đó, tiền sát viên lại gọi về: “Chiến xa địch trên cầu. Bộ đội địch đang tràn qua cầu.” Đại Tá Chung chụp lấy ống liên hợp:
- Anh quan sát kỹ lại coi, bên kia cầu mình còn chi đoàn chiến xa và Tiểu Đoàn 2. Làm sao chiến xa địch lên cầu được.
Tiếng sĩ quan tiền sát viên trả lời:
- Tôi quan sát kỹ rồi. Chi đoàn của Thiết Đoàn 17 và Tiểu Đoàn 2 đã rút đi cách đây mấy phút. Hiện chiến xa địch đang ở trên cầu. Nhiều bóng người đang lúc xúp chạy trên cầu.
Đại Tá Chung hỏi lại:
- Cầu nào ?
- Dạ, Cầu Sắt.
Nghe báo cáo vậy, Đại Tá Chung la lớn lên: “Không có lý, không thể được!” Rồi ông quay sang bảo hiệu thính viên truyền tin ngồi gần: “Anh gọi cho tôi liên lạc với chi đoàn Thiết Giáp và Tiểu Đoàn 2 gấp.”
Cây cầu sắt dẫn qua sông Thạch Hãn ở quảng Trị. (HÌNH ẢNH: sưu tầm)
Cố vấn Mỹ vẫn đứng chờ xin tọa độ. Đại Tá Chung nói với Trung Tá Tám, phụ trách hành quân: Anh chỉ tọa độ trên bản đồ cho họ. Trung Tá Tám mời hai cố vấn Mỹ đến trước bản đồ, lấy bút chì mỡ khoanh tọa độ mục tiêu. Vừa lúc đó, một sĩ quan của tiểu đoàn Công Binh Sư đoàn bước đến gần Đại Tá Chung và trình:
- Xin Đại Tá cho phép phá cầu. Chất nổ mình đã đặt sẵn dưới cầu rồị Chỉ bấm nút là nổ ngay.
Đại Tá Chung khoát tay: “Khoan đã, chờ một chút.” Người hiệu thính viên truyền tin báo với vị tư lệnh phó sư đoàn:
- Thưa Đại Tá, không liên lạc được với chi đoàn Thiết Giáp. Có lẽ họ đang di chuyển.
Đại Tá Chung ra lệnh:
- Gọi thằng bố nó, bảo bố nó liên lạc với nó yêu cầu nó cho sư đoàn biết ngay vị trí hiện tại của nó. (bố nó: bộ chỉ huy của Thiết Đoàn 17).
Trung Tá Tám đã chỉ xong mục tiêu cho cố vấn Mỹ trên bản đồ nhưng cố vấn Mỹ vẫn chưa chịu và xin Đại Tá Tư Lệnh Phó đích thân xác nhận lại. Đại Tá Chung bực mình đứng dậy, bước về phía bản đồ, vừa đi vừa quay lại nói với sĩ quan Công Binh:
- Anh vào gặp thiếu tướng, xin quyết định của thiếu tướng về việc phá cầu (trong xưng hô với cấp chuẩn tướng, các sĩ quan thường “tôn cấp” các vị này là thiếu tướng).
Người sĩ quan Công Binh chạy đi trình tướng Giai trong khi Đại Tá Chung chờ liên lạc với Thiết Đoàn 17. Một lúc sau, các sĩ quan trong trung tâm thì thầm với nhau là tướng Giai không cho phá cầu, vì còn một số lớn chiến xa và một số pháo đội 105, 155 và 175 ly, còn ở căn cứ Ái Tử, chưa tính các thành phần bộ chiến đang phòng ngự ở phía Bắc Thạch Hãn.
Đột nhiên, có một tiếng nổ ầm từ phía cầu vọng lại. Cùng một lúc tiếng của tiền sát viên gọi về:
- Cầu sập rồi.
Đại Tá Chung hét lên: “Cầu nào?!!!”
Tiền sát viên trả lời: “Cầu Ván.”
Đại Tá Chung la lớn: “Ai cho lệnh phá cầu?”
Sĩ quan Công Binh tiến đến gần và nói: “Thưa Đại Tá, không phải mình phá.” Đại Tá Chung nghiêm mặt hỏi: “Vậy thì ai phá?” Sĩ quan Công Binh: “Thưa đại tá, có lẽ tụi nó.”
Đại Tá Chung lắc đầu nói lớn: “Tụi nó phá làm gì. Anh coi lại liền và cho biết có phải mình phá không?” Trong khi sĩ quan Công Binh đang liên lạc với toán Công Binh ở cầu thì hiệu thính viên báo cho Đại Tá Chung biết là đã liên lạc được với Tiểu Đoàn 2. Chụp lấy máy, vị tư lệnh phó sư đoàn nói ngay:
- Tiểu đoàn 2. Anh cho tôi biết ngay vị trí của anh!
- Dạ, tụi tui ở đầu cầu.
- Đầu cầu bên này, hay đầu cầu bên kia.
- Dạ, đầu cầu bên này.
- Ai cho phép các anh rút về bên này?
- Thấy Thiết Giáp rút, tưởng có lệnh ở trên rút, tụi tui rút theo.
- Từ chỗ anh bây giờ, anh có thấy thằng con của 17 Thiết Kỵ nằm ở đâu không ?
- Dạ, thằng 17 nằm chung với tụi tui tại đây.
- Anh có thấy gì bên kia sông không ?
- Dạ không.
- Anh quan sát cho kỹ bên kia cầu, có thấy chiến xa địch không ?
- Dạ tối quá không thấy chi hết!
- Ở trên cầu có gì không?
- Dạ không.
Đại Tá Chung ra lệnh cho sĩ quan ngồi gần liên lạc với Pháo Binh cho bắn trái sáng lên cầu. Vào lúc đó, hai cố vấn Mỹ trở lại. Vị cố vấn trưởng nói với Đại Tá Chung:
- Xin Đại Tá xác nhận một lần chót bên kia sông tại tọa độ Đại Tá yêu cầu thả bom không có quân bạn.
Đại Tá Chung đập bàn hét lớn: “Tôi xác nhận!”
Cố vấn trưởng sư đoàn nói tiếp: “Đại Tá hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có sự lầm lẫn.” Đại Tá Chung mặt đỏ gay: “Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.” Vị cố vấn trưởng vẫn bình tĩnh và lễ độ trước sự nóng giận của vị tư lệnh phó Sư Đoàn 3:
- Đúng 5 phút nữa thì B-52 thả bom. Hai phút sau nữa là Phantom khởi sự oanh kích đầu cầu bên kia bằng hỏa tiễn không địa. Sau khi B-52 thả bom xong đúng một phút, xin cho bắn một trái sáng để chỉ định mục tiêu cho Phantom.
Đại Tá Chung gọi to: “Pháo Binh, có nghe rõ không?” Một sĩ quan Pháo Binh đang đứng sau lưng cố vấn Mỹ trả lời ngay: “Trình Đại Tá, nghe rõ rồi. Chúng tôi sẽ bắn trái sáng vào phút thứ sáu.”
Không khí trong phòng bớt căng thẳng, một lát sau Tiểu Đoàn 2 (thuộc Trung Đoàn 2 Bộ Binh) báo cáo về là mới hạ được một chiến xa địch, xe đang bốc cháy. Đại Tá Chung hỏi vị trí xe tăng địch bị hạ thì tiểu đoàn này cho biết là ở ngay trên cầu. Đại Tá Chung hỏi tiếp: “Bên kia nó tràn qua hay sao? Mấy chiếc mà chỉ bắn một chiếc thôi?” Tiểu đoàn trả lời: “Không nó ở đầu cầu bên này rút về.” Đại Tá Chung nghi ngờ thì được tiểu đoàn trưởng trình bày:
- Hồi nãy tụi tui rút về có 3 chiến xa của tụi nó bám theo qua tận cầu bên này mà mình không biết. Lúc trái sáng bắn lên, tụi nó hoảng quá, thụt lui, chạy thoát được 2 chiếc. Chiếc thứ ba bị tụi tui bắn trúng. Hiện đang còn bốc cháy. Có mấy thằng địch trong chiếc xe cháy đỏ nhảy ra, tụi tui đang ví bắt.
Đại Tá Chung khen ngợi: “Tốt lắm, lục soát lại kỹ bên này coi có thằng nào còn sót không. Cẩn thận, nghe tiếng phi cơ thì núp xuống, mình sẽ thả bom đầu cầu bên kia, mấy anh đừng bỏ máy đó nghe.”
Sĩ quan Công Binh đã liên lạc xong với toán Công Binh có nhiệm vụ phá hủy cầu khi có lệnh, anh báo với Đại Tá Chung:
- Trình Đại Tá, Công Binh xin xác nhận không phải mình phá cầu, chính tụi nó phá.
Vừa lúc đó, một sĩ quan hấp tấp bước vào trao cho Đại Tá Chung một mảnh giấy và nói:
- Trình Đại Tá, đây là một tin kiểm thính máy tụi nó nói với nhau, mình vừa kiểm thính xong.
- Anh đọc lớn tui nghe coi.
- Dạ thằng A báo cho thằng B rằng chiếc cầu thứ hai là cầu sắt kiên cố, chất nổ tụi nó mang theo không đủ làm sập cầu. Nó xin thằng kia mang thêm chất nổ lên gấp.
Nghe vậy, Đại Tá Chung chụp lấy ống liên hợp ra lệnh:
- Tiểu Đoàn 2, cho một đứa con của anh lên cầu. Tui nói: Lên cầu! Lục soát gấp! Địch đang tìm cách phá cầu! Phải ngăn chận bằng mọi cách với bất cứ giá nào!
- Dạ tui nghe rõ, tui cho đi ngay.
Một phút sau, cách hướng Tây Bắc của Cổ Thành khoảng một ngàn mét, B-52 đã trút một trận mưa bom xuống các mục tiêu bên kia bờ sông.
Vương Hồng Anh
Tình hình của TĐ1TQLC Quái Điểu tại phía Tây Nam căn cứ Ái Tử-Phượng Hoàng.
Vào một ngày gần cuối tháng 4 năm 1972, trước khi di tản rời bỏ Quảng Trị, tôi từ Sàigòn ra đáo nhận đơn vị hành quân sau 15 ngày điều trị tại bệnh viện Lê Hữu Sanh của TQLC trong căn cứ Sóng Thần, Thủ Đức. Khi chiếc Jeep đưa tôi đến BCH/TĐ gặp Th/Tá Hòa, người vừa mới đến thay Th/Tá Tống “bị thương vì pháo kích” giữ chức vụ quyền TĐT/TĐ1 “vì Th/Tá Nghi TĐP/TĐ1 tử trận”. Sau khi nghe thuyết trình về tình hình Địch, Bạn và lời dặn dò của Hương Giang “ám danh đàm thoại của Th/Tá Hòa”, tôi nhảy lên chiếc Jeep về thẳng vị trí ĐĐ đang phòng thủ cửa Nam Tây Nam căn cứ Ái Tử, bàn giao với Đ/Úy Anh người thay tôi chỉ huy ĐĐ1 khi tôi bị thương xong, bắt tay chúc nhau may mắn. Anh lên xe trở về đơn vị gốc của Anh là TĐ3, Anh với tôi cùng khóa 21 Đà Lạt. Khi chiếc Jeep mang Anh đi vừa khuất thì pháo địch bắt đầu bắn liên tục suốt từ sáng kéo dài cho đến gần tối, theo kinh nghiệm, tôi ước tính là địch có thể tấn công trong đêm nay nên tôi cho con cái chuẩn bị tinh thần, yêu cầu Ban 4/TĐ tăng cường hỏa lực gấp đôi cho súng cộng đồng, lựu đạn và mỗi khinh binh 2 đơn vị hỏa lực, Trung Sĩ nhất Quỳnh cùng chiếc Jeep chất đầy đạn dược phóng nhanh đến chỗ tôi dưới làn mưa pháo dày đặc , Tr/Sĩ Tư Tiểu Đội Trưởng Tiểu Đội Biệt Kích và Thượng Sĩ Phước Thường Vụ ĐĐ nhanh chóng bốc dỡ đạn dược xuống giao thông hào rồi phân phối đến từng vị trí Trung Đội.
-Bồng Sơn còn cần gì nữa không? Để tôi về chở tiếp, Tr/Sĩ Quỳnh phụ tá B4 lên tiếng.
-Mình còn nhiều lựu đạn không em? Tôi hỏi.
-Dạ còn .
-Vậy em mang thêm cho tôi 10 két nữa thôi.
-Dạ .
Quỳnh và Hạ Sĩ Lượng “tài xế” phóng nhanh lên xe chạy về hướng Tiểu Đoàn, biến mất trong màn bụi mịt mù và tiếng nổ long trời lở đất của hỏa tiễn, pháo binh địch.
B- Trận Xa chiến thứ hai.
Đúng như tôi tiên liệu, khi trời sụp tối thì nghe tiếng chiến xa của địch xuất hiện, tiến thẳng vào căn cứ theo cổng hướng Nam Tây Nam là cổng hướng về căn cứ Phượng Hoàng, chúng ngang nhiên tiến vào cổng không một chút kiêng dè sợ hãi, Trung Đội của Chuẩn Úy Hiếu, là một Thiếu Sinh Quân vừa tốt nghiệp Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức chịu trách nhiệm phòng thủ cổng, báo cáo có rất nhiều bộ binh tùng thiết ngồi trên xe, xin lệnh khai hỏa nhưng tôi không chấp thuận, linh tính báo cho tôi biết là có điều gì bất thường của địch và lệnh cho tất cả phải im lặng tuyệt đối mọi sự di chuyển phải tuyệt đối di chuyển dưới giao thông hào, ai di chuyển trên mặt đất là địch sẽ bị bắn, chỉ được khai hỏa khi có flare màu xanh, đồng thời tôi liên lạc với Hương Giang yêu cầu tăng cường M48 lên với tôi, 2 M48 do Trung Úy Đàn chỉ huy đến, tôi yêu cầu chỉ tác xạ khi thấy signal màu xanh và tất cả những ai di chuyển trên mặt đất là địch, bắn hết. Khi thiết giáp địch bắt đầu tiến vào cổng, cán qua giao thông hào thì có 2 binh sĩ hoảng hốt mất tinh thần chạy lui, vừa chạy vừa nói:
Chạy đi, Bồng Sơn chạy rồi.
Rất không may cho 2 chú này, khi thốt ra câu nói đó thì gặp ngay Thượng Sĩ Phước Thường Vụ Đại Đội đứng ngay bên cạnh dưới giao thông hào.
-Đ. Mạ tụi bây, Đ/Úy và tao còn đây, ai chạy hồi nào mà tụi mi nói láo vậy, hai chú lính định chém vè tỉnh ngộ, năn nỉ:
-Thượng Sĩ tha cho tụi em, thiết giáp nó cán qua đầu tụi em nghe ghê qúa.
-Tao thông cảm với tụi mi sợ qúa thì bỏ chạy, nhưng sao bọn mi nói láo là Đ/Úy và BCH/ĐĐ chạy rồi là làm sao? Làm mất tinh thần anh em khác, mau trở lại tuyến phòng thủ ngay.
-Dạ, tụi em cảm ơn Thượng Sĩ, tụi em đi ngay.
Tôi trông ngóng, chờ đợi mìn chống chiến xa nổ, nhưng chiếc thứ nhất vào lọt trong tuyến phòng thủ với bộ binh tùng thiết, rồi chiếc thứ hai cũng vào lọt luôn, tôi bối rối hỏi toán công binh tại sao không nghe mìn nổ, trưởng toán cho biết khi đang gài mìn thì bị pháo nên không kịp mở chốt an toàn về vị trí kích hỏa, tôi tức qúa cú đầu toán trưởng một cái rồi kêu trời, nhưng trời cũng chẳng giúp gì tôi được trong giờ phút sinh tử này, nhưng có lẽ ơn trên thương tình nên khi chiếc thứ ba vừa vào ngay ở giữa cổng thì một tiếng nổ long trời lở đất của một trái mìn nào đó làm chiếc T59 bốc cháy và chắn ngay cổng làm cho các chiếc sau không vào được. Tên chỉ huy đã vào lọt bên trong tuyến phòng thủ cho lệnh:
Các đồng chí thuộc C1, C2, C3 tập họp.
Bọn lính bộ binh nhảy xuống xe nhanh chóng xếp hàng, tên chỉ huy ra lệnh:
Bọn Lính Thuỷ Đánh Bộ “Ngụy” đã rút hết rồi, các đồng chí khi tiếp thu phải cẩn thận coi chừng mìn, bẫy nó để lại đấy.
Khi nó vừa ra lệnh xong thì cũng chính là lúc tôi phóng flare màu xanh lên và yêu cầu súng cối 81ly của ĐĐCH bắn soi sáng liên tục, tất cả mọi loại súng đều đồng loạt nổ kể cả Thiết Giáp M48, trong giây phút đầu M48 đã xơi tái hai con cua ngay từ loạt đạn đầu tiên và 86 tên vịt con bị tiêu diệt ngay lập tức, bọn ở ngoài bỏ chạy, bị phi cơ C119 và C130 trang bị súng máy có tốc độ bắn cực nhanh 6000 viên trong một phút và canon beauford săn đuổi. Cái gía mà bọn chúng phải trả cho sự tuyên truyền lừa bịp của cấp chỉ huy với thuộc cấp là hơn 100 tên phơi xác, vũ khí tịch thu vừa cá nhân vừa cộng đồng là 85 khẩu, 2T54 bị bắn cháy và 1 bị mìn chống chiến xa phá hủy, phía ĐĐ1 và TG vô sự. Chiến thắng lừng lẫy của quân nhân các cấp TQLC và Thiết Giáp này bị bỏ quên vì sau đó hai ngày thì có lệnh rút bỏ Quảng Trị, nhưng nó là một trận đánh mà tôi nhớ hoài không bao giờ quên được vì nó đã biểu lộ tính kỷ luật, gan lì và sự bình tĩnh đến cao độ cùng với khả năng chiến đấu kiên cường của toàn thể quân nhân các cấp thuộc ĐĐ1/TĐ1/TQLC và Chi Đoàn Chiến Xa 1/20 nói riêng và QLVNCH nói chung trong cuộc chiến Bảo Vệ miền Nam Tự Do. Cho đến bây giờ đã hơn 40 năm trôi qua, tôi vẫn không hiểu được tại sao chúng tôi lại có thể giữ được sự bình tĩnh đến mức độ như vậy khi ta và địch chỉ cách nhau khoảng 30m và chiến xa địch cán lên giao thông hào còn ta thì ở dưới, thật giống trong những film chiến tranh Đệ nhị Thế chiến, khi chiến xa Đức của Thống Chế Rommel tấn công vào tuyến phòng thủ của quân đội Mỹ tại mặt trận Normandi- Pháp hay của Đại Tướng Patton Mỹ đánh vào vị trí của quân đội Đức khi vào giải phóng thủ đô Berlin hoặc Tướng Montgomery Anh đánh tan tác phe Trục tại Bắc Phi. Nếu có cơ hội gặp laị Trung Úy Tôn Thất Đàn tôi sẽ hỏi anh về điều này: “ có bao giờ anh bắn thiết giáp địch trong cự ly 50m trở lại chưa” ?, ngoại trừ trận đánh này đúng là Cùng tắc Biến, Biến tắc Thông.
Sau khi tôi viết bài này thì rất vui mừng và may mắn tìm lại được tin tức của Đ/Úy Đàn và đính kèm dưới đây là bức thư của anh ấy.
Anh Bồng Sơn mến.
Tôi có nhận được thư của anh gởi cho tôi qua anh Khổng ở NJ.
Thời gian quá mau anh nhỉ! Mới đó mà đã 40 năm qua rồi như một giấc mơ!
Tôi rất nhớ về anh! Mùa Hè đỏ lửa, tôi ở Chi Đoàn 1/20 CX M.48 , còn anh
ở Tiểu Đoàn 1 TQLC (LĐ.147). Tôi còn nhớ rõ trận đánh xa chiến với Cộng
quân ở sau căn cứ Phượng Hoàng (Quảng Trị). Suýt nữa tụi nó dập hết mấy đơn
vị TQLC của anh và Chi Đoàn M.113 của Thiết Đoàn 11 KB rồi chứ. Hồi đó tôi mà
không xâm mình với tụi nó thì tôi cũng đi đoong rồi ! hì hì!!! Nhưng khi rút vào tới
Cầu Dài (bãi cát Hải Lăng, đại lộ kinh hoàng) vì M.48 của tôi không lội qua sông
được, nên tôi bị bắt ngay đó anh à! Qua năm 1973 tôi được trao trả về tại sông Thạch
Hãn, và qua 1/5/1973 tôi được vinh thăng Đại Úy anh à. Kể ra cũng an ủi phần nào.
Ông Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng 1/147 của anh có còn không? Cho tôi gởi lời thăm!
Có gì mình liên lạc với nhau sau nhá anh!
Gởi anh bài hồi ký của tôi để anh đọc cho vui. Cám ơn anh đã có lời chúc mừng!
Chúc anh và gia đình vui mạnh.
Tôn Thất Đàn
Chi Đoàn 1/20 Chiến Xa
(Ái Tử, Quảng Trị)
Nhờ vào kỹ thuật thông tin nhanh chóng, tôi đã may mắn liên lạc tìm ra được người chiến sĩ binh chủng mũ nồi Đen tức binh chủng Thiết Giáp Đại Úy Tôn Thất Đàn, “người mà đã cùng với ĐĐ1/TĐ1/TQLC tạo nên những chiến thắng oanh liệt cho trang sử của QLVNCH thêm chói lọi, dù rằng những chiến thắng đó bị rơi vào quên lãng “không một ai còn nhớ ngoại trừ người trong cuộc” vì những biến động quá to lớn xảy ra cho Quân và Dân miền Nam khi phải triệt thoái chiến thuật, rút bỏ thành phố Quảng Trị lui về lập phòng tuyến Mỹ Chánh chuẩn bị phản công tái chiếm lại phần lãnh thổ bị tạm chiếm. Biết anh được vinh thăng Đại Úy tháng 5-1973, tôi rất vui mừng vì dầu sao nó cũng an ủi phần nào cho anh sau những tháng ngày chiến đ̣ấu, tù đày vô cùng gian khổ mà anh phải chịu đựng thêm nhiều mất mát cho bản thân và gia đình. Năm 1973 khi TĐ1/TQLC chịu trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự bãi trao trả tù binh Thạch Hãn, tình cờ tôi thấy tên anh trong bản danh sách tù binh thì mới biết anh bị bắt, chờ mãi nhưng chẳng thấy anh về nên tôi đã đưa tên của anh cho Ủy Hội Quốc Tế nhờ họ liên lạc tìm kiếm, sau đó một nhân viên người Iran nói với tôi là anh sẽ được trao trả chuyến sau cùng, nhưng ngày đó tôi phải đi công tác xa nên không gặp anh được. Dù rằng tôi được vinh thăng Đại Úy 1971 trước anh 2 năm nhưng trong thâm tâm tôi, anh là một trong những người chiến sĩ mà tôi ngưỡng mộ vì anh có đầy đủ những đức tính và điều kiện của một cấp chỉ huy và nhất là anh rất bình tĩnh, gan lì trong khi đ̣ối diện với quân thù.
Đại Úy Tôn Thất Đàn, người hùng của Chi Đoàn Chiến Xa 1/20
Anh rất xứng đáng để nhận được những phần thưởng và huy chương Anh Dũng nhất dành cho binh chủng Thiết Giáp. Tổng kết trong hai trận đánh mà đơn vị anh tăng phái cho cho ĐĐ1/ TĐ1/TQLC, đơn vị của anh đã bắn cháy 6 chiếc T54, T59 và yểm trợ ĐĐ1/TĐ1/TQLC tiêu diệt hơn 100 tên xâm lược.
Vai trò của Thiết Quân Vận M113 cũng không kém quan trọng như TQLC hoặc Thiết Giáp, Thiết Đoàn 11&17 Kỵ Binh đóng góp công sức vô cùng to lớn trong các chiến dịch hành quân bảo vệ vùng địa đầu giới tuyến và tái chiếm lại thành phố Quảng Trị, giúp đỡ TQLC trong công việc phòng thủ, tấn công, tải thương, tiếp tế và chuyển quân, dấu ấn sâu đậm nhất với Thiết Quân Vận M113 và TĐ1/TQLC là trong chiến dịch tấn công dứt điểm Cổ Thành Đinh Công Tráng để hỗ trợ cho hòa đàm Paris. TĐ1 nhận nhiệm vụ cleared khu vực từ Bệnh Viện Quảng Trị (BCH/TĐ1 đóng tại Bệnh Viện, tọa lạc tại phía Nam cầu Thạch Hãn và bờ Đông Quốc Lộ 1)dọc theo bờ Nam sông Thạch Hãn tiến về phía Đông đến nhà Bank QT, từ Bệnh Viện đến nhà bank, địch chỉ bố trí những chốt nhỏ dọc theo bờ sông để cầm chân và làm tiêu hao lực lượng của ta vì khoảng không gian đó không một căn nhà nào còn cao qúa 2m (dù rằng trước khi chưa bị tàn phá, con đường này là một trong những con đường sầm uất nhất), nên chúng không có chỗ ẩn núp vững chắc, ĐĐ3 được tăng phái 1 Chi Đội M113 lãnh nhiệm vụ thanh toán cái chốt to lớn và kiên cố nhất chỉ sau chốt Cổ Thành mà thôi, đó là nhà Bank QT. Tiểu Đoàn Trưởng lúc đó là Th/Tá Hòa “Hương Giang”, tôi Bồng Sơn là Trưởng Ban 3 kiêm ĐĐT/CH. Sau những dằng co giữa ta và địch, ĐĐ3 từ sáng đến xế chiều chỉ mới tiến chưa tới 200m với thiệt haị khá nặng, trong lúc đó Ban 3 LĐ258 Đại Úy Nguyễn Tiến Tấn cứ đốc thúc và cuối cùng LĐT ra lệnh trực tiếp cho Hương Giang bằng mọi giá phải cleared được chốt X trước khi trời sập tối, HG mặt mày buồn xo căng thẳng quay qua tôi nói:
• -Bằng mọi giá phải nhổ cho xong cái chốt đó, chú mày có kế hoạch gì không?.
-Tôi có kế hoạch nhưng hơi táo bạo, không biết Hương Giang có chấp thuận không?
Thì nói đi.
-Trình HG tôi sẽ xử dụng một đứa con của thằng 1 “tức một Trung Đội của ĐĐ1” ngồi sẵn trong 3 chiếc M113, dùng pháo binh, phi cơ cover cho lực lượng Bộ Binh và TQV M113, bất thần phóng nhanh đến nhà Bank trong lúc địch còn đang trốn pháo binh và phi cơ của ta, khi gần đến mục tiêu tôi sẽ cho chuyển xạ và khi thấy trái khói bung ra chính là hiệu lệnh tấn công, tức thời M113 dùng đại liên 50 mm tác xạ tối đa vào mục tiêu và hai bên hông không cho chúng ngóc đầu lên, đồng thời mở cửa cho TQLC tràn lên cận chiến với địch và thanh toán mục tiêu. Hương Giang còn đắn đo suy nghĩ chưa quyết định dứt khoát, tôi bồi thêm:
-Chúng ta không còn cách nào khác hơn để hoàn thành nhiệm vụ mà không phải hy sinh, cứ một thước đất là bao nhiêu máu xương của chúng ta phải đ̣ổ ra. Rút từ kinh nghiệm của trận Hạ Lào nếu bị tấn công bất ngờ thì chúng phải bung ngay thôi, cho dù chúng là lực lượng do đảng viên cảm tử trấn giữ, tôi và toán tiền sát Pháo Binh sẽ lên vị trí xa nhất của đứa con thằng 3 và đích thân tôi sẽ điều chỉnh phi cơ và pháo binh yểm trợ. Đại Bàng yên chí.
Nhận thấy kế hoạch có thể thành công tuy có vẻ táo bạo, mạo hiểm và sự tình nguyện lên tuyến đầu của tôi và toán tiền sát làm HG xuôi lòng, ông miễn cưỡng nói:
-Thôi được cứ thế mà làm đi, nhưng tao chắc là thằng cố vấn nó không chịu theo chú mày đâu.
-Không sao đâu, tôi sẽ điều chỉnh phi cơ trực tiếp với HG và HG chỉ thị lại cho nó là được rồi, cứ để nó ở lại với HG. “Trong thâm tâm tôi không muốn nó đi theo, vì khi điều chỉnh phi cơ nó hay hỏi khoảng cách có an toàn hay là có quá gần với quân bạn không?, rất phiền phức”.
Tôi cho mời Trung Úy xử lý thường vụ chức vụ ĐĐT/ĐĐ1, ĐĐT/ĐĐ3 và Đại Úy Chi Đoàn Trưởng M113 lên họp, sau khi tôi thuyết trình tình hình, phân nhiệm vụ và kế hoạch tấn công, các đơn vị có nửa giờ để sắp xếp và điều động con cái sẵn sàng, riêng Trung Đội của ĐĐ1 thì tôi chỉ đích danh Trung Đội 3 do Thiếu Úy Vũ Mạnh Cường chỉ huy “sở dĩ tôi chỉ định Th/Úy Cường vì Cường là một Trung Đội Trưởng xuất sắc nhất của ĐĐ1 thời kỳ tôi làm ĐĐT, cùng với tôi trải qua bao nhiêu trận đánh khốc liệt và chính Cường đã có kinh nghiệm về đánh phản kích tại mặt trận Hạ Lào.” Giờ G đã đến, tôi và toán tiền sát di chuyển lên vị trí đứa con xa nhất của ĐĐ3, Trung Đội của Th/Úy Cường và Chi Đội M113 vào tần số nội bộ của Tiểu Đoàn và do tôi điều động.
Cuồng Phong đây Bồng Sơn.
Cuồng Phong nghe Bồng Sơn.
Con cái đã sẵn sàng chưa?.
Trình Bồng Sơn sẵn sàng,
OK, sau khi hai phi tuần con ma “Phantom F4” xong thì họ nhà pháo sẽ làm việc, để tránh sự phát giác của địch, tôi sẽ duy trì hỏa lực liên tục trên mục tiêu buộc chúng chúi đầu xuống hầm, và Cuồng Phong cho zulu thật nhanh, nhớ xử dụng các khẩu ĐL50 và M 79 tự động tức loại K19 của M113 tác xạ hai bên hông thật mạnh để không cho bọn chúng ngóc đầu lên được mà quan sát hoặc tác xạ chúng ta, khi thấy trái khói bung lên chính là lúc tôi chuyển xạ pháo binh xa hơn về phía Đông và đó cũng là hiệu lệnh tấn công, thì Cuồng Phong nhào lên chiếm mục tiêu, hiểu rõ chưa?
-Trình BS tôi nhận rõ.
-OK tất cả hãy sẵn sang, zulu khi có lệnh tôi.
Tôi núp sau bức tường đổ nát, dùng ống nhòm điều chỉnh phi cơ oanh kích vào vị trí nhà Bank, nơi mà tôi ước tính có khoảng từ 20 đến 30 tên đang phòng thủ tại đó, 2 chiếc Phantom F4 được phi cơ quan sát OV 10 phóng trái khói vào tọa độ yêu cầu là nhà Bank, trái khói hơi xa mục tiêu về phía Đông, tức thời tôi gọi HG
-Hương Giang đây Bồng Sơn
-HG nghe.
-West 100m.
OV10 sau khi nhận được yếu tố điều chỉnh bèn phóng trái khói thứ 2, đúng ngay mục tiêu.
-OK đô, HG cho nó làm đi, request thêm 2 rounds nữa nghe HG.
-Nhận rõ
Sau những đợt đánh bom, mục tiêu xem chừng bị tan nát, bị phá hủy gần như toàn bộ. Tôi nghĩ rằng các phi công đã dung loại smart bomb nên độ chính xác rất cao, khi phi cơ vừa rời vùng oanh kích tôi cho lệnh pháo binh bắn liên tục đồng thời lệnh cho Cuồng Phong zulu thật nhanh và M113 tác xạ dồn dập bằng đại liên 50ly, K19 “M79” tự động vào hai bên hông và phía trước không cho chúng ngóc đầu lên, khi lực lượng xung kích chỉ còn cách mục tiêu khoảng 50m tôi cho bắn trái khói làm hỏa mù và cũng là hiệu lệnh tấn công, đồng thời chuyển xạ pháo binh xa hơn 100m, khi trái khói vừa bung ra thì đồng loạt thiết quân vận mở cửa cho TQLC nhào ra tràn ngập mục tiêu trong khi các tên việt cộng còn đang chúi đầu ẩn núp, tiếng súng cá nhân của TQLC M16 bắt đầu nổ dòn, cũng chính là lúc Cuồng Phong báo cáo tình hình cho tôi:
Cuồng Phong bám chặt được mục tiêu rồi, đang thanh toán bọn vịt con, bọn chúng đang chúi đầu ẩn núp, trình HG và BS rõ.
Cuồng Phong xử dụng vị trí đó cắm chốt để có địa thế ẩn núp vì chúng sẽ pháo rất mạnh khi chúng ta đã thanh toán xong bọn chúng, lo củng cố vị trí trước, báo cáo tình hình sau, tôi cho lệnh.
Tôi biết HG đang theo dõi cuộc đột kích trên hệ thống truyền tin nên hỏi “dù rằng biết là thừa”.
-HG có cần tôi báo cáo tình hình không?
-Khỏi đi, anh đã theo dõi đầy đủ rồi, Cuồng Phong nó làm được việc lắm.
-Xin HG nhớ, kỳ này tưởng thưởng xứng đáng cho binh sĩ. Kết qủa sơ khởi là tiêu diệt toàn bộ địch, chiếm lĩnh được hoàn toàn vị trí trọng yếu này, nhà Bank tỉnh Quảng Trị.
Chiến thắng này là một sự phối hợp nhịp nhàng giữa Thiết Giáp, TQLC cùng với PB và KQ, đã tiết kiệm cho TĐ1 rất nhiều xương máu của binh sĩ các cấp. Qua nhiều lần hành quân chung, tôi nhận định vai trò của Thiết Giáp Binh cũng quan trọng ngang bằng với TQLC trong chiến thắng Cổ Thành Quảng Trị, và có thể nói trong mặt trận Quảng Trị, QLVNCH đã trưởng thành trong trận địa chiến mang tính quy ước, trước năm 1972 csBV chưa chính thức xử dụng thiết giáp binh khi đối đầu với QLVNCH do đó chúng ta từ Thiết Giáp cho đến Thủy Quân Lục Chiến và các lực lượng bộ chiến khác chưa có kinh nghiệm đối chọi với thiết giáp địch, mãi cho đến cuộc tổng tấn công vào mùa Phục Sinh 1972, chúng mới chính thức tung thiết giáp vào chiến địa. Chúng ta bị bỡ ngỡ ngay những giây phút đầu tiên, tinh thần binh sĩ bị lung lay hay nói khác hơn là hơi mất tinh thần, chính những lúc đó là lúc các cấp chỉ huy từ Tổ Trưởng, Tiểu Đội Trưởng, Trung Đội Trưởng, Đại Đội Trưởng, Chi Đội Trưởng, và Chi Đoàn Trưởng đã biểu lộ tính can trường và sự khôn khéo của những cấp chỉ huy trực tiếp trên chiến trường như Hạ Sĩ Tiến, Hạ Sĩ Bé, Trung Sĩ Thông, Trung Sĩ Tư, Chuẩn Úy Hiếu, Chuẩn Úy Kỷ, Thiếu Úy Cường, Thiếu Úy Tăng, Thiếu Úy Sơn “TG”, Tr/ Úy Đàn “TG”, riêng Đại Úy Nguyễn Trung Việt ĐĐT/ĐĐ4/TĐ1/TQLC vì muốn giữ vững tinh thần binh sĩ không nao núng trước thiết giáp địch, ông bất chấp tất cả, đã dùng M72 với thế bắn qùy ở địa thế trống trải để tác xạ vào thiết giáp địch làm gương cho binh sĩ các cấp, chứng tỏ cho thuộc cấp chẳng có gì phải sợ chúng nó, hãy giữ vững tinh thần để chiến đấu.
Comments
Post a Comment