CUỘC ĐẢO CHÁNH 11-11-1960.

CUỘC ĐẢO CHÁNH
11-11-1960
Khi xẩy ra cuộc đảo chánh 11-11-1960, tôi chỉ là một sĩ quan cấp nhỏ (thiếu tá), nhưng lại là một trong những vai chính bảo vệ chế độ, nhất là bảo vệ Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Ngày ấy, tôi là trung đoàn trưởng Trung Đoàn 12, thuộc Sư Đoàn 7 do Trung Tá Huỳnh Văn Cao làm tư lệnh. Trung đoàn của tôi là đơn vị đầu tiên ở miền Đông về Thủ Đô, chiếm lại đài phát thanh và ngăn chận đơn vị Nhảy Dù, lúc đó đang chiếm thành Cộng Hòa, không cho đơn vị này tấn công Dinh Độc Lập.
Ngày 11/11/60, đơn vị của tôi đóng tại Bà Rịa là tỉnh Phước Tuy bây giờ. Lúc hơn 4 giờ sáng, tôi được Trung Úy Hảo gọi cửa, cầm theo một radio chạy pine, cho tôi rõ là Sàigòn có đảo chánh, do đơn vị Nhảy Dù làm chủ động.
Lập tức, tôi cho báo động, và ra lệnh cho các tiểu đoàn thuộc trung đoàn sẵn sàng di chuyển theo lệnh. Đồng thời lúc đó, tôi cũng được lệnh sư đoàn phải đem quân ngăn chận trên đường từ Vũng Tàu về Sàigòn, không cho đơn vị Tiểu Đoàn 5 Dù về thủ đô. Tiểu đoàn này do Đại Úy Đỗ Kế Giai làm tiểu đoàn trưởng (sau này ông là thiếu tướng chỉ huy trưởng Biệt Động Quân).
Tôi cho một đơn vị ra chận ở cầu Cỏ May, nhưng phần lớn tiểu đoàn dù vừa di chuyển qua rồi, chỉ còn đại đội chỉ huy và bộ phận hậu cần đang di chuyển. Hai bên bàn với nhau là ngừng lại, ai ở đâu ở đó đợi lệnh, vì cùng là bạn cả.
Tôi ra lệnh cho Tiểu Đoàn 2 đang đóng ở Bình Long, do Đại Úy Bùi Sanh Châu làm tiểu đoàn trưởng, di chuyển ngay về Biên Hòa để gặp tôi ở đó. Ngoài ra, tôi cũng bảo Đại Úy Châu nhờ ông tỉnh trưởng lúc đó là Thiếu Tá Mẫn giúp đỡ, để trưng dụng xe đò nếu thiếu xe. Tiểu Đoàn 3 do Đại Úy Nguyễn Tri Phương làm tiểu đoàn trưởng cùng với tôi và bộ chỉ huy trung đoàn cũng di chuyển ngay về bộ tư lệnh sư đoàn ở Biên Hòa.
Trước khi rời Bà Rịa, tôi gọi dây nói cho Thiếu Tá Nguyễn Minh Khen là tỉnh trưởng rõ tình hình, và cho biết sẽ đem trung đoàn về Sàigòn bảo vệ Tổng Thống. Thật ngạc nhiên khi ông trả lời là sự việc theo đài phát thanh thì đã xong rồi, và mừng là ông cũng quen nhiều với Đại Tá Nguyễn Chánh Thi. Ông khuyên tôi nên ở lại để đợi tình hình ra sao.
Tôi trả lời là sẽ di chuyển trong ít phút nữa. Còn nhớ khi ông về nhận chức tỉnh trưởng, trong buổi tiếp tân ra mắt, ông kể tôi nghe là được Tổng Thống tín nhiệm và quen nhiều người quan trọng.
Khi đoàn xe đến tỉnh lỵ, có xe hiến binh do thượng sĩ trưởng ty ra chận lại. Ông này đến chào tôi, thưa là theo lệnh của thiếu tá tỉnh trưởng, ông phải giữ đơn vị lại, không cho di chuyển.
Tôi cười hỏi ông thượng sĩ này:
– Anh có biết là tôi không thuộc quyền của tỉnh trưởng không?
– Dạ tôi biết. Ông trả lời.
Tôi nói thêm:
– Anh có biết tỉnh trưởng là đại diện cho Tổng Thống ở tỉnh này, và bây giờ, Tổng Thống đang bị bọn phản loạn đảo chánh, tôi đem quân về dẹp loạn mà ông tỉnh trưởng ngăn lại, tức là ông theo phản loạn rồi còn gì. Thế bây giờ anh còn muốn giữ tôi lại hay không? Và anh co đủ sức làm việc này không?
– Dạ em đâu có dám thiếu tá, có điều là theo lệnh thì em phải ra trình với thiếu tá rõ mà thôi.
Nói rồi, ông nghiêm trang chào tôi. Đoàn xe tiếp tục lên đường.
Đi đến Long Thành (quận lỵ), dân chúng đứng nhiều ở hai bên đường nghe tin trung đoàn 12 về dẹp phản loạn thì vỗ tay vui mừng. Khi đến Tam Hiệp, lại bị chặn nữa. Trước tôi, tiểu đoàn dù cũng bị chặn lại bởi tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 11, cùng là một đơn vị của sư đoàn 7 như chúng tôi. Tiểu đoàn trưởng là Đại Úy Hà Văn Tấn đến chào tôi, thưa là có lệnh của sư đoàn ngăn chận tất cả các đơn vị muốn di chuyển qua, để chờ lệnh của tư lệnh sư đoàn.
Tôi đồng ý để đơn vị lại, bảo Đại Úy Tấn để tôi đi đến bộ tư lệnh cùng với mấy sĩ quan tham mưu trước. Đại Úy Tấn trước là sĩ quan ở trung đoàn của tôi mới đổi về đây. Ông cho biết là Đại Úy Đỗ Kế Giai chỉ huy tiểu đoàn 5 Dù cũng để đơn vị lại, chỉ có xe của ông về bộ Tư lệnh sư đoàn trước tôi gần một giờ mà thôi.
Vào đến bộ tư lệnh sư đoàn, tôi gặp Đại Úy Đỗ Kế Giai, hai anh em bắt tay thân mật. Anh Giai kể tôi nghe là theo lệnh của lữ đoàn Dù, anh phải đem tiểu đoàn của anh về Sàigòn. Anh không biết trước vụ đảo chánh xảy ra. Tôi hỏi thêm anh về tình hình, anh nói
Tôi không rõ lắm. Anh cho biết trung tá Tư lệnh sư đoàn đã bảo anh ngừng lại.
Tôi vào gặp tư lệnh sư đoàn, ông mừng lắm, bảo tôi ông chưa rõ tình hình ở Sàigòn ra sao, vì mất liên lạc. Tôi xin về ngay Sàigòn cho kịp thời gian, sẽ trình sư đoàn khi về đến nơi, và đợi chỉ thị của sư đoàn. Ông đồng ý và cho tôi rõ, cầu Bình Lợi đã bị phá bởi công binh nhẩy Dù rồi, nên phải sử dụng xa lộ mới, và sẽ gặp trở ngại ở cầu Xa Lộ phía trên Thủ Đức chưa làm xong. Tôi thưa đến đó, sẽ cố gắng lấy thuyền bè của dân chúng để vượt sông. Thế là trung đoàn của tôi về ngay Sàigòn bằng đường xa lộ, qua Thủ Đức.
Trên đường di chuyển, tôi gặp Đại Tá Chuân, tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh đang ngừng quân ở lối vào trường bộ binh Thủ Đức. Đại Tá gặp tôi cũng mừng lắm, cho biết ông ở đây để đợi quân của ông đang di chuyển từ Bình Dương về. Khi đến cầu xa lộ, tiểu đoàn 2 của tôi cũng theo kịp đến đó. Có cả Thiếu Tá Mẫn là tỉnh trưởng Bình Long, cũng theo về với tiểu đoàn của tôi. Anh em gặp nhau mừng rỡ . Anh hứa là về đến Sàigòn sẽ giúp tôi lo việc liên lạc với phủ Tổng Thống, vì trước đây anh làm việc ở đó.
Cùng lúc ấy, Đại Úy Nguyễn Đức Xích là phó tỉnh trưởng nội an của Gia Định cũng dến gặp tôi, cho biết anh đã phải giả trang là thường dân đi xuồng qua cầu Bình Lợi, chạy về sư đoàn 7, được trung tá tư lệnh cho xe đưa đến chỗ tôi để cùng về Sàigòn.
Đơn vị của tôi tập trung được một số thuyền buôn để vượt sông, nhưng mỗi lần chỉ được một đại đội, và sông quá rộng nên mỗi lần di chuyển phải mất hơn nửa giờ.
Anh Xích và tôi bàn nhau sẽ cho thử hai đại đội qua sông, rồi cứ di chuyển về tòa Tỉnh trưởng Gia Định trước, đợi các đơn vị đến sau. Nhưng khi đang bàn định thì may mắn gặp một đoàn tầu Hải quân ghé vào, giúp chúng tôi vượt sông một cách dễ dàng. Thế là cả đơn vị tôi đến tòa tỉnh trưởng Gia Định khoảng 5 giờ sáng hôm sau, ngày 12-11-60.
Chúng tôi, Thiếu Tá Mẫn, Đại Úy Xích và tôi tìm mọi cách để liên lạc với phủ Tổng Thống mà không được. Tôi dùng điện thoại quân sự để liên lạc với Nha chiến tranh tâm Lý của Trung Tá Nguyễn Văn Châu, gặp ngay một sĩ quan ở đầu dây bên kia. Tôi nói cần gặp Trung Tá Châu gấp, cho biết tôi là trung đoàn trưởng trung đoàn 12 hiện ở tòa tỉnh trưởng Gia Định.
Anh Châu mừng quá:
– Duệ ơi, moa muốn rơi nước mắt nghe tin Duệ về bảo vệ Tổng Thống. Tình hình còn rối ren lắm vì chúng có đài phát thanh, nên dân chúng và quân đội hoang mang vô cùng. Vậy Duệ cố làm sao lấy lại đài phát thanh là chúng sẽ mất tinh thần ngay, và anh em quân đội cũng như dân chúng hết hoang mang.
Tôi hỏi thêm ngoài nhiệm vụ này, anh còn ý kiến gì và việc gì cần làm nữa không? Theo tôi, chỉ cần một tiểu đoàn của tôi đủ sức lấy lại đài phát thanh trong một hay hai giờ là cùng. Tôi đề nghị sẽ cho một tiểu đoàn tái chiếm đài phát thanh và một tiểu đoàn đóng tại sở thú, gần với nha chiến tranh tâm lý, để làm trừ bị và bảo vệ dinh Độc Lập.
Anh Châu reo lên trong điện thoại: Nghe Duệ nói, mình thấy lên tinh thần, vậy Duệ cứ làm ngay đi, mình tin tưởng ở Duệ.
– Vậy anh cứ sắp xếp những công việc phải làm sau khi tái chiếm được đài phát thanh đi.
Trong khi ấy, Đại Úy Xích giúp tôi lo được một số quân xa và mọi thứ xe đủ để di chuyển.
Tôi họp anh em, giao cho tiểu đoàn 2 của Đại Úy Châu tái chiếm đài phát thanh. Tôi lưu ý anh là phải chiếm các cao ốc xung quanh và nếu cần bắn trên nóc nhà đài phát thanh, để cho tụi họ mất tinh thần trước, rồi tấn công sau. Điều cần là phải bảo vệ máy móc trong đài, để có thể sử dụng được ngay sau khi tái chiếm đài. Tôi sẽ đích thân chỉ huy cùng với tiểu đoàn 3 nếu anh gặp khó khăn. Nhưng tôi tin là chỉ một tiểu đoàn là đủ rồi.
Thiếu Tá Mẫn hăng hái nói với tôi xin đi theo tiểu đoàn 2 để tái chiếm đài phát thanh. Tôi trả lời tùy anh, nếu anh thích đi với tiểu đoàn 2 cũng được, nếu không, anh đi cùng với tôi về sở thú vì hai nơi này gần nhau. Anh quyết định đi theo tiểu đoàn 2. Tôi đùa với anh khi nói với Đại Úy Châu:
– Anh lại có thêm một nhiệm vụ nữa là bảo vệ thiếu tá tỉnh trưởng, như khi anh ở Bình Long vậy.
Khi đoàn xe của tiểu đoàn 2 di chuyển, tôi cũng đi ngay. Tôi di chuyển về sở thú qua đường Hồng Thập Tự, mục đích là để đi qua thành Cộng Hòa phía sau. Anh em ở trên lầu trong thành thấy binh sĩ của tôi đi qua vẫy tay chào, anh em cũng vẫy tay chào lại, có vẻ thân mật lắm. Một vài binh sĩ trong đám hộ tống của tôi còn hô: Ngô Tổng Thống muôn năm, anh em trong thành vẫn vẫy tay.
Tôi mừng thầm vì anh em quân đội vẫn còn tình đồng đội. Chỉ có một số cấp cao nhiều tham vọng gây ra cuộc đảo chánh này, chứ anh em ở dưới, đâu có oán hận gì Tổng Thống mà muốn đảo chánh ông? Ngay như việc đơn vị của tôi ra ngăn đơn vị của tiểu đoàn 5 Dù ở cầu Cỏ May cũng vậy, anh em gặp nhau thì chào hỏi và bàn tính với nhau để trình lại cấp trên, chứ có ý định giao tranh với nhau đâu. tiểu đoàn 5 Dù đến Tam Hiệp bị chặn lại bởi tiểu đoàn 1, trung đoàn 11 cũng vậy, hai bên vẫn êm ả thảo luận với nhau và Đại Úy Giai cũng cho tôi biết là đâu có biết cuộc đảo chánh xảy ra mà chỉ về Sàigòn theo lệnh của lữ đoàn mà thôi. Khi ông được Trung Tá Cao, tư lệnh sư đoàn 7 yêu cầu ngừng lại, ông cũng đồng ý.
Sau này tụi tôi mới biết là một số cấp chỉ huy đã lừa anh em, nói là lính lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng Thống làm phản, nên anh em phải tấn công thành để cứu Tổng Thống. Như vậy, đâu phải là cuộc cách mạng như nhiều sách viết sau này, mà là cuộc phản loạn thì đúng hơn.
Khi tôi đến sở thú thì được báo cáo của tiểu đoàn 2 là đã bố trí xong quanh đài phát thanh rồi, và đúng như lệnh của tôi, các cao điểm quanh đài đều được chiếm đóng và sẵn sàng yểm trợ cho đơn vị tấn công vào đài.
Tôi hỏi lại để rõ đơn vị bảo vệ đài độ bao nhiêu.
– Theo tôi ước lượng thì khoảng trên dưới một đại đội mà thôi. Anh Châu báo cáo.
– Như vậy mình chắc chắn sẽ chiếm lại đài một cách dễ dàng vì các cao điểm mình đã giữ được.
– Chắc chắn như vậy đại bàng, tôi sẽ lấy lại đài phát thanh trong vòng một giờ. đại bàng yêm tâm.
– Một điều tôi cần nhắc anh: đơn vị bảo vệ đài không phải là địch mà là bạn. Cái khó là chiếm được đài mà không có thiệt hại nhiều cho đơn vị bảo vệ, và như tôi đã dặn phải giữ cho máy móc không bị hư hại để sử dụng sau khi tái chiếm. Tôi đề nghị anh biểu dương cho họ rõ là mình đông quân và đã chiếm được các cao điểm, chỉ bắn trên nóc nhà cho họ ẩn núp, cho ném mấy trái lựu đạn khói rồi tấn công thẳng vào đài.
– Tôi hiểu ý đại bàng.
– Vậy anh thi hành đi, tôi mở máy thường trực theo dõi.
Tôi theo dõi trên máy truyền tin có khuếch đại, nghe rõ tiếng súng cùng tiếng hò hét, rồi nghe rõ ràng tiếng Thiếu Tá Mẫn hét to:
– Tất cả giơ tay lên và đâu đứng đó.
Thế là đài đã được tái chiếm trong độ 20 phút sau khi tôi nói chuyện với Đại Úy Châu.
Đại Úy Châu hớn hở báo với tôi.
– Trình đại bàng, đài đã được mình lấy lại và không có tổn thất gì, vì đơn vị bảo vệ không chống cự. Xin đại bàng đến đây để nói lời mở đầu.
– Tôi đang bận báo cho Nha chiến tranh tâm lý để họ làm việc; vậy anh nhờ Thiếu Tá Mẫn nói mở đầu để trình Tổng Thống rõ ngay đi, càng sớm càng hay.
– Thiếu Tá Mẫn xen vào và hỏi lại tôi.
– Đại bàng sang đi chứ tôi biết nói gì bây giờ.
– Thời giờ là quan trọng, nếu đợi tôi qua sẽ mất thời gian tính đi. Thiếu tá cứ nói là sư đoàn 7 đã về đến Sàigòn để bảo vệ Tổng Thống và tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ nguyện trung thành với Tổng Thống – và hô Ngô Tổng Thống muôn năm – đại ý như vậy.
Từ khi chiếm lại được đài phát thanh thì tình hình khác hẳn. Tôi được tin sư đoàn 21 ở miền Tây cũng đã về tới. Tôi thấy nhiều xe phát thanh của Nha chiến tranh tâm lý đi kêu gọi anh em phía đảo chánh về lại đơn vị. Đơn vị nhẩy dù chiếm thành Cộng Hòa cũng rút về căn cứ, anh em của tôi đóng tại sở thú vẫy tay với họ, họ cũng vẫy tay lại rất là thân mật.
Tôi luôn báo cáo sự việc về sư đoàn qua máy truyền tin, trung tá Tư lệnh sư đoàn mừng lắm và khen ngợi tôi. Người mừng nhất là Trung Tá Châu, Giám đốc nha chiến tranh tâm lý. Anh ôm lấy tôi:
– Duệ ạ, thật moa không ngờ Duệ lấy lại đài phát thanh nhanh như vậy. Thật là tuyệt vời, moa mừng muốn khóc.
Tôi di chuyển bộ chỉ huy về Nhà thờ Đức Bà. Đơn vị đóng ở sở thú thì gác thành Cộng Hòa, anh em gặp nhau vui vẻ mừng rỡ. trung tá tư lệnh sư đoàn đến gặp, tôi trình là khi đi, đã mang theo hết quân. Trung đoàn tại Phước Tuy chỉ còn mấy anh em tân binh mới tuyển mộ, nên trung úy Chỉ huy hậu cứ trung đoàn lo lắm, xin tôi cho gấp một đơn vị về ngay. Ông đồng ý. Tôi để Đại Úy Vũ Lộ là trung đoàn phó cùng một số đơn vị ở lại, còn tôi và một số thì về ngay chiều hôm đó.
Trước khi về, tôi rủ một số anh em độ hơn chục người ra nhà hàng Givral ở cạnh tòa Đô Chính ăn kem, được đích thân ông chủ là một người Pháp ra mừng, và nhất định không lấy tiền. Ông nói:
– Thật không tưởng tượng được. Tôi ngạc nhiên là binh sĩ cả hai phía đều rất có kỷ luật, không lợi dụng tình hình để phá dân chúng. Chúng tôi cứ nghĩ là hai bên sẽ nổ súng và thiệt hại chứ không êm đẹp như thế này, chúc mừng commendant đã thành công.
Tôi trả lời:
– Chúng tôi đâu có phải là kẻ thù của nhau, vẫn là anh em cả.
Và vẫn trả tiền cho ông, mặc dầu ông không chịu lấy.
Thật vậy, binh sĩ của chúng tôi vẫn tự nấu ăn lấy và đóng nhờ trong thành Cộng Hòa, không ai được ra ngoài để làm mất trật tự. Tôi cũng được nghe tin những người cầm đầu cuộc đảo chính đã trốn sang Cao Miên bằng một máy bay không quân. Tôi ghé lại Nha chiến tranh tâm lý để cho Trung Tá Châu rõ, tối nay tôi không đến ăn cơm với ông được theo lời mời của ông.
Đến Nha chiến tranh tâm lý, tôi gặp Trung Tá Châu đang họp với khoảng gần 20 người để bàn định tổ chức biểu tình và tuyên dương các đơn vị về giải cứu vào ngày mai. Khi tôi bước chân vào, mọi người đều đứng dậy vỗ tay, ai cũng bắt tay tôi ân cần. Tôi thấy có Đại Tá Chuân, tự lệnh sư đoàn 5, Trung Tá Tung, chỉ huy trưởng lực lượng đặc biệt, cha Vàng dòng Chúa Cứu Thế, một vị thượng Tọa và nhiều người nữa mà tôi không nhớ tên. Khi nghe nói tôi cần về ngay để lo cho đơn vị, ai cũng ngăn và nói nên ở lại để dự lễ đón tiếp ngày mai. Tôi thưa là đã để đại úy trung đoàn phó của tôi ở lại với một số đơn vị. Tôi nhớ nhất là Trung Tá Tung, khi bắt tay từ biệt tôi, có nói:
– Anh Duệ về bằng an, khi có biến loạn mới hay lòng trung thành của anh đối với Tổng Thống, tụi mình sẽ gặp lại nhau sau cám ơn anh.
Khi tôi về lại Phước Tuy, có Đại Úy Nguyễn Dương Huy (sau lên trung tá làm tỉnh trưởng Phước Long) trước đây cũng là trung đoàn phó của tôi về cùng. Lúc bấy giờ anh là trưởng phòng 2 của Sư đoàn 22 do Trung Tá Nguyễn Bảo Trị là tư lệnh (sau ông lên trung tướng và cũng ở Orange County. Tôi vẫn gặp ông nhiều lần). Khi cuộc đảo chánh xem như thất bại thì Đại Úy Huy mặc thường phục, đến tìm tôi ở sở thú. Gặp tôi anh em mừng lắm. Anh nói đang đi phép về Sàigòn, nghe tin trung đoàn 12 về đây thì đến thăm tôi. Gặp lại các sĩ quan ở bộ tham mưu của tôi, và cũng là những người đã làm việc với anh trước đây, ai cũng niềm nở chào hỏi, nhưng tôi thấy anh có vẻ gượng gạo, và không được vui lắm. Rồi từ đó anh ở lại với tôi. Khi tôi quyết định về lại Phước Tuy, anh cũng xin đi cùng. Tôi hơn băn khoăn và muốn biết sao lại kỳ vậy, anh về thăm nhà ở Sàigòn mà lại muốn theo tôi đi Bà Rịa. Tôi chợt nhớ lúc đầu gặp lại ở sở thú, thấy anh có vẻ lo lắng.
Tôi mừng rỡ nói:
– Anh về với tôi thì vui quá.
Trên đường về, anh em tâm sự, tôi hỏi:
– Anh về bằng sự vụ lệnh hay giấy phép.
– Tôi về bằng sự vụ lệnh.
– Chắc ông tư lệnh cũng biết anh về chứ.
– Biết vì ông ký sự vụ lệnh mà.
– Chắc lúc xẩy ra cuộc chính biến anh bị kẹt ở tổng tham mưu.
Anh ngần ngừ rồi trả lời:
– Vâng tôi ở phòng 3 với Thiếu Tá Lợi là bạn của tôi (Thiếu Tá Lợi chạy sang Cao Miên với Đại Tá Thi và Trung Tá Đông).
Tôi không muốn đưa anh vào thế kẹt, nhưng biết chắc là anh cũng dính vào cuộc nên không hỏi thêm và chỉ nói.
– Tụi mình lúc nào cũng là bạn, tôi sẽ lo cho anh.
– Cám ơn thiếu tá.
Tối đó anh em bàn luận với nhau về cuộc đảo chánh, tôi đưa ý kiến.
– Cuộc đảo chánh này cầm đầu bởi Đại Tá Thi, một người võ biền không có ý thức gì về chính trị thì dù đảo chánh có thành công, sau này cũng không làm gì cho dân cho nước được – Tôi chỉ thấy có cái lợi điểm là bất ngờ mà thôi – Họ ngụy tạo lý do là lính lữ đoàn phòng vệ làm phản, để lừa anh em nhẩy dù, là họ tự nhận không xứng đáng rồi. Chắc ông Thi muốn bắt chước Đại Úy Không Lee ở Lào chăng?
Sáng hôm sau, tôi bàn với anh Huy là tôi sẽ ký một giấy nhận anh đã giúp tôi khi về đến sở thú để chống đảo chánh. Ngoài ra, tôi cũng hé cho anh biết là tôi thân với Trung Tá Châu và Trung Tá Tung trong quân ủy Cần Lao. Vì tình bạn, tôi sẽ lo cho anh nếu anh gặp điều gì khó khăn. Anh mừng lắm, tự đánh máy giấy chứng nhận, đưa tôi ký. Tôi nghĩ dù sao việc đã xong, nếu tôi muốn tâng công thì anh sẽ bị hại, và chắc chắn ảnh hưởng không hay cho cả tư lệnh của anh nữa, mà Trung Tá Nguyễn Bảo Trị là một vị tư lệnh trẻ và trong sạch, rất có cảm tình với anh em trong quân đội. Các bạn tôi đều khen như vậy. Tôi phải tảng lờ đi như không biết, để giữ trọn tình bạn. Anh em sĩ quan ở trung đoàn tôi ngày ấy rất quý mến nhau.
Tối ngày 13 tháng 11 năm 1960, khi tôi gần ăn cơm tối thì có bác sĩ Nguyễn Đình Luyện là trưởng ty Y tế của tỉnh Phước Tuy đến kiếm, tôi ngạc nhiên không hiểu sao ông đến kiếm tôi vào giờ này.
Ông nghiêm trọng bảo:
– Ông thiếu tá giúp tôi việc này. Tối nay cho tôi ngủ lại đây với ông, tôi sợ bị bắt vì trong danh sách của phía đảo chính về chính phủ tương lai có tên tôi là bộ trưởng y tế, nên gia đình tôi ở Sàigòn cho tôi hay và tôi phải đi trốn sợ họ truy nã thì sẽ bắt tôi.
Bác sĩ Luyện rất thân tình với tôi, ở tỉnh nhỏ tụi tôi đều quen nhau, chúng tôi hay lại nhà ông chánh án Dương Thiệu Sính đánh tổ tôm còm vào cuối tuần. Tôi đồng ý ngay và thu xếp chỗ cho ông ngủ ngay trong trung đoàn.
Tối đó, ông nhờ tôi ngày mai đi gặp trung tá tư lệnh sư đoàn để nhờ ông nói với ông cố vấn Ngô Đình Nhu, là ông tuy ở Đại Việt, nhưng không biết có vụ đảo chính, sợ anh em cứ để tên ông vào vì ông có uy tín trong đảng. Ngoài ra, ông cũng hoạt động cùng ông Nhu trước đây khi Tổng Thống chưa về nước. Tôi cũng nói cho ông yên tâm là tôi quen với bác sĩ Tuyến (người cầm đầu mật vụ lúc bấy giờ). Tôi sẽ gặp ông Tuyến để trình bày cho ông rõ.
Sáng hôm sau, tôi đi ngay về sư đoàn gặp trung tá tư lệnh. Ông bảo tôi là ông sẽ trình với ông cố vấn ngay.
Theo ông biết, Tổng Thống rất buồn sau vụ này và ra lệnh không bắt giữ ai ngoài một số nhỏ người cầm đầu để giữ tình đoàn kết trong quân đội và nhân dân.
Tôi lại về Sàigòn gặp bác sĩ Tuyến, ông cũng nói với tôi về việc Tổng Thống Diệm không cho bắt ai để giữ tình đoàn kết, và ông cũng biết danh sách lập chính phủ là do ông Hoàng Cơ Thụy lập sẵn, chứ họ không hề tiếp xúc với ai cả, để giữ bí mật. Ông cũng cho tôi rõ ông Thụy là bà con của Trung Tá Hồng.
Tôi có đọc được tên các vị bộ trưởng trong danh sách mà lâu ngày tôi quên đi. Tôi chỉ nhớ có tên một người đàn bà là bà Mai Cắm làm đại sứ ở Phi Luật Tân. Tôi hỏi bác sĩ Tuyến bà này là ai, ông cho biết là mẹ vợ Trung Tá Đông và Trung Tá Hồng.
Khi tôi ra về đến cửa, ông gọi lại, nói:
– Duệ bảo bác sĩ Luyện không có gì để lo đâu, nếu được Duệ cứ đưa ông về thăm mình; mình cũng biết ông mà ngoài ra ở đây còn một ông dược sĩ Nguyễn Đình Luyện nữa, nên ông Luyện cứ an tâm.
Tôi về kể cho bác sĩ Luyện nghe, ông mừng lắm. Sau này ông ở trong Thượng hội đồng quốc gia và ông luôn thăm hỏi tôi.
Tóm lại, sau đảo chánh không có gì thay đổi trong quân đội, trừ những người trốn sang Cao Miên và một số người cầm đầu ra mặt bị giữ, còn không ai bị theo dõi hay nghi ngờ gì. Và trái lại, những người có công cũng không được thăng thưởng gì để giữ tình đoàn kết trong quân đội. Tổng Thống đến thăm lữ đoàn nhẩy Dù ngay. Trung Tá Viên là tham mưu trưởng Biệt bộ phủ Tổng Thống, được về thay Đại Tá Thi. Đa số vợ con những người bị bắt hoặc trốn sang Cao Miên cũng không bị làm khó dễ gì. Có nhiều bà vợ sang được Cao Miên sum họp với chồng.
Sau này, tôi được đọc hồi ký của Trung Tá Vương Văn Đông và của Đại Tá Nguyễn Chánh Thi nói về cuộc đảo chính này, làm tôi nhớ lại lời Trung Tá Lê Quang Tung nói với tôi về sự chia rẽ của các ông hồi lưu vong ở Căm Bốt: các vị sĩ quan này khi lưu vong sang Cao Miên cũng bất đồng ý kiến với nhau, tình đồng đội cũng chả còn; đáng nhẽ ra cùng nhau mưu việc lớn mà khi thất bại phải lưu vong thì đùm bọc lấy nhau, đằng này lại thù ghét nhau. Giá như các ông này thành công, chắc lại tranh giành địa vị và đưa đến đổ máu lần nữa.
Có một thiếu tá người Hoa Kỳ làm cố vấn cho tôi; ông này xuất thân từ trường Westpoint và đã học lớp bộ binh cao cấp như tôi, nhưng ông học khóa trước tôi nhiều, ông rất thân với tôi và giúp tôi rất nhiều trong việc huấn luyện và tham mưu. Trước khi lên đường về Sàigòn chống đảo chánh, tôi có rủ ông đi cùng, nhưng ông từ chối, nói không có lệnh của cố vấn sư đoàn nên không đi được; mặc dầu ông rất muốn đi để giúp tôi. Tôi hỏi ông nghĩ sao về cuộc đảo chánh này, ông trả lời ở Hoa Kỳ chả bao giờ có việc này xẩy ra, nên ông không có kinh nghiệm.
Riêng ông, vì tình bạn giữa ông và tôi, nên ông cũng cho biết ý kiến. Theo sự hiểu biết của ông thì Tổng Thống là tổng tư lệnh quân đội, và quân nhân chống lại tổng tư lệnh là không đúng. Quân nhân chỉ có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc và nghe lệnh của Tổng Thống. Quân nhân không thể lãnh đạo đất nước, trừ phi được dân chúng bầu lên, nhưng phải giải ngũ trước khi ứng cử.
Tóm lại, quân đội cứ giữ đúng kỷ luật, và bảo vệ chính quyền hợp hiến, là đúng nhất.

Comments

Popular posts from this blog

Madame Ngô Đình Nhu khuê danh Trần Thị Lệ Xuân-Mời qúy vị đọc để cái gì của Ceasar hảy trả lại cho Ceasar.