Mủ Xanh mùa nước cạn.
Mũ Xanh "mùa nước cạn "
Đã hơn 41 năm trôi qua, nó thật dài khi đếm từng chiến trận. Điểm danh từng người đã mất hay ngồi đếm lại, ai sống, ai còn. Ai đi Mỹ, ai ở lại dãi nắng dầm mưa, tìm bát cơm đầy. Ai đau nhức từng đêm khi mưa về gió lạnh, vết thương đau nhức. Những người lính Mũ Xanh trôi dạt khắp 5 Châu, vẫn còn gọi tên nhau, vẫn còn tình chiến hữu, dù rằng bây giờ chẳng còn gì nữa. Quê hương ơi, vạn dặm xa xôi. Máu đã đổ, xương đã phơi. Cái gì mất cũng đã mất. Nhưng không ai lấy đi được tình "đồng đội" của những người đã một thời máu lửa. Cái tình đồng đội được xem như "trái Tim bất diệt " Không ngọn lửa nào có thể đốt cháy nó. Những người Lính Mũ Xanh dù ở đâu, phương trời nào "vẫn có nhau ". Họ yêu nhau vì máu áo, vì cái nón Xanh trên đầu. Với họ, những lúc cuối đời vẫn canh cánh trong lòng. Như quê hương ngày nào, luôn có hai mùa nước. Nhưng với người Lính Mũ Xanh bây giờ, đã vào " mùa nước cạn " không thể có cơ hội nhìn thấy con nước lên. Con người mà, không ai có thể thoát cái vòng sinh, tử.
Tôi được đội cái nón Xanh không lâu, chỉ qua được một mùa nước lên ở Kiên Long, Kiên Hưng của Tỉnh Chương thiện cuối 1969. Vào Dầm dơi, Cà Mau cho biết thế nào là lễ độ. Rồi xuôi dòng nước Cửu Long đến NeakLuong, Cam Bốt 1970. Lên C130 đến Quảng Trị vào Ba Lòng dầm mưa, chịu rét. Để rồi sang Lào tử chiến Lam sơn 719, năm 1971. Những tháng ngày ngắn ngủi đó, chỉ đủ cho tôi hiểu cái gian khổ của người Lính Mũ Xanh, đeo trên vai áo con Quái Điểu thề giết quân thù. Bấy nhiêu thời gian cũng đã thấm thật sâu vào đáy lòng thế nào là tình quân ngũ. Nước non ngàn dặm....Phải ra đi. Lòng đau như cắt. Công An đuổi bắt khắp Sài Gòn, đêm tân hôn, ra gầm cầu Sài Gòn ngủ bụi, chờ ngày vượt biên. Với Cộng Sản, con người như tôi bằng mọi giá họ không chứa. Từ tội Phục Quốc phản động Vinh Sơn, cho đến tội " phá hoại kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa ". Tôi đành phải lên tàu vượt biên rời xa cái mảnh đất, cái ngôn ngữ mà tôi yêu quí từ ngày ra đời. Chúa có nghe, Phật có thấu.....Những con người Cộng Sản đó đã và đang tàn phá quê hương tôi.
41 năm qua, dù có phải bận rộn như thế nào. Sống cuộc sống ra sao. Tôi vẫn dành chút thời gian để nghĩ về đồng đội cũ. Tưởng rằng chỉ có mình là " còn chút tình với cố nhân ". Nhưng không....Còn nhiều và nhiều lắm. Những người Lính Mũ Xanh nay vào tuổi " cỡi hạc chân mây " vẫn tha thiết, vẫn chân tình với đồng đội xưa. Nhiều Mũ Xanh đã về hưu, đồng tiền có hạn. Cuộc sống theo vật giá mỗi ngày thêm đắt đỏ. Xén ra tí tiền để giúp đồng đội cũng không phải là một chuyện dễ dàng. Nhưng ....Đêm về, " gác chân lên trán " . Không làm . Không giúp, chịu không được. Bèn " thế cùng, tắc biến ". Một cái nghề " chân trái, chân phải " được nẩy sinh. Không xâm phạm đến ngân sách gia đình. Các bà cười tình, các ông chịu khổ. Nhưng tất cả cùng lao đầu vào cuộc. Một chủ đề duy nhất. Thương Phế Binh còn ở lại.
Cầm bảng gác đường, dắt học sinh
Nhặt lon, nhặc rác tỏ chút tình
Cắt cỏ làm thêm ngày xứ lạnh
Gởi gấm chút tình đến "mũ xanh ".
Tôi vẫn luôn quan tâm và nhớ đến các đồng đội của mình. Các anh còn sống chẳng mấy người. Người bị thương, tàn phế thì vẫn luôn liên lạc. Các cấp chỉ huy cũ thì tuy rằng ngày xưa thì xanh, bây giờ thì bạc hết cả rồi. Các anh vẫn lầm lũi sống và làm việc, khi không còn một sự lựa chọn nào khác nữa. Tuy rằng " có ăn, có học " đầy đủ. Nhưng sang đến Mỹ thì " nửa người, nửa ngượm, nửa đười ươi ". Tuổi đã lớn học gì nữa. Mà có muốn học, thì ai nuôi Vợ, nuôi Con cho mà học. Nghề gì cũng làm, ai mướn cũng làm. Bằng đôi tay và sức tàn còn lại sau bao nhiêu năm tù " trừng giới " của Cộng Sản. Chẳng ai than, chẳng ai khóc. Mỗi khi gặp lại đồng đội. Nghe ai có cái nghề chuyên môn kha khá đều mừng cho nhau. Ăn bát Phở suy nghĩ dăm ba bận mới dám bước vào nhà hàng. Nhưng nghe nói đóng góp cho ai bệnh nặng vào "mùa nước cạn" thì tất cả đều hăng hái. Cái tình, cái cảnh này nó đeo đuổi tất cả người Lính Mũ Xanh mấy chục năm qua. Xin kể ra vài thí dụ dưới đây mà tôi biết được với những Mũ Xanh nặng lòng với đồng đội cũ.
Mũ Xanh Bồng Sơn:
Người Đại Đội Trưởng của tôi từ năm 1970. Đám lính cà chớn chúng tôi, không thằng nào mà không bị ông phạt. Chúng tôi gọi ông là ông " 5 nhẩy xổm ". Ông rất là enjoy phạt lính của ông bằng hình phạt nhẹ nhất này. Ở Hạ Lào 719. Toán tiền đồn, ca gác chót thấy có bóng người liền nổ súng. Ông xồng xộc chạy ra tuyến đầu hỏi :
- Có thấy gì không mà bắn. Ông nào bắn?
Anh binh II đáp
- Dạ em không thấy người, chỉ thấy bóng.
Ông lập tức ra lệnh.
- Cả tiểu đội 5 cái nhẩy xổm.
Thi hành lệnh mới đến cái nhẩy xổm thứ 3 thì pháo địch bắt đầu vang. Ông bí danh "5 nhẩy xổm" là vậy. Nhưng chắc chắn, ông không biết có một cái tên đẹp và hấp dẫn đến thế. Ấy vậy, mà ông thương lính vô cùng, tuy bề ngoài lúc nào cũng "lạnh như tiền". Nhưng Tim ông thì "nóng như lửa". Ai cũng biết rằng hoàn cảnh ông lúc bấy giờ là "trên ghét, dưới thương". Ông đi Cộng Sản tù thoải mái lắm. "Bác và Đảng thương " nên 10 năm mới về. Đem lên bàn cân chắc chỉ khoảng 40 kg. Vào cái thời bao cấp, ai nuôi thân nấy. Nên ông hành nghề phế liệu, mua hàng phế thải cho một trạm thu mua của người cháu gọi ông bằng cậu. Ông "nằm gai, nếm mật" qua ngày. Người Vợ đầu tay của ông tham gia phục quốc, hết đường trốn chạy, nên cũng như tôi, vượt biên. Chị không may mắn, nên chết như hơn 500,000 người vượt biên khác.Chị bỏ xác Biển Đông.
Ông lại " vô gia đình, không Tổ quốc ". Sống đời "phế thải" chờ thời, qua ải. Thời gian sau, khi mới lập lại gia đình, ông vượt biên tiếp. Lần này, xử tù 3 năm. Được hơn năm thì được thả, vì chương trình HO cho định cư đã bắt đầu.
Giữa cái thời buổi Búa Liềm dậy sóng. Ông vẫn còn hành tẩu giang hồ tìm ta ra được người bạn đời ngày nay. Dân Mũ Xanh có khác. Võ công đánh trận thì lộ cho người khác thấy. Còn võ công "lập gia" thì ông dấu rất kỹ. Nhiều đồng môn Võ Bị của ông phát ghen khi biết ông có lắm tài. Chỗ nào có Mũ Xanh, thì chỗ đó có Bồng Sơn. Tiền thì chỉ vài đồng, ông vẫn hành tẩu giang hồ đi gặp đồng đội khắp Hoa Kỳ. Gần đây, dù đã về hưu. Ông vẫn thiết tha với các đồng đội Thương Phế Binh hiện đang nghèo khó, bệnh hoạn ở trong nước. Nên đã được "Tư Lệnh Nhà" cho phép cầm bảng STOP ra đứng đường mỗi ngày, để dắt các học sinh đi học.
Tiền kiếm được này, ông dùng giúp cho các Mũ Xanh thương phế binh ở trong nước đang cần. Tuổi đã ngoài " thất thập ". Hơi sức còn bao nhiêu nữa. Mắt mới mổ, lái xe đi đâu " bị Bà cấm" . Thời tiết miền Đông Bắc thất thường, nóng thì cháy da, lạnh thì đông đá, tuyết phủ thì ngập đầu. Cầm cái bảng STOP dơ cao, tuy dễ mà cũng khó làm. Thương đồng đội, ông chẳng dám than. Tình Huynh đệ chi binh đang được ông thể hiện.
Mũ Xanh Cam Ranh
Người mà một thời hét ra lửa, cả mấy trăm quân nghe răm rắp. Bây giờ " đang trả nợ đời". Ông Niên Trưởng này đang bị các Mũ Xanh khác " bề hội đồng ". Ngày xưa khi đang quyền, ông bảo "thằng bé", thì thằng bé nghe ngay. Không một lời dám cãi. Nay, tuy làm đến chức Tổng Hội Trưởng. Thế mà, khi ông bảo các "thằng bé hơn" . Chúng nó chẳng nghe. Cả đám ì ra, rồi nhe răng " cười tình ". Mấy thằng bé nói "Niên Trưởng làm hay quá, làm tiếp đi ". Ông cũng hận lắm, nhưng chẳng biết làm sao. Vừa làm, vừa chửi lén....Chứ không dám chửi công khai. Tất cả chỉ vì cái tình đồng đội, " tình Mũ Xanh " một thời máu lửa của ông. Làm quan càng to, ai cũng tưởng là ngon. Ai vào làm thử sẽ biết, nó khổ đến cỡ nào. Nhất là làm quan ở Mỹ. Có tiếng, mà không có quyền. Tiền thì cứ lai rai chui ra khỏi túi, vì có những chi phí không tên, đòi ai, đòi cái cột đèn hả.
Ông có cái phước làm người, làm Cha, làm Chồng. Bà nhà nho nhã, hiền lành. Chồng " làm việc nước, việc nhà thì....quên " Bà cũng cười. Làm thê tử của chiến binh Mũ Xanh là thế. Bằng không, nếu không chia sẻ cho nhau. Thì làm sao sống với nhau đến lúc bạc đầu như thế này. Bà cũng hãnh diện ghê lắm. Người đào hoa như ông, đi đến đâu cũng có thể "lập căn cứ hỏa lực đến đó ". Mà Bà cũng bản lãnh khiến ông " hồi đầu là ngạn ". Cái thuở vàng son, khi đóng quân ở đâu, khi có điều kiện là ông sẵn sàng đi " đuổi Hoa, bắt Bướm ". Bao nhiêu ông thân bại, danh liệt . Cam Ranh thì không. Vẫn hiên ngang giữa chợ đời, bây giờ những kỷ niệm ấy. Tối ngủ, mong ông khi nằm chiêm bao, nhớ về ngày cũ, đừng gọi tên ai đó, mà phải ngủ salon. Ông cũng có cái may, con cái nên người. Nên bây giờ, cứ yên tâm mà làm THT . Gia đình hạnh phúc. Đời người, chúng ta chỉ mong có thế.
Đến Hoa Kỳ, cũng như bao Mũ Xanh khác, Ông kiếm một nghề nuôi thân. Không biết sao, ông lại chọn nghề phụ giáo ( tutor ). Cho một trường Trung Học Hoover ở Des Moines suốt 15 năm trời. Ngoài ra, lúc rảnh rỗi, ông đi học thêm lấy bằng xây cất kiếm thêm bạc cắc. . Thật là " khẩu phục, tâm cũng phục ". Từ cầm súng sang cầm Búa, không phải ai trong chúng ta, người nào cũng làm được. Đòi hỏi, luật lệ, ngôn ngữ khá nhiều, nhất là các tiểu bang miền Đông Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp, có license hành nghề. Kiếm tiền lai rai. Đây cũng là nguyên nhân khi ông làm THT, tiền cứ vào, con số trong băng, mỗi tháng mỗi tăng. Có lẽ không có một Quân, binh chủng nào đang dồi dào tài chính như Hội Mũ Xanh nhà ta. Cam Ranh, cũng như bao chiến binh khác. Có bát cơm đầy, thì luôn nhớ đến những "thằng em, đang không có cháo ". Ông bàn thảo với Bà rồi quyết định. Tuy đã nghỉ hưu. Tuổi đời lớn dần, sức khỏe tụt dốc. Nhưng ....vẫn sắm đồ nghề cắt cỏ cuối tuần. Vừa tập thể thao, giữ gìn sức khỏe. Kiếm được đô la nào thì tặng cho các thương phế binh Mũ Xanh đô la đấy. Chúng ta cứ nghĩ mà xem, miền Đông thành phố Des Moines bang Iowa thời tiết khắc nghiệt cỡ nào. Thương cho NT Cam Ranh " đã già, mà còn đi mót lúa ". Mong ông chân cứng, nhưng đá sẽ chẳng mềm.
Mũ Xanh Phúc Yên
Có lẽ trong binh chủng Mũ Xanh, ít có vị chỉ huy nào " gan trời " bằng ông. Khi thấy đúng là làm. Ngay cả biết rằng làm là trái lệnh thượng cấp. Cai lon đeo trên cổ, vất vả, máu xương mà có. Nhưng .....Ông sẵn sàng đối diện, ngay cả phải đi tù. Khi ông thấy rằng cần thiết để bảo vệ sinh mạng cho thuộc cấp của mình. Tháng 3-1975. Pháo đội lâm vào hoàn cảnh bị " bỏ rơi, bơ vơ giữa chiến trận ". Không người chỉ huy, trong một hoàn cảnh " ai lo thân nấy " Ông cùng pháo đội của mình, " kéo pháo 105 ly, chạy tới chạy lui ". Ai đã từng cầm súng thì hiểu. Cây súng M-16 kéo, đeo hay vác cả ngày cũng nhiều khi không biết nó dính trên người hay không, vì quá kiệt sức. Chứ đừng nói gì phải lôi thôi với mấy con Gà Cồ. Mà không phải 1 con, mà đến tận 6 con. Cấp chỉ huy chí tình với binh sĩ, đương đầu với địch đã đành, nay còn phải chờ ngày ra Tòa Án Mặt Trận, nếu cấp trên muốn. Đời lính như ông, tháng 3 năm ấy. Phải nói là " Ngàn năm vẫn nhớ ".
Là một pháo thủ TQLC. Ông đã đã từng làm rạng danh đơn vị nói riêng và quân lực VNCH nói chung. Khi ông tham dự khóa học Pháo Binh ở Hoa kỳ với nhiều quân nhân đến từ các quốc gia như : Đại Hàn, Libya, Venezuala, Iran, Irag, Turkey, Thailand, Indonesia và Việt Nam. Khi thực tập bắn súng đại bác 106 ly, Phúc Yên là người duy nhất bắn trúng mục tiêu. Các sĩ quan theo học của các nước đã kông kênh Phúc Yên lên người, chạy quanh rồi xoa đầu ông. Chuyện xoa đầu đã làm ông nổi giận, vì người Việt không thích,là phạm thượng, mà người ngoại quốc xem đây đây là chuyện khen thưởng, thán phục. Ông cũng là một cao thủ mê rượu và uống rượu. Khi đã xỉn, thì Lạng sơn có ở trước mặt cũng là chuyện nhỏ, chẳng có gì phải quan tâm.
Ta say, "gà cồ gáy" càng hay
Nhâm nhi vài giọt bắn sướng tay
Pháo đội xong chưa... chờ lệnh bắn
Hớp nữa rồi xem xác địch bay.
Đến Mỹ, phận đời may rủi. Ông thơ thẩn thế nào mà lại đắt "pháo đội" của mình đến xứ "đường xa ướt mưa". Đồng đội của ông ai cũng mê cái món Gà xé nhỏ, trộn rau răm của ông, nó ngon hết biết mỗi khi làm một hớp rượu Remy Martin. Đời ông dính liền với chữ Gà. Bây giờ là Gà đi bộ, còn ngày xưa thì ôm chặt mấy con "Gà Cồ". Cũng may cho ông, Gà đi bộ người Việt mua dễ dàng. Chứ cái thời 1983 của tôi. Ăn Gà Mỹ nó "nhạt như nước Ốc". Thèm phải lặn lội từ Quận Cam lên tận Los Angeles mới có. Vì vậy, mỗi chuyến đi mua cả chục con, mang về ăn đến nỗi, khi cất tiếng hát, nó vang thật xa như Gà gáy canh 5. Bây giờ, người Việt ở bang nào cũng có Gà đi bộ. Đến giờ phút này, gà Mỹ vẫn bị kỳ thị với nhóm người Việt một thời chinh chiến. Theo thời gian, Phúc Yên, chân đã yếu, tay đã mỏi, tuổi già rồi ai cũng thế. Nhưng tấm lòng đơn vị vẫn y như thuở nào, ông vẫn thổn thức khi những binh sĩ dưới quyền chưa đặt chân đến bến bờ tự do, ông vẫn điểm danh từng người khi trí nhớ còn cho phép. Là người từng đầu sóng ngọn gió, tuy rằng giờ đây "pháo đội của riêng ông " đã an toàn. Con cháu thành đạt, nhưng ông vẫn thương cho những người lính trận. Những chiến binh đã mất đi một phần thân thể. Ông tự nguyện đóng góp từ số tiền già nhỏ nhoi của mình. Không còn ai ra lệnh cho ông. Trái Tim của ông nó ra lệnh cho ông như thế.
Hiệu Thính Viên ANPRC25/ĐĐ1 Quái Điểu Binh Nhất Trà văn Sáu.
ReplyDeleteDư âm của trận đổ bộ vào Triệu Phong-Quảng Trị
https://caybut2.blogspot.com/2017/01/du-am-cua-tran-o-bo-vao-trieu-phong_3.html