Câu chuyện lịch sử - Bà Ngô Đình Nhu
Tên thật của bà là Trần Lệ Xuân. Không biết cái tên có vận vào người không, nhưng hình như có quá nhiều nước mắt đã từng chảy ra trong cuộc đời của bà Trần Lệ Xuân và của cô con gái là Ngô Đình Lệ Thủy.
Dù không phải là vợ của một vị nguyên thủ quốc gia, nhưng người ta vẫn gọi bà là “Đệ Nhất Phu Nhân”, vì tổng thống Ngô Đình Diệm không có vợ, nên bà được phong cái tước vị Đệ Nhất Phu Nhân, để thay mặt T.T. Diệm đón tiếp các vị Đệ Nhất Phu Nhân của các quốc gia khác theo đúng các nghi thức ngoại giao quốc tế. Bà là vợ của ông Ngô Đình Nhu, bào đệ của T.T. Diệm. Ông Ngô Đình Nhu là cố vấn chính trị của T.T. Diệm, một nhân vật quyền lực thứ hai của Việt Nam.
Bà Ngô Đình Nhu là một phụ nữ nổi nhất đương thời. Trong thế kỷ 20, ở Việt Nam không có người đàn bà nào hoạt động chính trị mà lại có uy tín và được nhiều người biết tới cho bằng bà Ngô Đình Nhu. Bà làm chính trị, làm dân biểu, làm công việc xã hội, nên gọi bà là Đệ Nhất Phu Nhân cũng rất xứng đáng. Bọn tướng lãnh gia nô rất sợ bóng vía bà, vì bà có cái oai của bà, bà dám nói thẳng, dám lên tiếng chỉ trích và chửi mắng những kẻ mà bà cho là phản nước, phản dân. Bà có cái khí phách, cái can đảm đương đầu với mọi nghịch cảnh bất cứ từ đâu tới. Bà phát minh ra kiểu áo dài hở cổ và mốt chơi vòng đeo tay bằng ngọc thạch, chứ không mang nữ trang bằng kim cương hay bằng vàng. Bà thường mặc áo dài màu trắng hay màu hồng nhạt. Không thấy bà mặc đồ đầm, sơ mi, quần tây, dù là thấy ảnh. Những năm 1960, áo dài bà Nhu là chiếc áo dài văn minh nhất Sài Gòn. Phụ nữ chê bai tư cách của bà trong chiếc áo dài hở cổ, nhưng không ai bảo ai, từ giới nữ sinh, sinh viên cho đến các mệnh phụ phu nhân đều ăn mặc theo kiểu áo dài đó.
Sau khi biết thủ đọan của Hoa Kỳ âm mưu lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, bà đã đơn phương độc mã cùng con gái qua Mỹ, diễn thuyết, họp báo để tố cáo với thế giới ý đồ giết chết anh em ông Diệm hầu dễ bề mang quân Mỹ vô Việt Nam và nắm quyền chỉ huy quân đội. Bà thừa biết rằng chống Mỹ ngay trên đất Mỹ thì tính mạng của bà coi như được treo bằng sợi chỉ mành. Coi như liều mạng để cứu nước. Nhưng sứ mạng của bà đã không thành.
Trong lúc bà và con gái đang còn ở Hoa Kỳ, bà được hung tin là chồng và anh chồng đã bị tàn sát một cách tàn nhẫn bởi lũ tướng lãnh tay sai ngu dốt. Và bà đã ra đi mà không bao giờ được về để thắp lên một nén nhang trên những nấm mồ của hai người thân yêu nhất của đời bà. Vẫn biết đời là đau khổ và đau khổ như bà Ngô Đình Nhu đến thế là cùng.
Chiến dịch bôi bẩn bà Ngô Đình Nhu
Điều ghê tởm nhất là người ta đã bịa đặt ra những chuyện vô cùng bẩn thỉu và hạ cấp để bôi nhọ bà. Người ta bảo bà đã từng “ngủ” với tướng Hinh, đã nói chuyện với nhau trên giường ngủ. Thử hỏi: lúc đó, người ta rúc ở chỗ nào mà nghe lén vanh vách như vậy? Bộ nằm ở gầm giường ư? Trong khi đó, tướng Nguyễn Khánh đã nói nguyên cái chuyện được nắm tay bà Nhu đã là một chuyện vô cùng khó khăn.
Lại có những kẻ vô lương tâm lấy hình một cô gái khỏa thân, cắt đầu đi, sau đó kiếm một tấm hình bà Nhu ghép đầu bà Nhu vào hình khỏa thân, rồi in ra cả nghìn tấm, tung ra để bôi bẩn bà. Sau đó họ còn bịa chuyện bà Nhu bắt các bà trong hội Liên Đới Phụ Nữ phải chụp hình khỏa thân để bà Nhu giữ làm hồ sơ.
Và để đối phó với tất cả những điều bôi bẩn này, bà Nhu hòan tòan im lặng, theo đúng cái chủ trương của bậc quân tử: im lặng là khinh bỉ.
Tư cách bà Ngô Đình Nhu
Bà Nhu không những vừa xinh, vừa trẻ đẹp, mà còn giữ gìn gia phong nề nếp. Khi theo cha Phước đến thăm ông Nhu cùng vài người khác ngồi ở phòng khách, tôi thấy bà Nhu không dám ngồi mà chỉ đứng chắp tay vào nhau để trước bụng trong lúc chủ khách đàm đạo. Đó là cử chỉ của những gia đình có lễ giáo nghiêm ngặt. Tôi không nói thêm cho bà cũng không nói bớt. Cung cách ấy, cử chỉ như thế, lễ giáo như thế, làm sao tôi có thể nghĩ xấu cho người phụ nữ này?
Cụ Đòan Thêm, một nhân vật rất thân cận với gia đình họ Ngô đã viết về bà Nhu như sau: Ông cho biết, ông đã làm sĩ quan tùy viên cho ông Cụ, kế cận ông Cụ ngày đêm. Trong 6 năm đó, ông chỉ gặp bà Nhu trên dưới 10 lần, vì hai ông bà o khu bên kia dinh tổng thống, ít có tiếp xúc qua lại. Ông nói bà Nhu là người có phong cách, lịch sự và đàng hòang. Đối với T.T. Diệm, bà không có thái độ lấn quyền hoặc ra vào văn phòng ông Diệm lúc nào thì vào như lời người ta đồn đãi. Khi ăn thì chỉ có các ông Diệm, ông Nhu, Đức Giám Mục Thục mới ăn ở nhà trên, còn bà thì không.
Trần cao Lĩnh sinh nam 1925
Ông Trần Cao Lĩnh, một nhiếp ảnh gia đã được chọn để chụp hình cho gia đình cố T.T. Diệm trong các buổi lễ chính thức, đã kể lại như sau: Ông nhận xét bà Nhu là loại phụ nữ có ăn học, có giáo dục, mà còn có phong cách quý phái, chừng mực lễ độ trong cư xử. Bà không phải là người bờm xớp, cớt nhã, dâm đãng, mất nết như những lời bịa đặt của dư luận ác ý. Bà chẳng những nể nang, khép nép khi giáp mặt với T.T. Diệm, mà còn với Đức Giám Mục Thục và chồng của mình là ông Ngô Đình Nhu.
Nhưng bao nhiêu người có cơ hội tiếp xúc với bà Nhu, hiểu bà Nhu như ông Lĩnh, cụ Đòan Thêm, để rồi kính trọng nhân cách của bà?
Hãy nhìn lại kể từ tháng 11-1963 đến nay bà Nhu đã làm gì? Đã nói gì? Đã viết gì? Và đã sống như thế nào?
Cụ Cao Xuân Vỹ
Kể từ sau tháng 11-1963, bà rút lui vào bóng tối. Không nói. Cắt đứt mọi liên lạc với mọi người ngay cả những người trước nay từng là những người cộng tác với ông Diệm và Nhu. Một vài người như các ông Cao Xuân Vỹ, Lê Châu Lộc đã có dịp gặp bà đều nhận thấy bà sống một cuộc đời ẩn dật, sống chết với quá khứ đó. Kể như bà đã chết cùng với chồng và anh. Sự im lặng của bà mang nhiều ý nghĩa: đắng cay và tủi hận. Không những vậy, bà lại phải chịu đau khổ thêm một lần nữa khi bà mất đi cô con gái yêu quí Ngô Đình Lệ Thủy qua một tai nạn xe hơi ở Pháp. Ai hiểu được tâm trạng và nỗi buồn, nỗi đau của bà gần 50 năm nay?
Và trong thời gian đó, bà đã sống đúng nhân cách một người phụ nữ và tư cách của một “Đệ Nhất Phu Nhân”. Bà sống ẩn dật một thời gian ở Ý, rồi với số tiền do một nhà hảo tâm tặng, bà đã sang Pháp mua hai căn hộ nhỏ, một để ở, một để cho thuê lấy tiền tiêu xài. Ngày ngày bà đi bộ đi lễ nhà thờ, sau đó ở lại nhà thờ phụ giúp dọn dẹp lau chùi, lấy kinh nguyện làm lẽ sống. Bà sống như một người tu hành, nằm đất, ăn kiêng, không sa hoa, không ăn diện xe xua. Niềm vui của bà là nhìn những đứa con lớn lên thành đạt, có cháu nội ngoại, và được thấy chúng giữ đạo, đi lễ hằng ngày.
Những năm tháng ấy đã tẩy rửa những điều hàm oan về tiền bạc, con người của bà. Những ai đã từng kết án bà thì hãy nhớ rằng nếu bà là loại người tham tiền cố vị, không tư cách hay tệ hơn nữa là trăng hoa, mất nết … thì chúng ta đã thấy một bà Nhu sống buông thả, xa hoa, quen biết lung tung sau 11-1963. Nhưng không, chúng ta thấy một bà Nhu chui vào bóng tối, sống đơn sơ, giản dị, ở vậy thờ chồng, khi bà còn ở tuổi thanh xuân, còn xinh đẹp. Chỉ cần nhìn lại những tháng ngày sau 1963, tôi nghĩ thật mấy ai đã làm được như bà? Một con người như thế, tài ba, xinh đẹp, giỏi giang, quý phái, lịch sự, và phải chịu bao điều đắng cay, sỉ nhục, bao điều tệ bạc, phản trắc về thế thái nhân tình, mà vẫn có thể giữ được nhân cách và chọn lối sống ấy không phải là dễ, không phải ai cũng làm được. Ngay những kẻ thù oán chuyên đặt điều nói xấu bà cũng không có được bằng cớ nhỏ nhoi gì để bôi nhọ bà.
Ai nghĩ xấu thì đó là việc của họ. Còn tôi thì không. Ai ghét thì cứ việc. Còn tôi thì không. Nói xấu một người thì dễ. Kính trọng được một người thì mới là điều khó.
Bà Nhu đã chết, nhưng thật ra thì bà đã chết hai lần: từ ngày ấy, khi bà chết cho ông Nhu và nền đệ nhất cộng hòa, và bây giờ, bà đã chết cho chính bà, cho cuộc sống hiện nay.
Nghĩ đến hai người phụ nữ danh tiếng tài sắc trong lịch sử Việt Nam cận đại là Nam Phương Hòang Hậu và bà Ngô Đình Nhu, tôi không khỏi có chút so sánh và ngậm ngùi, thương tiếc cho hai người phụ nữ tài sắc ấy mà số phận dành cho họ thật là đáng thương.
Xin ơn trên phù hộ cho linh hồn bà Nhu sớm được về nước Chúa để được xum họp với chồng, con, anh và những người thân yêu của bà.
GS Trần Thừa Dụ
Houston, Texas

Comments

Popular posts from this blog

Madame Ngô Đình Nhu khuê danh Trần Thị Lệ Xuân-Mời qúy vị đọc để cái gì của Ceasar hảy trả lại cho Ceasar.